Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 02:31:38 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Mái trường cổ tích
Được thành lập năm 1982, sáu năm đầu thực hiện chương trình giáo dục chuyên biệt, từ năm 1988 đến nay áp dụng mô hình hoà nhập, vậy là gần 30 năm, trường Nguyễn Đình Chiểu đã thắp sáng ước mơ cho nhiều học sinh khiếm thị.
Tựa vào tình thầy trò mà đứng dậy
Đến trường Nguyễn Đình Chiểu vào giờ ra chơi, thấy những màu áo trắng đồng phục rộn ràng đùa nghịch dưới sân trường, sẽ bắt gặp không khí quen thuộc như nhiều ngôi trường khác. Nhà trường đang trong giai đoạn xây dựng một số hạng mục nhưng vẫn duy trì việc học tập đều đặn. Ở một góc sân, có vài em đang chơi bóng và khá đông các em khác đứng xem. Nhưng lạ, cổ vũ đội bóng mà thấy người xem không ồn ào, chỉ thỉnh thoảng rộ lên những tràng pháo tay. Thì ra trong số các khán giả này có nhiều em khiếm thị, các em cần yên lặng để nghe tiếng bóng lăn mà hình dung trận đấu.
Ở một góc của căng tin, một thầy giáo già và sáu, bẩy học sinh đang nắm tay nhau học toán trên những hình tam giác, hình bình hành… được chăng bằng dây và những miếng gai dính. Chứng kiến nỗi yêu thương của những người cùng cảnh ngộ ai mà không rưng rưng. Thầy là Nguyễn Văn Hoàn bị khiếm thị từ nhỏ, đã gắn bó với biết bao thế hệ học sinh. Thầy dạy toán phải đọc thành tiếng những công thức toán, mô tả hình học như đang kể chuyện cổ tích cho các em nghe. Sử dụng những miếng gai dính là sáng kiến mà thầy Hoàn đã áp dụng nhiều năm nay. Sáng kiến này giúp thầy nhận được giải B toàn quốc về sáng tạo đồ dùng học tập cho người khuyết tật do Viện Khoa học Giáo dục tổ chức. Thầy hạnh phúc khi thấy học sinh tiếp thu bài dễ dàng hơn và háo hức với mỗi tiết học toán.
Đằng sau thành công của các em luôn có sự giúp đỡ và hướng dẫn tận tình của người thầy. Tám mươi hai cán bộ, giáo viên ở ngôi trường này đã cảm nhận được điều thiêng liêng từ chính nhiệm vụ hằng ngày của mình, để rồi tận tâm với công việc với lòng yêu thương vô bờ bến. Có lẽ vậy mà cô giáo Đặng Thanh Tú, một giáo viên dạy lớp ba đã thể hiện một giờ dạy tập viết trong lớp học hòa nhập của mình không chỉ bằng trách nhiệm, mà còn bằng sự nhiệt tình và lòng yêu trẻ, vinh dự đoạt giải xuất sắc trong hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học cấp thành phố. Hay thầy Phạm Đình Thắng, người đã tình nguyện sống tại khu nội trú của trường để hằng ngày chăm sóc, hướng dẫn các em từ những việc rất nhỏ trong sinh hoạt, cuộc sống. Nhiều thế hệ học sinh khiếm thị đã và đang học tại trường đều coi thầy như một người ông, người cha cần mẫn và giàu lòng nhân ái.
Cùng hướng về phía ánh sáng
Nhiệm vụ chủ yếu của trường là nuôi dạy trẻ khiếm thị theo phương thức học hòa nhập với học sinh sáng mắt. Gần 150 em khiếm thị hiện nay mà nhà trường chăm sóc giáo dục có một phần ba là người tỉnh ngoài. Bên cạnh đó, với những trẻ dưới sáu tuổi tại Hà Nội cũng được tham gia chương trình can thiệp sớm (tập huấn cho giáo viên và cha mẹ trẻ khiếm thị các bài tập cá nhân tại nhà hoặc lớp mẫu giáo…). “Vì mục đích giúp các em trở thành những người "Tàn nhưng không phế" như lời Bác Hồ dạy, nên ngoài việc dạy văn hóa, nhà trường còn tăng cường dạy nghề hướng nghiệp, phát triển năng khiếu và rèn luyện kỹ năng sống cho các em khiếm thị”, thầy Thái Văn Khoa, hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.
Tình yêu thương của các thầy các cô ở đây đã tạo niềm tin và nghị lực cho nhiều em khiếm thị vươn lên và thành công trong cuộc sống. Trong số đó phải kể đến em Nguyễn Thị Mai quê ở thị xã Sơn Tây, bị mù từ nhỏ, sau khi học xong chương trình ở trường đã học thêm văn hoá và được sang Hoa Kỳ học đại học. Tốt nghiệp đại học, Mai lại hoàn thành chương trình Thạc sĩ và hiện đang là giáo viên của một trung tâm dạy trẻ khuyết tật ở Hoa Kỳ.
Tấm gương vượt khó của em Đào Thu Hương cũng được nhiều người nhắc nhớ. Hương bị mù từ nhỏ, học xong chương trình THCS ở trường, tiếp tục học ở trường THPT dân lập Lương Thế Vinh. Do kết quả học tập xuất sắc, em đã được Bộ GD - ĐT xét tuyển thẳng vào học Khoa Tiếng Anh của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, em đỗ thủ khoa và hiện đang được cử sang học lớp giáo dục hoà nhập tại Nhật Bản. Hay như em Lê Thị Tình mồ côi cha từ nhỏ, mẹ mang đến trường xin học rồi bỏ con cho trường và đi mất. Tình tốt nghiệp đại học về làm Phó chủ tịch Hội Người mù TP Thái Nguyên và mở riêng một cơ sở xoa bóp bấm huyệt.
Những tấm gương sáng của học sinh khiếm thị đã và đang học dưới mái trường Nguyễn Đình Chiểu còn nhiều. Trong gần 200 học sinh ra trường đến nay đã có 32 em tốt nghiệp đại học, có 25 em khác đang học các chương trình nâng cao, 40 em trở thành cán bộ Hội Người mù các quận huyện trong và ngoài thành phố Hà Nội…
“Để có được những kết quả như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân các em, sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, còn nhờ sự quan tâm thường xuyên của Sở GD - ĐT Hà Nội và các tổ chức, các nhà hảo tâm đã tài trợ trang thiết bị giảng dạy và cả kinh phí phục vụ đào tạo”, thầy Khoa chia sẻ.
Tuy vậy, nhà trường còn gặp rất nhiều khó khăn như: số lượng học sinh đông, thiếu giáo viên chuyên biệt trong việc tổ chức các chương trình và hoạt động giáo dục đặc biệt cho học sinh khiếm thị như chương trình can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập… Chưa có nhiều kinh phí để hỗ trợ học sinh khiếm thị ở tỉnh ngoài thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mong rằng, xã hội quan tâm hơn nữa tới các em khiếm thị, tạo điều kiện cho các em được học tập và rèn luyện dưới mái trường mang tên Nguyễn Đình Chiểu.

 

 Duy Ngợi - Bản tin số 249 - Tháng 11/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC