Video 16:24:10 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Cơn say gas ở miền Tây hoang dã
Để tiếp tục nuôi sống giấc mơ “Sống theo cách Mỹ” (American way of life), nước Mỹ luôn đói năng lượng. Sau khi sa lầy tại cuộc chiến vùng Vịnh, chính quyền Bush chủ trương chuyển sang tìm nguồn năng lượng trong nước.

Trước tiên hướng vào mở rộng khai thác khí đốt ở bang Wyoming (trong tương lai gần, 700 nguồn gas sẽ tăng lên 5.000) đồng nghĩa với một thảm họa đối đã được dự báo trước với thiên nhiên và dân địa phương.

Cuộc sống “mới”

Trước trạm khai thác khí đốt có một nhóm người biểu tình, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Họ đang phản đối kế dự định mở rộng vơ vét tài nguyên của chính phủ đương nhiệm: “Nước bắt đầu bẩn và không khí bắt đầu hôi”, Jared và Ronnie hát. Làm nghề thợ săn và nghiên cứu sinh vật hoang dã, họ biết mình hát gì: rừng ngày càng hết dần hươu, nai vì các trạm khai thác hoạt động 24/24h lấn hết đất và cắt vụn đường di chuyển truyền thống của động vật. Jared và Ronnie không phải là địch thủ của công nghiệp năng lượng, nhưng hôm nay cuộc sống của họ bắt đầu bị đe dọa. “Bò và ngựa chết vì uống phải nước giếng nhiễm độc, không khí ngày càng tồi tệ. Bên dầu khí hứa khắc phục nhưng chúng tôi đợi quá lâu rồi.”

Cách đây mấy năm, sáng sáng, đàn nai hàng trăm con vẫn còn diễu qua trước cửa nhà họ. Thiên nhiên tinh khiết, không khí trong lành, nguồn nước sạch – tất cả đã thuộc về dĩ vãng. Hôm nay nhìn ra cửa chỉ còn thấy các giàn khoan khí đốt. Không còn một con bò. Không còn một cowboy. Thanh niên rủ nhau rời bỏ nghề này để đi kiếm đồng tiền dễ dàng trong lĩnh vực dầu khí. Trước khi xuất hiện giàn khoan ở thành phố Pinedale gần đó, hàng xóm của Jared và Ronnie là 1.000 dân (nông dân, thợ săn, hưu trí), sống trong không khí thanh bình, hầu như ai cũng quen mặt nhau. Từ ngày hàng nghìn công nhân trẻ về đây, địa phương phải xin thêm 30 cảnh sát bảo vệ và 7 chuyên gia hình sự. Cuộc sống chao đảo bởi ma túy, đánh lộn, trộm cắp.

Áp lực của năng lượng

Trong tương lai, Wyoming sẽ trở thành một mỏ khai thác khí đốt khổng lồ và nước Mỹ sẽ không phải lo đói năng lượng. Nhà chức trách chuẩn bị ký giấy phép cho 4.500 dàn khoan mới, và đó chính là cái gai trong mắt người địa phương. “Người ta thẩm định rất sơ sài trước khi phát giấy phép, vì chịu áp lực kinh khủng từ phía chính phủ”, một người trong nhóm biểu tình nói. Nước Mỹ cần năng lượng từ nguồn trong nước, vì không phải ngày nào cũng tìm ra được một Saddam Hussein để gây hấn. Vả lại, quan hệ thân thiện giữa của Bush và phó tổng thống Cheney với lĩnh vực dầu khí là một bí mật công khai ở Mỹ.

Từ trên máy bay nhìn xuống thì dễ hiểu cơn ác mộng của người dân Wyoming: khắp nơi lỗ chỗ những hồ ao đen xỉn chứa chất thải độc hại từ các lỗ khoan. Nhưng lý lẽ của các công ty năng lượng cũng khó bẻ lại: trong 50 năm tới họ sẽ lấy lên từ lòng đất một lượng gas giá trị 150 tỉ USD. Nước Mỹ, quốc gia tiêu thụ và phung phí năng lượng bậc nhất thế giới, không có sự lựa chọn nào dễ chịu hơn?

Tài nguyên thuộc về nhà nước

Nông trại nhà Botur rộng 300 cây số vuông, do người con trai cả là anh Freddie Botur quản lý. Nhưng Freddie cũng không cản nổi nhà nước dựng giàn khoan trên đất mình, vì tài nguyên dưới đất thuộc về nhà nước, và nhà nước đã dễ dàng chuyển sang cho hãng dầu khí. “Họ đã đến đây đàm phán với khoản tiền đền bù rẻ mạt. Nếu chúng tôi không đồng ý là họ đứng lên ngay.”

Freddie cũng không chống lại kế hoạch khai thác khí đốt của nhà nước, anh chỉ đòi người ta chú tâm bảo vệ thiên nhiên và môi trường hơn. “Chính sách năng lượng của Bush là: Cứ khoan đã! Vậy thì ai chịu trách nhiệm về các tác hại? Nếu nông dân tàn phá thiên nhiên như những cảnh hàng ngày diễn ra trước mắt thì chắc đã vào tù từ lâu!”

Các giàn khoan làm việc không nghỉ. Trong đám công nhân có nhiều khuôn mặt cựu binh từ Iraq về. Đây là công việc của cơ bắp và mồ hôi, ngày làm việc kéo dài 12-14 tiếng, nơi ngủ là các công-ten-nơ quây thành trại. Mùa đông ở Wyoming có lúc hạ xuống tới âm 40°C. Niềm an ủi duy nhất là đốt tiền và thì giờ rảnh rỗi tại các quán rượu trong thành phố. Họ có thu nhập cao và chi tiêu xông xênh. Moose, một công nhân từ xa đến, tự hào kể mỗi năm kiếm khoảng 140.000 USD, nếu trời cho sức khỏe có thể làm liên tiếp 70 giờ/tuần. “Tôi sẽ kiếm tiền thật nhanh rồi đi khỏi, đây không phải là đất sống.” Tuy nhiên, lựa chọn đó không dành cho những người như Freddie, Jared, Ronnie…

 Ngọc Hà - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 208 - 2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC