Văn hóa 01:59:11 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Ngậm ngùi đám cưới quê
Tôi có mặt ở quê đúng cái độ mùa đông đang chín, việc đống vừa vãn, nương rẫy vắng người, gió thổi hanh hao nứt nẻ bàn chân và đó cũng chính là mùa cưới.

Ngày xưa, đám cưới ở quê tôi có lệ ăn cỗ đến vài ba ngày, bà con hàng xóm vừa đến giúp đỡ công việc vừa ăn cỗ từ hôm dựng rạp, từ lúc chiếc cổng chào được tết rất khéo từ hai tàu lá dừa tươi cho đến khi hai họ đã nhận rể, giao dâu, tặng trầu lại mặt... Mọi việc chuẩn bị cho đám cưới gia đình đều phải nhờ người giúp chứ không thuê mướn như bây giờ. Bàn ghế, nồi niêu, bát đĩa, ấm chén đi mượn khắp làng, gạo nếp, gạo tẻ mỗi nhà chung tay cho vay vài đấu. Ngày ấy, ở quê tôi bao giờ khách khứa ăn no, uống say, đến đúng giờ lành đoàn nhà trai mới lên đường đón dâu.

Hai bên gặp gỡ, đại diện nhà trai, nhà gái lên có lời thưa chuyện với quan viên hai họ để người già xơi trầu, hút thuốc, trẻ con thì ăn kẹo, cắn hạt bí, nghe nam thanh nữ tú trong làng hát hò. Văn nghệ đám cưới ngày ấy đều tự biên tự diễn, không kịch bản cũng chẳng có người dẫn chương trình, mà tự đùn đẩy, gán ghép thành đôi lên hát mừng cô dâu chú rể. Thế mới có chuyện các “ca sĩ” làng đi dép lê, tay kẹp điếu thuốc thật mộc mạc, nhưng biểu diễn rất say sưa. Còn nhớ như in trong đám cưới của chú tôi, có cô “gái một con” duyên dáng lại hát rất hay, vừa bế con vừa biểu diễn. Ðến giữa bài hát, thằng bé ngọ ngoạy, ngặt ngoẹo rồi cùi đầu vào ngực mẹ đòi ăn... vậy là quan khách được một trận cười nghiêng ngả, còn chị ấy thì mặt đỏ bừng vì xấu hổ giữa tiếng vỗ tay, hò reo. Những đám cưới như vậy qua đi còn để lại biết bao dư âm, vui vẻ, dân làng mãi về sau vẫn nhắc lại những chuyện vui, chuyện cười chỉ có trong đám cưới...

Lũ trẻ con bọn tôi ngày ấy hay chạy theo lễ rước dâu, vừa hò reo, vừa chen nhau xem cô dâu chú rể chắp tay khấn trước bàn thờ gia tiên, xem người ta trải chiếu trên giường cưới. Người được chủ nhà mời phải là một cụ già phúc hậu, con đàn cháu đống, ngoan ngoãn thảo hiền, nếu không cũng phải là một bà khỏe mạnh, được dân làng quý trọng và cả... mắn đẻ. Người được mời sẽ tự tay trải cặp chiếu hoa lên giường cưới ngay trước mặt cô dâu chú rể, vừa trải miệng vừa đọc những lời chúc phúc cho cặp uyên ương trăm năm đầu bạc và thỏa lòng đêm hợp cẩn.

Ðám cưới ở quê tôi bây giờ vẫn ồn ã, náo nhiệt và cả “hoành tráng” có khi hơn xưa nhưng cái không khí rạo rực, lâng lâng của cả cộng động thì dường như vắng bóng. Vào “ngày lành, tháng tốt”, có khi khắp làng trên, xóm dưới ở đâu cũng có đám cưới. Tiếng hát karaoke, tiếng nhạc xập xình vọng vang khắp trong ngõ xóm, các ông, bà, cô, bác hấp tấp “chạy xô” từ đám cưới này, sang đám cưới khác. Bây giờ bà con không phải mổ lợn mà là mổ bò. Mâm cỗ, lấy thịt làm chủ đạo và cũng được bày biện khá bắt mắt. Tuy không hào nhoáng như ở thành phố, nhưng với những người quanh năm chân lấm tay bùn thì đó cũng là sang hơn trước rồi. Ngoài đĩa thịt gà cổ truyền bên cạnh đĩa thịt lợn không thể thiếu thì con bò được giết thịt là món "xông xênh" nhất để gia chủ tỏ lòng hiếu khách. Cỗ to như cỡ đám cưới thì phải mời cả làng, thậm chí họ hàng cách nhau đến cả cận 10 đời. Ðám cưới nào cũng thuê người dẫn chương trình nói oang oang như lệnh vỡ, khách vừa ăn uống, chúc tụng vừa nghe hát hò. Ai ăn cứ ăn, ai uống cứ uống, gặp nhau lời chào cũng vội, thành thử đi ăn cỗ cưới cốt cho phải phép với gia chủ là chính. “Ban ngày khách già, ban đêm mới là khách trẻ”, sau màn hát hò với những bài hát tình yêu "nồng cháy" là đến màn nhảy tự do. Ðôi loa thùng được bật to hết cỡ làm mấy cái phông bạt bay phần phật và các chàng trai tha hồ lắc, nhảy, tay chân vung vít...

Chiều nay, bỏ lại sau lưng một đám cưới ồn ào, giao thoa lẫn lộn giữa văn hóa làng xã và phố thị, tôi tha thẩn đi bộ theo lối dẫn ra con sông quê. Nghe gió chiều thổi hanh hao bỗng nhớ não lòng đám cưới của cô út tôi các đây hơn chục năm về trước cũng dẫn dâu bên bến sông này. Ngày đó, đưa dâu bằng đò vì đường sá còn cách trở lắm. Rạp cưới được các chàng trai chòm xóm dựng rất nhanh với một cái cổng kết bằng lá dừa thật đẹp. Bà con về đủ cả trong bữa nhóm họ. Không khí rộn rã và ấm cúng. Các nghi lễ đều diễn ra giản đơn nhưng trang trọng và rất cảm động. Các món dọn trong tiệc cưới là thịt gà, vịt và một con heo do ông nội tôi nuôi, không cầu kỳ hoa lá nhưng ngon lành, ấm nóng tình người… Biết bao giờ ở trên mảnh đất quê hương mình, tôi gặp lại một đám cưới giản dị mà thiêng liêng như thế!

 

 Trương Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 238/2010
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC