Tin tức  Tin tức chung 03:56:10 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Ứng dụng công nghệ IoT cho xưởng sản xuất nấm
“Nghiên cứu thiết kế hệ thống giám sát tự động, thời gian thực cho xưởng sản xuất nấm quy mô công nghiệp” là đề tài do nhóm sinh viên thực hiện với sự hướng dẫn của PGS.TS Phạm Mạnh Thắng - Phó Chủ nhiệm Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.

Phát triển thành sản phẩm tiềm năng

Đây là một trong số công trình của sinh viên có tính ứng dụng thực tế cao và có thể giải quyết được các bài toán thực tế. Công trình đạt giải Ba giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN năm 2019; giải nhất cấp Trường và giải nhất bình chọn công trình khoa học yêu thích nhất thông qua mạng xã hội. Công trình được Nhà trường quyết định lựa chọn đầu tư (cấp seed funding) để phát triển sản phẩm và tiến tới khả năng triển khai ứng dụng thực tiễn.

Nhóm nghiên cứu triển khai đề tài sau chuyến tham quan khảo sát thực tế tại nông trại VinEco. Các thành viên quan sát thấy nông trại này áp dụng hệ thống nhập khẩu từ Hàn Quốc để giám sát các thông số môi trường quan trọng trong sự phát triển của nấm. Vì vậy, các thành viên trong nhóm đều có chung ý tưởng thực hiện một dự án nhằm giúp triển khai quy trình trồng nấm tự động với giá thành rẻ hơn.

Qua quá trình tìm hiểu thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy Việt Nam chưa có những hệ thống trồng nấm tự động, ứng dụng công nghệ IoT. Những hệ thống này được nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành rất cao và tốn kém, nhất là khi Việt Nam chưa làm chủ công nghệ. Vì vậy, đề tài được nhóm triển khai và phát triển những nguyên mẫu đầu tiên vào năm 2019.

Đại diện nhóm nghiên cứu, Ngô Anh Tuấn chia sẻ, nếu Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ trồng nấm thông qua đề tài này thì năng suất trồng nấm sẽ cao hơn, giảm thiểu những tác động của môi trường vào sản xuất, giúp người dùng giám sát các thông số quan trọng 24/7, và giảm chi phí thuê nhân công. So với sản phẩm đang triển khai tại nông trại VinEco, đề tài này có rất nhiều điểm nổi bật như theo dõi và điều khiển hệ thống từ xa qua điện thoại hoặc máy tính, giá thành rẻ hơn, dễ dàng bảo trì, bảo hành và dễ sửa chữa khi có sự cố xảy ra.

Được đánh giá cao về tính ứng dụng, đề tài đã được Nhà trường lựa chọn đầu tư kinh phí để phát triển sản phẩm nguyên mẫu. Ngô Anh Tuấn khẳng định, điều này có ý nghĩa rất lớn để thúc đẩy phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, giúp những đề tài hay có nhiều cơ hội để phát triển thành sản phẩm thực tế, đóng góp vào sự phát triển của nền khoa học – công nghệ nước nhà. Đối với nhóm nghiên cứu, việc được nhà trường cấp kinh phí đã giúp nhóm rất nhiều trong việc mua dụng cụ nghiên cứu và chế tạo, góp phần rất lớn trong việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống.

Hoàn thành nguyên mẫu áp dụng thực tiễn

Hệ thống của sản phẩm gồm các phần mềm trên web, window và smartphone giúp người dùng theo dõi, điều chỉnh các thông số quan trọng cho sự phát triển của nấm từ xa một cách nhanh chóng, tiện lợi. Hệ thống sẽ sử dụng các cảm biến, và các bảng mạch điện tử thông minh kết hợp với công nghệ IoT để thu thập dữ liệu về các thông số môi trường quan trọng để hiện thị lên các phần mềm giám sát. Ngoài ra, các phần mềm cũng có chức năng điều khiển những cơ cấu chấp hành để kiểm soát các thông số môi trường ở mức tối ưu cho sự phát triển của từng loại nấm khác nhau.

Hệ thống này sẽ cập nhật các thông số theo thời gian thực, giúp người dùng dễ dàng giám sát môi trường phát triển của nấm một các hiệu quả, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi; kịp thời thông báo cho người dùng nếu có thông số nào vượt quá ngưỡng cho phép, qua đó giúp giảm thiểu thiệt hại. Đặc biệt là, khi làm chủ được công nghệ thì hệ thống có giá thành phải chăng, có thể dễ dàng bảo hành khi có sự cố xảy ra.

Trong quá trình thực hiện đề tài, Ngô Anh Tuấn đã chia sẻ những thế mạnh giúp nhóm nghiên cứu thành công phát triển sản phẩm như ngày hôm nay. Trước tiên là, nhóm được làm việc trong môi trường có tính học thuật cao với những sinh viên đam mê và nhiệt huyết nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nhóm nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các giảng viên tâm huyết của Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, đặc biệt là PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng đã trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ nhóm từ việc định hướng thiết kế hệ thống, chọn công nghệ để phát triển sản phẩm, đến việc hỗ trợ kinh phí cho nhóm thực hiện dự án. Tuy nhiên khi triển khai dự án, nhóm cũng gặp không ít khó khăn như phải thiết kế hệ thống từ con số 0, khó khăn trong việc lựa chọn linh kiện như thế nào cho hợp lý, khó khăn trong việc làm chủ những công nghệ mới những kiến thức mới.

Ngô Anh Tuấn cho biết, sau khi được Nhà trường đầu tư kinh phí, sản phẩm của đề tài đã có những chức năng mới như phần mềm chạy ổn định hơn, phát triển thêm phần mềm trên nền tảng web.

Với thành tích học tập xuất sắc và đạt danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp, Ngô Anh Tuấn được giữ lại công tác tại khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa để tiếp tục hướng nghiên cứu chuyên sâu và đóng góp vào việc hoàn thành nguyên mẫu sản phẩm trong thời gian tới.

Chia sẻ về cơ hội này Ngô Anh Tuấn khẳng định, các thành viên của nhóm nghiên cứu đều đã tốt nghiệp nhưng với sự đam mê nghiên cứu và hướng đến sản phẩm có tính ứng dụng, Tuấn cùng các thành viên vẫn tiếp tục triển khai theo kế hoạch ban đầu là hoàn thành sản phẩm nguyên mẫu để lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại các xưởng nấm ở miền Bắc, từ đó thu thập dữ liệu về hiệu quả của sản phẩm, phản hồi của người dùng, hay các lỗi mà sản phẩm gặp phải. Sau đó, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện và tối ưu hệ thống, để sau này có cơ hội áp dụng hệ thống trên diện rộng, góp phần vào sự phát triển của nền nông nghiệp công nghệ cao của nước ta.

>>>>> Các tin bài liên quan:

-       Kỹ sư Công nghệ Hàng không Vũ trụ - ngành hướng nghiệp chất lượng cao

-       Nam sinh có công bố trên tạp chí quốc tế thuộc nhóm Q1 danh mục SCI trước thềm tốt nghiệp

-       TS. Hoàng Thị Điệp và các công bố quốc tế về Tin sinh học có chỉ số trích dẫn cao

 Tuyết Nga - VNU-UET
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC