22:24:13 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Hồi sinh chữ Nôm Dao cổ
Trải qua thời gian với nhiều biến động của lịch sử, xã hội, những người biết đọc biết viết chữ Nôm Dao ngày càng vắng bóng.
Từ xa xưa, chữ Nôm Dao được cộng đồng người Dao sáng tạo trên cơ sở chữ Hán, để ký âm tiếng Dao. Từ đó loại chữ viết này được sử dụng để viết sách ghi lại những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật trong đời sống dân tộc Dao. Ngày nay khi chữ Nôm Dao đang dần dần mai một, thì một tin vui ở một vài tỉnh như Lào Cai, Yên Bái đã mở lớp học chữ Nôm Dao dành cho thanh niên địa phương.
Tháng 3/2011, tại Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ đồn (Bắc Cạn) tại nhà ông Triệu Tiến Vinh đã diễn ra buổi khai giảng lớp dạy chữ Nôm Dao đầu tiên trong tỉnh. đây là sự kiện quan trọng, không chỉ vì là lần đầu tiên mà từ đây mở ra niềm hi vọng mới của người Dao. Ông Vinh, người đứng ra tổ chức lớp học cho biết: đến nay chỉ còn một số ít các say (thầy) còn biết chữ, cả những người biết hát lượn cũng rất ít và chủ yếu là những người đã cao tuổi. Ông và một số bạn bè của ông đều tự học chữ Nôm Dao từ bé, điều gì không biết thì hỏi người đi trước. Cứ như vậy, chữ Nôm Dao lặng lẽ tồn tại trong những cuốn sách cổ phủ bụi, trên những tờ sớ dâng lên trời, trong cộng đồng người Dao ở Bắc Cạn.
Theo già làng thôn Bản Cuôn đặng Quảng Vượng, mục đích của việc dạy chữ Nôm Dao để những đứa trẻ biết đọc biết viết theo tiếng của dân tộc mình. Học chữ Nôm Dao để hiểu về nhân nghĩa. để bên trong không làm tổn thương nhân phẩm con người, ngoài không hại đến vật, trên không phạm trời, dưới không phạm người. Anh em biết giữ chừng mực, hoà khí, thấu hiểu triết lý đời sống, khi đó người ta sẽ tự giác không phạm đến các tệ nạn xã hội. Người học chữ Dao tốt, hiểu được cái lẽ của nhà Nho sẽ tự mình nhận biết lẽ sống, có lòng hiếu thảo với cha mẹ và nhân đạo với mọi người. Các môn sinh của lớp trước khi nhập môn đều phải thắp hương tưởng nhớ tới thầy Khổng Tử, người khởi xướng Nho giáo. đây cũng là ý thức về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam chúng ta.
Khi được hỏi về công tác tổ chức lớp học sao cho hiệu quả, ông Triệu Tiến Vinh, cho biết: “Thời gian học dự kiến kéo dài chín tháng, ban đầu đã có 19 học sinh. đây là các em không có điều kiện tiếp tục theo học ở các trường phổ thông do hoàn cảnh gia đình khó khăn”. Lớp khóa 1 này sẽ do hai thầy uy tín ở thôn Bản Cuôn đảm trách, là thầy Triệu Tiến Vinh và thầy Triệu Tiến Hưng… Ông Vinh là người đã bỏ ra gần 200 triệu đồng để xây dựng lớp học, khu nội trú cho học sinh từ xa đến và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn . để tạo điều kiện cho các em có thêm thu nhập trong những ngày học tập, ông khuyến khích họ làm thêm ngay tại đồi chè của gia đình. Ông cũng đang liên hệ với một số doanh nghiệp đóng gần Bản Cuôn, nhờ họ tạo điều kiện cho các học viên làm thêm vào ngày nghỉ.
Ngay khi được biết lớp chữ Nôm Dao được tổ chức ở Bản Cuôn dành cho học sinh nghèo, có nhiều người đã cao tuổi còn đến tận lớp học để ủng hộ tiền. Số tiền tuy không nhiều, nhưng điều đó thể hiện tinh thần phấn khởi của bà con khi chữ Dao được hồi sinh.
Em Triệu Tiến Cường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ hết lớp 9 phải nghỉ học, tâm sự: “Em và bạn bè do hoàn cảnh không tiếp tục học cấp ba được, đi học chữ Nôm Dao vừa phù hợp điều kiện vừa là ý nguyện vừa để đọc được những sách cổ trong gia đình. Thầy em cũng bảo, học chữ của dân tộc mình để hiểu mà gìn giữ nếp sống đẹp người Dao…”.
được biết, gần đây tỉnh Lào Cai đã triển khai dự án “Sưu tầm, biên soạn và thí điểm tổ chức một số lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho thanh - thiếu niên dân tộc Dao” do Tiến sỹ Trần Hữu Sơn làm chủ nhiệm. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai và các huyện trong tỉnh đã tới điều tra ở 466 làng người Dao, thống kê được tên sách cổ người Dao cùng người lưu giữ, tóm tắt nội dung của 9.648 cuốn sách của người Dao trong 279 làng. đồng thời, dự án còn sưu tầm, chép lại, chụp ảnh lưu giữ nội dung 825 cuốn sách cổ có nội dung đặc sắc, dịch sang tiếng phổ thông 200 cuốn sách cổ có nội dung quan trọng, từ đó biên soạn, xuất bản 10 tập "Sách cổ người Dao" đưa xuống các vùng có đông người Dao sinh sống để tiếp tục nhân bản qua hình thức truyền khẩu hoặc sao chép lại.
Những khởi đầu tốt đẹp đó đang gieo niềm hy vọng chữ Nôm Dao ngày một hồi sinh trong cộng đồng người Dao. Từ đó, những bản sắc văn hóa, giá trị tri thức của cha ông còn lưu giữ trong từng trang sách cổ sẽ dần được nghiên cứu và phát triển.
 
 
 Văn Thiện – Hoàng Giang - Bản tin ĐHQGHN số 243, tháng 5/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC