23:06:54 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Sự cần thiết xây dựng Khoa học bền vững ở Việt Nam
Khoa học bền vững là lĩnh vực học thuật mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà trên cả bình diện thế giới. Việc xây dựng và đưa vào đào tạo chương trình Thạc sĩ Khoa học bền vững là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng của ĐHQGHN. Phóng viên Bản tin ĐHQGHN đã phỏng vấn GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN về chương trình đào tạo này.

>>>> Bản tin số 255 (pdf)

>>>> Sự cần thiết xây dựng Khoa học bền vững ở Việt Nam (pdf)

Với tư cách là người phụ trách đào tạo Sau đại học và là trưởng nhóm xây dựng chương trình, Giáo sư có thể cho biết đôi nét về sự ra đời của khoa học bền vững?

Phân nhỏ, chuyên sâu là quy luật phát triển của khoa học giúp con người nhận thức sâu hơn về giới tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, các khoa học chuyên ngành lại có hạn chế khó tránh khỏi của sự chia cắt phân lập, khu biệt. Hạn chế này khiến cho nhận thức tổng hợp về xã hội, tự nhiên và quan hệ giữa con người với tự nhiên rất khó khăn. Xuất phát từ nhu cầu nhận thức một cách tổng hợp thực tiễn, các khoa học liên ngành đã ra đời. Trong xu thế đó các nhà khoa học khoa học phát triển, văn hóa học, khu vực học, khoa học môi trường, khoa học về biến đổi khí hậu và khoa học bền vững,... lần lượt xuất hiện.

Những năm 60 – 70 của thế kỉ XX, nhiều khu vực trên thế giới đã có sự phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển như: dự báo về dân số, dự báo về thiên tai, kinh tế,... và những hệ lụy đẻ ra trong quá trình phát triển, đô thị hóa. Tổ hợp những tri thức đó hình thành khoa học phát triển, nghiên cứu quá trình phát triển và những vấn đề nảy sinh của phát triển. Trong những thập niên 70 – 90 thế kỷ trước, khi thế giới đối mặt với rất nhiều thảm họa của tự nhiên, sự mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường đã lên đến mức trầm trọng, sự phân hóa giàu nghèo tạo nên sự bất ổn trong xã hội thì lúc này người ta bắt đầu nói nhiều đến khái niệm phát triển bền vững và muốn duy trì sự phát triển, nhưng sự phát triển đó không dựa vào khai thác tài nguyên, yếu tố bên ngoài, không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, phương hại đến tương lai.

Tuy nhiên phát triển bền vững, thực ra mới chỉ là phương hướng ứng xử thông minh trong quá trình phát triển. Nhu cầu nhận thức một cách khoa học về sự bền vững, những nhân tố có thể tăng cường hoặc làm phương hại đến sự bền vững ngày càng trở nên bức thiết. Đi tiên phong trong lĩnh vực này là các nhà khoa học ở Đại học Harvard, Đại học Arizona và Đại học Tokyo. Họ đặt ra mục tiêu cho khoa học bền vững là hướng tới sự bền vững toàn cầu. Mục tiêu của khoa học bền vững là xây dựng hệ tri thức khoa học mới để nhận thức đúng đắn và sâu sắc bản chất sự bền vững, nhận diện các rủi ro và tìm các giải pháp khả thi nhằm giải quyết các vấn đề đang và sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của con người, tổ chức, quốc gia và cả thế giới.

Vậy khoa học bền vững có ý nghĩa như thế nào đối với nước ta, thưa Giáo sư?

Việt Nam ở khu vực giao thoa văn hóa, giữa 2 nền văn minh lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, giữa thế giới lục địa và thế giới hải đảo có rất nhiều mối quan hệ tương tác để lại dấu vết rất rõ trên đặc điểm dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ, nhưng về một phương diện khác, sự giao thoa văn hóa này lại ẩn chứa khả năng biến động, xuất hiện rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu và giải quyết. Việt Nam có 54 dân tộc với hơn 80 triệu dân. Bên cạnh đó, Việt Nam là đất nước có nhiều tôn giáo, gồm tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới và các tôn giáo riêng có của Việt Nam như đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài,... Việt Nam là quốc gia có lịch sử biến động không ngừng và mạnh mẽ. Ngay sau khi lập quốc liên tục phải chống ngoại xâm.

Khí hậu các vùng miền ở Việt Nam cũng rất khác nhau. Hàng năm thường xảy ra rất nhiều thiên tai: bão tố, lũ lụt, xói lở, kèm theo đó là dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp. Việc khai thác tài nguyên cạn kiệt, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng chứa đựng những yếu tố không bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự phân hóa giàu nghèo đang là thách thức đối với Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó sự giữ vững ổn định chính trị - xã hội cũng là vấn đề đặc biệt coi trọng. Tất cả những đặc điểm trên đây, một mặt tạo nên sự đa dạng, phong phú, nhưng trên một phương diện khác, đó cũng chính là những nhân tố tạo nên sự khác biệt, tiềm ẩn, nguy cơ tác động đến sự bền vững.

Như vậy, cả điều kiện tự nhiên, xã hội và hoàn cảnh lịch sử, đều có rất nhiều chỉ báo về tính thiếu bền vững. Vì vậy, nghiên cứu về bền vững đóng vai trò rất quan trọng đối với nước ta. Nói cách khác, trang bị kiến thức khoa học bền vững cho đội ngũ quản lí công, hoạch định chính sách và quản lí doanh nghiệp trên lĩnh vực này đang trở thành một yêu cầu khách quan và cấp thiết.

Giáo sư có thể cho biết về chương trình đào tạo khoa học bền vững của một số đại học trên thế giới?

Hiện nay đã có nhiều nước đưa khoa học bền vững vào đào tạo và đào tạo được nhiều khóa. Tôi xin giới thiệu chương trình đào tạo của Đại học Harvard, Đại học Tokyo và Đại học Arizonna.

Ở Đại học Harvard, chương trình đào tạo nhằm ứng phó với những thách thức đặt ra cho phát triển bền vững, xây dựng các thiết chế, chính sách, hoạt động thực tiễn hỗ trợ phát triển bền vững. Giải quyết các thách thức thông qua nhận thức về quan hệ tương tác giữa con người và môi trường, liên kết giữa nghiên cứu hoạch định chính sách. Hỗ trợ các ý tưởng nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên và những hoạt động có liên quan.

Đại học Tokyo định hướng quốc tế cho khoa học này, đào tạo các chuyên gia để xây dựng một xã hội bền vững mang tính toàn cầu.

Đại học Arizona có Khoa Khoa học bền vững. Chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học bền vững của họ có thời gian đào tạo là 20 tháng. ĐHQGHN tìm thấy từ chương trình này nhiều điểm tương đồng với hoàn cảnh Việt Nam.

Tại sao ĐHQGHN lại quyết tâm đi tiên phong trong việc xây dựng Chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học bền vững?

Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của khoa học bền vững, điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, với sứ mệnh tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học, trách nhiệm tham gia giải quyết những bài toán quốc gia, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học bền vững của một số đại học tiên tiến, phát huy được thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, khai thác được đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, cũng như quyền tự chủ, ĐHQGHN đã quyết tâm tiên phong xây dựng chương trình đạo tạo Thạc sĩ Khoa học bền vững.

Cùng với đó là sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp quản lí, lãnh đạo đối với Chương trình này. Đặc biệt, ĐHQGHN có nhiều thuận lợi trong xây dựng Chương trình bởi ĐHQGHN có nhiều quan hệ hợp tác quốc tế với các đại học tiên tiên trên thế giới. Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm của những người có trách nhiệm, cũng như nhóm chuyên gia, Chương trình này sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Vậy ĐHQGHN đã chuẩn bị cho việc xây dựng Chương trình này như thế nào?

ĐHQGHN có sự chuẩn bị khá chu đáo từ việc hình thành tổ chức cho đến quá trình triển khai. Về mặt tổ chức, ĐHQGHN đã thành lập nhóm chuyên gia để xây dựng chương trình. Mục tiêu là xây dựng chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, đồng thời cũng là nhóm nòng cốt để nghiên cứu về vấn đề này. Nhóm chuyên gia bắt đầu từ học tập kinh nghiệm quốc tế ở Nhật Bản, Mỹ (Đại học Tokyo, Đại học Harvard và Đại học Arizona). Sau đó đã có nhiều lần thảo luận nhóm, trao đổi với chuyên gia và sau đó xây dựng các môn học, ngay cả lựa chọn các môn học cũng có những thảo luận cần thiết và gần đây nhất đã tổ chức xây dựng xong hệ thống các môn học. Hiện nay, ĐHQGHN đang hoàn chỉnh nội dung và các đề cương chi tiết. Dự kiến, trong kì tuyển sinh sau đại học đợt 2 năm 2012, ĐHQGHN có thể tiến hành tuyển sinh.

Giáo sư có thể cho biết định hướng về cấu trúc nội dung Chương trình đào tạo?

Chương trình đào tạo cần thời lượng đào tạo tương đương 51 tín chỉ. Có 9 tín chỉ học chung, 6 chuyên đề (18 tín chỉ) gồm những môn học bắt buộc, 5 chuyên đề lựa chọn (10 tín chỉ). Các chuyên đề lựa chọn theo 3 định hướng: giảng dạy, quản trị công, quản trị doanh nghiệp.

Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu rất kĩ chương trình của Đại học Harvard, Tokyo và Arizona. Và chương trình của ĐHQGHN là áp dụng cấu trúc nội dung theo chương trình của ĐH Arizona. Trong đó: 60% nội dung dành cho những vấn đề toàn cầu, phương pháp và lí thuyết; 20% là những vấn đề của châu Á, 10% những vấn đề của Đông Nam Á, 10% những vấn đề của Việt Nam.

Giáo sư có thể cho biết cụ thể hơn định hướng về những nội dung liên quan đến Việt Nam như thế nào?

Trong những năm đầu sẽ có những định hướng nhận thức về Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, những yếu tố bất ổn ở Biển Đông. Nội dung đào tạo sẽ hướng người học vào từng giai đoạn cụ thể. Sẽ có những chuyên đề, môn học, giúp người học có năng lực giải quyết sát hợp hơn nhu cầu thực tiễn. Phương pháp bất biến là dạy cho người học biết liên hệ rộng, nhận thức những mối giao kết giữa các lĩnh vực học thuật khác nhau, những giao kết giữa các địa phương và các mối giao kết quốc tế.

Dự kiến về đối tượng và hình thức tuyển sinh, thưa Giáo sư?

Đối tượng tuyển sinh tương đối rộng rãi là giảng viên các trường đại học, cán bộ quản lí ở các bộ ngành từ các địa phương và các doanh nghiệp. Phương thức tuyển sinh là đánh giá năng lực.

Vậy mục tiêu cho sản phẩm đầu ra của Chương trình là gì, thưa Giáo sư?

Những người tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học bền vững có năng lực chủ yếu về mặt phương pháp và cách tiếp cận để có thể tham gia giải quyết những bài toán ở tầm vĩ mô với tư cách là các nhà tư vấn, những người đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng các chương trình nghiên cứu liên quan đến sự bền vững của một địa phương, lĩnh vực, không gian nào đó. Họ là những chuyên gia rất cần ở bất cứ nơi đâu.

Giáo sư có thể cho biết triển vọng của Chương trình đào tạo?

Khoa học bền vững rất có triển vọng và rất cần cho Việt Nam. Dự báo trong tương lai lĩnh vực học thuật này sẽ có một vai trò rất quan trọng, ngày càng có vị thế cao trong xã hội. Vì sự phát triển tới đây, luôn luôn cần có một cái nhìn rộng, tổng thể. Đặc biệt khoa học này rất cần cho các cán bộ quản lí, lãnh đạo.

Xin cảm ơn Giáo sư!

 Việt Hà (thực hiện) - Bản tin số 255
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC