Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 10:04:53 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Sĩ tử thi thử... lo thật!
Chỉ hơn một tháng nữa sĩ tử khắp nơi sẽ bước vào kỳ thi Đại học. Những ngày này, Hà Nội nóng lên dưới cái nắng hè, rực sắc phượng đỏ, rộn tiếng ve và cả những dòng người ngoại tỉnh đổ về. Theo chân các cô cậu học trò, chúng tôi tìm đến một số lò luyện thi, những trung tâm tổ chức thi thử…

>>>> Bản tin số 255 (pdf)

>>>> Sĩ tử thi thử…lo thật! (pdf)

Ước mơ bên giá vẽ

“Gia đình ai cũng mong em trở thành một kiến trúc sư… vậy mà đã ba lần vẫn chưa vượt được vũ môn!” - Phạm Tất Thắng (quê ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) quệt mồ hôi trán, mắt không rời bức tranh tĩnh vật nói. Một phòng học chừng 20 mét vuông; 5 - 6 cậu học trò gò mình bên giá vẽ với cây bút chì, im lặng, chốc chốc có tiếng thầy dạy vang lên. “Ôn văn, ôn sử mệt năm thì ôn vẽ mệt mười ” - hầu hết các em ở đây được hỏi đều nói vậy. Thời gian, sự tập trung, độ khéo léo và nghệ thuật phối màu là bí quyết để thực hiện ước mơ, một bức vẽ nháp cũng tiêu mất cả ngày trời. Học phí ôn thi các môn năng khiếu trong đó có vẽ thường từ 30 - 50 ngàn đồng một buổi, đắt hơn các bộ môn khác và đi kèm với nó là sức ép tâm lý rất nặng nề. Huy đang luyện thi một trung tâm cạnh Kí túc xá Trường ĐH Kiến trúc tâm sự: “Em ra Hà Nội từ sau Tết, mỗi tháng tiêu cả triệu bạc mà nỏ biết bận ni có đậu Trường ĐH Xây dựng. Em lo lắm!”. Thầy Vũ Văn Huệ, giáo viên của trung tâm thì chỉ tay vào lớp học đang say sưa tẩy, vẽ nói tự tin: “Chúng tôi luôn có sự phân loại đối tượng học để áp dụng cách dạy riêng, vì vậy tuy học phí có cao một chút nhưng các em vẫn kéo đến ùn ùn và tỉ lệ đỗ hàng năm bao giờ cũng gần 50%…”. Bên cạnh các lò luyện danh tiếng, sĩ tử nghèo cũng có thể tìm đến những lớp ôn do sinh viên tổ chức. Giá cả sinh viên, cách dạy cũng sinh viên nhưng chất lượng lại khá đảm bảo. Hoàng Quảng Tuyên (sinh viên năm thứ 4, Trường ĐH Kiến trúc) chia sẻ, lớp học của cậu mở đã được 2 năm luôn chật kín học sinh. Nhiều người đã bước vào cổng Trường ĐH Mỹ thuật, Trường ĐH Kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chính từ căn phòng luyện thi chật chội này. Có người đỗ rồi, cả năm sau mới quay lại nộp học phí…

Dạo một vòng dọc phố Tạ Quang Bửu (gần Trường ĐH Xây dựng) không khí chuẩn bị cho ngày thi cũng không kém phần sôi động. Những tấm biển quảng cáo cho thuê nhà, trung tâm ôn thi, dạy vẽ, photocopy... tranh nhau xô ra ngoài đường. Một bác phụ huynh đưa con lên tìm chỗ trọ lau mồ hôi nhễ nhại, lắc đầu: “Lạy trời bớt nóng cho tụi trẻ đỡ khổ…”

Nỗi niềm thi thử...

Phải khó khăn lắm tôi mới đăng ký được vào một lớp thi thử ở một trung tâm luyện thi ngay cạnh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nửa tiếng nữa mới hết giờ làm bài môn Lý, nhìn Chu Tiến Thành (cựu học sinh Trường THPT Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) cứ loay hoay với bài tập con lắc, tôi mớm chuyện: Chỉ là thi thử thôi làm gì mà cậu căng thẳng vậy? lập tức cô giám thị cau mặt: “Không trao đổi, nếu không thích làm em có thể ra về…”. Bước ra ngoài gặp Uyên Nhi, thí sinh thi thử khối C phòng bên cạnh, em nghiêm nghị: “ Quay bài ư? Không anh ạ! Chúng em muốn nghiêm túc để thử sức mình, thi thử mà quay thì ý nghĩa gì nữa…”. Quả thực hầu hết thí sinh đăng ký thi thử với ý thức cao, làm bài nghiêm túc, mang tâm trạng và nỗi lo như một kỳ thi thật.

Thầy Hoàng Phúc Chi - giáo viên Hoá của một trung tâm trong ngõ 334 đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho biết: “ Trung tâm thường nhờ những giáo viên có kinh nghiệm ra đề thi đại học ra đề và chấm bài thi thử. Thí sinh không được giới hạn và điểm số của các em sẽ phản ánh trung thực và khách quan chất lượng dạy và học, tốt thì phát huy, còn yếu phải bổ sung ngay…”.

Đến với những buổi thi thử, sĩ tử sẽ được sống trong môi trường thi thật sự và nhiều em đã trở thành thủ khoa của một số trường cũng chính nhờ những lần rút kinh nghiệm như thế. “Thi thử phải thật khách quan, nhưng kết quả của nó không phải là tất cả. Từ chuyện “đậu thử ” đến đậu thật là một chặng đường dài và không ít gian nan…” - Minh Đạt một thủ khoa Khối A của Trường ĐH Xây dựng năm 2010 đã khẳng định như vậy…

 Hoài Hương - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC