Hình ảnh 21:01:01 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020
Năm 2011, ĐHQGHN đã lựa chọn được 4 công trình khoa học tiêu biểu. Công trình Luận cứ khoa học cho việc phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020 của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ĐHQGHN là công trình thứ tư Bản tin ĐHQGHN giới thiệu.
Công trình đã cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xác định và đề xuất các định hướng, giải pháp chính sách phát triển ngành dịch vụ nói chung và một số ngành dịch vụ nói riêng của Việt Nam đến năm 2020. Để đưa ra những luận cứ khoa học, tác giả đã nghiên cứu vai trò của ngành dịch vụ đối với phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; xu hướng phát triển ngành dịch vụ trên thế giới và kinh nghiệm phát triển ngành dịch vụ của một số nước trên thế giới, gợi ý cho Việt Nam; đánh giá thực trạng và chính sách phát triển ngành dịch vụ ở Việt Nam; xác định và đề xuất các định hướng, giải pháp chính sách phát triển các ngành dịch vụ nói chung và một số ngành dịch vụ ưu tiên nói riêng của Việt Nam đến năm 2020.
Bộ sản phẩm của công trình bao gồm: Báo cáo điều tra khảo sát trong nước tại địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; Báo cáo điều tra khảo sát nước ngoài tại Trường Đại học Nam Đài, Đại học Quốc gia Đài Loan, Trường Đại học Chengchi Đài Loan, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, Bộ Giáo dục Đài Loan; Báo cáo tổng hợp; Báo cáo tóm tắt; Báo cáo khuyến nghị; 10 bài báo đăng tại các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước; 4 báo cáo tại hội nghị quốc tế, 1 bài báo tại Hội nghị cấp quốc gia; 2 cuốn sách và 1 chính sách phản ánh kết quả nghiên cứu của đề tài.
Công trình khoa học này đã thu hút sự phối hợp tham gia của 11 tổ chức, trong đó 11 tiến sĩ, 11 thạc sĩ, 3 cử nhân trực tiếp tham gia nghiên cứu. Đề tài góp phần đào tạo 2 tiến sĩ: 1 tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế học, 1 tiến sĩ chuyên ngành kinh tế thế giới và 1 Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế.
Báo cáo kiến nghị: “Phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020: Chìa khoá cho phát triển bền vững và hướng tới nền kinh tế tri thức” cung cấp các luận cứ khoa học có giá trị tham khảo cao cho Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020. Và kiến nghị, Việt Nam cần có những quan điểm đúng và phù hợp về phát triển các ngành dịch vụ, cũng như thực hiện một cách đồng bộ 9 nhóm giải pháp cơ bản gồm: nâng cao sự hiểu biết của xã hội và dịch vụ phát triển ngành dịch vụ; đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ vai trò và các chức năng của Nhà nước đối với sự phát triển ngành dịch vụ; nâng cao năng suất lao động trong ngành dịch vụ và coi đây là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu; khuyến khích sáng tạo trong ngành dịch vụ; thúc đẩy cạnh tranh trong ngành dịch vụ; đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ; xây dựng hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách và thể chế phù hợp và tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ; phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên; xây dựng các "vùng liên kết dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp" mở rộng để tăng cường tác động lan tỏa của ngành dịch vụ đối với toàn bộ nền kinh tế.
Các kết quả nghiên cứu của Đề tài còn là cơ sở để xây dựng các bài giảng, giáo trình và tài liệu tham khảo về ngành dịch vụ nói chung và một số phân ngành dịch vụ nói riêng.
 
Ý KIẾN CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC VỀ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU:
TS. Võ Trí Thành – Phó Viện Trưởng, Viện nghiên cứu và quản lí kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ủy viên Hội đồng Tài chính Tiền tệ Quốc gia.
Đề tài “Luận cứ khoa học cho việc phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020” do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn chủ trì là đề tài được thực hiện công phu, đảm bảo tính ứng thực tiễn, hệ thống và logic, làm rõ được vai trò của ngành dịch vụ đối với phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng phát triển ngành dịch vụ trên thế giới và kinh nghiệm phát triển ngành dịch vụ của một số nước trên thế giới, gợi ý cho Việt Nam.
Đề tài nghiên cứu là một trong số ít nghiên cứu tổng hợp về lí luận, thực tiễn phát triển ngành dịch vụ (nhất là ở Việt Nam), có ý nghĩa làm chuyển biến nhận thức và góp phần vào quá trình xây dựng chính sách phát triển ngành dịch vụ ở Việt Nam. Tác giả đã sử dụng phương pháp tính toán định lượng, tổng kết kinh nghiệm quốc tế, tổng kết lí luận chung về khu vực dịch vụ, đi vào bản chất của vấn đề nghiên cứu, mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu tiếp theo. Đây là những nét mới, sáng tạo của sản phẩm nghiên cứu.
Kết quả của đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, đã sử dụng được nhiều kết quả trong chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.
PGS.TSKH Võ Đại Lược – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, nguyên Ủy viên Hội đồng Tài chính – Tiền tệ Quốc gia.
Đề tài đảm bảo tính ứng dụng thực tiễn, hệ thống và logic, làm rõ được vai trò của ngành dịch vụ đối với phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; xu hướng phát triển ngành dịch vụ trên thế giới và kinh nghiệm phát triển ngành dịch vụ của một số nước trên thế giới,. gợi ý cho Việt Nam; đánh giá thực trạng và chính sách phát triển ngành dịch vụ ở Việt Nam đồng thời đề xuất 9 nhóm giải pháp thực hiện.
Đề tài nghiệm thu với kết quả xuất sắc. Kết quả nghiên cứu đề tài có giá trị tham khảo cao, góp phần xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020. Đóng góp của đề tài đã nâng cao sự hiểu biết của xã hội và phát triển ngành dịch vụ, đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ vai trò, chức năng định hướng và điều tiết của Nhà nước đối với thúc đẩy cạnh tranh trong ngành dịch vụ theo đó đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, hiện đại hoá hệ thống thể chế cho ngành này.
TS. Quách Mạnh Hào - Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long
Công trình đã đưa ra những luận cứ khoa học quan trọng trong việc phát triển ngành kinh tế dịch vụ tại Việt Nam. Phát triển mang tính khoa học và thực tiễn của công trình thể hiện ở 7 đặc điểm cơ bản và nổi bật của thực trạng phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh nền kinh tế chung tại Việt Nam, sáu đặc điểm mang tính pháp lí và quản lí đối với ngành dịch vụ tại Việt Nam, chín giải pháp quan trọng nhằm phát triển ngành dịch vụ tại Việt Nam.
Những nội dung kết hợp giữa tính khoa học và thực tiễn nêu trên đã dựa trên phương pháp nghiên cứu phù hợp thể hiện qua việc tiếp cận lí thuyết về phát triển ngành kinh tế dịch vụ, nghiên cứu kinh nghiệm của các nền kinh tế phát triển và nền kinh tế có thể so sánh trên thế giới, và dựa trên thực tiễn định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2020.
Cách tiếp cận khoa học và phương pháp nghiên cứu trên đã tạo chuẩn mực cho các nghiên cứu tương tự về vai trò của các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế Việt Nam.
Giá trị thực tiễn lớn nhất của công trình nghiên cứu là tính khả thi thể hiện qua 2 khía cạnh quan trọng. Thứ nhất, công trình nghiên cứu đã tạo ra một cẩm nang phát triển ngành kinh tế dịch vụ trong nền kinh tế nói chung và trong nền kinh tế Việt Nam nói riêng, trợ giúp các nhà quản lí, thực thi chính sách và điều hành kinh tế đất nước, vùng, ngành trong việc triển khai các định hướng phát triển trong thực tiễn. Thứ hai, công trình nghiên cứu đã chỉ rõ những thực trạng, tồn tại và giải pháp cho việc phát triển ngành kinh tế dịch vụ tại Việt Nam, trợ giúp các nhà quản lí, điều hành nhận thức được những điểm mạnh, điểm yếu và những cơ hội cũng như thách thức trong việc phát triển ngành kinh tế dịch vụ tại Việt Nam. Những khám phá từ công trình nghiên cứu này sẽ là những bài học thực hành cần thiết cho những giá trị quản trị.
Công trình mang tính quốc gia và có thể sử dụng với các nhà hoạch định chính sách, các bộ, ban, ngành trong Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tại trung ương và tại các địa phương. Đồng thời nghiên cứu này cũng đóng góp vào việc triển khai tại các cơ sở kinh doanh ngành kinh tế dịch vụ trong nền kinh tế.
 Tuệ Anh - Bản tin số 261 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC