14:03:51 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững
Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV (ICVNS 2012) diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều bước chuyển trọng đại, đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học - công nghệ và giáo dục, Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013... Đây là hội thảo lớn mang tầm quốc tế, có ý nghĩa hết sức quan trọng, thu hút sự quan tâm của giới học giả, người làm chính sách trong và ngoài nước. Đặc biệt, những kiến nghị của hội thảo sẽ cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cho việc hoạch định các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với các vấn đề hội nhập và phát triển bền vững đất nước. Bên lề hội thảo, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN, Đồng Trưởng ban tổ chức hội thảo.
Xin Giáo sư cho biết tầm quan trọng của hội thảo lần này?
Với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững”, đây là điểm mới, là chủ đề của Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam, là nội dung xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, để hướng đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây cũng là một bước thể hiện sự thích ứng của Việt Nam đối với các thay đổi của quốc tế và khu vực, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 – 2009, thế giới bước vào giai đoạn phát triển mới thực hiện tái cấu trúc đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó tăng trưởng xanh, phát triển xanh, đã trở thành cái đích hướng tới của mọi nền kinh tế, để vừa tạo ra hiệu quả chất lượng của nền kinh tế, đồng thời ứng phó một cách có hiệu quả đối với thay đổi của môi trường, biến đổi khí hậu, và ở nước ta còn có vấn đề nước biển dâng. Điểm thứ hai là trong chiến lược phát triển nhấn mạnh đến quá trình chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang kết hợp giữa tăng trưởng cả theo chiều rộng và chiều sâu. Những nguồn lực có hạn từng là những trụ lực của mô hình tăng trưởng hiện nay là lao động, tài nguyên, đất đai,… cần phải được nâng cao, trí tuệ hóa, công nghệ hóa và tri thức hóa để trở thành động lực mới cho sự phát triển của kinh tế nước ta. Khoa học và công nghệ cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố hết sức căn bản của mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, thúc đẩy nền kinh tế hội nhập một cách có hiệu quả vào khu vực và thế giới, trước hết là tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Hội thảo lần thứ IV tập trung thảo luận tất cả các lĩnh vực trong hội nhập và phát triển bền vững: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực…Thông qua Hội thảo lần này, các học giả trong và ngoài nước sẽ tham gia đề xuất các ý kiến về quan điểm và chính sách phát triển và hội nhập của Việt Nam theo tinh thần “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”.
Được biết, hội thảo lần này cũng sẽ tập trung thảo luận hơn 15 chủ đề cụ thể, xin Giáo sư cho biết ý nghĩa của những chủ đề này?
Hội thảo lần này có 15 chủ đề hết sức có ý nghĩa. Phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột lớn: một là kinh tế, hai là vấn đề xã hội và ba là vấn đề môi trường. Ở Việt Nam phải thêm 2 trụ cột nữa, đó là bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, biến văn hóa của chúng ta trở thành một nguồn lực cho sự phát triển đất nước, như trong Nghị quyết đã nêu, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, kết hợp sức mạnh với phát triển của dân tộc và thời đại. Và phải ổn định chính trị xã hội. Đây là 5 trụ cột để thực hiện phát triển bền vững của Việt Nam.
Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới trình bày những kết quả nghiên cứu của mình và giao lưu, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức khoa học từ việc tập hợp các ý tưởng hội nhập và phát triển bền vững Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, Hội thảo cũng là dịp để các nhà Việt Nam học của Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, thảo luận nhằm tăng cường sự phối hợp nghiên cứu, qua đó nâng cao hiểu biết về Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, làm cơ sở thiết lập quan hệ trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Vậy về quy mô của hội thảo lần này thì sao, thưa Giáo sư?
Hội thảo lần này thu hút sự tham gia của gần 1500 đại biểu đăng ký, trong đó có 250 đại biểu quốc tế đến từ 36 quốc gia. Có những quốc gia trước đây chưa bao giờ biết đến Hội thảo Việt Nam học nhưng lần này đã có những nhà nghiên cứu về Việt Nam tham dự, như Pakistan, Banglades. Đặc biệt lần đầu tiên Mông Cổ cử một đoàn chuyên gia của Viện Hàn lâm khoa học chính thức tham dự Hội thảo, bởi họ rất muốn chia sẻ những kinh nghiệm phát triển của Việt Nam.
Ngoài ra, hội thảo lần này cũng thu hút lực lượng đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ với những đề tài ngày càng phong phú và đa dạng về văn hóa, lịch sử truyền thống cũng như thực tiễn phát triển tại Việt Nam. Ngoài chương trình chung của 2 phiên toàn thể còn có 3 phiên ở các tiểu ban chuyên môn, tập trung những báo cáo khoa học chất lượng, chia sẻ về sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới, để giao lưu, trao đổi, học thuật giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học quốc tế và cũng để nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào khu vực và toàn cầu.
Về chất lượng của các báo cáo tham luận, hội thảo quy tụ rất nhiều báo cáo mang giá trị thực tiễn lớn của các nhà nghiên cứu Việt Nam học lâu năm, ví dụ như GS. Cốc Nguyên Dương (Trung Quốc) là một trong những nhà nghiên cứu Việt Nam học giàu kinh nghiệm, có những đánh giá rất sát thực. Hiện nay có những nhà khoa học muốn giới thiệu về tư liệu Việt Nam ở trên thế giới, điều này hết sức quý, như ông Trần Thắng là một học giả sưu tập được 80 – 90 bản đồ về quyền chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
Hội thảo lần này có sự tham dự của nhiều học giả lớn trên thế giới không nghiên cứu trong lĩnh vực Việt Nam học, xin Giáo sư lý giải về điều này?
Đông người nước ngoài tham dự mà không có báo cáo là một chủ trương của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức bởi phần thảo luận là rất quan trọng, cho nên rất nhiều nhà khoa học nước ngoài, các học giả lớn có thể họ không viết bài nhưng họ tới để bình luận, phát biểu. Vì vậy sẽ có một số học giả mời đến để tham gia thảo luận. Thứ hai, chất lượng báo cáo tùy thuộc vào các mức độ nghiên cứu khác nhau nên không thể đánh giá chung là chất lượng báo cáo như thế nào trong hội thảo, ở bất cứ hội thảo khoa học nào cũng có những bài chất lượng cao, bài chất lượng trung bình, và bài chất lượng ở mức độ vừa phải. Mục đích của Hội thảo là dương cao ngọn cờ nghiên cứu về Việt Nam, tập hợp và khuyến khích mọi người nhất là người nước ngoài say mê nghiên cứu về Việt Nam.
Thông qua Hội thảo chúng ta biết được những nhà khoa học trên thế giới nắm được hệ thống cơ sở dữ liệu về Việt Nam, cho nên thông qua họ chúng ta tạo ra được một mạng lưới để có thể xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các nghiên cứu về Việt Nam. Tại Hội thảo lần này, trong số học giả nước ngoài chúng tôi rất chú trọng đến đội ngũ các nhà nghiên cứu người Việt Nam ở nước ngoài, bởi vì trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, khi bàn về đổi mới khoa học và công nghệ đã nhấn mạnh đến vai trò của người Việt Nam làm công tác nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước, cần có những chính sách, tạo mạng lưới để thu hút các nguồn lực này phục vụ cho công cuộc phát triển. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học Việt kiều về tham dự Hội thảo, và đồng thời đây cũng là diễn đàn để sinh viên của nước ngoài đang học tập tại Việt Nam tham dự bởi họ chính là những nhà nghiên cứu Việt Nam học tương lai…
Với tư cách là đồng tổ chức và cũng là một trong những nơi hàng đầu nghiên cứu về Việt Nam học, ĐHQGHN đã có những đóng góp gì cho hội thảo, thưa Giáo sư?
Có thể nói, lĩnh vực Việt Nam học được quan tâm và phát triển rất sớm ở ĐHQGHN. Đây là một chủ trương đúng đắn thể hiện tầm nhìn của ĐHQGHN về tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với sự phát triển của đất nước.
Từ năm 1988, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa quốc tế đã được thành lập và bắt đầu thiết lập quan hệ với các trung tâm nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài. Sau 10 năm hoạt động tích cực trên mọi phương diện, một ngành khoa học mới – Việt Nam học (theo hướng khoa học liên ngành) đã dần được hình thành. Trên cơ sở đó, năm 1998, ĐHQGHN đã phối hợp với Trung tâm KHXH&NV Quốc gia (nay là Viện KHXH Việt Nam) đã tổ chức rất thành công hội thảo quốc tế về Việt Nam học, trong đó thu hút gần 300 học giả quốc tế từ 27 nước.
Từ đó đến nay, nhất là sau khi Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển được thành lập, Việt Nam học đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các chương trình đào tạo thạc sĩ và ở bậc tiến sĩ đã được triển khai và đạt kết quả tốt.
Với nhiều kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị cao được công bố trong lĩnh vực Việt Nam học, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã đóng góp nhiều báo cáo khoa học quan trọng tại hội thảo lần này.
Thưa Giáo sư, Ban Tổ chức đã có những dự kiến gì cho vấn đề đưa các nghiên cứu của các nhà khoa học tham gia Hội thảo đến được với các cơ quan hoạch định chính sách, những người có trách nhiệm?
Hội thảo quốc tế Việt Nam học định kỳ 4 năm một lần. Mỗi một hội thảo đều có chủ để riêng, có cái đích được coi là trọng tâm, bao trùm, đó là tập hợp các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới, vì vậy một trong những cái đích đạt tới của Hội thảo là để các nhà nghiên cứu Việt Nam trình bày các nghiên cứu mới nhất của mình, đồng thời chúng ta cũng có một trọng tâm liên quan đến chủ đề chung là hội nhập và phát triển bền vững. Hội thảo có 2 mục tiêu: nghe ý kiến của các nhà khoa học sau 4 năm họ nghiên cứu, chú ý và khơi gợi điều mà chúng ta đang cần từ phía các học giả ở trong và ngoài nước. Những người có trách nhiệm của Viện KHXHVN, ĐHQGHN, các chuyên gia sẽ phải tập trung xử lý kỹ những thông tin và biến thành những kiến nghị, đề xuất với những nhà hoạch định chính sách, những người chỉ đạo đường lối, trên cơ sở nền tảng khoa học được trích rút từ những ý tưởng khoa học lớn, các kết quả nghiên cứu đạt được.
Ngoài những kết quả nghiên cứu được công bố, còn là dịp để củng cố và mở rộng mạng lưới các nhà nghiên cứu về Việt Nam trên khắp thế giới. Sau khi Hội thảo kết thúc, chúng tôi sẽ tổng kết, đánh giá các kết quả của Hội nghị này rồi thông qua Viện KHXH Việt Nam với tư cách là cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ cung cấp luận cứ cho Đảng và Nhà nước về hoạch định đường lối chiến lược chính sách phát triển đất nước có trách nhiệm chuyển tải các kết quả nghiên cứu lên các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Sau khi kết thúc Hội thảo quốc tế do Thủ tướng phê duyệt quyết định tổ chức, Ban Tổ chức Hội thảo bắt buộc phải có báo cáo trình Thủ tướng về 2 nội dung, thứ nhất là quá trình tổ chức Hội thảo có vấn đề gì xảy ra không, thứ hai là về học thuật, những kiến nghị của Hội thảo đối với Đảng và Nhà nước. Về phổ biến kiến thức, chúng tôi sẽ chọn một số bài tham luận tốt, có thể trích những vấn đề phát triển hay để đăng tải trên các báo, các tạp chí. Sẽ trao đổi với các phóng viên để thông qua họp báo sắp tới đây của Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để chúng ta có thể đưa các kết quả của Hội thảo đến với không phải chỉ giới học thuật mà cả các cơ quan chính sách, sinh viên và xã hội. Đề nghị các nhà báo cố gắng bám sát tinh thần Hội thảo, đây là dịp để chúng ta quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam.
Trong tất cả các lần diễn ra hội nghị quốc tế này, ĐHQGHN luôn là đơn vị đồng tổ chức, tại sao lại chọn ĐHQGHN mà không phải là đơn vị khác, thưa GS?
Xuất phát từ yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới của toàn cầu và khu vực, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, ĐHQGHN đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ IV này.
Ngoài ra, trong thời gian qua. Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn chọn ĐHQGHN tham gia vào những vị trí quan trọng trong việc tổ chức những sự kiện lớn, trọng đại của đất nước, những hội nghị tầm cỡ quốc tế. Việc “chọn mặt gửi vàng” này đều có nguyên do. Trước hết, ĐHQGHN là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của đất nước, là tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam. ĐHQGHN là điểm đến của nhiều nguyên thủ, nhà khoa học hàng đầu thế giới, những chính trị gia lỗi lạc, các nhà hoạt động xã hội xuất sắc thế giới. Và thứ hai, ĐHQGHN có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo tầm cỡ khu vực và thế giới. Có thể kể đến như: Hội thảo quốc tế Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học, Diễn đàn giáo dục đại học thế kỷ 21, Hội nghị Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu - IPCC…
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
 
Ý KIẾN MỘT SỐ NHÀ KHOA HỌC TẠI HỘI THẢO
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam:
"Trước đây nhiều nước chưa đến Việt Nam dự hội thảo trong đó có Mỹ, kể cả châu Mỹ Latin và châu Á. Khi ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng rộng, các nước biết đến chúng ta ngày càng nhiều."
Các tổ chức và hội nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam cũng đã được hình thành tại nhiều nước quy tụ hàng nghìn học giả có uy tín, lực lượng học giả này cũng đang được trẻ hóa. Ngoài chị Annuska, anh Park Ji Hoon, người Hàn Quốc cũng là một trong những đại biểu trẻ tham dự Hội thảo lần thứ tư. Họ đều là những người sinh sau năm 1970. Trong 17 năm sống tại Việt Nam, anh Park đã có nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Việt Nam.
Park Ji Hoon, Giảng viên khoa tiếng Hàn, Trường Đại học Hà Nội:
"Ở Hàn Quốc có rất nhiều tổ chức và hội nghiên cứu về Việt Nam. Trước đây chủ yếu là người lớn tuổi nghiên cứu Việt Nam về mặt lịch sử, nay có rất nhiều thanh niên quan tâm đến Việt Nam vì hai nước chúng ta có những nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Hơn nữa có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, giới trẻ thấy có nhiều cơ hội để tìm việc làm tại Việt Nam."
GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:
"Hiện tại đang có hai xu hướng chính. Một xu hướng cổ điển, nghiên cứu Việt Nam một cách bài bản trên tất cả các phương diện với thời gian trải dài từ xưa cho đến nay. Xu hướng thứ hai mang tính chất hiện đại hơn, tập trung chủ yếu vào Việt Nam hiện nay, có ý nghĩa thực tiễn hơn. Nghiên cứu không phải chỉ để nghiên cứu, mà để giải quyết các vấn đề của Việt Nam."
TS. Annuska Derks, Giảng viên thỉnh giảng, ĐHQGHN.
"Trước đây các học giả nước ngoài thường quan tâm đến đề tài chiến tranh, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Bây giờ nhiều học giả quan tâm đến các đề tài phản ánh tính thời sự tại Việt Nam như an toàn thực phẩm, bán hàng rong trên phố hay các dân tộc thiểu số. Những nghiên cứu này thể hiện sự phát triển rất năng động của Việt Nam".

 

 Đức Minh (thực hiện); Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin số 261 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC