ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 22:24:51 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Người luôn trăn trở trước kiến thức nhân loại
Sinh năm 1964 tại Nam Ðịnh, Phạm Văn Thiều tốt nghiệp khoa Vật lí, chuyên ngành Vật lí Lí thuyết, Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Ông đã từng tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, hiện là Phó Tổng thư ký Hội Vật lí Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Vật lí và Tuổi trẻ.

Giản dị và thân thiện, đó là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với con người tài năng và nổi tiếng ấy. Phạm Văn Thiều xứng đáng là tấm gương về lối sống, học tập và làm việc cho thế hệ trẻ noi theo. Chìa khóa để mở ra thành công trong sự nghiệp và cuộc sống của ông chính là niềm đam mê và yêu thích nghiên cứu khoa học, đặc biệt là cách nhìn nhân bản về cuộc sống, con người. Ông cho rằng điều quý giá nhất của con người là tinh thần dâng hiến cho đồng loại, tài năng lớn sẽ có những dâng hiến lớn. Với cách nhìn đó cùng với tài năng và niềm đam mê khoa học, ông đã dâng hiến cho cuộc đời nhiều giá trị có ý nghĩa to lớn, đặc biệt trong sự nghiệp phát triển tri thức. Với tư cách là dịch giả hàng đầu về lĩnh vực khoa học, Phạm Văn Thiều là người có công giúp bạn đọc Việt Nam tiếp cận kịp thời với những công trình khoa học nổi tiếng thế giới. Sự kết tinh giữa niềm say đắm văn chương với sự chặt chẽ rạch ròi của khoa học qua các bản dịch của ông không chỉ truyền cho độc giả kiến thức mà cả cảm hứng và tình yêu cuộc sống.

Trong khi đa số cảm nhận sách khoa học là khô khan, cao siêu thì TS. Phạm Văn Thiều lại cho rằng những cuốn sách khoa học mà ông đã, đang và sẽ dịch là cả một thế giới tuyệt đẹp, tinh tế, bí ẩn và đầy cuốn hút. Sách khoa học là nơi các nhà khoa học gửi gắm nhiệt huyết, tâm tư, tư tưởng của họ, họ không phải là những người chỉ biết đến những công thức toán học khô khan, khó nuốt mà họ đã diễn tả những ý tưởng khoa học trừu tượng và phức tạp một cách hấp dẫn. Sách khoa học hé lộ cho ta những thông tin lí thú và ngôn ngữ trong đó là đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ. Sách khoa học của thế giới lại luôn luôn đề cập tới những vấn đề mới mẻ, hiện đại, cho nên công việc dịch thuật gặp nhiều khó khăn. Ông đã nỗ lực vượt qua khó khăn ấy bằng việc tích cực mở mang vốn kiến thức về khoa học, trau dồi vốn ngoại ngữ và duy trì niềm đam mê với văn chương. Chúng giúp ông thành công, nhiều bản dịch sách khoa học của ông trở thành cuốn sách gối đầu giường của không ít người vốn không có nhiều kiến thức về khoa học.

Nhà vật lí, dịch giả Phạm Văn Thiều đã tiếp lửa đam mê khoa học cho độc giả qua những bản dịch sách của những nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, giúp họ kịp thời tiếp xúc với kho tàng kiến thức phong phú và mới mẻ của nhân loại. Là người mê đọc sách, khi ra nước ngoài, ông luôn tìm mua những cuốn sách khoa học phổ biến, nổi tiếng chưa giới thiệu ở Việt Nam. Ông đã kết hợp những kiến thức khoa học tích lũy được với tình yêu và một chút năng khiếu văn chương để dịch những cuốn sách đó, để chia sẻ niềm vui được hưởng khi đọc chúng với độc giả quê nhà, giúp mọi người mở mang tri thức. Ông nhắn nhủ với thế hệ trẻ: "Ðể có một tình yêu và niềm đam mê lâu dài đối với khoa học, bản thân mình cũng phải có một chút năng khiếu về các môn khoa học đó. Nhưng một yếu tố cực kì quan trọng, không muốn nói là quyết định, đó là sự đối xử của xã hội với người làm khoa học". Mục đích chính của việc dịch và truyền bá những cuốn sách tinh hoa về khoa học của ông và những người đồng nghiệp chính là để kích thích niềm đam mê khoa học của các bạn trẻ.

Thời gian gần đây, Phạm Văn Thiều đã tham gia nhiều hoạt động để truyền bá sách khoa học cho công chúng, trọng tâm là hướng đến giới tri thức trẻ, học sinh, sinh viên. Sáng 5/8/2010, tại số nhà 24, ngõ 24, Nguyễn Công Hoan, Hà Nội, đã có buổi ra mắt tủ sách “Khoa học và Khám phá” của Phạm Văn Thiều và hai người bạn đồng nghiệp Vũ Công Lập và Nguyễn Văn Liễn nhờ sự giúp đỡ của Nhà xuất bản Trẻ, được bạn đọc rất hoan nghênh. Ðây là môi trường thuận lợi cho các dịch giả trẻ thể hiện mình, là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người bạn, đồng nghiệp say mê Vật lí Lí thuyết. Cho ra đời tủ sách này, nhóm tác giả có mong muốn quảng bá, giới thiệu sách khoa học đến với các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên tự nhiên. Tiêu biểu như cuốn “Niềm vui khám phá” của Richard Feynman; “Những câu chuyện phiêu lưu” của Mr Tampkins; “Cuộc chiến lỗ đen” của Leonard Susskind, “Dòng sông trôi khuất địa đàng” của Richard Dawkins,... Phạm Văn Thiều cho rằng việc truyền bá cho những tủ sách như thế này, các phương tiện thông tin đại chúng cũng có vai trò quan trọng. Việc làm ấy góp phần nâng cao văn hóa đọc cho giới trẻ, là mong muốn chung của những người tri thức có mối quan tâm lớn đến sự phát triển của tri thức khoa học.

Trưởng thành từ ÐHQGHN, TS. Phạm Văn Thiều đã xây dựng nên một sự nghiệp có giá trị to lớn đối với xã hội, ông đã tiếp lửa đam mê khoa học và khám phá thế giới cho các bạn trẻ, mang kho tàng tri thức phong phú, mới mẻ và bổ ích của nhân loại cho người Việt. Hằng ngày, hằng giờ, ông vẫn miệt mài làm việc, miệt mài cống hiến và coi đó là niềm vui của cuộc đời mình. Phạm Văn Thiều mãi là tấm gương sáng về lẽ sống, học tập và làm việc của các thế hệ sinh viên.

Thu Hiền

 Thu Hiền - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC