16:31:46 Ngày 25/04/2024 GMT+7
Phù thủy thời gian
Trong suốt 50 năm qua, hàng nghìn người thợ sửa chữa đồng hồ, dân sành đồng hồ kim cổ và khách hàng quen thuộc khắp trong Nam ngoài Bắc đã khâm phục phong cho Đào Văn Dư biệt danh “phù thủy thời gian”. Người thợ sửa đồng hồ ấy chưa bao giờ chịu thua trước cỗ máy nào. Vào những năm 1968 – 1972, khi đất nước còn chiến tranh, Đào Văn Dư còn là người được giao nhiệm vụ điều chỉnh những chiếc đồng hồ hẹn giờ gắn vào bom mìn, thủy lôi phục vụ chiến đấu. Với thành tích lắp đặt gần 200 chiếc đồng hồ hẹn giờ trong suốt 3 năm, ông đã nhận được khen thưởng của Bộ Tổng tham mưu và huy hiệu “Chiến sĩ Mậu Thân 1968”. Hòa bình lập lại, chiếc đồng hồ trên nóc Bưu điện Hà Nội ngân tiếng chuông đầu tiên vào năm 1978 và dần trở nên quen thuộc với tất cả người dân Thủ đô mỗi dịp qua Hồ Gươm nhưng ít ai biết được rằng ông chính là một trong những người thợ lắp đặt và bảo dưỡng chiếc đồng hồ nổi tiếng này đã hơn ba mươi năm để đồng hồ hoạt động không ngừng nghỉ, chính xác từng phút từng giây và trở thành chứng nhân lịch sử.
Giữ nghiệp cha ông
Cụ thân sinh cũng là một người thợ sửa chữa đồng hồ có tiếng đất Bắc, từ khi còn nhỏ, Đào Văn Dư đã có hứng thú đặc biệt với đồng hồ, ông sớm làm bạn với kim ngắn, kim dài, bánh xe, quả lắc… thay vì những đồ chơi con trẻ. Trở thành một thợ sửa chữa tay nghề bậc cao của đất Hà Thành từ khi còn niên thiếu, Đào Văn Dư đã hai lần được chọn sang vương quốc đồng hồ Thụy Sĩ tu nghiệp, nhận bảy bằng ghi nhận của các hãng đồng hồ danh tiếng và luôn chứng minh được vị trí của mình trong giới sửa chữa đồng hồ cả ở trong, ngoài nước. Nhớ lại ngày ấy ông kể: “Sau lễ tốt nghiệp, cả hội nghị hoan hô rất nhiệt liệt, tôi bất ngờ hỏi tại sao thì được trả lời rằng: ông là người đạt điểm cao nhất ở trung tâm bổ túc đồng hồ quốc tế. Nhờ chính điểm cao nhất đó nên 11 năm sau tôi được chính trung tâm mời sang tham dự Hội nghị quốc tế đồng hồ. Đó là một vinh dự lớn, một mục tiêu lớn của tất cả những người sửa đồng hồ có tri thức và uy tín trên toàn thế giới”.
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Hà Nội mở ra quốc doanh sửa chữa đồng hồ đầu tiên, Đào Văn Dư là người thợ bậc cao nhất xưởng bấy giờ, 28 tuổi đã đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng kĩ thuật. Cũng trong thời gian ấy, cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước ở miền Nam đang hồi ác liệt. Mùa hè năm 1967, đại tá Nguyễn Văn Điện từ Cục 2, Bộ Tổng tham mưu đến cơ quan ông mang theo một nhiệm vụ đặc biệt: Quân đội đang cần gấp một loại đồng hồ hẹn giờ làm từ chiếc đồng hồ Poljot của Liên Xô, sao cho có thể đóng mạch điện làm nổ bom mìn, thủy lôi của địch. Yêu cầu phải chính xác đến từng giây, chịu được nước mặn, chịu va đập và dễ sử dụng. Ngay lập tức, Nguyễn Văn Dư được gọi lên để giải đáp “bài toán hóc búa”. Sự lao động trí óc tập trung suốt tuần lễ đã mang lại kết quả khả quan. Đại tá Nguyễn Văn Điện gặp lại ông Dư chuyển theo tin mừng: “Tốt! Cấp trên rất hài lòng!”. Từ đó, suốt ba năm liên tục, Đào Văn Dư đã điều chỉnh được gần 200 chiếc đồng hồ hẹn giờ phục vụ kháng chiến. Cứ mỗi lần các cán bộ đến đặt và nhận hàng, ông lại nhận được nhiều lời khen ngợi cùng những yêu cầu cao hơn như: Đồng hồ phải có dạ quang, phải dễ tiếp xúc điện, phải đảo lại chữ số trên mặt của đồng hồ… Yêu cầu nào Đào Văn Dư cũng kiên trì và âm thầm đáp ứng.
Sau cuộc nổi dậy đồng loạt ở miền Nam trong Tết Mậu Thân, vị đại diện của Cục 2 trở lại, trang trọng trao tặng Đào Văn Dư tấm bằng chứng nhận với lời biểu dương của Bộ Tổng tham mưu: “Đã có thành tích giúp đơn vị sửa chữa, cải tiến một số phương tiện phục vụ cho chiến đấu giành thắng lợi” đồng thời gắn lên ngực ông huy hiệu “Chiến sĩ Mậu Thân 1968”.
Nhớ lại giây phút ấy, giọng ông Dư nghẹn ngào xúc động: “Tôi là con độc nhất trong gia đình, từ nhỏ đến lớn chỉ biết cắp sách đi học, chiến tranh nổ ra lúc tôi đang học Đại học Hà Nội, bố mẹ tôi nước mắt lưng tròng sợ tôi lên đường sẽ vĩnh viễn không quay trở về. Vì thương bố mẹ, tôi cố gắng học hành, ra trường được phân về Thanh Hóa nhận công tác nhưng tôi quyết bám trụ lại với Thủ đô. Chưa một lần khoác áo lính, chưa hề đặt chân đến chiến trường nên khi nhận khen thưởng tôi hết sức ngỡ ngàng. Sau này tôi nhận ra rằng, có nhiều con đường, nhiều hành động để thể hiện lòng yêu nước”.
Mỗi lần học trò của ông gợi lại những ánh “hào quang” trong sự nghiệp, Đào Văn Dư hay nói câu cửa miệng: “Già rồi, không thể ngồi mà gặm mãi... vinh quang”. Lời nói đùa góp vui câu chuyện nhưng cũng ngầm thể hiện khí chất của người thợ bền bỉ, luôn nghiêm khắc với chính bản thân mình. Bao năm trôi qua, xã hội phát triển hơn, đồng hồ cũng nhiều chủng loại, kiểu dáng. Phần nhiều mọi người quen sử dụng đồng hồ trên điện thoại di động, các loại đồng hồ kiêm trang sức để đeo cho đẹp mà chẳng mấy khi chủ nhân ngó giờ. Vì thế, những cửa hiệu đồng hồ, sửa chữa đồng hồ cứ thế lặn dần giữa lòng đô thị. Ông vẫn bình thản, kiên trì trụ lại với nghề, truyền nghề lại cho con trai con gái, cho lớp lớp học trò. Ông luôn căn dặn học trò: “Một thợ sửa đồng hồ phải có đức tính kiên trì nhẫn nại, phải chấp nhận thịnh suy thì mới bám được với nghề,mỗi lần sửa đồng hồ là một lần ôn lại bài học, đặt ra các giả thuyết, phán đoán chẳng khác nào làm khoa học!”.
Kỉ vật lên tiếng
Từ ngôi nhà số 10 phố Hàng Phèn trong quá khứ rồi hiện tại là nhà số 32 Lý Nam Đế luôn là địa chỉ gắn bó với những người sửa chữa, sưu tầm đồng hồ. Trong cửa hàng ngổn ngang đủ các chủng loại đồng hồ, ông Dư từng nhận lời sửa chữa những cỗ máy thời gian già cỗi, xác xơ gần như chỉ còn lại “vỏ”. Người ta bảo, chừng nào ông Dư ngồi đó thì ông còn làm hồi sinh được hàng trăm tiếng tích tắc nhịp nhàng như tiếng quả tim trong lồng ngực của những chiếc đồng hồ kỉ vật!
Bài học ông để lại thế hệ mai sau không chỉ gói gọn trong kim ngắn, kim dài… mà còn là những bài học đầy yêu thương, gắn bó. Trong câu chuyện của ông, có chiếc đồng hồ Poljot rỉ sét của một nữ Đại tá quân đội đã về hưu. Tuổi mười sáu mười bảy, chị thanh niên xung phong rồi tham gia phục vụ cứu thương ở chiến trường. Trong trận càn của địch, một nam đồng đội đã trúng đạn, máu chảy ướt đẫm toàn thân và ướt cả đôi tay chị. Từ hai con người xa lạ họ đã gặp nhau ở tình đồng đội, ở cái khoảnh khắc mong manh của sự sống còn, phút hấp hối, anh lấy hết sức mình tháo chiếc đồng hồ ra trao lại cho người con gái mình không quen biết để làm kỉ niệm. Ông Dư nhớ lại lần đầu tiên nữ Đại tá tìm đến cửa hàng của mình: “Tôi nhận lời sửa chiếc đồng hồ Poljot nhưng khuyên chị nên mua chiếc đồng hồ mới, đeo vừa tiện dụng lợi vừa hợp thời trang. Nhờ mở lời trước nên tôi đã gặp được câu chuyện đầy xót xa và cũng vô cùng cao đẹp ấy”.
Thỉnh thoảng, lại có cụ già râu tóc bạc phơ mang đến nhờ ông Dư “đánh thức” chiếc đồng hồ quanh năm… đặt trên bàn thờ. Theo lời cụ, đây là món quà gia đình tặng con trai cụ lên đường đi B với niềm hi vọng con trai mỗi lần xem giờ sẽ nhớ đến gia đình mà quay về khi hòa bình lập lại. Nhưng rồi như triệu triệu người con anh dũng khác, con trai cụ đã vĩnh viễn không trở về, hài cốt của anh cũng đã tan vào đất đai cây cỏ ở tận miền nào, bao năm gia đình cố kiếm tìm mà vô vọng. Tất cả chỉ còn lại chiếc đồng hồ ngày ra trận do được đồng đội anh gửi về lặng lẽ hiện thân tồn tại trong sự nâng niu của gia đình. Ông Dư bảo, chiếc đồng hồ ấy đã hỏng nhiều bộ phận, mỗi lần gặp sự cố, cụ già lại tìm đến ông. Phải khó khăn lắm ông mới tìm được phụ kiện để thay thế nhưng ông thấu hiểu gia đình nào cũng sống bằng kỉ niệm, nhất là những gia đình có con em hi sinh. Chừng nào kim ngắn kim dài còn hoạt động thì chừng đó còn có niềm an ủi cho sự mất mát lớn lao.
Những khách hàng đặc biệt ấy vẫn thường xuyên lui tới cửa hàng của ông vừa sửa chữa đồng hồ vừa sẻ chia những kỉ niệm vui buồn. Chủ cửa hàng và khách khi ấy như những người đồng đội chẳng phân biệt người nào khoác áo lính hay chưa. Rất nhiều chiếc đồng hồ kỉ vật lịch sử khác cũng được chính tay Đào Văn Dư bảo dưỡng thường xuyên như chiếc đồng hồ Movado do Bác Hồ tặng ông Tạ Quang Chiến - một trong những người giúp việc gần gũi Chủ tịch những năm kháng chiến chống Pháp. Ông Chiến đã ngoài tám mươi tuổi, ông kể: “Vào giữa năm 1954, khi sang Thụy Sĩ kí hiệp định Giơ - ne - vơ trở về, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận được quà là những chiếc đồng hồ Movado của bà con Việt Kiều biếu. Thủ tướng đã mang tặng lại Bác Hồ toàn bộ. Bác dùng món quà ấy tặng cho các cán bộ cao cấp và những người thân cận xung quanh mình. Lúc đầu, tôi vẫn đeo để làm việc nhưng sau đó sợ xây sát nên đem về cất trong tủ kính thỉnh thoảng mới đem ra ngắm nghĩa, đem đến nhờ ông Dư lau dầu và chỉnh lại. Món quà đặc biệt ấy với tôi và gia đình như đồ gia bảo”.
Người thợ sửa đồng hồ ấy cả cuộc đời đã gắn bó với nhịp thời gian đều đều tích tắc, những lúc vắng khách, ông hay nghĩ ngợi, phân trần: “Dẫu là phù thủy thời gian cũng chỉ là tìm cách đo lường thời gian chứ nào ai níu giữ được riêng cho mình. Suốt cả cuộc đời tôi đã làm hồi sinh, đã khiến biết bao chiếc đồng hồ của thiên hạ phải vâng lời, để mong rằng sẽ không ai lỗi hẹn với ai… Đâu ngờ, chính tôi lại lỗi hẹn với người vợ đầy thương yêu trong chuyến ra đi vĩnh viễn. Bạn đời của tôi mất đã hai năm. Không chiếc đồng hồ nào đo đếm được nỗi đau và sự mất mát. Nhưng suy cho cùng, đó là quy luật của tạo hóa cả, cái gì đã là quy luật rồi thì mình chỉ biết chấp nhận thôi”.
Nhiều người vẫn băn khoăn: Liệu nghề sửa đồng hồ có biến mất trong cái nhịp sống hối hả này? Nhưng nhiệt huyết và niềm tin vẫn nâng bước cho người thợ sửa đồng hồ ấy, lớp lớp học trò đủ mọi lứa tuổi, quê quán vẫn tiếp nối nhau đến học nghề. Chiều chiều, ông lang thang dọc Hồ Gươm, ngước nhìn chiếc đồng hồ lâu năm trên nóc Bưu điện, một ngày không biết có bao nhiêu cặp mắt dõi nhìn, hoặc không một ai quan tâm để ý. Nhưng chiếc đồng hồ vẫn còn đó như bao chiếc đồng hồ kỉ vật may mắn được qua tay ông, đó là những cỗ máy thời gian chứng nhân cho văn hóa, lịch sử Thủ đô và đất nước này.
 Lữ Thị Mai - Bản tin số 264 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 388 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC