12:56:27 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Tục ở rể của người La Ha
Với khoảng 1.400 nhân khẩu sinh sống ở các bản xa xôi, heo hút của vùng Tây Bắc tổ quốc, từ bao đời nay bà con dân tộc La Ha sống dựa vào thiên nhiên. Luật tục của đồng bào vùng cao nơi đây luôn mang màu sắc kỳ bí, huyền thoại. Đến với bản La Ha, ta có thể được nghe về những luật tục đôi khi đẫm nước mắt vì khắc nghiệt, nhưng có lúc cũng lắm tiếng cười...

>>>> Bản tin số 255 (pdf)

>>>> Tục ở rể của người La Ha (pdf)

Đó là tục lệ của gia chủ nơi đây khi tiếp khách bao giờ cũng đặt thêm hai cái chén. Nếu bố mẹ già của chủ nhà đã qua đời thì lúc ngồi vào mâm, khách phải san từ cái chén của mình vào hai cái chén đó một ít rượu với ý nghĩa dâng lên tổ tiên của gia chủ để tỏ lòng quý trọng. Vậy nhưng cũng chỉ có người La Ha mới có tục khi đang ăn, cần đi ra ngoài, khách có thể gác hai chiếc đũa chéo lên nhau trên miệng bát để xin phép. Nếu đã xin thôi mà gia chủ vẫn cố nài thì khách chỉ cần đặt hai chiếc đũa so le nhau và lẳng lặng bỏ đi, không phải quan tâm tới việc gia chủ có phật ý hay không. Có một điều cần lưu ý khi khách đến bản thăm một gia đình nào đó, nếu thấy cửa buộc bên ngoài chứng tỏ cả hai vợ chồng gia chủ đi vắng, còn khi anh chồng vắng nhà thì lúc đi ngủ, người vợ phải buộc cửa bên trong. Bà con giải thích vui là: “Để đề phòng người đàn ông lạ nào đó “nhầm” chỗ, lẻn vào”. Nói vui là như vậy nhưng đức tính chung thủy trong hôn nhân của người La Ha được đề cao đặc biệt...

“Theo tục lệ, con trai La Ha bây giờ muốn chính thức cưới được vợ vẫn phải đi ở rể nhưng chỉ theo hình thức vài tuần đến vài tháng chứ không lâu như những thế hệ trước. Bản thân ta ngày xưa cũng phải ở rể đúng 12 năm mới được phép đón vợ về nhận tổ tiên, nhập dòng họ...” - nâng chén rượu ngô sóng sánh, già Lò Hương, 86 tuổi ở bản Huổi Liếng, xã Nậm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) giọng trầm ngâm kể về tục dựng vợ gả chồng đã có ở nơi đây tự ngàn đời...

Quan niệm của người La Ha rất khắt khe về hình thức hôn nhân một vợ, một chồng, đàn ông không được phép đa thê, khi đã thành gia thất rồi thì “cái bụng chỉ nhớ đến vợ, không có quyền ưng một người phụ nữ nào khác”. Có lẽ chính xuất phát từ cái “lý La Ha” ấy mà tập tục buộc đàn ông phải ở rể nhiều năm trước đám cưới chính được đặt ra. Trong bản, khi sơn nam, sơn nữ đến tuổi cập kê, họ được tự do tìm hiểu nhau, cha mẹ và những người lớn cả hai bên không can thiệp dưới bất cứ hình thức nào. Chàng trai thường lựa vào buổi tối, tìm đến đầu sàn ngôi nhà cô gái mình thích rồi mượn tiếng sáo, tiếng nhị cũng có khi là lời bài dân ca để giãi bày tình cảm và khi đối phương đã siêu lòng bằng một tín hiệu riêng, họ sẽ dắt nhau ra bờ suối tình tự. Khi chưa được cha cô gái đồng ý cho làm lễ chung chăn, chung chiếu thì họ chỉ được ngồi bên nhau, tay nắm tay, mắt ngắm mắt và trò chuyện bởi theo quan niệm nếu đôi trẻ nào dám vượt quá giới hạn sẽ bị thần linh trừng phạt, không có kết cục tốt đẹp... 

Công đoạn chinh phục xong xuôi, chàng trai về báo với cha mẹ mình để chọn ngày, cử người sang nhà gái dạm hỏi ("cơi poóng"). Nếu ngày diễn ra lễ hỏi mà đoàn nhà trai xuất hành gặp điềm gở như nhìn thấy con nai hoặc con hoẵng thì phải lập tức quay về chờ một ngày tốt khác. Lễ hỏi của người La Ha không cầu kỳ nhưng bắt buộc phải có hai thứ đó là một khoản tiền lễ gọi là “nang khả pom” (giá đầu người) để trả ơn bố mẹ vợ đã có công sinh ra, nuôi lớn cô gái và một mâm trầu. Nhà gái ưng thuận sẽ cử người có uy tín trong họ tộc ra tận đầu cổng để đón thông gia, dẫn vào giữa nhà làm lễ nhận trầu đồng thời đưa áo của cô gái cho bên nhà trai về xem bói. Bố mẹ cô gái cũng chia trầu lễ cho họ hàng bên nhà mình để hỏi ý kiến và nếu ai không đồng ý thì trả lại trầu. Sau lễ dạm hỏi 5 ngày, nếu nhà gái không trả lại trầu cho nhà trai có nghĩa là họ đồng ý và 10 ngày kế tiếp, người con trai sẽ đội lễ đến để bắt đầu ở rể làm công cho bố mẹ vợ. Luật tục quy định rằng, khi ở rể chàng trai phải làm tất cả những gì nhà vợ giao và chỉ nghỉ khi vợ cho phép, bù lại anh ta sẽ được làm lễ cho phép chung chăn, chung gối để đêm đêm được ngủ cùng vợ dù chưa làm lễ cưới chính thức.

Thời gian ở rể không hạn định, có thể là 4 năm, 8 năm, cũng có gia đình là 10 năm hoặc 12 năm, chỉ khi nào bố mẹ vợ động lòng cho phép cưới, chàng rể mới về nhà mình báo tin để chuẩn bị làm lễ "thu mạ phu" (đám cưới chính), xin phép đón cả vợ và con về ở nhà mình. Bao giờ cũng vậy, trong lễ tiễn con gái về bên chồng, trước mặt đông đủ dân bản dự lễ cưới, cha mẹ vợ sẽ chia của hồi môn cho đôi trẻ gồm trâu, lợn, gà và cả chăn đệm để mong cho các con có cuộc sống trong ấm, ngoài êm mãi mãi. Sau lễ cưới chính thức, cô dâu được đón về nhà chồng, đổi họ theo họ chồng và không được quay về ở với bố mẹ đẻ nữa, dù chồng có chẳng may qua đời. Sự thủy chung, son sắt trong quan niệm về hôn nhân của người La Ha còn thể hiện ở quan niệm rằng, vợ chồng khi đã làm lễ cưới chính với nhau thì dù có về thế giới bên kia họ vẫn gắn bó bên nhau không rời. Chẳng thế mà ở Nậm Păm có những trường hợp cả hai vợ chồng ở với nhau bên nhà vợ chưa kịp làm lễ cưới chính đã qua đời thì con cái họ hoặc người thân sẽ thay họ làm nghi thức lễ đó và tin rằng ở cõi ma họ vẫn là vợ chồng...

 Hoàng Vân Minh - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC