Văn hóa  Văn học 22:58:49 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học: Nơi quần anh hội tụ
Họa sĩ Mai Văn Hiến vẫn gọi đùa khoảng sân rộng toà biệt thự cũ của vua Bảo đại số 51, phố Trần Hưng đạo, ngôi nhà chung của Hội Văn nghệ Việt Nam là “cái sân gạch” (tên tiểu thuyết của đào Vũ), khi tôi mới về làm “kí giả kịch trường ở Tạp chí Sân khấu, năm 1977.
Toà soạn là căn phòng nhỏ ở dãy nhà phụ, đối diện Văn phòng Hội Mỹ thuật, tầng trệt ngôi nhà lớn, nơi Mai Văn Hiến là Chánh văn phòng. Ông thường chỉ trỏ cho tôi, kẻ hậu sinh mới vào nghề bình luận sân khấu, biết mặt các hoạ sĩ danh tiếng, thường vẽ bìa rất đẹp cho Tạp chí Sân khấu, thỉnh thoảng qua lại nơi đây.
Bây giờ, khó mà nhận ra ngôi biệt thự này, nếu chạy xe lướt qua mặt phố. Phải nhìn kĩ mới thấy biển số nhà. Trước kia, cửa vào ngôi nhà luôn rộng mở. Cánh cửa gỗ thiết kế hình vòng cung hoành tráng, chạm khắc hoa văn thủng, thấp thoáng sau đó là mái cong biệt thự. Nay cổng vào thu nhỏ. Tranh bày la liệt trước, trong cổng và bờ tường, kín đặc mặt tiền căn phòng cũ của hoạ sĩ Song Văn đã mất, đã chuyển nhượng cho chủ mới từ lâu. Tôi đi lạc, không nhận ra chỗ rẽ bên hông ngôi nhà, đi sâu vào trong, mới đến được căn phòng 20m2 ở phía sau của Mai Văn Hiến. đường vào vẫn khấp khểnh, xi măng trát vội như 30 năm về trước khi tôi lần đầu đến phỏng vấn ông Hiến về mỹ thuật sân khấu.

Họa sĩ Mai Văn Hiến

Ngôi biệt thự xây từ thời thuộc Pháp, sau hoà bình từng là nơi ở của hàng chục hoạ sĩ, nếu chỉ tính người cầm cọ: Mai Văn Hiến, Văn Giáo, Trần đông Lương, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Dương Bích Liên, Song Văn, Nguyễn Sơn. Hiện giờ, con gái trưởng Mai Thị Ngọc Oanh của Mai Văn Hiến, sinh 1958 vẫn ở đấy thờ phụng ông bà nội và cha mẹ. Oanh mua thêm phòng phụ gần đó, sống với chồng cũng là họa sĩ. Oanh cười buồn: “Bố mẹ em mất cả, mẹ trước, bố sau, bố mất năm 2006. Hàng xóm họa sĩ của bố cũng mất hầu hết, bác Nguyễn Sáng chuyển vào Sài Gòn năm 1987, sau mất trong đó. Bác Nguyễn Tư Nghiêm sang số 8 phố Phan Bội Châu. Em gái em, Mai Thị Ngọc Lan, sinh 1961, lấy Nguyễn đình Chính, con cụ Nguyễn đình Thi, theo chồng lên mạn Hồ Tây rộng rãi nhà cửa”… Rẽ vào phòng Oanh, chẳng còn treo bức tranh nào của bố Hiến. Mai Văn Hiến là hoạ sĩ vẽ tranh châm biếm nức tiếng, vẽ tranh lính cụ Hồ thật khoẻ mạnh, thuần hậu. Nghe tôi bình luận tranh ông vẽ bộ đội như lực điền cày ruộng, ông nhả khói thuốc lào, cười hào sảng: đích thị rồi, tôi vẽ nông dân mặc áo lính nhiều nhất. Không vẽ thế thì ai kéo pháo lên điện Biên hả cô? Tôi thích cách nói năng hóm hỉnh tinh tế ấy của ông. Rồi thích ông bình luận tranh của các hoạ sĩ hay vẽ bìa cho Tạp chí Sân khấu: Trần Lưu Hậu là tay số một về tranh bột màu vẽ hoa quả tĩnh vật. Ông này học mỹ thuật Liên xô mà “nhả tranh” lại thuần Việt. Hậu làm mỹ thuật sân khấu cho các vở cổ điển thì miễn chê. Nếu Hậu thích tặng tranh tĩnh vật bột màu cho cô thì đừng chối nhé, treo nó lên tường nhà cô, ấm áp cả mùa đông đấy. Cô chú ý ông Phái vẽ tranh chèo nhé, màu nguyên thuỷ trong xống áo đào chèo đẹp chói chang lộng lẫy vẻ quê mùa. Màu chèo của Phái là màu rực má hồng môi đỏ của các cô đào. Các cô chưa ra vai, vẫn ỡm ờ ở hậu trường, ngồi vẽ chân mày cong, tô môi hồng, mắt đen nhưng nhức, đẹp đến chịu hết nổi, cô nhỉ? Tôi phải nhận rằng Mai Văn Hiến là hoạ sĩ có mắt xanh tinh đời và đã mở mắt cho tôi khá nhiều về thưởng thức hội hoạ…
Trong cùng ngôi nhà này, Mai văn Hiến là hình ảnh ngược của hoạ sĩ Nguyễn Sáng, chủ nhân căn phòng hẹp chưa đến 12m2 trên gác. Ông Hiến lạc quan, suốt ngày tận tuỵ làm việc ở văn phòng Hội Mỹ thuật, vui vẻ cười đùa với đám hậu sinh chúng tôi. Nguyễn Sáng khép kín, cô độc, chìm sâu trong nội tâm và men rượu. Ông sống một mình, đường vợ con không thuận. Cô Thuỷ, người vợ thứ hai cưới muộn, ngay trong đám cưới đã đổ bệnh, sống với ông hơn một năm rồi mất. Ông không tái hôn, một mình thui thủi ra vào căn phòng bé xíu, tính nết ngang ngạnh, ít bạn, rất khó gần. Thực ra, Nguyễn Sáng là tính cách Nam Bộ chính hiệu. Do cuộc đời nhiều điều bất ưng, lại nghèo túng, không được người cùng thời tri âm, tri kỷ với cử chỉ hội hoạ đầy cá tính của mình, dù được đánh giá là “cây đại thụ sơn mài” Việt, nhưng khi ông còn sống, ít người biết giá trị tranh sơn mài của ông. Nghe tin tranh “Kết nạp đảng” của ông, được một Bảo tàng nước ngoài mượn triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đặt bảo hiểm bức tranh này 2 triệu USD. Cả một đời vẽ sơn mài đẹp mê hồn, ông chỉ lần đầu duy nhất được triển lãm cá nhân năm 1984. Trong phòng ông, hiếm bao giờ treo tranh của chính ông. Trong lần triển lãm ấy, hình như Nguyễn Tuân đã thắc mắc thật đáo để: Cả đời Sáng nó vẽ đẹp đến thế mà không có nổi một mề đay (huân chương) là sao?

Họa sĩ Nguyễn Sáng,
ký họa của Đỗ Đức

Khi Nguyễn Sáng vì quá thương nhớ người vợ quá cố, không chịu biết thêm người đẹp nào, cuối đời cứ một mình ở miết căn gác nhỏ, thì hoạ sĩ Dương Bích Liên lại rất thích tiếp xúc với những người đẹp, nhan sắc khác thường, luôn thích người đẹp đến thăm hỏi; khiến Dương Tường phải cho đó là kẻ duy mĩ dễ thương kinh khủng. Có lần, Dương Tường đưa ba người đẹp thăm Dương Bích Liên: nghệ sĩ kịch, thi sĩ và biên tập viên kiêm dịch giả. Nhan sắc cả ba đang chín mặn mòi. Vừa nhác thấy ba bóng hồng, Dương Bích Liên đã bừng mặt hể hả. Ông bỏ phắt ủ ê, chán chường, lập tức nói cười hóm hỉnh, lôi cuốn. Chuyện nở như cơm gạo vàng. Dương Tường tủm tỉm nghĩ: bạn mình đang hân hoan đã đầy thanh sắc trần gian. Chưa hết, Dương Bích Liên nháy mắt vui vẻ, biến mất sau cánh cửa phòng bé xíu. Lát sau ông hoan hỉ về, giơ cao hai chai vang chát chính cống Pháp, vui vẻ mở nút, tràn trề ngẫu hứng, đến không buồn gọi tên thật, mà âu yếm gọi phứa ba giai nhân: cô Dần, cô Mão, cô Mùi, mặc kệ họ cười rũ phản đối. Trước mắt ông, các thiếu phụ bỗng thành nhan sắc lộng lẫy. Cái ngu ngơ, xôn xao, náo động trước sắc đẹp của ông, khiến ba giai nhân động lòng. Sau này, cả ba đều quyến luyến, mến mộ ông, thường qua lại thăm ông, lúc buồn sầu đau ốm. Thi thoảng, họ mua bát phở nóng, chu đáo mang tận nhà ông những chiều tối Hà Nội não nùng mưa rét. Họ xót thương ông, một mình, không vợ con trên gian gác nhỏ. Họ chăm bẵm, yêu chiều ông như đứa trẻ, lúc cuối đời. Ông cũng thế, hâm mộ họ rất lâu. Mê man vẽ họ, rất lâu…Dương Tường đã tự hỏi: Bây giờ nghệ sĩ còn ai hồn nhiên mê người đẹp như họ Dương đến thế không?
…Tất cả những hoạ sĩ sống trong ngôi nhà này đều hồn nhiên sống trong không gian riêng của mình, hoà chung lòng yêu mến gắn bó với kiến trúc kiểu Pháp của ngôi nhà 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng như thế đã quá nửa thế kỉ. Họ đều biết lịch sử ngôi nhà là của cụ Cự Lãnh, chủ thầu lớn của Hà Nội thời thuộc Pháp.
Trong trí nhớ của những ngưòi nổi tiếng từng là những đứa trẻ sống trong ngôi nhà này, thì nhà điêu khắc - hoạ sĩ Nguyễn Sơn, người đã dựng tượng Bác Hồ ở hai đầu Tổ Quốc, từng có xưởng họa và phòng tranh ngay mặt tiền sau cổng ngôi nhà, chiếc cổng kiến trúc lối Nhật, với ngói ống, tường hoa, đường con tiện chạy quanh nhà và hai cánh cửa gỗ lim nay đã mất. Hoạ sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Sơn hay dựng sân khấu trong sân nhà cho trẻ chơi trăng Trung Thu. đỗ Nhuận đệm đàn cho chúng hát, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Lí hái nho góp cỗ trông trăng từ giàn nho ngay cửa căn phòng phụ của ông. Trẻ con ngôi nhà không quên cụ Nguyễn Phan Chánh sống nho nhã thong thả như tiên ông trên gác hai, mềm mỏng như bức tranh nổi tiếng “Chơi ô ăn quan” của ông. đặc biệt gác 3 ngôi nhà, có họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Lũ trẻ may lắm cũng chỉ nhìn thấy ông hai lần trong ngày: sáng xe đạp đi làm. đêm về xách xô xuống nhà lấy nước. Mãi khi tuổi xế bóng, ông mới lấy Thu Giang, con gái Nguyễn Tuân, làm vợ.
Lại thêm ông Văn Giáo cao lớn, cả đời mê vẽ tranh Bác Hồ và tranh phong cảnh của ông thật trong trẻo niềm vui sống. Trần đông Lương nổi tiếng thế giới với tranh lụa, phấn mầu, vẽ thiếu nữ Việt đẹp nõn nường. 500 tranh nhan sắc Việt của ông đang lưu lạc khá nhiều nơi trên thế giới.
Và Nguyễn Sáng cô đơn, với triết lí “sư tử chỉ đi một mình”. Có lần say tít cung thang, không lên gác được, bọn trẻ trai phải bế ông lên. Ngôi nhà còn là nơi quần anh hội tụ. Thi sĩ Trần Dần, Nguyễn Bính, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Trần Văn Cẩn... thường đến với đồng nghiệp - bạn hiền ở đây. Có đến 7 giải thưởng Hồ Chí Minh cho văn nghệ sĩ ở ngôi nhà này và biết bao cảm hứng sáng tạo, hạnh phúc, đau khổ, yêu đương…trong suốt cuộc đời dài của họ đã diễn ra ở chính ngôi nhà này.
Chao ôi, một thời oanh liệt của ngôi nhà nay còn đâu?
Nghệ sĩ kịch Chiều Xuân, con dâu đỗ Nhuận, vợ đỗ Hồng Quân, vẫn sống với gia đình trên căn gác nhỏ ngôi nhà, đã ngậm ngùi mơ ước: giá như ngôi nhà trở thành bảo tàng sống của văn nghệ sĩ một thời Hà Nội được chăng? Câu hỏi hình như vẫn còn treo nguyên ở đó.
 Nguyễn Thị Minh Thái - Bản tin ĐHQGHN số 245, tháng 7/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC