20:13:11 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Nghệ sĩ Đoàn Lê “Cô gái tuổi 70”
Trái với hình dung về một nhà văn nữ độc thân già nua, cũ kĩ, mô phạm với những con chữ sắc lạnh như “bà trùm” của những “Cuốn gia phả để lại”, “Lão già tâm thần”, “Thành hoàng làng xổ số”, “Tiền định” “Và sex”, “Trinh tiết xóm Chùa”, Đoàn Lê hiển hiện trước mắt tôi dịu dàng, thủ thỉ và e ấp như một “cô gái tuổi 70”.
Chị em gái sống với nhau chẳng có gì là bi kịch
Hai chị em Đoàn Lê - Đoàn Thị Tảo sống cùng nhau ở xóm núi Đồ Sơn. Cái xóm núi im vắng đến mức nghe rõ cả tiếng những con ễnh ương gọi bạn tình trên hòn giả sơn.
Gọi là sống chung nhưng hai chị em Đoàn Lê đều có những không gian riêng. Nếu Đoàn Thị Tảo có một gian nhà thông với căn nhà chung, nơi chị có thể có một góc yên tĩnh để thỏa sức viết những gì mà thời tuổi trẻ của một cô công nhân chưa giãi bày hết được thì Đoàn Lê cũng có hẳn một căn phòng riêng bày những bức tranh chị vẽ, cũng là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm phim, hội họa, viết lách.
Khi còn trẻ, Đoàn Lê được chú ý không phải bởi sắc đẹp rực rỡ mà bởi nét duyên mặn mà, thanh tú. Trong căn phòng nhỏ của chị còn lưu lại những khung hình đen trắng chụp Đoàn Lê những ngày tóc hãy còn xanh, trong sáng, yên vui, dễ chịu. Từng tham gia đóng phim nhưng rồi bỗng một ngày, Đoàn Lê nhận ra “nghề diễn viên như ảo ảnh”. Chuyển sang thiết kế phim và viết kịch bản, đạt được nhiều thành công, Đoàn Lê vẫn chới với giữa biển đời với không ít những thăng trầm. Đoàn Lê viết và vẽ như một cách để lấy lại sự cân bằng cho bản thân mình.
Trái với chị, cô em gái Đoàn Thị Tảo, tác giả của những câu thơ được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc thành bài hát “Chị tôi” mấy chục năm nay vẫn làm xúc động nhiều thế hệ khán giả qua tiếng hát Mỹ Linh lại có chút gì đó xốc nổi và ngang ngạnh. Tất nhiên, đây là nói theo nghĩa tính cách của một “cô gái” tuổi qua lục tuần. Ở Đoàn Lê có một sự ý nhị, sâu lắng toát ra từ bản thể. Đó là phong thái của một người viết có nghề, được tiếp thu nhiều luồng văn hóa khác nhau và nhất là đã thấm được chữ “tĩnh” trong cuộc đời. Bởi thế, dù trải qua nhiều mất mát trong cuộc đời riêng, tuổi xế chiều hai chị em gái lại về chung một mái nhà, Đoàn Lê vẫn cảm thấy bằng lòng và hạnh phúc với những gì mình đang có.
Đoàn Lê nói rằng chị không thích sống theo quy ước. Có lẽ đó là lý do lớn nhất khiến cho mối quan hệ chị em một nhà với Đoàn Thị Tảo luôn giữ được hòa khí và sự cân bằng. Khi có khách, chị em Đoàn Lê hầu như không ai nói với nhau một câu nhưng vẫn hiểu ý nhau. Cái cách mà Đoàn Lê đối xử với người em “ít nổi tiếng” và ít khách tìm gặp hơn cũng cho người ta một cách nhìn mới, không phải cứ chị em ruột là bỗ bã, bốp chát với nhau. Đoàn Lê nói về Đoàn Thị Tảo “lịch sự” như nói về một người bạn viết lâu năm. Trái với sự ái ngại của mọi người về hình ảnh hai chị em tuổi xế chiều hui hút sống cùng nhau, Đoàn Lê bình thản “Chị em gái sống với nhau chẳng có gì là bi kịch”.
Đoàn Lê - "cô gái tuổi 70"
Đoàn Lê của năm 2011 không còn là cô gái tóc búp bê nữa. Mái tóc mỏng được cặp gọn sau gáy và dáng người nhỏ dẻ của chị khiến nhìn qua không ai nghĩ chị đã sắp bước sang tuổi 70. Cách trò chuyện và văn chương của chị cũng vậy, mang lại liên tưởng nguyên vẹn về cô gái của những câu thơ thời xa xưa “Ngày xưa em thơ ngây/ ngồi bói bông hồng nở/ đoán tình yêu sau này/ vẹn tròn hay dang dở…”
70 tuổi, chủ đề lớn trong tranh và văn chương Đoàn Lê vẫn là tình yêu. Tranh Đoàn Lê dễ khiến người ta nghĩ đến tâm hồn một cô gái mộng mơ, lãng đãng. Cô gái ấy mơ về những con đường có những vườn hoa tím uốn quanh, mơ về những ngọn đồi cỏ xanh ngút ngàn, cô gái ấy về tựa gối dưới chái nhà có một cây đu đủ như những tán ô tuổi nhỏ.
Đoàn Lê thích vẽ tranh thiếu nữ, và thiếu nữ bao giờ cũng nhỏ dẻ, đẹp dịu dàng. Đoàn Lê thì thầm như sợ cánh đàn ông nghe thấy “Đoàn Lê thương và sợ thay cho thiếu nữ bây giờ, vì cuộc đời người đàn bà lắm nỗi truân chuyên”. Những ẩn ức, lo lắng cho những “người dưng” chưa vẽ thành sự thật được, Đoàn Lê chuyển vào tranh siêu thực của chị. Sức tưởng tượng và sự mềm mại trong tính cách của nữ sĩ Hải Phòng mấy chục năm chưa bị phai nhòa được đưa vào sự biến hóa ở tranh siêu thực. Đoàn Lê yêu những bức tranh mình vẽ, yêu những chuyến đi lỉnh kỉnh giá vẽ, sơn dầu cùng những bạn trẻ đồng nghiệp về những miền non nước yên bình như Việt Trì, Hương Canh, Đồ Sơn, Đằng Hải…
Trong khi nhiều những bạn viết cùng thời đã nghỉ tay gác bút thì Đoàn Lê vẫn một mình một lối, hăm hở ngấm ngầm như thuở ban đầu. Chị sắc sảo “Khi viết, ngôn từ đừng hiền quá”. Ngôn từ của Đoàn Lê dễ khiến người ta liên tưởng đến một cô gái đáo để, cá tính mạnh và trải đời. Đoàn Lê có lẽ là một minh chứng cho thấy việc đồng nhất con người trong viết lách và con người ngoài đời thực là một việc cần suy xét lại. Mặc dù nhiều nhân vật cá tính trong truyện ngắn của chị mang nhiều nét tính cách và số phận của tác giả nhưng có lẽ đó là một góc khuất mang tính “nổi loạn, bất cần”. Còn Đoàn Lê - "cô gái tuổi 70" vẫn luôn nhỏ nhẹ, thăng bằng và mặn mà hơn lứa tuổi của mình rất nhiều.
 Ngôi nhà tuổi xế chiều của chị em Đoàn Lê mùa mưa này chắc vẫn ran tiếng ễnh ương gọi bạn. Từ cửa sổ căn nhà nhiều hoa leo nhỏ ấy, “cô gái tuổi 70” vẫn miệt mài vẽ tranh, miệt mài viết lách. Hòa trong tiếng mưa rì rào trong lòng núi, “cô gái” mơ mộng ấy “Hễ viết xong mấy câu lại đọc to lên cho chính mình nghe”.
 Sa Nam - Bản tin số 258
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC