16:42:43 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Nhân lực ở Việt Nam vừa thừa, vừa thiếu
Việt Nam đã gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và đã có những bước phát triển nhất định. Nhưng để đáp ứng phù họp với đòi hỏi của nền kinh tế hội nhập thì chúng ta phải có sự đầu tư đúng mức vào nguồn nhân lực, đây là một trong những yếu tố quyết định đến nền kinh tế xã hội của đất nước trong tương lai. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS. Vũ Thị Liên - Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam - Hà Tây. Đây là một trường đại học mới song đã có những thử nghiệm táo bạo, đi thẳng vào nhu cầu của xã hội và đã gây được sự chú ý của công luận cũng như các doanh nghiệp có tầm nhìn về con người.

Bà đánh giá thế nào về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao của Việt Nam hiện nay?

TS. Vũ Thị Liên: Một trong những yếu tố quyết định sự thành bại là con người, tùy theo từng giai đoạn khác nhau thì nguồn nhân lực được đào tạo khác nhau. Trong thời gian qua chúng ta không thể phủ nhận được sự tiến bộ của các loại hình đào tạo, đáp ứng được một phần đòi hỏi của xã hội trong giai đoạn gia nhập vào nền kinh tế quốc tế, tuy nhiên xét về chất lượng cũng như số lượng thì chúng ta vẫn chưa làm được nhiều, chúng ta chưa theo sát nhu cầu của xã hội, nội dung, phương pháp đào tạo còn dàn trải, chạy theo số lượng mà chưa thật sự quan tâm đến quá trình sát hạch về chất lượng, từ đó dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu về lao động. Thừa số lao động được đào tạo nhưng không đáp ứng được các yêu cầu của các đơn vị kinh tế, cụ thể có những em sinh viên tốt nghiệp đại học còn khó khăn khi xin việc làm. Trong khi đó các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế lại rất thiếu lao động có chất lượng cao. Còn thực tế  để có được một người có kiến thức chuyên sâu thì vẫn chỉ là con số nhỏ. Có thể nói: thời chỉ cần nhân lực phổ thông đã qua, theo đà phát triển của nền kinh tế đòi hỏi phải có một lực lượng lao động chất lượng cao, do vậy, không có con đường nào khác là phải đưa ra một lộ trình đầy đủ và bài bản để có được nhân lực có trình độ cao, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, phù hợp với xu hướng quốc tế về lao động chất lượng cao.

Có ý kiến cho rằng trong năm 2008, nhân lực Việt Nam sẽ "sốt" ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như Tài chính ngân hàng,dịch vụ, pháp lý, viễn thông… nhận định của Bà về vấn đề này như thế nào?

TS. Vũ Thị Liên: Tôi nghĩ rằng đó là xu thế của một nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường và trong bối cảnh hoà nhập với khu vực và thế giới. Chúng ta đều biết rằng để gia nhập được WTO phải mất hàng thập kỷ đàm phán vậy tại sao chúng ta lại để vấn đề hệ trọng này trở thành "sốt". Năm 2008 sẽ là năm "được mùa" của một số ngành nghề có chất lượng cao như Tài chính Ngân hàng, Dịch vụ, Pháp lý, Viễn thông... Bởi có một điều dễ hiểu là khi chúng ta đi vào sân chơi quốc tế thì các ngành nghề này phải đi tiên phong, hơn nữa đây là các loại hình tạo tiền đề cho các ngành nghề khác phát triển, đơn cử khi một nhà đầu tư vào Việt Nam thì người ta sẽ quan tâm tới: Môi trường pháp lý như thế nào? Cơ sở hạ tầng ra sao? Dịch vụ viễn thông, ngân hàng đạt mức độ thế nào? Vì vậy tôi cho rằng đây là những loại ngành nghề rất cần trong năm 2008 cũng như các năm tiếp theo. Và để đáp ứng được nhu cầu về lao động cho các ngành nghề này, chúng ta cần phải có một sự chuẩn bị từ trước về nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng với yêu cầu của nền kinh tế mở cửa. Tuy nhiên, để đào tạo được một lực lượng lao động chất lượng cao không phải là công việc một sớm một chiều mà cần phải có 1 phương thức đào tạo mới và phải có một lộ trình. Nói vậy không có nghĩa là con người của chúng ta chưa đáp ứng được đòi hỏi của sân chi quốc tế, nhưng để có được một nguồn nhân lực tốt, dồi dào thì vẫn đang ở phía trước.

Trở lại với Trường ĐH Đại Nam, nơi bà đang chèo lái với một kỳ vọng lớn về tầm vóc cũng như những thử nghiệm táo bạo trong việc đào tạo nhân lực, bà có thể cho bạn đọc biết những dự định sắp tới của Nhà trường.

TS. Vũ Thị Liên: Là một trường đại học tư thục đa ngành, nghề đào tạo, Trường ĐH Đại Nam phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng cao trong nước cũng như trên thế giới, tiêu chí của trường là: Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. Với chiến lược đó nhà trường sẽ xây dựng thành một trường đại học hàng đầu với các giá trị cơ bản: chất lượng, uy tín, đổi mới, phục vụ, là nơi có môi trường giảng dạy và học tập cởi mở, sáng tạo, là cơ sở nghiên cứu khoa học có danh tiếng, mở rộng hợp tác đào tạo với các trường đại học trong nước và trên thế giới.

Để thực hiện được định hướng này Nhà trường không ngừng đổi mới và cập nhật chương trình đào tạo và xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ, nhiệt tình, được đào tạo chuyên môn và các kỹ năng, phương pháp giảng dạy tích cực, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong truyền thụ, cải tiến cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc dạy và học, cũng như hỗ trợ sinh viên trong học tập, nghiên cứu, sinh hoạt đoàn thể, bên cạnh đó ngay từ đầu nhà trường tăng cường hợp tác quốc tế với các trường, viện tiên tiến trên thế giới, mời các giáo sư có kinh nghiệm để đào tạo kỹ năng phục vụ cho sinh viên theo các chuyên đề. Ngoài ra, trường đã ký kết hợp tác với các ngân hàng thương mại (techcombank; MB, VPB...) và sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết với các doanh nghiệp khác để cùng nhau hợp tác trong công tác đào tạo với chuyên ngành: đào tạo những kiến thức mà các đơn vị kinh tế cần, đảm bảo sinh viên khi ra trường có thể tác nghiệp được ngay ở các vị trí công việc. Chính vì vậy, sinh viên ở Trường ĐH Đại Nam khi tác nghiệp, sẽ được các doanh nghiệp nói trên tiếp nhận về làm việc

Xin cám ơn bà!

 P.V - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC