00:46:08 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Đói cũng phải học lấy cái chữ
Nằm heo hút bên sườn phía Đông của dãy Hoàng Liên, đã có một thời người Mông xanh ở bản Tu Thượng (xã Nậm Xe, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) sống tách biệt, cách li hoàn toàn với bên ngoài. Đường núi hiểm trở, giao thông khó khăn, lối suy nghĩ khép kín cộng với thói quen nuôi trồng mang nặng tính tự cấp tự túc đã khiến cái nghèo đeo bám bản làng suốt bao đời. Đời sống vật chất khó khăn nhưng đồng bào Mông ở Tu Thượng lại rất coi trọng việc học chữ của con cái.
Bản ngày trước nghèo lắm!
Ngồi trong ngôi nhà gỗ, tường ốp nứa truyền thống đã nhiều năm tuổi, bên bếp lửa hồng, nhấp ngụm nước chè "đóng bánh" nóng hổi, cụ Giàng A Khoa, một bậc cao niên của bản đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của người Mông xanh ở chốn thâm sơn này. Bản được lập tự bao giờ thì ngay cả những người già nhất cũng không biết, chỉ tin theo một huyền tích được bà con truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Đó là tổ tiên của người Mông xanh vốn ở tại một hòn đảo giữa biển khơi, sinh sống chủ yếu bằng nghề săn bắt, chài lưới. Do đất đai ở nơi đó khô hạn, nên mùa màng thất bát triền miên, lại bị chúa đất hà khắc, xúi bẩy dân trong vùng xa lánh đã khiến người Mông xanh rồng rắn di cư đi tìm mảnh đất mới. Họ đi qua vùng Tây Nam Trung Quốc rộng lớn, đi mãi rồi đến vùng biên giới Việt - Trung, vượt sang đất Lào Cai, rồi băng qua sườn Phan Xi Păng đến định cư ở mé Đông Nam dãy Hoàng Liên Sơn. Nằm ở địa bàn hẻo lánh, ngày trước do hậu quả của những tin đồn thất thiệt nên cộng đồng bản sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, những tập tục lạc hậu đã hằn sâu vào thói quen, nếp sinh hoạt của người dân nơi đây, cũng chính là khi cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám quanh năm, trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với mỗi gia đình người Mông xanh. Bà con chỉ biết trồng lúa, ngô, sắn trên nương. Vụ nào thời tiết thuận lợi được mùa, mỗi hộ may lắm cũng chỉ được vài gùi thóc, nên một năm có 12 tháng thì thiếu ăn tới 7 tháng là chuyện bình thường. “Người đói thì phải đòi rừng nuôi”, cứ nhị kì giáp hạt là già trẻ, trai gái trong bản lại lũ lượt kéo nhau vào rừng đào củ mài, củ nâu về ăn, sống qua ngày. Nghèo đói lại thiếu hiểu biết nên những hủ tục lạc hậu như: kết hôn cận huyết rồi việc tang ma rườm rà, thách cưới nặng nề hoành hành, đeo nặng bản làng. Khi ấy để giải quyết mọi khó khăn, bà con chỉ tin theo lời thầy cúng... Nhưng đó chỉ là câu chuyện buồn của ngày xưa. Giờ đây, cái khó nghèo cùng những hủ tục lạc hậu ở Tu Thượng đã được đẩy lùi, bản như khoác lên mình một tấm áo mới. Đường cấp phối được mở, điện về tới từng mái nhà, bản đã có trường, có lớp; đời sống kinh tế, xã hội được nâng cao, những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Mông xanh được gìn giữ, phát huy.
“Tết con rồng này bản mình vui lắm vì năm nay thảo quả được mùa, giá bán lại cao nên nhà nào cũng có tiền để mua thịt, bánh mứt và sắm quần áo mới cho con trẻ. Trước đây, người Mông xanh mình không biết trồng cây thảo quả và làm lúa nước đâu nhưng bây giờ thì nhiều bà con đã biết bàn tính cả cách làm giàu rồi đấy!” - Trưởng bản Vàng A Páo hào hứng chia sẻ.
Con chữ và ước mơ thoát nghèo!
Đồng bào Mông ở Tu Thượng giờ nhà nào cũng đã biết khai hoang, đắp ruộng trồng cây lúa nước, biết bảo vệ rừng trồng cây thảo quả và biết phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung… Kinh tế đi lên, tình hình an ninh trật tự ở bản được giữ vững, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, những hủ tục được đẩy lùi; môi trường cảnh quan sạch đẹp, đường trong bản đã được bê tông, không còn hộ đói, nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng thảo quả và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện Tu Thượng đã có 90% số hộ sắm được đài, ti vi, trên 70% hộ gia đình có xe máy; 95% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống nước sạch đang được đầu tư xây dựng, đầu năm 2012 này sẽ cấp nước cho 90% hộ dân trong bản. Thành quả lớn nhất mà bà con Mông ở Tu Thượng có được hôm nay, đó là trình độ dân trí đã được nâng cao, việc học của con trẻ được đặc biệt quan tâm. “Ở vùng núi này, chúng tôi chẳng có của cải gì đáng giá để khoe, chỉ tự hào một điều là mấy trăm con người từ già đến trẻ ai cũng biết chữ, cơm có thể thiếu nhưng chữ thì phải đủ và chỉ có học chữ thì thế hệ thanh niên và con trẻ mới thực hiện được ước mơ thoát nghèo...” - già Giàng A Khoa khẳng định chắc nịch.
Thầy giáo Vàng A Su, người con của đất Nậm Xé chỉ tay về phía điểm trường Tu Thượng mới được đầu tư xây dựng khá khang trang, giọng tự hào: “Khoảng dăm năm trước, cả bản cũng chỉ có 1 - 2 người biết mặt chữ đủ để viết nguệch ngoạc cái tên vào bản đăng ký khai sinh, còn lại đa số bà con chỉ biết nhúng ngón tay vào mực để điểm chỉ. Việc vận động học sinh ra lớp cũng khó khăn lắm, trẻ em lớn lên chỉ biết đi chăn trâu, làm nương và đi rừng kiếm củi, còn việc học chỉ là phụ thôi. Bây giờ thì khác rồi, khắp bản không có bóng trẻ em nào ở nhà hoặc bỏ học đi làm đồng hay đi chăn trâu, kể cả các cháu trong độ tuổi học mẫu giáo, bởi gần như 100% số trẻ trong độ tuổi đều được vận động đến trường...”. Trưởng bản Vàng A Páo thì khoe rằng, Tu Thượng đã phổ cập tiểu học và THCS được 2 năm nay, trong bản cũng có gần chục người tốt nghiệp THPT và có cả người tốt nghiệp đại học đi làm cán bộ. “Tôi tin rằng chỉ vài năm nữa thôi các thế hệ tương lai của bản lớn lên với kiến thức, văn hóa vững vàng sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Khi ấy Tu Thượng sẽ giàu đẹp, tiến kịp miền xuôi.” - ông Trưởng bản chào chúng tôi bằng cái bắt tay xiết chặt và nụ cười rổn rảng.

 

 Trương Huyên - Phạm Vũ - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC