Hình ảnh 03:25:32 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Những anh hùng vô tri vô giác
Người Nga, người Mỹ tôn vinh những nhà du hành vũ trụ đầu tiên của họ như những anh hùng dân tộc. Nhưng phải thành thật nói rằng những người anh hùng thực sự trong nghiên cứu không bằng xương bằng thịt mà bằng kim loại và Silizium: những tàu thăm dò không người lái đã đạt được những thành tựu to lớn nhất trong nghiên cứu khoa học.

Những bước chân của người khổng lồ

Đặt được bàn chân lên Mặt Trăng là một chuyện . Sục xạo, bới tung lớp bụi mầu đỏ trên sao Hoả hay dùng kính viễn vọng trên Trái Đất để quan sát vũ trụ bao la, sâu thẳm lại là chuyện khác. Kể từ khi con người vươn lên vũ trụ đã có một số nhà nghiên cứu phê phán các chuyến bay lên vũ trụ có người lái, họ coi đây chỉ là những công trình mang tính phô trương nhưng vô cùng tốn kém và chỉ mang lại rất ít những thành tựu khoa học. Những chỉ trích, phê phán này đúng đến đâu có thể được chứng minh qua lịch sử phát triển của cơ quan nghiên cứu vũ trụ NASA của Mỹ. Những phát kiến thực sự táo bạo, lớn lao nhất không phải do các nhà du hành vũ trụ mà do một số tàu thăm dò không người lái mang lại.

Các hoạt động, bắt đầu từ chương trình - "Mariner" và "Viking" cho đến "Hubble", "Cassini-Huygens" và tàu thăm dò sao Hoả "Spirit" cũng như "Opportunity" được đánh giá là những thành công lớn nhất của NASA. Hai tàu thăm dò "Voyager" được phóng lên vũ trụ từ năm 1977 cho đến nay vẫn liên tục bắn tín hiệu về Trái Đất. Gần đây nhất "Voyager 2" báo cáo đã đến sát ranh giới của Hệ Mặt Trời.

Nếu không có các tàu thăm dò không gian thì nhân loại không thể có bức tranh về những hành tinh trong Hệ Mặt Trời như ngày nay. Các nhà thiên văn học thời trung cổ đã biết về những cái vòng xung quanh sao Thổ. Nhưng nhờ có các tàu thăm dò "Pioneer 11" (1979), "Voyager" (1980/81) và "Cassini-Huygens" (2004) chúng ta mới có được các bức ảnh có độ phân giải cao như hiện nay.

Với sứ mạng "Cassini-Huygens" kỉ nguyên nghiên cứu các hành tinh đã bước sang một trang mới, các tàu thăm dò không chỉ còn đơn thuần chụp ảnh mà cũng hạ cánh trên những hành tinh xa lạ. Các nhà nghiên cứu của NASA đặc biệt quan tâm tới sao Hỏa. Một loạt chương trình robot được thực hiện thông qua Jet Propulsion Laboratory (JPL) thuộc NASA ở Pasadena (Kalifornia), qua các chương trình này các kỹ sư Mỹ muốn chứng minh khả năng to lớn của robot. Hai tàu thăm dò "Viking" đã được thực hiện đầu những năm 70 từ thế kỉ XX, sau đó đến "Mars Pathfinder" (1996) và tiếp theo là hai vệ tinh "Mars Pathfinder" (1999) và "Mars Reconnaissance Orbiter" (2006).

Hai NASA-Rover "Spirit" và "Opportunity", hạ cánh trên hành tinh Đỏ từ năm 2004 và đang tiếp tục làm việc cho đến ngày nay hiện là một đỉnh cao trong sự nghiệp nghiên cứu sao Hỏa. Các thiết bị này đang tiến hành nhiều cuộc đào bới để tìm kiến sự sống. Tuy nhiên, cho đến nay, "Opportunity" mới phát hiện được bằng chứng sao Hỏa từng có nước.

Sau khi hạ cánh xuống Mặt Trăng, NASA nghĩ ngay đến một dự án mới: Lên kế hoạch và xây dựng một loại tàu vũ trụ có thể sử dụng nhiều lần. Nhờ tàu con thoi chi phí vận chuyển sẽ giảm đáng kể do đó các chuyến bay lên vũ trụ sẽ trở thành chuyện bình thường. Người ta trù tính chi phí vận chuyển một kilôgam hết khoảng 200 USD. Nhưng chỉ ít lâu sau người ta đã nhận thấy các chuyến bay lên vũ trụ tốn kém hơn nhiều so với dự tính. Tàu vũ trụ tiếp tục chỉ dùng để vận chuyển vệ tinh theo yêu cầu của nhà nước và chủ yếu phục vụ công tác nghiên cứu. Nhưng một thảm họa đã xảy ra hôm 28/1/ 1986, chỉ một phút sau khi xuất phát tàu vũ trụ "Challenger" bị nổ tung làm 7 nhà du hành vũ trụ bị thiệt mạng.

Bước ngoặt chính trị

Sau khi khối Đông Âu sụp đổ tàu Shuttle hướng tới một mục tiêu mới là tàu vũ trụ "Mir" của Nga. Từ năm 1995 đến 1998 đã có tới 9 lần tàu vũ trụ của Mỹ tiếp cận với "Mir". Người Mỹ và người Nga hợp tác cùng phát triển các Shuttle - Docking - Modul. Đây là thời kì mà hai bên thăm dò, tìm hiểu lẫn nhau : trong khi người Nga được lên Space Shuttle tham quan, xem xét thì người Mỹ cũng ít nhiều được đi lại, nhòm ngó khá thoải mái trong tàu vũ trụ "Mir".

Giới lãnh đạo NASA ngày càng nhận thức được rằng việc thiết kế, chế tạo loại tên lửa lên Mặt Trăng khó hơn so với những gì cho đến nay người ta tưởng. Một tài liệu lưu hành nội bộ đề cập đến khả năng chương trình “Ares” bị trì hoãn. Tên lửa khổng lồ "Ares V" có nhiệm vụ đưa bốn nhà du hành vũ trụ, một thiết bị hạ cánh và một số loại máy móc dụng cụ khác lên vũ trụ. Tóm lại loại tên lửa này phải đưa 71 tấn trọng lượng hữu ích lên Mặt Trăng và sau này có thể lên cả sao Hỏa.

Cái khó là ở chỗ giữa giai đoạn chấm dứt chương trình – Shuttle và giai đoạn thiết kế, chế tạo loại tên lửa mới người Mỹ nhiều năm liền không có phương tiện riêng để lên vũ trụ mà phụ thuộc vào người Nga. Trong khi đó người Nga lại muốn duy trì địa vị độc quyền của mình đối với tàu "Sojus" để thả sức gặt hái về mặt tài chính.

Mặc dù thời gian gần đây đã có một số sửa đổi đối với tên lửa "Ares" nhưng không phải tất cả các nhà kỹ thuật của NASA hài lòng với loại tên lửa này. Hiện tại có một nhóm chuyên gia đang nghiên cứu về một modell thay thế mang tên “Jupiter”, loại tên lửa này có độ an toàn cao hơn , dễ chế tạo hơn và nhất là chi phí sản xuất thấp hơn nhiều.

Chi phí cho dự án lên Mặt Trăng vô cùng tốn kém. Theo tính toán của Kiểm toán Hoa Kỳ thì chi phí lên đến 230 tỉ Euro trong vòng 20 năm. Vì vậy, các đối tác trong dự án ISS lo sợ rằng người Mỹ khi cho trạm vũ trụ hoạt động sẽ cắt xén được chi phí, khác với điều mà cho đến nay họ vẫn công bố. Theo thông báo của NASA thì cho đến nay người ta đã chi 7 tỉ USD cho việc phát triển "Ares". NASA cũng đã cho nghiên cứu loại trang phục mới dành cho các nhà du hành vũ trụ lên Mặt Trăng và sao Hỏa.

Mặc dù phải chi những khoản tiền vô cùng to lớn nhưng NASA vẫn phải tính đến khả năng rơi vào tình trạng bẽ bàng, về mặt thông tin, tuyên truyền: Ông Griffin, Giám đốc NASA nhiều lần tuyên bố, ông ta có thể tưởng tượng,Trung Quốc có thể đưa người lên Mặt Trăng trước Mỹ. Ông ta nói, Trung Quốc nắm được công nghệ để thực hiện điều đó.

Nhà cựu du hành vũ trụ Buzz Aldrin cũng từng cảnh báo, Trung Quốc có thể cho Mỹ ăn quả lừa khi người Mỹ quay trở lại Mặt Trăng - mặc dù cho đến nay Bắc Kinh luôn lớn tiếng tuyên bố, họ không quan tâm đến cuộc chạy đua này. Giới lãnh đạo NASA lại rất thích thú đối với tham vọng của Trung Quốc, bởi nó có thể tạo áp lực đối với Mỹ.

Bên cạnh các quốc gia đang vươn lên trên con đường bay lên vũ trụ như Ấn Độ và Trung Quốc thì châu Âu cũng đang lên kế hoạch lại đưa những tàu vận tải của mình vào hoạt động. Trong khi đó người Nga lại xây dựng kế hoạch lên vũ trụ không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học mà nhằm thỏa mãn những ham muốn của các đại gia rủng rỉnh tiền bạc.

 Von Holger, Christoph Seidler - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC