23:42:10 Ngày 23/04/2024 GMT+7
Ngậm ngùi với những cánh cò
Bà con xung quanh vẫn thường đùa rằng, tôi là người giàu có nhất vùng này. Tuy sống trong căn nhà tranh vách đất nhưng tôi lại có cả một quả đồi cây lá xum xuê, chốn bình yên để hàng vạn cánh cò neo đậu. Nói là giàu cũng phải bởi từ nhỏ chưa bao giờ nhìn thấy tiền triệu nhưng với gia tài ấy, chỉ cần một cái gật đầu mấy bà cháu tôi sẽ có hơn chục tỉ đồng hoặc ít ra là một cuộc sống đủ đầy, chẳng phải lo nghĩ đến tận cuối đời...
Nếu chim trời có đôi, cá nước có bầy thì cuộc đời tôi còn truân chuyên hơn cả những cánh cò. Bố mẹ mất sớm, chồng đi bộ đội rồi hy sinh khi tôi mới 18 tuổi, đứa con trai duy nhất rời xa trong một tai nạn giao thông thảm khốc, cô con dâu sau 1 năm chịu tang chồng cũng bỏ đi bước nữa. Dưới chân đồi Trầm Sai quạnh quẽ, trong căn nhà tranh nhỏ xíu, liêu xiêu chỉ còn tôi với 5 đứa cháu nội nheo nhóc, đứa tập bò, đứa tập đi, sớm chiều làm bạn với nghèo đói và những cánh cò...
Khi ấy có người đã khuyên, nên cho bớt mấy đứa cháu đi làm con nuôi nhưng tôi không chịu. Chẳng quản ngày nắng, ngày mưa, tôi vục mặt, vật lộn với gần 4 sào lúa, mấy sào rau màu rồi chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn... quyết nuôi các cháu nên người. Mấy mươi năm qua chưa khi nào tôi dám ốm, ngẫm lại thấy cuộc đời mình chẳng khác gì thân cò lặn lội sớm khuya. Nhiều bữa, cả 6 bà cháu chỉ có cơm rau chan nước trắng pha muối loãng, song những con cò, những ổ trứng ở ngay sau nhà kia thôi tôi không hề động tới. Họ hàng nói tôi hâm, không bắt cò mà ăn, hoặc mỗi ngày tóm vài chục con đem bán kiếm tiền, tôi chỉ cười đáp rằng: “Có người mẹ nào lại ăn thịt con mình bao giờ!”. Gần 70 năm gắn bó, chăm lo, bảo vệ cho những cánh cò, dám hy sinh cả rừng tre, rừng gỗ mấy chục tuổi, tôi hiểu cò như hiểu chính những đứa cháu mình vậy. Người ta bảo công đâu đi nuôi chim trời cá nước, tôi cũng ngẫm ngợi nhiều, nhưng đốn cây bán gỗ thì động rừng, cò sẽ hoảng loạn bay đi. Dù là con vật nhưng chúng đã tin tưởng gửi thân nhờ mình thì mình phải chăm sóc chúng, phải cho chúng chốn bình yên để sớm tối bay về...
Có một kỷ niệm đáng nhớ đó là năm 2002, sau khi Sở Khoa học - công nghệ Vĩnh Phúc công nhận vườn cò Trầm Sai là khu du lịch sinh thái Hải Lựu, tôi đã được mời về Hà Nội dự hội nghị môi trường thế giới, được tặng bằng khen của Bộ Khoa học - Công nghệ, kỷ niệm chương, giấy chứng nhận của các tổ chức cùng với rất nhiều lời hứa sẽ hỗ trợ tôi cả về vật chất và tinh thần để bảo vệ, phát triển vườn cò. Những kỷ vật ấy tôi vẫn gìn giữ cẩn thận nhưng những lời hứa thì chưa thành hiện thực, chỉ có những lời gạ bán, trả giá cho vườn cò ngày một nhiều hơn. Tôi không buồn về điều ấy, chỉ áy náy rằng tuổi mình đã già, sức đã yếu, chẳng biết còn bảo vệ vườn cò được đến khi nào. Giá mà có một hàng rào thép gai chừng vài trăm mét bao quanh phía tiếp giáp cánh đồng để ngăn ngừa bọn xấu đêm đi đò vượt qua đồng, lẻn lên rừng bắn và bắt trộm cò. Nếu hỏi rằng tôi mong điều gì nhất thì chính là phải làm sao để bảo vệ được môi trường sinh thái của đồi cò Trầm Sai, ngay cả khi tôi không còn nữa...

 

 Thu Hường (ghi) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC