11:13:46 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Cúng họ cầu cho an lạc
“Đầy nhà ngô lúa, trâu bò/ Zù xu cúng họ phải lo cho đều”, lời nhắc nhở ấy của tiền nhân dường như đã ăn sâu vào tâm thức đồng bào Mông Si ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) tự bao đời. Zù xu là nghi lễ cúng họ hàng năm, vào ngày làm lễ tất cả thành viên cùng huyết thống trong một dòng tộc đều phải có mặt để cầu xin thần linh chở che, khuông phù cho các gia đình trong họ mình luôn gặp may mắn, sức khỏe dồi dào, tránh được tai ương, cầu xin tổ tiên ban cho mùa màng được tươi tốt, bội thu, thóc ngô đầy nhà, trâu bò chật bãi.
Theo truyền thuyết của người Mông Si, từ xa xưa có một vị thần ác (thần Su) hàng năm thường hay gây nên những điều xấu trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của bà con tại các bản làng, do đó, người Mông Si làm lễ Zù Su (lễ cúng họ) với mong muốn xóa bỏ những điều không tốt, những rủi ro cho cả dòng họ và cho từng thành viên trong dòng họ, đồng thời cầu may mắn, tốt lành cho một vụ mùa mới. “Họ Vàng - Trang tháng 7, Giàng - Sùng mảy tháng 9”, đó chính là quy ước về lịch diễn ra lễ cúng họ của người Mông Si. Địa điểm tổ chức lễ không cố định mà thay đổi theo chu kỳ lần lượt mỗi năm một nhà, sao cho tất cả các gia đình trong họ đều có cơ hội thể hiện tấm lòng thành kính đối với thần linh, tổ tiên. Lễ cúng họ của năm đến phiên nhà nào tổ chức thì nhà đó phải tự lo liệu toàn bộ chi phí từ các mâm lễ dâng cúng đến lương thực, thực phẩm để thết đãi mọi người, anh em trong dòng họ đi dự lễ không phải đóng góp gì mà mỗi người chỉ mang theo một chai rượu làm lễ vật dâng cúng của gia đình mình. Thịt lợn là lễ vật chính để cúng họ, gia chủ thường phải chuẩn bị sẵn một con lợn từ 60 - 80 kg gọi là lợn zù xu. Mọi công việc từ trang trí nhà cửa, bài trí bàn thờ đến thịt lợn, gà đều phải làm trước đó một ngày bởi trong ngày lễ chính thức, theo truyền thống, đồng bào Mông Si kiêng máu và mọi việc liên quan đến tiết động vật. “Làm lễ là để cầu sự may mắn. cầu cho tai qua nạn khỏi, nếu nhìn thấy máu thì lời khấn không còn linh nghiệm nữa, những điều xấu xa, không may mắn vẫn còn quanh quẩn làm hại anh em trong dòng họ...” - già Sùng A Dùng, bản Tả Cháng, Suối Giàng cho biết.
Lễ cúng họ được tổ chức vào buổi sáng và kết thúc vào buổi trưa. Vào ngày lễ, mọi gia đình đều tập trung tại nhà gia chủ. Mang cùng với một chai rượu lễ, mỗi nhà còn đem theo 3 cành cây chè vè dài chừng nửa mét trên đó có buộc 3 loại chỉ đen - trắng - đỏ. Theo đồng bào thì cây chè vè dùng để xua đuổi tà ma đồng thời dùng để đón những điều may mắn, tốt đẹp. Giữa nhà chủ lễ có chôn một cây zàng cao chừng 2m, tất cả các cành chè vè buộc chỉ 3 màu của các gia đình trong dòng họ đều được treo lên trên thân cây zàng đó. Giờ lành đến, lễ vật sẵn sàng, thầy mo với trang phục truyền thống cầm cây hương kính cẩn đứng trước cây zàng hướng về phía bàn thờ, lẩm nhẩm khấn với đại ý cầu xin thần linh phù hộ cho dòng họ một năm được mưa thuận gió hòa, các gia đình trong dòng có một năm gặp được nhiều may mắn, tránh được những tai ương… Cúng trong nhà xong, thầy mo nhổ cây zàng mang ra cửa chính đi vòng ra phía sau nhà theo hướng tay phải làm nghi thức xua đuổi tà ma cho cả dòng họ. Tất cả các thành viên trong họ tộc xếp theo thứ tự tuổi tác lần lượt đi sau thầy mo, riêng người được chọn để giúp việc thầy mo phải mang theo một con dao và một cây nỏ để thực hiện các hành động xua đuổi tà ma và những điều xấu. Cây zàng sau khi được rước một vòng quanh nhà sẽ lại được chôn vào chính giữa gian thờ để thầy mo tiếp tục cúng. Nghi lễ kết thúc là khi thầy mo dùng con dao chặt đôi bó chè vè và cho anh em con cháu mang đi vứt thật xa ngôi nhà của gia chủ. Sau khi bó chè vè chặt làm đôi được vứt bỏ, người giúp việc thầy mo sẽ dùng cây nỏ bắn lên trời 3 mũi tên để xua đuổi tà ma, không cho về làm hại các gia đình cho dù ở dưới đất hay trên không trung. Sau lễ cúng Zù xu là các trò chơi dân gian như đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, ném pao... thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, dòng họ. Khi kết thúc mọi nghi lễ, tất cả dòng họ quây quần vui vẻ bên mâm rượu, ôn lại truyền thống dòng họ, ông trưởng họ nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến công ơn tổ tiên, ông bà và quy ước của dòng họ.
Lễ cúng họ Zù xu của người Mông Si nơi vùng cao Văn Chấn là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính gắn kết cộng đồng, dòng họ, khuyên dạy con người nên sống thiện, sống có ích, tạo nên một cộng đồng tốt đẹp cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. “Dù thời gian và năm tháng có qua đi nhưng chắc chắn phong tục cúng họ chứa đầy giá trị nhân văn của người Mông sẽ còn mãi. Nó chính là thông điệp gửi gắm khát vọng cố kết cộng đồng huyết thống để tương trợ lẫn nhau cùng xây dựng cuộc sống ấm no...” - già Sùng A Dùng khẳng định.
 Nguyễn Hường - Bản tin số 258
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC