00:11:58 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Mênh mang xuân Suối Giàng
“Thoáng bóng em lưng đèo/ Vượt nửa ngày mới gặp/ Núi sừng sững giăng thành/ Giấu mặt trời trong mắt/ Anh nâng niu sợi tóc/ Thơm vương hương chè Shan/ Ôm trọn cả Suối Giàng/ Trong vòng tay cổ thụ” - giai điệu ngọt ngào trong những câu thơ của thi nhân Vân Hạc cứ vấn vít bước chân lữ khách trên đường đến với Suối Giàng. Nằm ở độ cao 1.371 mét so với mực nước biển, dân cư của xã Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn (Yên Bái) chiếm 98% là người Mông đen. Cái tên của xã từ lâu đã được biết đến như một thứ thương hiệu riêng của chè Shan Tuyết.
Xứ sở của những gốc chè trăm tuổi
Chặng đường 12km từ xã Sơn Thịnh đến trung tâm xã Suối Giàng rất dễ đi. Chúng tôi đang thực hiện hành trình đến với mảnh đất của những truyền thuyết trữ tình, những tiềm năng đang cần bàn tay con người khai phá. Khi chúng tôi hỏi về gốc gác cái tên Suối Giàng thì ngay cả công dân nhiều tuổi nhất bản Păng Cáng, cụ Giàng A Chử cũng lắc đầu. Khi Giàng A Chử còn bé, bên bếp lửa rừng cha ông đã kể về sự tích Suối Giàng. Xa xưa, Giàng là một dòng họ lớn nhất của người Mông và cũng là dòng họ đầu tiên phát hiện ra con suối lớn chảy trong lòng núi sâu, Giàng cũng có nghĩa là Trời - con suối trời ban cho dân bản. Con suối ấy bắt nguồn từ những đỉnh núi cao nhất, nơi có những cánh rừng đại ngàn nguyên sơ hàng ngàn năm tuổi, chảy quấn quýt cùng số phận của người Mông qua bao thế hệ. Nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Mông và rừng chè Shan Tuyết cổ thụ đã làm nên một Suối Giàng vừa duyên dáng, vừa hoang sơ, tinh khiết. Suối Giàng hiện có khoảng trên 4 vạn gốc chè San Tuyết cổ thụ, gắn bó máu thịt với người dân nơi đây như muông thú gắn bó với núi rừng. Cây chè Shan Tuyết ít tuổi nhất ở Suối Giàng cũng đã trên 100 năm, cây cổ thụ nhất đã trên 300 năm. Những gốc chè cổ thụ chính là chứng nhân cho biết bao cuộc hẹn hò, tình duyên lứa đôi của nam thanh, nữ tú người Mông. Đồng bào nơi đây rất hiếu khách và thẳng thắn. Là kẻ thù thì không thể bước qua bậu cửa, nhưng hễ là khách từ xa tới sẽ được đón tiếp ân cần như anh em ruột thịt. Vào thăm gia đình nào cũng vậy, chúng tôi đều được gia chủ mời uống bát nước nóng pha từ loại chè đặc sản nơi đây. Mùa xuân đến chính là mùa thu hoạch chè Shan Tuyết. Cây chè cổ thụ chẳng cần ai chăm bón, cứ mỗi độ xuân sang lại nảy thêm những đợt búp mới mà bà con người Mông quen gọi là “lộc Giàng” (lộc trời). Theo thống kê của các nhà chuyên môn thì tìm khắp trên bản đồ thế giới cũng chỉ thấy vài ba “điểm đỏ” có chè Shan Tuyết mà Suối Giàng là một trong những mảnh đất lành để cây bén rễ. Cây chè cổ thụ cao chừng 4-5 m, đường kính thân vừa vòng tay một người ôm. Vào mùa thu hoạch, hàng trăm chiếc thang dài được đồng bào bắc lên ngọn cây ngắt búp. “Sở dĩ chè có cái tên là Shan Tuyết bởi khi đã sao khô bao giờ chè cũng có màu trắng bạc như phủ một lớp phấn. Chè Suối Giàng phải được sao khô bằng củi của chính cây rừng Tập Lăng phía sau xã, pha bằng nước suối Giàng mới có được hương vị ngây ngất...” - già Giàng A Chử bảo vậy…
Xuân xanh no ấm!
Chủ tịch xã Giàng A Đằng đã vui vẻ chia sẻ như vậy khi hướng dẫn chúng tôi đến thăm những vườn chè Shan Tuyết. Cây chè đã đem lại nguồn sống chủ yếu cho bà con Suối Giàng. Mỗi năm, cây chè cho thu hoạch trên 300 tấn đưa về cho xã hàng trăm triệu đồng. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, đồng bào Mông đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật cho cây chè, tận dụng trồng xen canh cả các loại cây ăn quả khác để tăng thêm nguồn thu nhập. Nhiều kỹ sư nông nghiệp đã thử nghiệm mang giống chè ở đây đến trồng thử tại các vùng đất khác nhưng hiệu quả không cao bởi chất lượng khó sánh kịp chè ở Suối Giàng. Cùng với diện tích chè được trồng từ những năm 70 của thế kỷ trước đến nay xã đã trồng thêm hơn 100 ha và năm vừa qua đã thu hoạch lứa đầu tiên. Từ khi con đường nhựa nối trung tâm huyện Văn Chấn lên Suối Giàng được mở, đời sống kinh tế của bà con đã thay đổi đáng kể. Giao thông đã giúp cho việc giao thương dễ dàng hơn, chè của Suối Giàng về xuôi nhanh hơn, tiện hơn. Nhiều gia đình trong xã đã không chỉ thoát đói nghèo mà còn vươn lên trở thành những hộ giàu có. Hộ nhà anh Hảng A Gia là một điển hình. Mới bước sang tuổi 36 nhưng ông chủ trẻ này đã có cơ ngơi là hàng chục ha cây quế, cây chè và đàn trâu, bò gần 30 con. Gia đình anh đã sắm được đầy đủ những đồ dùng, tiện nghi đắt tiền, xe máy để còn chuyên chở hàng khi cần thiết. Đã mấy năm nay, bà con người Mông dùng nước giếng khoan thay cho nước khe, nước suối. Lợn được nuôi tập trung, chuồng trại chăn nuôi cũng được làm cách xa nhà ở...
Tết Quý Tỵ này là mùa xuân thứ 13, người Mông ở Suối Giàng ăn Tết cùng với cộng đồng người Kinh. Trước đây, bà con có Tết riêng, trước Tết Nguyên đán gần một tháng, con em trong bản đi học ở xa cũng trốn học bỏ về để ăn Tết. Tết dạo đó tổ chức linh đình, dườm dà, nhà nào cũng phải mổ lợn, giết trâu cúng tế. Giờ đây, chuyển lịch ăn Tết cùng với cộng đồng, bà con người Mông đã tiết kiệm và đỡ lãng phí hơn rất nhiều mà vẫn vui vẻ, ý nghĩa. 98% dân số của xã là đồng bào Mông, đời sống tuy chưa phải là khá giả toàn bộ nhưng đã khác xưa một trời một vực. Những hủ tục lạc hậu mất dần thay vào đó là những sinh hoạt văn hóa dân tộc vui tươi, thanh lịch. Và tín hiệu vui nhất đối với bà con ở Suối Giàng đó là dự án quy hoạch xã trở thành địa danh du lịch sinh thái đã và đang được triển khai rất hiệu quả. “Chúng tôi hy vọng rằng nguồn thu về du lịch và trang trại, rừng quế Tập Lăng, cây chè Shan Tuyết sẽ đem đến từng hộ dân sức xuân mới ấm no, hạnh phúc và đầy đủ hơn” - Chủ tịch xã Giàng A Đằng chia tay chúng tôi bằng cái bắt tay siết chặt.

 

 Nguyễn Hương Huyền - Bản tin số 262-263 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC