ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 06:14:43 Ngày 25/04/2024 GMT+7
Hiện tại nào cũng phải bắt đầu từ quá khứ
Tôi gặp GS. NGND Đinh Văn Đức khi dư âm lễ kỷ niệm 55 năm truyền thống Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và 15 năm Khoa Ngôn ngữ học vẫn đọng lại nhiều cảm xúc trong tâm trí thầy. Quá nửa cuộc đời gắn bó với ngành Ngôn ngữ học đã để lại cho thầy nhiều kỷ niệm nhưng cũng lắm suy tư trước những thách thức trong bối cảnh mới. Thầy chia sẻ: “Quá khứ luôn có một vẻ diệu kỳ nhưng hiểu được hiện tại mới là điều khó”.
Thưa Giáo sư, cảm xúc của Thầy vào dịp lễ kỷ niệm đặc biệt này ?
Lễ kỷ niệm 55 năm truyền thống và 15 năm thành lập Khoa Ngôn ngữ học diễn ra vừa qua mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt với thế hệ chúng tôi. 55 năm là khoảng thời gian dài hơn nửa thế kỷ, gần một vòng đời người nên để lại trong tôi nhiều cảm xúc, nhiều ấn tượng lắm. Trong khoảng thời gian ấy, Khoa đã có những bước trưởng thành vượt bậc, gây dựng được nhiều thành tích nhưng cũng nhiều bài học thành bại. Đây cũng là thời điểm chiêm nghiệm về chuyện đã qua, những chuyện hôm nay và cả những chuyện ngày mai nữa. Dù chuyện hôm nay là câu chuyện của các bạn trẻ nhưng rõ ràng là hiện tại nào cũng phải bắt đầu từ quá khứ.
Giáo sư đã gắn bó và có những kỷ niệm gì về những ngày đầu của ngành Ngôn ngữ học ở Việt Nam?
Tôi là sinh viên Ngữ văn khoá VI, năm nay vào trường vừa đúng 50 năm. Lúc đầu học Văn học, sau chuyển sang học Ngôn ngữ. Việc tôi chuyển sang Ngôn ngữ học vừa là sự tình cờ vừa là sự tất yếu. Vì lúc ấy, Trường Đại học Tổng hợp mới có ngành Ngôn ngữ học nằm trong khoa Ngữ văn với những nhiệm vụ ban đầu rất hạn hẹp. Sự phát triển vượt bậc của ngành Ngôn ngữ học chỉ bắt đầu từ khi GS. Nguyễn Tài Cẩn từ Liên Xô trở về nước năm 1961. Là một học giả uyên bác, có tầm nhìn xa, có quyết tâm nên thầy Cẩn đã cùng anh chị em cán bộ tập trung sức lực xây dựng ngành Ngôn ngữ học, mà bắt đầu trước hết từ xây dựng đội ngũ cán bộ. Lúc đó chúng ta chưa thể đưa cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài nên GS. Cẩn đã chọn một số sinh viên nhiệt tình, có năng lực để đào tạo. Tôi cùng GS. Lê Quang Thiêm, GS. Nguyễn Thiệp Giáp là những thế hệ đầu tiên được đào tạo một cách bài bản, chính quy về Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
 Lúc đó, có quá nhiều thứ mới và khó khăn đối với chúng tôi khi theo học một ngành học non trẻ như vậy. Nhưng nhờ kinh nghiệm của những đàn anh uyên bác như GS. Nguyễn Tài Cẩn, GS. Phan Ngọc, GS. Cao xuân Hạo và nhiều thầy khác, lứa chúng tôi đã được rèn luyện trong một môi trường lý luận tốt, dần dần trưởng thành, nhờ đó cũng trở thành người làm được “việc này việc nọ”.
Năm 1996, Khoa Ngữ văn được tổ chức lại thành hai khoa Văn học và Ngôn ngữ học thuộc Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Đây là một quyết định hết sức quan trọng, là sự phát triển tất yếu, tạo sự chuyển biến tích cực, đột phá cho sự phát triển ngành Ngôn ngữ học sau này ở ĐHQGHN. Ngay từ ban đầu, Khoa đã xác định phải vươn lên xây dựng cho mình một tư cách, vị thế và uy tín về chuyên môn. Chính từ khát vọng và mong mỏi ấy cộng với sự nỗ lực của tập thể mà Khoa mới có được vị thế và thành tích như ngày hôm nay.
GS.NGND Đinh Văn Đức (phải) và GS.NGND Nguyễn Tài Cẩn (trái)
Giáo sư có thể đánh giá những thành tựu quan trọng nhất mà Khoa Ngôn ngữ học đã đạt được?
Thành tựu lớn nhất mà Khoa làm được là đã đào tạo cho đất nước một nguồn nhân lực có chất lượng cao. Đến nay khoa Ngôn ngữ học là đơn vị duy nhất ở Việt Nam đào tạo ngành Ngôn ngữ học ở cả ba chương trình: cử nhân (hệ chuẩn, chất lượng cao và trình độ quốc tế), thạc sĩ Ngôn ngữ học và tiến sĩ các chuyên ngành: Lí luận ngôn ngữ, Việt ngữ học, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Ngôn ngữ học so sánh lịch sử và Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu). Tính đến năm 2011, ngành Ngôn ngữ học Trường ĐHKHXH&NV đã đào tạo cho đất nước trên 1600 cử nhân, hơn 250 thạc sĩ và 125 tiến sĩ. Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ ra trường chủ yếu làm việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông, xuất bản, văn hoá... Các em đã tích cực làm việc, làm được việc và rất có tín nhiệm ngoài xã hội.
Cùng với công tác đào tạo thì hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa cũng đạt nhiều thành tựu lớn. Nhiều cán bộ, giảng viên là những người mở đường hoặc trở thành các nhà nghiên cứu hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau của ngành như: ngữ pháp tiếng Việt, ngữ âm tiếng Việt, từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt, lịch sử tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.... Đó là những tên tuổi nổi tiếng như: Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Hoàng Trọng Phiến, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Cao Đàm, Hoàng Thị Châu, Lê Quang Thiêm... Nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình do cán bộ ngành Ngôn ngữ học trước đây và Khoa Ngôn ngữ học hiện nay biên soạn có giá trị cao về mặt học thuật, sư phạm, được các đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao...
- Chặng đường phát triển vừa qua đã để lại cho Khoa những bài học kinh nghiệm nào thưa Giáo sư?
Khoa Ngôn ngữ học từ khi thành lập đã quyết định “đi” bằng hai chân, một chân là “đào” sâu vào các nghiên cứu cơ bản, liên tục cập nhật với quốc tế. Một chân nữa là đi vào nghiên cứu ứng dụng, giải quyết các vấn đề thực tiễn xã hội của Việt Nam......
Với định hướng ấy, bài học lớn nhất mà khoa Ngôn ngữ học có được là xây dựng đội ngũ cán bộ. Bởi có thầy tốt mới có trò giỏi, mới nâng cao được chất lượng đào tạo. Trong khi nhiều khoa khác phải đối mặt với tình trạng bị hẫng hụt cán bộ thì khoa Ngôn ngữ học trong vòng 50 năm nay vẫn luôn có đội ngũ cán bộ ổn định, với nhiều cán bộ trẻ kế cận có năng lực tốt. Trong tương lai, với việc tiếp tục đầu tư mạnh cho yếu tố con người như vậy thì trong khoảng thời gian 10, 15 năm nữa Khoa vẫn duy trì được ưu thế này.
Bài học thứ hai là Khoa Ngôn ngữ học luôn gắn chặt chẽ đào tạo và nghiên cứu khoa học, xác định rõ không có nghiên cứu khoa học thì không thể dạy tốt. Đây cũng là kinh nghiệm và phong cách riêng được định hình từ thời Trường Đại học tổng hợp Hà Nội và tiếp nối thành công cho đến giai đoạn Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN bây giờ.
Thứ ba là nghiên cứu và đào tạo luôn kết hợp giữa thực tiễn Việt Nam và cập nhật các xu hướng khoa học mới nhất của quốc tế. Ngôn ngữ học là khoa học mới nên luôn luôn biến đổi liên tục về lý luận. Khoa đã cử nhiều cán bộ đi học nước ngoài, thường xuyên nắm vững lý luận mới nhất nhưng là để vận dụng giải quyết những vấn đề của Việt Nam như các vấn đề về tiếng Việt, các ngôn ngữ dân tộc Việt Nam, Việt Nam học, truyền bá Việt ngữ học ra nước ngoài, rồi tất cả các vấn đề ngôn ngữ học ứng dụng như báo chí truyền thông...
Trong tương lai, Khoa vẫn nên tiếp tục khẳng định mình theo cả hai hướng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đồng thời phát huy các bài học kinh nghiệm trên.
Ngành Ngôn ngữ học cũng như các ngành KHXH&NV khác hiện đang gặp khó khăn về việc thu hút sinh viên đầu vào có chất lượng cao. Điều này ảnh hưởng thế nào đến chất lượng đào tạo?
Thành tựu của Khoa Ngôn ngữ học trải hơn nửa thế kỷ thì lớn song, cũng phải nhìn nhận là hiện có rất nhiều thách thức đang đặt ra cho Khoa trong bối cảnh mới. Ví dụ: đầu vào của sinh viên hiện nay không còn được như trước do Ngôn ngữ học và KHXH hiện nay không phải là một ngành học được xã hội chuộng. Bênh cạnh đó, sinh viên ta ngày nay tư tưởng bị phân tán bởi quá nhiều mối quan tâm khác nên ít tập trung nâng cao trình độ trong khi học.
Gần đây có rất nhiều vấn đề thực tiễn của ngôn ngữ xã hội đặt ra được dư luận quan tâm. Ngành Ngôn ngữ nên tham gia giải quyết vấn đề này như thế nào thưa Giáo sư?
Ngôn ngữ học là ngành học mới ở Việt Nam nên phải vừa làm vừa khai phá, vừa tìm đường đi, vừa tìm cách tiếp cận xã hội. Những người làm Ngôn ngữ học phải luôn suy nghĩ là làm thế nào để Ngôn ngữ học không chỉ là khoa học cơ bản thuần tuý trong “tháp ngà” mà phải có những tác động tích cực hơn tới xã hội. Đời sống ngôn ngữ xã hội hiện nay vô cùng sinh động, nổi lên nhiều vấn đề như: ngôn ngữ tuổi teen, nói ngọng, viết sai chính tả, ngôn ngữ báo chí truyền thông không chuẩn mực, nói trước công chúng không nên lời... Đó đều là các vấn đề của ngôn ngữ học hiện đại. Khoa học Ngôn ngữ phải đi vào cả những vấn đề thực tiễn đó. Ngôn ngữ học phải nhìn các vấn đề lịch sử về tiếp xúc ngôn ngữ, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, rồi các vấn đề liên quan đến đời sống ngôn ngữ như Hán Việt, tiếp xúc các ngôn ngữ phương Tây... Có rất nhiều việc chúng ta phải làm và phải bắt tay làm ngay.
Hiện nay, ĐHQGHN đang đặt mục tiêu phát triển các hoạt động nghiên cứu, đào tạo theo hướng đạt chuẩn quốc tế, theo Giáo sư, khoa Ngôn ngữ học phải làm gì để đạt được mục tiêu ấy?
So với các ngành học khác, Ngôn ngữ học có thuận lợi là gần với các chuẩn mực quốc tế nên chúng ta muốn ngang tầm khu vực thì cũng có điều kiện hơn. Tuy nhiên phải bắt đầu từ những việc nhỏ. Ví dụ Khoa Ngôn ngữ học vừa qua đã tổ chức thành công những hội thảo khoa học, hội nghị với quy mô, chất lượng và cách tổ chức đã ngang các hội thảo ở quốc tế. Đó cũng là cách để Khoa chuyên nghiệp hoá hoạt động khoa học của mình.
Một trong những vấn đề mà Ngôn ngữ học phải quan tâm là tính liên ngành và liên kết, liên thông trong đào tạo. Ngôn ngữ học không thể tách rời Văn học, Triết học, không tách rời Lưu trữ hay Quản trị văn phòng, Công nghệ thông tin cho đến các vấn đề thời sự khoa học khác.
Nhiệm vụ của khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV là đào tạo các bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Điều quan trọng là phải giữ được chất lượng đào tạo và từng bước hiện đại, cập nhật với thế giới hơn. Đào tạo phải gắn với nghiên cứu khoa học, mặt khác phải gắn với các vấn đề thực tiễn.
Giáo sư có thể chia sẻ với các bạn sinh viên “bí quyết” học giỏi, nghiên cứu giỏi?
Đó là năng lực tự học. Nói như GS. Cao Xuân Hạo thì thông minh chỉ là 10%, còn lại là do tự đào tạo, học ở trường và tự đào tạo thêm. Để trở thành một người làm học thuật phải có ý chí và quyết tâm cao lắm. Bởi làm học thuật rất gian khổ, nhiều khi buộc ta phải từ bỏ nhiều sở thích khác.
Có người nói thế hệ ngày nay không giỏi bằng các thế hệ trước. Tôi không đồng ý với nhận xét ấy. Chữ giỏi phải đặt vào từng thời. Giỏi của thời này không thể là điển mẫu của thời kia được. Tôi nghĩ thời trước có nhiều người giỏi và thời nay cũng có rất nhiều sinh viên giỏi và yêu nghề. Và ở thời nào muốn giỏi cũng phải thường xuyên cập nhật các thông tin và kiến thức để không bị tụt hậu. Như với chúng tôi, dù nghỉ hưu nhưng ranh giới công việc giữa trước và sau nghỉ hưu dường như không có. Và lạ là càng làm việc, càng cảm thấy bể kiến thức sao mênh mông quá, và vẫn còn rất nhiều tâm nguyện và mong mỏi canh cánh bên lòng. Những lúc ấy lại chạnh lòng ngẫm đến một câu thơ mà tôi gặp: “Cúi đầu tạ tội nắng mưa, nghĩ mình đầu bạc vẫn chưa nên người”.
 Hà Lê (thực hiện) - Bản tin số 250 - 251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC