Hình ảnh 19:30:43 Ngày 23/04/2024 GMT+7
PGS.TS Hà Đình Đức: Sứ giả của Hồ Gươm
PGS.TS Hà Đình Đức nghiên cứu vể Rùa Hồ Gươm từ năm 1991 và đã có 6 công trình nghiên cứu cấp Quốc gia về Hồ Gươm. Năm 2009, ông được đề cử giải thưởng “Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội. Ông đề nghị đặt tên phố Đào Cam Mộc - người có công đầu đưa Lý Công Uẩn lên ngôi cho thủ đô Hà Nội nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long. Vừa qua ông được Nhà nước công nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

 

Cái duyên với rùa

Sau nhiều lần liên lạc, tôi cũng được PGS.TS Hà Ðình Ðức dành cho cái hẹn. Loanh quanh mãi mới tìm được ngõ vào nhà ông. Ngôi nhà nằm khuất sâu trong cái ngách nhỏ hun hút, cảm giác phố thị ngó hầu không mấy hiện diện. Tiếp tôi trong căn phòng bộn bề sách vở, PGS.TS Hà Ðình Ðức cười bảo, nhiều người đến đây vẫn lầm tưởng tôi đang dọn phòng, bừa bộn vậy thôi nhưng có trật tự riêng của nó đấy rồi ông say sưa kể về cụ rùa cùng những tài liệu liên quan đến “cụ” Rùa.

Lần giở từng tập tài liệu dầy cộp, ông bắt đầu giải thích cho tôi về các loài trong đó có cái tên Rùa Lê Lợi (Rafetus leloii) mà chính ông là người đã dày công nghiên cứu, đặt tên và được các nhà khoa học trên thế giới ghi nhận. Nghe ông nói về quá trình nghiên cứu về “cụ” Rùa Hồ Gươm mới hay niềm đam mê trong ông lớn đến nhường nào. Ðã biết PGS.TS Hà Ðình Ðức qua rất nhiều bài báo nhưng có dịp ngồi nghe ông nói chuyện về một trong số loài nằm trong bộ tứ linh mới thực sự thấy năng lực làm việc của ông thật ghê gớm. Không chỉ nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, PGS.TS Hà Ðình Ðức còn dành thời gian cho việc nghiên cứu về các vấn đề văn hóa, lịch sử và con người. Nhưng có lẽ điều ông tâm đắc nhất vẫn là Hồ Gươm và những vấn đề liên quan đến Hồ Gươm. Ông bảo hình như mình có duyên nợ với Hồ Gươm. Khi lần đầu tiên chứng kiến cụ rùa Hồ Gươm nổi vào năm 1991, ông bắt đầu say mê tìm tòi và nghiên cứu về “cụ”. Năm 1995, Giáo sư Piter C.H Pritchard (Viện trưởng viện nghiên cứu rùa bang Florida – Mỹ, đồng chủ tịch hội bảo vệ rùa cạn và rùa nước ngọt) trong quá trình trao đổi tư liệu về Rùa đã viết một bức thư khẳng định Rùa Hồ Gươm là một loài mới. Rồi ông lần tìm trong đống tài liệu lấy ra bức thư đề ngày 15/4/1995 của vị giáo sư này. Ông bảo từ đây ý tưởng mô tả về loài rùa mới này bắt đầu hình thành.

Câu chuyện giữa tôi và vị “Giáo sư rùa” (danh hiệu người ta trìu mến dành cho ông) thi thoảng gián đoạn cũng bởi khi nói đến vấn đề nào ông cũng tìm tài liệu để chứng minh ngay vấn đề đó, lần này thì chính ông phải công nhận cái bừa bộn có quy luật trong căn phòng ông quả nhiên là thật. Trầm ngâm hồi lâu trong khói thuốc nhàn nhạt, PGS.TS Hà Ðình Ðức tiếp tục câu chuyện của mình, quá trình nghiên cứu để mô tả về loài rùa này theo ông, cũng gian nan lắm! Khi GS. Piter C.H Pritchard khẳng định đó là loài mới, có vị giáo sư đã cho rằng đó là con Dải, tôi rất không đồng ý với nhận định này, ông đã lặng lẽ nghiên cứu, làm việc và trao đổi thường xuyên với Trường Ðại học Cornell của Mỹ, nhờ đó được GS. Kraig Adler cung cấp cho 6 bài báo về loài Dải Thượng Hải có tên khoa học Rafetus Swinhoei được phát hiện và mô tả năm 1873. Loài này đã gần như bị tuyệt chủng. Bên cạnh đó, ông tiếp tục thường xuyên trao đổi với các chuyên gia hàng đầu về rùa trên thế giới. Năm 1998, nhân chuyến sang Thượng Hải cùng một người bạn, ông đã gặp gỡ hai chuyên gia là bà Zong Yu và ông Ma Jifan. Lần gặp gỡ này ông được tặng một tấm ảnh về con Dải Thượng Hải. Nét mặt ông như giãn ra, lộ rõ niềm vui sướng, ông bảo, GS. Kraig Adler động viên ông viết mô tả về loài mới này. Sau khi hoàn thành, PGS. Hà Ðình Ðức còn trao đổi với nhiều chuyên gia hàng đầu khác như William P. Mc.Cord, Patrick J. Baker…từ nghiên cứu, phân tích và đánh giá kết luận, Rùa Hồ Gươm đã được nhiều nhà khoa học ghi nhận và kết luận có thể đây là một loài mới tuy nhiên vấn đề này còn phải nghiên cứu thêm.

Đặt tên cũng khó

Khi đã mô tả thành công loài rùa mới ở Hồ Gươm, vấn đề đặt tên cho loài mới này cũng đã khiến ông suy nghĩ rất nhiều. PGS.TS Hà Ðình Ðức tâm sự, nếu đặt theo cách thông thường gắn với địa danh nơi phát hiện loài sẽ là Rùa Hoàn Kiếm (Rafetus hoankiemensis), hay Rùa Hà Nội Rafetus hanoienis …nhưng tôi cho rằng như vậy chưa thật sự ý nghĩa và có thể sẽ chỉ là một cái tên đơn thuần, nó chẳng gắn kết nhiều với văn hóa, lịch sử Việt Nam. Từ nhận thức về vấn đề văn hóa, lịch sử, ông đã quyết định đặt cho loài rùa này là Rùa Lê Lợi có tên Khoa học Rafetus leloii. Ông lý giải, với cái tên này, sẽ khiến người ta phải tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, và cũng từ đó người ta sẽ biết thêm về truyền thuyết Lê Lợi trả kiếm tại Hồ Gươm. Một cái tên rất ý nghĩa giúp thế giới biết đến lịch sử Việt Nam. Từ nỗ lực nghiên cứu của ông, Tạp chí Khảo cổ học số 4/2000 đã công bố tên Rùa Hồ Gươm với tên khoa học Rafetus leloii mà ông đã đặt.

Chưa kịp hưởng hết niềm vui về cái tên đầy ý nghĩa gắn với lịch sử văn hóa Việt mà ông mới đặt cho loài rùa quý này, PGS.TS Hà Ðình Ðức đã phải phát hoảng, cuống cuồng chạy gõ hầu khắp cửa các sở ban nghành có liên quan về vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái để bảo vệ “cụ” Rùa tuổi đời dễ đến 700 năm trước nguy cơ bị đe dọa bởi môi trường và ý thức của con người. Liên tục có các dự án quy hoạch bên Hồ Gươm có tác động xấu đến môi trường đa dạng sinh học loài có thể gây bất lợi cho “cụ” Rùa khiến “Giáo sư rùa” mất ăn mất ngủ. Những lúc như vậy ông đã vác đơn chạy đôn chạy đáo khắp nơi, và đã không ít dự án phải bỏ vì những vấn đề nguy hại ông đã đưa ra. Ông bảo, trong ông lúc nào cũng chỉ có duy nhất ý niệm làm sao để bảo vệ cho “cụ” Rùa trước những tác động về môi trường và con người. Khi biết chuyện cụ Rùa mắc phải lưỡi câu, ông bần thần cả người. Ðiều khiến ông buồn và lo hơn cả chính là việc Rùa Lê Lợi không có tên trong Sách đỏ Việt Nam, vì vậy vấn đề bảo vệ không được quan tâm đúng mức. Rồi ông lần giở cho tôi xem ba cuốn Sách đỏ Việt Nam đã qua ba lần xuất bản, ngón tay ông run run khi chỉ vào đoạn viết về rùa, hoàn toàn không nói gì đến Rùa Hồ Gươm mà chỉ coi đó là con Dải. Trong khi đó, nếu xét theo tiêu chuẩn đánh giá tình trạng các loài đưa vào Sách đỏ Việt Nam thì Rùa Lê Lợi (Rafetus leloii) thuộc cấp độ I - đang nguy cấp (đang bị đe dọa tuyệt chủng). Nghị định 59 cũng như Nghị định 32 cũng không hề đề cập đến loài Rùa Hồ Gươm. Hiện nay theo PGS.TS Hà Ðình Ðức thì loài rùa này đang “sống ngoài vòng pháp luật”. Ðiều đáng buồn hơn với ông chính là sự kiện kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội không một từ nhắc đến Rùa Lê Lợi. Tôi hiểu cảm giác này của “Giáo sư rùa” người đã gắn bó gần 20 năm với Hồ Gươm.

Với 6 công trình nghiên cứu cấp Quốc gia về Hồ Gươm và hơn 200 bài báo ông viết về Hồ Gươm, PGS.TS Hà Ðình Ðức khiến người ta biết đến ông với tư cách “nhà rùa học”, và những lần ông vác đơn kiện khắp nơi để bảo vệ cụ Rùa được cho rằng đó là “hội chứng rùa” nhưng sẽ còn ngạc nhiên hơn khi biết ông là người có rất nhiều bài viết sâu sắc về các vấn đề văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Ðặc biệt sự kiện Thành phố Hà Nội nhất trí với việc xây dựng một lễ hội đặc biệt gắn liền với Hồ Gươm và sự kiện hoàn gươm của Lê Lợi mà ông là người khởi xướng là sự ghi nhận những nỗ lực đóng góp này. Và Lễ hội “Vua Lê đăng quang” là một lễ hội xứng tầm một lễ hội Quốc gia. Cùng với những công trình nghiên cứu về Hồ Gươm, PGS.TS Hà Ðình Ðức đã có 33 hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường sinh thái Hồ Gươm và Rùa Hồ Gươm. Ông được thế giới biết đến những hoạt động về môi trường từ những năm 1994 với nhiều bài phỏng vấn của các trung tâm báo chí nước ngoài về những bài viết về môi trường. Ðặc biệt hơn, PGS.TS Hà Ðình Ðức còn vinh dự có tên trong danh sách mời của Ủy ban Bảo vệ Vườn Quốc gia Fontainebleau. Danh sách này có 90 người Pháp thì đến 59 người là Viện sĩ Viện Hàn lâm, 6 người đoạt giải Nobel, 32 người nước ngoài, Việt Nam có duy nhất PGS.TS Hà Ðình Ðức. Câu chuyện của ông khiến tôi bị lôi cuốn, và cứ vậy ông say sưa hết chuyện Rùa Lê Lợi và những đặc điểm của loài rùa quý này đến các vấn đề liên quan đến Hồ Gươm. Tôi có cảm giác hình như trong ông lúc nào cũng chỉ nghĩ đến rùa và nỗi lo về Rafetus leloii trước nguy cơ tác động của con người và môi trường sinh thái. Qua những bức thư kiến nghị gửi đến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các nhà lãnh đạo khác và các cơ quan Nhà nước liên quan đến Hồ Gươm và Rùa Hồ Gươm khiến tôi chợt nghĩ nếu được phép tôi sẽ gọi ông là Sứ giả của Hồ Gươm.

Tạm biệt vị Giáo sư khả kính, sau buổi trò chuyện, tôi thầm mong, Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa những người như ông để môi trường sinh thái luôn được bảo vệ trước những đe dọa của con người. Cánh cổng nhà ông khép lại, sau tôi, có lẽ giờ này ông đang tiếp tục vùi đầu trong bộn bề công việc của một nhà khoa học đích thực.

 Hoàng Chiến Thắng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - 237
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC