16:22:46 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Người “say” chữ Nho thành Thăng Long
Nguyễn Văn Bách (tự Lỗ Công), khiêm nhường nhận mình là “Long Thành Lão Nhân” (lão già thành Thăng Long). Cụ là 1 trong 4 nhà thư pháp rất nổi tiếng gồm: Lỗ Công Nguyễn Văn Bách, Nam ba cẩm văn Cung Khắc Lược, Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyên, Thanh hoằng khê Lê Xuân Hòa. Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách - người đã từng được vinh hạnh “múa bút” ba chữ “Văn Miếu Môn” (được viết vào năm 1965) rất nổi tiếng trên cổng Tam Quan Văn Miếu; 17 câu đối ở Đền Hùng; 1351 chữ bản trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, cụ Lỗ Công đã cho ra mắt người xem “công trình” gần 300 chữ toàn văn bản “Thiên đô chiếu” của đức vua Lý Thái Tổ bằng thư pháp.
“Trọng” chữ từ khi còn nhỏ
Nguyễn Văn Bách sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học (3 đời nổi tiếng về nghề bốc thuốc và viết chữ nho, chữ thư pháp tại huyện Gia Lộc - Hải Dương). Ông nội và bố của Long Thành Lão Nhân viết chữ đẹp nổi tiếng hàng huyện, được nhiều người tìm đến xin chữ. Ngay từ khi tóc còn để chỏm, Nguyễn Văn Bách được người cha hướng cho học chữ nho. Nguyễn Văn Bách càng học càng “say chữ”. Lên 9 tuổi, cậu đã theo cha đi khắp các phố huyện và thị xã Hải Dương kiếm sống bằng nghề bốc thuốc và viết chữ thuê. Đến năm 13 tuổi, Lỗ Công đã viết thành thạo chữ nho và đem đi bán. Cứ mỗi dịp tết đến - xuân về, Nguyễn Văn Bách lại theo cha đem tranh xuống chợ Ty, chợ Trắm, chợ Thông… (huyện Gia Lộc) bán.
Viết chữ thư pháp lúc đó, Bách xem là một thú vui là chính. Cứ đến phiên chợ, cậu lại mang giấy đỏ ra chợ nếu ai có nhu cầu xin chữ thì cho hoặc có khi lại viết chơi tặng bạn bè, hàng xóm. Cụ Bách kể: “Bố tôi là một đồ nho, một thầy lang bốc thuốc, đã khổ luyện cho tôi từ nhỏ. Khi đó, tôi tập viết chữ nho bằng cách nhúng bút lông vào nước viết trên nền gạch, khi thành thục rồi mới dùng giấy để viết”.
Năm 1959, Nguyễn Văn Bách về công tác tại Viện Đông y nên có điều kiện tiếp xúc với chữ Hán nhiều hơn, những lúc rảnh rỗi cụ lại viết cho “đỡ nhớ”. Thỉnh thoảng cụ đọc thơ Cao Bá Quát, dịch sách để bổ sung vào nghề thuốc Đông y cho người con trai là lương y Nguyễn Kỷ Thiên. Không những vậy, cụ là người có thể đọc thông các bài “Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng Giang phú, Côn Sơn ca, Xích Bích phú, Tư xuân phú”…
Quan điểm cho chữ của cụ cũng rất rõ ràng: “Tôi cho chữ ai bao giờ cũng tìm hiểu xem người đó hợp với chữ gì, thì khi treo mới có ý nghĩa. Để viết được một chữ tâm đắc, không phải lúc nào cũng viết được. Phải suy ngẫm về chữ đó rất nhiều, tâm hồn thật thư thái, tĩnh lặng…rồi mới vận bút thả hồn mình vào trong đó thì mới tạo ra được những nét chữ sẽ thanh, có hồn và có thần thái một cách khoáng đạt. Đặc biệt, luyện chữ là việc cả đời. Ai không có tâm, đến với thư pháp, không có tính thiện thì chỉ là “vẽ chữ” ra những tác phẩm vô hồn”- cụ Bách nhấn mạnh.
Để tạo ra hồn chữ
Bước vào phòng của “ông già viết chữ thành Thăng Long”, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những bức thư pháp đẹp và ý nghĩa, đủ các kích cỡ khác nhau. Đáng chú ý là những bức thư pháp cỡ đại như: chữ “Thanh tịnh”; “Bình Ngô đại cáo”; “Lạc thiện đồng nhân”; “Nam quốc Sơn Hà”; “Thiên tải nhất thì”…viết trên nhiều nền khác nhau, bao khung gỗ chạm khắc tinh xảo, lồng kính được treo ở vị trí trang trọng nhất trong tư gia. Khi được hỏi về ý nghĩa của những bức thư pháp trên, cụ Bách lý giải: “Những bức thư pháp treo trong phòng với tôi đó như phép sống đắc nhân tâm giữa đời thực, tự răn mình sống không màng danh lợi, chỉ vui với niềm vui chung của nhân gian”.
Theo nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách: Chơi chữ là một nghệ thuật, là thú vui tao nhã. Cụ phân tích: Người xưa quan niệm “nhất chữ nhì tranh” - nghĩa là chữ còn được xếp cao hơn tranh một bậc! Và người ta thờ chữ chứ có ai thờ tranh bao giờ đâu. Thường thì ở trong nét sinh hoạt văn hóa của người Việt chữ bao giờ cũng được treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Thông qua các chữ, họ gửi gắm niềm mong ước, lời cầu chúc, những điều răn dạy…lưu giữ cho nhiều thế hệ trong gia đình”. Mặt khác, treo chữ không chỉ mang tính chất đơn thuần là để chơi hay thưởng thức cái đẹp mang tính hội họa, mà nó còn là nơi gửi gắm tâm nguyện và mang tính triết lý sâu xa của người Việt nói riêng và người phương đông nói chung đều mang đậm dấu ấn gia phong. Và chỉ nhìn vào những chữ treo trong mỗi gia đình người đam mê chơi chữ và người cho hay xin chữ có thể đoán biết được gia cảnh, cốt cách của con người.
Do say mê nghiên cứu và trọng chữ Hán, nghệ nhân thư pháp Lại Văn Bách đã tạo ra những “hồn chữ”, nét chữ rất thanh, khoáng đạt tạo được tiếng vang trong lòng người chơi chữ và mê chữ. Và cá nhân cụ dành trọn tình cảm, sự tâm huyết để viết thư pháp từ chính những tác phẩm văn chương bất hủ của cổ nhân trong dòng chảy lịch sử của nền văn hiến hơn 4000 năm của Việt Nam. Trong đó, cụ đã viết rất nhiều chữ ở những địa danh lịch sử nổi tiếng trên địa bàn Thủ đô và cả nước như: Chữ trên tháp Hòa Phong (Hồ Hoàn Kiếm); Cổng thành Hà Nội - nơi thờ Tổng đốc Hoàng Diệu; chữ ở đền Cổ Loa; đền Lệ Mật… Năm 1990, cụ đã viết trọn vẹn 1.351 chữ của áng thiên cổ hùng văn trác tuyệt Bình Ngô đại cáo nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Bên cạnh đó, cụ đã viết 17 đôi câu đối ở đền Hùng (Phú Thọ); viết Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn nhân kỷ niệm 700 năm Chiến thắng Nguyên Mông lần thứ 3; bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt…
Đặc biệt, cụ đã vinh hạnh khi được thủ bút ba chữ “Văn Miếu Môn” trên Tam quan Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nguyễn Văn Bách nhớ lại: Khi đó Nhà nước cho tiến hành trùng tu (cách đây hơn 30 năm). Lúc đó, Ban trùng tu yêu cầu viết chữ cao đến gần 1m, do không có bút đại nên tôi đành phải lấy tấm vải lớn, kết lại rồi buộc vào một cán tre thay cho bút nhúng vào mực rồi viết. Theo đánh giá của nhiều người, ba chữ này tuy được viết lại nhưng đạt đến chuẩn mực của thời kỳ Nho giáo thịnh trị, nhiều người thông thạo chữ Hán khi chiêm ngưỡng danh thắng Quốc Tử Giám vẫn lầm tưởng đó là chữ được viết cách đây hàng trăm năm…”. Cũng tại Văn Miếu, ông Bách còn viết một số câu đối trong nhà bia và gần đây là bức hoành phi câu đối trong nhà Thái Học. Ông phân tích thêm: Để viết được chữ thư pháp điêu luyện, người viết phải có thần, phải nhẩm tính độ to nhỏ của từng nét bút, hàng chữ sao cho cân đối. Hơn nữa, phải “nhập hồn” mình cùng nét chữ mới tạo ra được những chữ có thần, mang dấu ấn đặc trưng, cá tính của từng người viết.
Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách tiếp tục cho ra mắt người xem một công trình linh thiêng, tráng lệ “Thiên đô chiếu” gần 300 chữ (gồm cả lạc khoản) của vua Lý Thái Tổ (bản bằng chữ thư pháp do Nguyễn Văn Bách viết) phối hợp với nhà giáo Nguyễn Thế Long để gò đồng, mạ vàng gắn trên nền sơn mài bức thư pháp khổng lồ (cao 2m, rộng 4m). Để hoàn thành tác phẩm bất hủ này, cụ đã dành 3 tháng dồn tâm trí cho từng con chữ rồi cùng những người sinh hoạt trong câu lạc bộ thư pháp góp ý chỉnh sửa tạo thành bức thư pháp thật hoàn hảo, tuyệt mỹ kính dâng lên ngày Đại lễ Thủ đô tròn 1000 năm tuổi. Cũng nhân dịp này, cụ đã hoàn thành những chữ thật ý nghĩa với mong muốn Thủ đô ngàn năm tuổi tiếp tục bay lên và tỏa sáng như: chữ Phi Long (rồng bay lên); Thiên tại nhất thì (nghìn năm một thủa đất Thăng Long)…
 NGÔ XUÂN - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC