17:14:37 Ngày 23/04/2024 GMT+7
Nổi nênh làng gốm sông Hồng
Làng gốm sông Hồng đã tồn tại 20 năm nay, từ những năm 1986, 1988 khi việc ngăn sông cấm chợ được xóa bỏ, hoạt động buôn bán, lưu thông hàng hóa diễn ra sôi động hơn. Người buôn bán ở làng gốm đều xuất thân từ nông dân làng Đức Bác – sông Lô Vĩnh Phúc – một vùng quê chiêm trũng, ruộng đất ít, gia đình lại đông con nên những đứa con ruộng đồng lớn lên lại phải tự bươn chải, tìm kế sinh nhai ở nơi đô hội sầm uất.
Từ đời cha ông họ đã di cư bằng thuyền đạp chân đến ven sông Hồng mua gốm Phù Lãng, Thổ Hà, Bát Tràng về đổi lấy lương thực. Những người đầu tiên đặt nền móng cho làng gốm sông Hồng hầu như đã mất cả, người còn sống cũng đã ngấp nghé tuổi “thất thập”.
Nghiệp mưu sinh từ gốm của họ nổi nênh theo con nước sông Hồng. Điểm đặc biệt của làng gốm sông Hồng, mặc dù là những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng họ có con mắt thẩm mỹ cao, biết chọn nhiều loại hàng độc đáo, có hình thù kì lạ, đôi khi là những chiếc chum sành, sứ bị lỗi chính vì thế chúng trở thành món đồ có một không hai rất được khách nước ngoài và người sành chơi đồ gốm ưa chuộng. Kinh nghiệm buôn bán hòa vào bản chất một người nông dân hiếu khách, chắt chiu “lãi một đồng cũng quý”, họ có bí quyết níu khách rất tài tình. Hiếm có ai đến đây mà về tay không. Hàng hoá chủ yếu là bán buôn nhưng khách đã đến đây, dù chỉ chọn mua một cặp lọ hoa nhỏ, một chiếc liễn đựng muối bằng sành hay một cái chén uống nước thì ông bà chủ cũng sẵn sàng đi đến vài vòng trong cả đồng bãi mênh mông đồ sành sứ để chọn bằng được thứ khách yêu cầu.
Làng gốm sông Hồng là đầu mối cung cấp gốm sứ chính cho các nghệ nhân của làng cây cảnh Nghi Tàm đồng thời có mối quan hệ thân thiết với nhiều nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Bát Tràng.
Từ “chợ” thành “làng”
Anh Hoàng Văn Tam theo bước chân khởi nghiệp của cha anh lớp trước bắt đầu nghề buôn gốm từ năm 1992. Năm nay anh đã ngoài bốn mươi tuổi. hơn 10 năm làm nghề xây dựng rồi lại như duyên nợ anh quay về làng gốm. Con cái anh đều đang học ở quê. Cứ 2 đến 3 ngày, dân làng gốm lại rủ nhau đi lấy hàng một lần. Anh cho biết: “Quê tôi nghèo lắm, nghèo nên mới phải tha hương. Bán buôn thứ đồ gốm này dù lãi không cao nhưng người buôn lúc nào cùng phải “nâng như nâng trứng”, thôi thì “của một đồng công một nén”. Gần tết tiêu thụ cũng khá hơn một chút bù đắp cho những lúc ế ẩm”.
Người lao động ở làng gốm sông Hồng đa dạng về lứa tuổi; thanh niên trai tráng cũng có, trung niên tóc ngả màu muối tiêu cũng nhiều. Xưa, họ quẩy gánh rao hàng khắp ngõ ngách phố phường Hà Nội. Ngày nay, phương tiện tiến bộ hơn thì họ dùng xe đạp, xe thồ, xe máy… chở gốm khắp nơi. Những ngày đầu khởi nghiệp, dân làng gốm sông Hồng chỉ bán đồ gia dụng như: bát đĩa, ấm chén… sau này, đời sống được nâng cao, họ bán thêm rất nhiều đồ trang trí rất phong phú như: tranh gốm, bình phong thủy, đài phun nước, lọ hoa… Gốm tập kết ở đây đủ cả, từ những chiếc lộc bình cao ngút đầu người giá vài triệu đồng/đôi, đến cả những lọ hoa, cốc, chén chỉ mươi ngàn đồng. Không chỉ hình thành một cái chợ, họ còn thuê đất “lập làng” ở ngay trên bãi sông Hồng. Thuyền buôn gốm tập kết từ Phú Thượng đến tận cuối phường Tứ Liên, điểm đầu bãi sông Hồng thuộc phường Phú Thượng, chỉ lẻ tẻ khoảng 2, 3 hộ neo thuyền. Nếu không phải là khách quen, khó nhận ra nơi đây có chợ gốm. Tập trung nhiều thuyền buôn bán nhất chính là bãi Tứ Liên. Hơn chục hộ gia đình thuê những ruộng với giá 2,5 triệu đồng/năm để tập kết gốm. Trung bình một gia đình thuê khoảng 2 suất, đủ để họ bày hàng hóa và dựng tạm những chiếc lều bằng cót ép, diện tích đủ kê một chiếc giường và chứa thêm vài ba thứ vật dụng. Chiếc giường ngủ duy nhất đôi khi cũng được tận dụng làm chỗ để bày hàng. Mấy chục năm nay, thế hệ con cháu đã lớn lên ở mảnh đất ven sông lồng lộng nắng mưa gió bão. Hầu hết họ là người cùng làng, nhìn đâu cũng thấy anh em, chú bác. Mỗi nhà thuê khoảng 500m vuông đất. Mỗi nhà bán một loại hàng riêng. Tại đây có khoảng 20 căn hộ. Trừ tiền chi phí vận chuyển, mỗi năm lãi khoảng trên dưới chục triệu đồng.
Lênh đênh phận gốm
Nơi những căn lều thông thốc gió, lạnh thấu da thịt vào mùa đông, nắng chói chang vào mùa hè – đó chính là ngôi làng tha hương thứ hai của dân làng gốm. Những khi trời đất mưa thuận gió hòa còn đỡ khó khăn, khi mưa bão, nước ngập bốn bề, nhìn đâu cũng thấy một màu đỏ đùng đục của nước sông Hồng, ấy cũng là khi dân làng gốm chống chọi với lũ, vận chuyển hết hàng hóa lên thuyền, chậm tay một chút là gốm sứ cũng theo nước mà trôi biệt tăm biệt tích. Công sức cả năm lao động cực nhọc cuộn chảy theo dòng mưa bão. Sống trên bãi sông mà thiếu nước sạch, họ chỉ dám mua nước để ăn uống, còn nước sinh hoạt, tắm rửa, giặt rũ thì mấy nhà phải khoan chung một cái giếng để dùng. Tận dụng những khoảnh đất sông mùa nước rút, ngoài giờ đi chợ, những người nông dân tiểu thương lại tăng gia thêm những vườn rau, giàn bí, bầu... để cải thiện thêm cho bữa ăn hằng ngày. Giữa nơi thành thị đắt đỏ này, hằng tháng họ đều phải chắt bóp dành dụm một khoản tiền để gửi về quê nuôi bố mẹ già, lo cho con cái ăn học... Người nào khá hơn thì tích cóp để sửa được nếp nhà hay sắm được cái xe máy. Tảo tần và nhẫn nại, dân làng gốm len lỏi khắp các con phố Hà Nội từ tờ mờ sáng đến tối nhọ mặt người mới trở về. Một xe hàng cồng kềnh, chằng buộc rất kỹ càng cẩn thận để chuẩn bị cho buổi chợ ngày sớm mai. Một năm chỉ được sum vầy cùng gia đình chưa đầy một tháng, thời gian còn lại họ phải lăn lộn buôn bán nơi đất khách quê người.
 
 Đoàn Lữ - Bản tin số 250-251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC