Đô thị Hòa Lạc 13:19:25 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Luôn đặt sinh viên làm trung trung tâm
Là trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành đa lĩnh vực, sứ mệnh của ĐHQGHN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, chính vì vậy việc nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao nhằm nhanh chóng tiếp cận trình độ quốc tế và đáp ứng yêu cầu xã hội là nhu cầu khách quan, tất yếu, cấp thiết đối với ĐHQGHN.

Những đòi hỏi khách quan

Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của sinh viên là việc làm cần thiết, góp phần thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục đại học, xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao, phương pháp và phong cách giảng dạy tiên tiến, hiện đại. Ðây còn là kênh thông tin giúp giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy; nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Ðồng thời, bằng việc cung cấp thông tin phản hồi về hoạt động giảng dạy của giảng viên, sẽ tăng cường tinh thần trách nhiệm của sinh viên với quyền lợi, nghĩa vụ học tập, rèn luyện của bản thân; tạo điều kiện để sinh viên được phản ánh tâm tư, nguyện vọng, được thể hiện chính kiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng Trường ÐHGD, ÐHQGHN: "Lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về bài giảng của giảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là một trong những kênh thông tin nhằm hoàn thiện người dạy và làm thỏa mãn nhu cầu của người học".

PGS.TS Nguyễn Chí Hòa, Giám đốc Trung tâm ÐBCL, Trường ÐHKHXH&NV, ÐHQGHN, nhấn mạnh: "Hoạt động lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về bài giảng của giảng viên có nhiều ý nghĩa, thứ nhất là tăng cường tính dân chủ trong nhà trường và đáp ứng được phương pháp giảng dạy hiện đại mà chúng ta đang thực hiện đó là lấy học sinh làm trung tâm; thứ hai là giúp giảng viên cải tiến được nội dung phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học; thứ ba là nó không chỉ trang bị cho sinh viên kiến thức mà còn trang bị cho sinh viên cả cách nhìn nhận, đánh giá nhận xét có phê phán. Và khi đã biết phê phán nghĩa là sẽ đi đến bước đầu của sự sáng tạo".

Ở các nước tiên tiến, việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên đã diễn ra từ rất lâu và là một hoạt động phổ biến. Ở Mỹ, việc lấy ý kiến đã tạo ra một diễn đàn công khai có tác dụng minh bạch hóa việc giảng dạy, là một chế tài không chính thức để khen thưởng người có tài và phê bình người làm việc tồi. Việc đánh giá thường diễn ra ở cuối học kỳ hoặc sau khi hết năm học. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, giảng viên sẽ được nhận kết quả đánh giá của sinh viên để tham khảo, nhìn lại cách truyền giảng của mình để cải tiến. Kết quả đánh giá của sinh viên được lấy làm căn cứ để nhà trường có tiếp tục mời giảng viên giảng dạy hay không.

Hiệu quả của hoạt động phản hồi

Thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên, các đơn vị đào tạo trong ÐHQGHN đã sớm tổ chức cho sinh viên đánh giá bài giảng của giảng viên và đã đem lại hiệu quả tích cực. Thực tiễn cho thấy lấy ý kiến phản hồi của sinh viên đã giúp giảng viên tích cực cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tại Trường ÐHKHXH&NV, năm học 2007 - 2008 triển khai lấy ý kiến phản hồi thu được 2581 phiếu/ 2844 sinh viên đang học. Ðiểm trung bình chung 3,80/5. Năm 2008 - 2009, tổng số sinh viên phản hồi 6130 phiếu/ 7085 sinh viên, điểm trung bình chung là 3,95/5. Năm 2009 - 2010, tổng số lượt sinh viên phản hồi 18.508, điểm trung bình chung là 4,13/5. Và khi so sánh cụ thể từng giảng viên tại trường thì kết quả phản hồi lần 1 và lần 2 cũng cho thấy chất lượng giảng dạy tiến bộ hơn nhiều. Như vậy, việc lấy ý kiến phản hồi từ sinh viên không chỉ giúp các giảng viên cải tiến nội dung phương pháp giảng dạy, mà căn cứ vào kết quả phản hồi của sinh viên nhà trường có thể rút kinh nghiệm đưa ra kiến nghị chung cho toàn thể giảng viên và để tìm ra phương hướng khắc phục những mặt còn yếu.

Tuy nhiên, một số sinh viên do nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc lấy ý kiến phản hồi nên có thái độ chưa đúng mực khi cung cấp ý kiến. Họ cho rằng việc lấy ý kiến chỉ là hình thức, hoài nghi về việc sử dụng kết quả phản hồi, hay né tránh khi đánh giá những vấn đề tế nhị, cho ý kiến kiểu "vô thưởng, vô phạt". Nguyễn văn Hùng, sinh viên Trường ÐHCN cho biết: "Một số bạn sinh viên quan niệm rằng phản hồi ý kiến trong phiếu hỏi chỉ là hình thức nên các bạn chỉ làm cho xong việc, không đảm bảo tính khách quan". Chính vì vậy, để đảm bảo truyền thống tôn sư trọng đạo và những giá trị đạo đức, văn hoá tốt đẹp của dân tộc; nội dung, công cụ đánh giá phải phản ánh đầy đủ, khách quan về hoạt động giảng dạy của giảng viên; kết quả xử lý thông tin phản hồi từ phía người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên phải chính xác, tin cậy.

Xây dựng văn hóa phản hồi trong GDĐH

Ðể hoạt động lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về bài giảng đạt chất lượng, tạo sự tin cậy cao, hoạt động lấy ý kiến phản hồi phải đảm bảo được những yếu tố sau:

Thứ nhất, thái độ của sinh viên phải khách quan, công bằng, trung thực và nghiêm túc trong việc cung cấp thông tin phản hồi. PGS.TS Nguyễn Chí Hòa khẳng định: "Ý kiến phản hồi của một tập thể sinh viên bao giờ cũng phản ánh khách quan, bởi nếu có một số trường hợp phản hồi theo cảm tính thì cũng không làm mất đi tính khách quan của hoạt động giảng dạy".

Thứ hai, về phía giảng viên cũng cần tôn trọng, có tinh thần cầu thị trước kết quả xử lí thông tin phản hồi từ phía sinh viên về hoạt động giảng dạy của mình. Bởi việc này sẽ giúp giảng viên điều chỉnh, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thứ ba, căn cứ tình hình thực tế, mỗi cơ sở giáo dục đại học cần chủ động, sáng tạo trong việc thiết kế công cụ để lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên

Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc "Ðể lấy ý kiến của sinh viên được khách quan hơn vấn đề quan trọng là kĩ thuật đặt câu hỏi. Chỉ được hỏi sinh viên những ý kiến mà người khác không thể trả lời được, thì câu hỏi mới có ý nghĩa. Hỏi người học cái gì để lấy thông tin đó là một nghệ thuật đòi hỏi những nhà quản lí, người xử lí thông tin phải quan tâm. Tránh những câu hỏi nhận xét cảm tính, phải hỏi cái gì có minh chứng.

PGS.TS Nguyễn Chí Hòa nhấn mạnh: "Trong bảng hỏi lấy ý kiến phản hồi phải có hai phần định lượng và định tính. Sự thống nhất giữa định lượng và định tính minh chứng cho sự đánh giá khách quan". Lấy ý kiến phản hồi của sinh viên là phải theo định kì nhưng mỗi lần lấy ý kiến phải có mục đích riêng.

Thứ tư, khâu xử lí và sử dụng thông tin phản hồi phải lưu ý đến yếu tố bảo mật. Ý kiến phản hồi từ sinh viên chỉ người có quyền cao nhất trong cơ sở đào tạo và bộ phận xử lí về đảm bảo chất lượng được biết trong một phạm vi nào đó. Những thông tin này không đem ra để đánh giá kỉ luật, khen thưởng, thi đua, mà chỉ là một trong những kênh giúp giảng viên hiểu được nhu cầu của sinh viên và điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh: "Lấy ý kiến phản hồi của sinh viên không phải để đánh giá thi đua giáo viên mà nhằm giúp người dạy hiểu được nhu cầu của sinh viên cần gì và sinh viên cũng được bày tỏ nhu cầu nguyện vọng của mình". Cũng từ nhu cầu của sinh viên lãnh đạo nhà trường tham khảo để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giảng viên, phát triển đội ngũ giáo viên.

Ðể ý kiến phản hồi của sinh viên được chính xác, khách quan thì thái độ công bằng, trung thực trong việc cung cấp thông tin phản hồi của sinh viên là rất quan trọng. Việc xây dựng văn hóa phản hồi, xử lí ý kiến phản hồi là một quá trình không dễ dàng đòi hỏi phải có tâm huyết, phải đầu tư cả sức lực, thời gian và kinh phí, đặc biệt phải có các chuyên gia về lĩnh vực này.

 Tuệ Anh - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC