23:30:39 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Khua luống và Khặp ở xứ Mường Ca Da
Mường Ca Da cùng với Mường Khoòng, Mường Đèng, Mường Chiềng Ván là một trong bốn Mường tiêu biểu cho không gian văn hóa của đồng bào Thái ở miền núi phía Tây Thanh Hóa. Huyền tích kể rằng, từ xa xưa lắm khi xứ này còn rất hoang vu, có một người đàn ông bị nước cuốn đến đây may nhờ con quạ dùng lá của cây thuốc hồi sinh trên ngọn núi thiêng ở Cửa Hà cứu nên sống lại. Người đàn ông đó bèn ở lại lập nghiệp, làm ăn giàu có, dựng lên một Mường lớn và làm tạo Mường. Nhớ ơn con quạ đã cứu mình, ông tạo bèn đặt tên Mường là Mường Ca Da (quạ chữa thuốc). Người già trong các bản bảo rằng, cũng chính từ gốc tích xa xăm này đã lý giải về sự ra đời của Khua luống và Khặp đưa nó trở thành linh hồn của xứ Mường Ca Da huyền thoại...
Khua luống và khặp được được tổ chức thường xuyên trong các dịp lễ, Tết, đón khách quý, đám cưới, giao duyên, tỏ tình trai gái, trong cuộc vui rượu cần và sinh hoạt đời sống hàng ngày của đồng bào Thái. Để có khua luống chỉ cần một cây gỗ to được khoét ruột thành lỗ hổng rộng để tạo âm thanh và những chiếc gậy bằng gỗ vừa tay cầm dài khoảng 1,5 m. Tham gia khua luống thường có từ 10 người trở lên chia thành các cặp trong đó cử ra một người làm cái, một người gõ nhịp và các cặp còn lại dùng những chiếc gậy gỗ gõ vào thành của cây gỗ đã rỗng ruột, theo nhịp phách do người làm cái gõ tạo thành một loại âm thanh vừa rộn ràng, chắc gọn lại mộc mạc, giản dị, hòa lẫn với tiếng cồng, tiếng chiêng tạo nên một không khí lễ hội tưng bừng rộn rã.
Khua luống bao giờ cũng gắn liền với khặp như hình cùng bóng bởi khi người Thái đã “bước chân” vào hội thì mọi âu lo, phiền muộn của cuộc sống thường nhật được quên hết và điệu khặp vang lên chính là cái cách để những ẩn ức trong tâm hồn con người được giải tỏa. Khặp là hát theo làn điệu dân ca nhưng cũng có thể là ngâm thơ hoặc trình diễn thơ ca... Lời khặp theo lối thơ tự do nên không bó buộc luật bằng trắc mà chỉ chú trọng các thanh trầm bổng cân đối nhịp nhàng, lời ngắn gọn, dễ nhớ, bởi ngôn ngữ khặp chính dựa trên câu chào, câu dặn thường dùng hàng ngày trong cộng đồng làng bản sắp xếp lại thành thơ. Khặp của đồng bào Thái ở xứ Mường Ca Da có nhiều làn điệu như khặp xư (ngâm thơ), khặp chôm hươn mơ (hát mừng nhà mới), khặp chôm pợ (hát mừng dâu), khặp chôm pi noọng (hát mừng anh em), khặp chôm chiêng pi mơ (hát mừng năm mới); khặp báo xao (hát giao duyên)...     
Trong không khí những ngày xuân rạo rực, nếu lữ khách có dịp dạo bước ghé thăm bản làng của đồng bào Thái ở miền Tây xứ Thanh bất cứ thời điểm nào cũng có thể được lắng lòng theo những điệu khặp tha thiết, êm dịu, thanh thoát, trữ tình, những nhịp khua luống rộn ràng, hân hoan. Khua luống và khặp xứ Mường Ca Da có sức sống vượt thời gian, năm tháng bởi đó chính là âm điệu của trái tim đồng bào Thái cất lên từ lao động sản xuất như phát rẫy, trỉa hạt, cày bừa, cấy hái, chăm bón ruộng đồng lúa nước, đang vào vụ, đắp đập, be bờ, dựng nhà, xuôi bè, kết mảng, đan chài, kéo lưới, cời bếp lửa bắc niếng hông xôi, giã gạo, khua luống, dệt vải, hái bông, chăn tằm, chăn trâu, hái măng, leo cau, trèo cây lấy tổ ong mật...
 Trương Huyền - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC