21:08:58 Ngày 16/04/2024 GMT+7
“Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư”
PGS.TS Nguyễn Lân Cường là người Việt Nam đầu tiên được đào tạo ở CHDC Đức vào năm 1980 - 1981 về phương pháp Phục chế lại mặt người theo xương sọ. Làm chủ nhiệm các đề tài tu bổ và bảo quản các nhục thân. Hiện ông là Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi PGS.TS Nguyễn Lân Cường.
Phó Giáo sư cho biết cảm tưởng của ông khi đoạt giải vàng sách hay năm 2010 vừa qua?
Tôi thật hạnh phúc. Trong cuộc đời hoạt động khoa học và nghệ thuật của mình tới nay tôi đã đoạt 5 giải thưởng về âm nhạc. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đoạt giải thưởng cao về một công trình khoa học mà tôi ấp ủ hàng chục năm trời, nó là một dấu son đánh dấu trên chặng đường làm khoa học của bản thân. Niềm vinh hạnh này đâu phải cho riêng tôi mà còn cho gia đình tôi và đặc biệt là cho các bạn đồng nghiệp đã cùng tôi tu bổ các nhục thân, như: họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, 3 nhà điêu khắc Phạm Xuân Sinh, Bùi Đình Quang, Nguyễn Ngọc Lâm, hoạ sĩ Nguyễn Đình Hiển và kỹ sư Nguyễn Mạnh Hà
Xin Phó Giáo sư cho biết khái quát nội dung tập sách "Bí mật phía sau nhục thân" của các vị thiền sư?PGS.TS Nguyễn Lân Cường
Tập sách của tôi ra đời có thể nói thực chất là công việc nghiên cứu, tu bổ và bảo quản 4 nhục thân ở chùa Đậu (Hà Nội), chùa Phật Tích, Tiêu Sơn (Bắc Ninh) suốt từ năm 1983 tới 2008. Những câu chuyện tôi kể trong sách hầu hết là những trang nhật ký trong thời gian nghiên cứu và tu bổ. Ngay từ năm 1983, khi tiếp xúc với nhục thân Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu, tôi đã nghĩ rằng nếu chứng minh được đây là một nhục thân còn nguyên dạng, không bị đục sọ để lấy não ra hay không bị phẫu thuật để lấy phủ tạng như các xác ướp ở Ai Cập mà bản thân tôi đã được quan sát trong các bảo tàng ở Pháp, CHLB Đức, CH Ý...thì là một điều quá tuyệt vời. Vì như vậy đây sẽ là một phương thức táng mới mà chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Trên thế giới hiện nay có các táng thức: Thổ táng hay địa táng; Hỏa táng; Thiên táng hay điểu táng; Thủy táng; Huyền táng (táng treo).
 
Tôi đã đặt tên cho táng thức các nhục thân ở chùa Đậu là Thiền táng hay Tượng táng.
Điều thú vị là trong khi tu bổ chúng tôi mới phát hiện ra những điều bí mật mà trước đây chưa hề biết. Ví dụ khi hoạ sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân khoét một lỗ nhỏ ở sau gáy của thiền sư Như Trí để đưa đốt sống bị rơi ra vào vị trí cũ, chúng tôi mới phát hiện một tấm đồng che ở lưng, một tấm khác che trước ngực. Những dải băng bằng đồng cuốn quanh đầu để bảo vệ hộp sọ. Vì bên ngoài là lớp sơn ta nên chẳng ai ngờ có những tấm đồng như vậy. Chỉ khi chụp X quang tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh mọi chuyện mới sáng tỏ. Đó là một trong những bí mật, chưa kể những phát hiện khác cũng rất thú vị như tại sao cánh tay của thiền sư Vũ Khắc Trường lại dài đến thế hay khối vật chất bằng quả bưởi trong bụng thiền sư Như Trí là cái gì? Tôi thực sự ngạc nhiên và muốn truyền lại sự ngạc nhiên ấy đến cho độc giả…
Tác phẩm ra đời nhằm đem đến cho bạn đọc những điều bổ ích gì thưa ông?
Đó là phải biết trân trọng nền văn hoá của chúng ta. Tôi xin dẫn ra đây lời của GS.TS Istvan Kiszely, nhà nhân học nổi tiếng Hung-ga-ri khi tôi dẫn ông đến thăm nhục thân Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu vào ngày 7 tháng 2 năm 1984: “Bạn đã cho tôi được biết một điều kỳ diệu về nền văn hoá thật đa dạng của Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ còn tìm được những thiền sư khác nữa…”. Nhà nhân học ấy khen tôi như vậy, nhưng thực tình mà nói còn nhiều điều bản thân tôi vẫn chưa giải mã được.
Thông qua tập sách, tác giả muốn gửi gắm điều gì đến bạn đọc?
Tôi muốn truyền đến các bạn trẻ sự đam mê nghiên cứu. Chính các em ấy sẽ tiếp tục sự nghiệp của chúng tôi khám phá những điều chưa biết về những khía cạnh sâu xa có tính chất triết học trong táng thức mới này.
Được biết, đây là tập sách mà ông rất tâm huyết. Vậy ông có gặp khó khăn nào trong việc xuất bản?
Bạn biết đấy, sách có hay mấy mà không được in ra thì cũng chẳng có tác dụng gì với xã hội. Tôi cũng thật gặp may vì cuốn sách in được lại xuất phát từ câu chuyện sáng tác một ca khúc về bóng đá. Đó là khi tiếng còi mãn cuộc của trọng tài bóng đá trên sân Mỹ Đình vang lên - đội tuyển Việt Nam giành cúp vô địch AFF, thì cũng là lúc ca khúc “Việt Nam chiến thắng” của tôi vang lên trên sân Mỹ Đình và trên Đài Phát thanh TNVN. Nhà doanh nghiệp trẻ Trần Song Hải, Phó chủ tịch Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam gọi điện yêu cầu tôi làm 100 đĩa CD ca khúc trên để anh tặng các cổ động viên bóng đá ở Tp. Hồ Chí Minh. Ngày anh ra nhận đĩa tại nhà riêng của tôi, nhìn thấy tập bản thảo cuốn “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư” để trên bàn, nhà doanh nghiệp này ngỏ ý muốn được tài trợ để in cuốn sách. 180 triệu đồng đối với một nhà khoa học như tôi là số tiền quá lớn. Thật may cho tôi anh đã giúp tôi để in được cuốn sách. Lẽ dĩ nhiên cũng phải kể đến nhiều người khác nữa như hoạ sĩ Lê Văn Thao, Nhà xuất bản Thế giới, Tạp chí Travellive, Công ty in Thương mại TTXVN, các giáo sư, lãnh đạo Giáo hội Phật Giáo Việt Nam… đã giúp đỡ cho tôi rất nhiều về nội dung, in ấn, nên chỉ trong một thời gian ngắn cuốn sách đã được xuất bản.
Ông có ý định cho dịch ra tiếng nước ngoài không?
Chắc chắn là có. Nhưng trước hết tôi muốn cứ in bằng tiếng Việt đã. Các bạn đọc xa gần sẽ góp ý kiến cho tôi về cuốn sách, tôi sẽ sửa chữa để khi tái bản lần thứ hai cũng là lúc sẽ có cả bản dịch bằng tiếng nước ngoài.
Xin cám ơn Phó Giáo sư !

 

 ĐÀI SƠN (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC