Văn hóa 22:57:21 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Da diết nỗi nhớ Nàng Hai
Vào những đêm trăng tháng Tám hay Giêng hai, ở các bản người Tày thường có Lễ hội Nàng Hai. Lễ hội Nàng Hai hay còn gọi là lễ mời trăng, được phổ biến khá rộng rãi trong cộng đồng Tày, và có lẽ trong các nghi lễ, hội hè của người Tày thì đêm hội Nàng Hai là đêm hội thu hút được nhiều nam thanh, nữ tú tham gia hơn cả.

Ít ai biết trong các nghi lễ hay hội hè lại có một cuộc chơi đầy chất thơ và lãng mạn như hội Nàng Hai. Nàng Hai theo chiết tự tiếng Tày có nghĩa là Nàng Trăng - một trong các tín ngưỡng “Nàng” của người Tày như Nàng Xáy (trứng), Nàng Hương (hương đốt), Nàng Cuôi (sọt)… Mục đích của Lễ Nàng Hai là vui xuân. Tháng Giêng, người ta làm lễ Kì yên giải hạn, cầu phúc, cầu mùa hàng năm sẽ có Nàng Hai. Trong đêm Roỏng Nàng Hai (mời trăng), người đến hội sẽ được nghe những câu lượn giao duyên tình tứ cùng không ít động tác nhập đồng dõi theo câu chuyện tình hy hữu giữa người dương thế với Nàng Trăng. Người già cho rằng, sở dĩ trăng buồn, ánh trăng lạnh lẽo cũng bởi Nàng Trăng nhớ người thương ở cõi trần. Trăng là cái đẹp, là biểu trưng cho sự chia ly, xa cách, là nhớ nhung diệu vợi miên man trong gam màu buồn, bởi Nàng Trăng phải xa người mình yêu ở nơi trần thế.

Ðể có được cuộc hát đối giao duyên này, nhất thiết phải có hai người trở lên. Một là Thay (Thầy Pụt) và một thiếu nữ xinh xắn để Nàng Trăng nhập vào, cùng với đó là mẹ trăng và các thiếu nữ chàm theo hầu Nàng Trăng, có vậy mới thỉnh được Nàng về. Người để Nàng Trăng nhập vào phải là thiếu nữ đương xuân, mình bận bộ đồ màu đỏ, đội mũ đỏ. Thầy Pụt là người có cấp vị ít nhất từ Phó thống lệnh binh trở lên (Pụt có nhiều cấp như: phó thống lệnh binh, chánh thống lệnh binh, đô đốc, thượng thư là cao nhất). Sau khi Kiểm pang (kiểm lễ vật) xong, ông Thay của Pụt bắt đầu làm lễ thỉnh cầu Nàng Trăng giáng thế, còn gọi là “Au khoăn đíp” đón Nàng Trăng về nhập vào người trần. Thầy Pụt là người chủ trì việc cúng tế xin phép mở hội bằng cách gieo đồng âm dương, đồng thời tạ ơn các thần đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa. Khi đã thực hiện xong nghi lễ trình báo các thần, Thay tiếp tục làm lễ cầu phúc, cầu mùa. Sau đó Thay mời Nàng Trăng xuống với người trần thế bằng câu lượn chứa chất yêu thương, Thay lượn rằng: “Liệc noọng lồng tu thể ời nời lằng lè đây/ Liệc noọng lồng tu Thay nằng bưởng. Liệc noọng lồng tu thể ới nời lìn lè xuân. Liệc noọng lồng tu đông đuổi thể ời nờ. Liệc noọng lồng tu thể lường lè gian/ Liệc noọng lồng đuổi quan kết bạn” (Mời em xuống cửa trân gian một ngày/ Mời em xuống nhập cửa Thay trò chuyện/ Mời em xuống cửa thể vào xuân/ Mời em xuống cùng anh kết bạn).

Khi đã mời được Nàng Trăng về, cô gái bắt đầu có động tác pắn tẳm tôm, phồm tẳm phạc (ngồi khoanh chân, người quay sát đất thành vòng tròn). Nàng Trăng về, việc đầu tiên là Nàng ban phúc cho hạ giới, cho mùa màng tốt tươi, no ấm, rồi chúc phúc trẻ già, dân bản. Sau khi đã ban phúc xong, Nàng sẽ trò chuyện tâm tình với người thương của mình nơi hạ giới mà lâu nay cách biệt. Ðây là đoạn hấp dẫn người xem hơn cả, bởi người ta vừa được chiêm ngưỡng những động tác mềm mại của Nàng Trăng lại vừa được thưởng thức những câu lượn giao duyên ngọt ngào tình tứ bày tỏ nỗi niềm của Nàng Trăng về những khao khát yêu thương lâu nay cất giữ trong lòng. Nàng Trăng lượn rằng: “Ước lừ noọng cắp pí ờ lờ đảy pần pa/ Bấu cần lăng thôm nà cụng ím ời ời lờ” (Ước gì em với anh thành vợ thành chồng / Không cần đến ruộng ao cũng thấy là no ấm …) Người con trai cũng bày tỏ nỗi niềm và khao khát được gần gụi của mình mà lượn lại rằng: “lòi lòi, noọng nè ơi, ới ời noòng, noọng lè nơi. Ươc lừ pì cắp noọng, ới lời đảy pần pa/ bổ mì khẩu lồng mỏ còi lè xa/ Bố mì vài thây nà còi tậu ời nò”. (Ước gì anh với em thành chồng thành vợ/ Không có gạo cho xuống nồi sẽ kiếm/ Không có trâu cày ruộng sẽ mua). Rồi cứ thế Nàng Trăng và Thay đối đáp với nhau cho đến hết đêm. Những câu lượn yêu thương, vui mừng phấn khởi cứ vậy ào ra theo xúc cảm của Thay và Nàng Trăng. Tiếng lượn trong đêm trăng vọng lan mang lại cảm giác yêu thương tràn ngập cỏ cây hoa lá trong cái se lạnh đầu xuân. Câu lượn slương như đọng lại trên từng nụ đào mỏng mảnh, thấm vào trong những giọt sương đêm tinh khiết và đi vào lòng người da diết nhớ thương. Nhưng…Nàng trăng là người của trời, chỗ của nàng là ở mãi trên cao xanh kia nên dù yêu thương đến mấy nàng cũng không thể ở lại được cửa trần gian với người mình yêu thương được.

Khi đêm gần sáng là lúc Nàng Trăng phải về. Trong nỗi nhớ nhung cùng sự chia ly xa cách, Nàng Trăng ngậm ngùi luyến tiếc mà lượn rằng: “Mình noọng dú tu thể bấu an/Mình noọng dú đuổi quan bấu đảy/Thống noọng mừa phja dạ đuổi tai/Thống noọng mừa phja hài đuổi mè/Tả noọng táng dú lé puồn thân/ muột tời bấu mì cần kết bạn” (Số em ở lại cửa trân gian không được/ Em không thể ở lại cửa trần gian nữa rồi/ Ðưa em về lại chốn ấy đi thôi/ Ðưa em về nơi ấy với mẹ/ Biết là ở một mình buồn thân/ Ðến hết đời không có người kết bạn). Câu lượn lúc này nghe xúc động, nghe da diết làm sao. Nàng Hai không có ai bạn, một mình ở vậy nhìn xuống trần gian nên ánh trăng buồn mênh mang và lạnh lẽo nhưng chỗ ở của Nàng là trên ấy không thể nào khác được. Thay cũng ngậm ngùi tiễn người thương về lại cung trăng bằng câu lượn ngậm ngùi, chua xót, đầy cam chịu, lượn rằng: “Thống noọng mừa Phja dạ đuổi tai/ Thống noọng mừa phja hai đuổi mè/ Cần tọc noọng dú lé buồn lai/ Chắng chăn trừ cạ hai slíp hả” (Biết là đưa em về chốn ấy sẽ buồn/ Biết là đưa em về nơi ấy không vui/ Biết một mình em lẻ loi biết mấy/ Nhưng phải thế mới thành trăng thương nhớ). Và kết luận là cuộc đối đáp giao duyên này chỉ là cho bớt nhớ thôi còn để lấy được nhau thì không thể, vì đã là trăng thì phải ở một mình trên cao xanh kia.

 Hải Anh - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC