Tin tức  Tin tức chung 03:49:07 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Biên soạn Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam – Một số kinh nghiệm từ Trung Quốc
Từ ngày 24 đến 28/11/2019, Đoàn công tác ĐHQGHN do Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ nhiệm Nhiệm vụ Quốc chí dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Sở biên soạn Sử, Chí tỉnh Hà Nam, Trường Đại học Trịnh Châu và Trung tâm nghiên cứu văn minh chữ Hán của Đại học Trịnh Châu Trung Quốc về vấn đề trao đổi kinh nghiệm xây dựng “Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”.

Tham gia cùng đoàn công tác có đại diện Ban Chủ nhiệm Nhiệm vụ, Bộ KHCN và Văn phòng, Ban Thư ký Nhiệm vụ Quốc chí, ĐHQGHN.

Là một vùng đất cổ, Hà Nam là tỉnh có truyền thống biên soạn địa chí lâu đời của Trung Quốc. Nằm trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đại học Trịnh Châu là một trường đại học công lập đa ngành, có số lượng sinh viên lớn nhất Trung Quốc. Trung tâm nghiên cứu văn minh chữ Hán, trước đây thuộc Đại học Trịnh Châu và vừa được nâng cấp thành Trung tâm nghiên cứu thuộc Chính phủ.

Trong 5 ngày làm việc, đoàn đã trao đổi với các đồng nghiệp về kinh nghiệm biên soạn cựu chí (địa chí cổ) của hai nước, đồng thời nghe các đồng nghiệp trao đổi về kinh nghiệm biên soạn tân chí (địa chí mới) của Trung Quốc.

Các chuyên gia và các nhà quản lý Sở biên soạn Sử, Chí tỉnh Hà Nam cho biết: trong 50 năm trở lại đây, Hà Nam đã biên soạn hai bộ tân chí (địa chí mới) bằng cách cập nhật tư liệu hàng năm kết hợp với việc kế thừa các ghi chép từ các bộ cựu chí (địa chí cổ). Thời gian để biên soạn một bộ địa chí cập nhật là 20 năm. Hiện nay, Hà Nam đang sưu tầm tư liệu để phục vụ việc biên soạn bộ tân chí của tỉnh lần thứ ba. Do chưa tổ chức biên soạn quốc chí như các thời kỳ lịch sử trước đây, hiện Trung Quốc chỉ biên soạn địa phương chí, trong các địa phương, Hà Nam được đánh giá là tỉnh dẫn đầu về kinh nghiệm biên soạn địa chí.

Từ kết quả trao đổi với các chuyên gia biên soạn và các nhà quản lý việc biên soạn địa chí ở tỉnh Hà Nam, đoàn công tác của Nhiệm vụ Quốc chí đã nhận được những thông tin quý báu cũng như những kinh nghiệm quan trọng trong quản lý, sưu tầm, thu thập và xử lý tư liệu trong quá trình biên soạn tân Địa chí của Sở địa chí tỉnh Hà Nam nói riêng và Trung Quốc nói chung. Việc Trung Quốc thành lập Ban chỉ đạo biên soạn địa chí Quốc gia, thành lập Sở biên soạn địa chí của các tỉnh thành trong cả nước; chủ trương thống nhất về việc cập nhật tư liệu địa chí hàng năm với sự tham gia của các Sở, Ban, Ngành từ Trung ương xuống địa phương (tỉnh, huyện, xã, thôn) để xây dựng cơ sở dữ liệu địa chí; kinh nghiệm về thu thập và thẩm định tư liệu cho việc biên soạn địa chí; việc tổ chức biên soạn địa chí cấp tỉnh 20 năm một lần; việc xác định giá trị “tồn sử”, “giáo hóa”, “hoạch định chính sách” của địa chí...là những bài học kinh nghiệm có giá trị của các đồng nghiệp Trung Quốc đối với việc biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam hiện nay.

Sau thời gian làm việc, các chuyên gia biên soạn và các nhà quản lý việc biên soạn địa chí của Sở biên soạn địa chí tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đề xuất ĐHQGHN thường xuyên hợp tác để trao đổi kinh nghiệm biên soạn địa chí với các cơ quan chịu trách nhiệm biên soạn địa chí ở, tỉnh Hà Nam nói riêng Trung Quốc nói chung.

Đại học Trịnh Châu nằm trong danh sách các trường đại học trọng điểm của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, trường có sự phát triển nhanh về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Đại học Trịnh Châu có 47 trường thành viên và khoa trực thuộc. Nằm trên vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ, ngành nghiên cứu lịch sử của Đại học Trịnh Châu đã có nhiều đóng góp cho việc biên soạn địa chí tỉnh Hà Nam. Một trong những đơn vị có chuyên môn sâu là Trung tâm nghiên cứu văn minh chữ Hán. Trung tâm chuyên nghiên cứu văn tự Hán cổ được lưu giữ trên các dạng vật liệu cổ như yếm rùa, xương động vật, đá và kim loại; trong những năm gần đây đã có nhiều công trình khoa học có giá trị, được các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế đánh giá cao. Các thành tựu nghiên cứu văn minh chữ Hán của Trung tâm đã giúp ích rất nhiều cho việc biên soạn địa chí, đặc biệt là việc nhìn nhận chiều sâu văn hóa của các hiện tượng văn hóa đương đại.

 

 VNU Media - VP Nhiệm vụ Quốc chí
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC