ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 10:57:57 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Phát huy tài năng trẻ: Quan trọng vẫn phải là môi trường học tập & nghiên cứu
“Vấn đề khẩn cấp là làm sao thuyết phục một số nhân tài Việt Nam được đào tạo gần đây ở ngoại quốc về phục vụ đất nước” là ý kiến chung của nhiều nhà khoa học trong nước và Việt kiều đối với vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu để thu phát và phát huy tài năng trẻ. Chuyên mục Diễn đàn của Bản tin ĐHQGHN đã nhận được ý kiến của các nhà khoa học sau khi đăng ý kiến “Nuôi dưỡng và phát huy tài năng trẻ” của GS. Phạm Xuân Yêm (Bản tin ĐHQGHN, số 216).

* PGS.TS Nguyễn Văn Nhã (Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN): ĐHQGHN đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu về phát hiện, đào tạo và phát triển tài năng. Để phát triển tài năng một cách hiệu quả, theo tôi, trước hết chúng ta phải định nghĩa một cách chính xác về tài năng. Trước hết, tài năng phải là người có nhân cách, thông minh; phẩm chất của người tài là dám công hiến, sáng tạo, đột phá và…đi trước. Những người có tài năng không thể tự mình phát huy được mà phải có một chế độ bồi dưỡng, phát hiện, chăm lo và sử dụng. Nhà nước đã quan tâm và có chiến lược phát triển. ĐHQGHN đã chú ý đến phát triển tài năng bằng cách tổ chức những chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao. Những sinh viên có năng lực như đạt giải cao trong các kỳ thi olympic, những học sinh giỏi ở phổ thông… sẽ được lựa chon để theo học những chương trình tài năng. Đây cũng là chương trình tạo ra môi trường cọ sát cho những sinh viên có năng lực.

Ở những chương trình đào tạo tài năng, số lượng tín chỉ nhiều hơn chương trình đào tạo đại trà (nếu ở đại trà là 210 đơn vị học trình thì tài năng là 265 đơn vị học trình). Bên cạnh đó họ còn có những ưu đãi về giáo sư giỏi, phòng thí nghiệm, chỗ ở. Ngoài những ưu đãi này thì những sinh viên đang theo học chương trình đào tạo tài năng được ưu tiên để chuyển tiếp nghiên cứu sinh, tham gia những chương trình nghiên cứu lớn, gửi đi học tại những trường đại học lớn ở nước ngoài. Bên cạnh chương trình đào tạo tài năng, ĐHQGHN có những chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho người học có thể lấy hai bằng: sinh viên Trường ĐH Kinh tế có thể lấy bằng của Trường ĐH Ngoại ngữ, hoặc có thể tham gia vào ngành chính - ngành phụ: Tiếng Anh - Quản trị kinh doanh… Như vậy, những sinh viên có năng lực đều tìm được cơ hội phát triển. Ngoài ra, khi ĐHQGHN phê chuẩn quy chế 100% đào tạo theo tín chỉ, những sinh viên có năng lực có thể rút ngắn thời gian học, lựa chọn môn học yêu thích, lựa chọn thầy giỏi, lựa chọn chương trình phù hợp với sở thích…Đặc biệt, ĐHQGHN tạo cơ hội cho sinh viên “thoát” khỏi nhà trường để liên hệ với các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu. ĐHQGHN có rất nhiều đề tài để sinh viên tập rượt nghiên cứu từ ngay năm thứ hai, thậm chí năm đầu; sinh viên có thể viết niên luận vào năm thứ ba. Những giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học hàng năm với mục đích là đề khuyến khích các bạn trẻ có năng lực nghiên cứu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. ĐHQGHN luôn mở rộng cửa nhưng cũng đòi hỏi sinh viên phải năng động, sáng tạo không ngừng.

* GS. Trương Nguyên Trân (ĐH Bách khoa Paris - Polytechnique): Xây dựng cơ chế chính sách để phát huy tài năng, trí tuệ cho các nhà khoa học trẻ là một vấn đề khó khăn giải quyết trong giai đoạn này. Có hai vấn đề quan trọng phải cần được giải quyết: lương bổng và điều kiện làm việc. Hiện giờ hai vấn đề này là quá lạc hậu ở Việt Nam, vì thế trong vòng 5 năm tới chúng ta khó thay đổi một cách nhanh chóng với nhân lực trong nước. Vấn đề khẩn cấp là làm sao thuyết phục một số nhân tài Việt Nam được đào tạo gần đây ở ngoại quốc và đã thâu tập được nhiều kinh nghiệm trong công việc trở về phục vụ đất nước. Với mức lương còn thấp và điều kiện làm việc quá lạc hậu, một số người giỏi sẽ lưỡng lự quay trở về làm việc phục vụ đất nước. Những người tài giỏi nhất sẽ ở lại ngoại quốc vì họ sẽ tìm ra những việc thích đáng với tài năng của họ. Những người kém xuất sắc hơn thì đất nước mới có cơ hội thuyết phục họ trở về. Để thuyết phục những người này, Chính phủ nên lập ra những viện nhỏ để bảo trợ cho những tài năng này trong những năm đầu trở lại phục vụ đất nước. Phải làm sao những người này có thể bỏ ra phần lớn thời gian của họ để tập trung vào những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. Tôi muốn nói là những viện Millenium Science Initiatives (MSI) mà GS. Griffith của viện Cao học Princeton đã trình Chính phủ cách đây hơn 5 năm trước. Tôi tin rằng trong những năm đầu chúng ta không cần một số tiền khổng lồ như GS Griffith đã đưa ra, theo tôi, khoảng 2 triệu USD là đủ. Những viện này sẽ được quản lý bởi một số nhà khoa học quốc tế, Việt kiều và một số nhà khoa học giỏi trong nước. Hiện nay, vấn đề nan giải đầu tiên mà chúng ta đang phải đối phó là thực trạng trình độ nhân lực trong nước còn thấp, không đủ phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế, kỹ nghệ hiện đại. Đây là vấn đề cấp bách, không trì hoãn được.

* TS. Phạm Đức Chính (Viện Cơ học Việt Nam): Đối với các tài năng trẻ bước đầu đã được khẳng định. Cần tập hợp các tài năng trẻ đã có thành tích công bố quốc tế và bẳng phát minh, sáng chế (trong đó có các nhà khoa học trẻ mới từ nước ngoài trở về) trong một phong trào, bảo vệ họ khỏi bị tác động của các yếu tố tiêu cực xung quanh, để họ tập chung vào chuyên môn hướng tới làm việc theo chuẩn mực quốc tế. Nếu họ còn chưa được chủ trì hay tham gia các đề tài NCKH các cấp phù hợp, hãy để họ đăng ký đề tài NCCB trên cơ sở thành tích 5 năm gần nhất. Kinh phí hỗ trợ cũng phải bù đắp được tiền lương thấp, và ít nhất cũng phải cạnh tranh được với các việc làm khác như dạy thêm, làm thợ tin học…

Các chức danh và thăng tiến của những tài năng trẻ phải được ưu tiên xét trên cơ sở thành tích theo chuẩn mực quốc tế, chứ không phải bởi các yếu tố liên quan tới thâm niên hay quan hệ. Các chính sách ưu tiên thích hợp cũng sẽ là động lực quan trọng để các tài năng trẻ ở nước ngòai nhìn vào để phấn đấu vươn lên và trở về nước phục vụ. Đối với các nhà khoa học trẻ nói chung, việc tạo ra một môi trường lành mạnh để họ phấn đấu vươn lên đóng góp cho nghề nghiệp, cho xã hội, và có được lợi ích chính đáng cho bản thân là một bước đi quan trọng. Một số cơ sở như Viện Toán, Viện Vật lý và một số trung tâm nghiên cứu của ĐHQGHN có được một văn hóa làm việc khá tốt.

Một vấn đề nữa, theo tôi, cần tổ chức câu lạc bộ các nhà khoa học quan tâm tới chuẩn mực quốc tế sinh họat định kỳ. Các nhà quản lý có thể nghe các nguyện vọng và các vấn đề của họ để có các chính sách và tác động hợp lý. Các nhà khoa học có thể trao đổi kinh nghiệm công việc, công bố quốc tế, thậm chí cả hợp tác chuyên môn, tạo tinh thần đồng đội trong NCKH chất lượng cao. Câu lạc bộ cũng được phân thêm ra các Nhóm sinh họat theo ngành và địa phương.

Trong công tác đào tạo, cần phát huy tối đa mọi phương thức:

- Với các nghiên cứu sinh (NCS) trong nước: cung cấp thông tin giúp họ tiếp cận được các thầy phù hợp chuyên môn và có thành tích nghiên cứu tốt nhất.

- Giúp tư vấn các NCS được chọn đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước để tìm được nơi đào tạo tốt phù hợp với năng lực NCS cũng như nhu cầu thực tế ở Việt Nam và cũng bảo đảm tính đa dạng chuyên môn.

- Mời chuyên gia nước ngoài giỏi tới lãnh đạo nghiên cứu khoa học ở những lĩnh vực trọng điểm, và qua đó giúp đào tạo tại chỗ các nhà khoa học trẻ đẳng cấp quốc tế. Không gian làm khoa học lành mạnh và thu nhập thỏa đáng theo năng lực sẽ hấp dẫn các bạn trẻ làm khoa học.

Trong một thăm dò của CNN gần đây ở Mỹ, ngành nghề được kính trọng nhất là nghề lính cứu hỏa, tiếp đến là nghề làm khoa học (cách đây 10 năm thì nghề làm khoa học dẫn đầu), rồi đến nghề bác sĩ, hộ lý và giáo dục. Đứng cuối bảng là nghề môi giới bất động sản, rồi đến đầu cơ chứng khoán. Các nghề nghệ sĩ, thể thao và chủ nhà băng cũng ở mức uy tín thấp. Theo một thăm dò trong giới thanh niên Nhật Bản thì nghề yêu thích nhất của họ là giáo sư đại học, ở Trung Quốc cũng vậy. Nếu cuộc thăm dò được tổ chức ở Việt Nam, tôi nghĩ kết quả sẽ khác nhiều. Một số nhà khoa học chuyển sang kinh doanh coi thường khối những người làm khoa học ra mặt. Ở cơ quan tôi, một số bạn trẻ, mặc dù vẫn ăn lương cán bộ nhà nước và đứng tên tham gia các đề tài NCKH, nhưng dùng thời gian cơ quan để lên sàn chứng khoán và nếu ống kính có quay tới thì lẩn như trạch để giấu mặt (chính họ kể lại).

* GS. Ngô Bảo Châu (Đại học Paris Sud, Pháp): Mục tiêu xây dựng một cơ sở nghiên cứu và đào tạo khoa học có uy tín quốc tế là chuyện hệ trọng. Theo ý kiến của tôi, chất lượng nghiên cứu và giảng dạy phải đặt lên hàng đầu, chứ không phải số lượng. Sinh viên cần được chọn lọc gắt gao, nhưng cũng cần tạo cho họ những điều kiện học tập tốt nhất có thể. Qui chế tuyển chọn giáo sư dài hạn hay ngắn hạn cũng là việc tối quan trọng. Làm thế nào tuyển được người xứng đáng, trả lương cho xứng đáng, và tạo điều kiện làm việc đàng hoàng. Ngoài cơ sở hạ tầng không thể thiếu, cần có qui chế để có thể mời khách nước ngoài một cách đều đặn. Việc mời được các giáo sư đầu ngành sang giảng dạy, và tiếp theo gửi học sinh theo học họ là điều kiện bắt buộc để từng bước xây dựng một nền khoa học Việt Nam hòa nhập với luồng chính của khoa học thế giới.

 Đ.P (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 217, ra tháng 3/2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC