20:20:15 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Trung QuỐc: Khó thu hút trí thức về nước làm việc
Nền khoa học tại các nước đang phải đương đầu với vấn đề hẫng hụt nguồn nhân lực khoa học trình độ cao khi mà phần lớn các giáo sư hàng đầu đã ngấp nghé tuổi nghỉ hưu. Việc thu hút đội ngũ trí thức từ các nước phát triển phương Tây quay trở về được cho là một giải pháp chiến lược.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc thu hút những trí thức kiều bào hồi hương đang gặp rất nhiều khó khăn. Bản tin ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS Philip G. Altbach và GS Wanhua Ma về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.
Lực bất tòng tâm
Chúng ta vẫn nghĩ ngày nay là thời đại của “trao đổi chất xám” nhưng theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề chảy máu chất xám vẫn đang diễn ra rất trầm trọng.
Trung Quốc và nhiều nước khác vẫn đang tiếp tục nỗ lực thu hút nhân tài tốt nghiệp tại các đại học tiên tiến ở nước ngoài trở về. Thực tế là phần lớn sinh viên nước này (và cả Ấn Độ) đi ra nước ngoài trong hơn 20 năm qua đã không quay trở lại. Những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề trên còn quá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và khoa học của nước này.
Lịch sử chứng kiến nhiều cố gắng của các chính phủ trong việc thu hút nhân tài trở về. Ấn Độ là một ví dụ, Chính phủ nước này đã triển khai nhiều chương trình nhằm thu hút trí thức ở nước ngoài. Một trong những khó khăn là vấn đề trả thu nhập. Tuy nhiên, vấn đề chính lại là điều kiện và môi trường khoa học ở Ấn Độ đang có rất nhiều vấn đề. Nhiều nhà khoa học nước này trở về theo chương trình thu hút nhân tài của Chính phủ, sau đó đã quay trở lại phương Tây vì cảm thấy điều kiện và môi trường khoa học không phù hợp. Duy chỉ có Viện Công nghệ và Quản lý Ấn Độ là đạt được chút ít thành công.
Chính phủ Trung Quốc, bằng rất nhiều cách, nỗ lực thu hút học giả trở về nhưng cũng không đạt được nhiều kết quả. Bộ Giáo dục và Ủy ban công tác với chuyên gia nước ngoài mới đây đã triển khai Chương trình 111 với nhiều hỗ trợ về tài chính, mục tiêu sẽ thu hút khoảng 1000 học giả từ 100 trường đại học hàng đầu trở về với mục tiêu xây dựng 100 nhóm nghiên cứu sáng tạo đẳng cấp quốc tế tại các đại học Trung Quốc. Theo kế hoạch, các chuyên gia này sẽ làm việc với các chuyên gia trong nước qua đó nâng cao chất lượng nghiên cứu nói riêng cũng như khả năng cạnh tranh khoa học nói chung của Trung Quốc trên bình diện quốc tế. Chương trình được khởi động từ năm 2005 này là minh chứng cho sự quyết tâm cũng như nhu cầu cấp bách của việc thu hút các nhà khoa học trình độ cao trở về. Cho đến nay Chương trình 111 đã lựa chọn được 662 học giả và hiện đang có 310 người đang làm việc tại các đại học nghiên cứu ở Trung Quốc.
Hậu quả khó lường
Tuy vậy, chương trình này cũng tạo ra một số vấn đề không dự báo được từ trước. Nhiều đại học Trung Quốc không hiểu hết bản chất của thị trường lao động chất xám quốc tế và trong quá trình tuyển chọn, họ thường chỉ dựa vào sơ yếu lý lịch, kết quả học tập, chức danh khoa học, quan hệ cá nhân và thư giới thiệu chứ không có những đánh giá cẩn thận về sự phù hợp của ứng viên với môi trường và điều kiện làm việc của họ. Đôi khi, một số trường đại học nhận thấy rằng những học giả đồng ý quay trở về lại không phải thực sự là người họ mong muốn. Nhiều người đã bước đến giai đoạn xế chiều của sự nghiệp tại Hoa Kỳ hay Anh Quốc, và trở về đơn giản vì chỉ muốn tìm kiếm một công việc nhàn hạ hơn. Nhiều người lại lợi dụng chương trình này để tạo danh tiếng nhằm thực hiện những mục đích cá nhân khác. Và sự thực là các nhà khoa học hàng đầu từ các đại học danh tiếng phương Tây không muốn trở về hẳn. Họ thường chỉ chấp nhận một vị trí bán thời gian để có thể định kỳ trở về giảng dạy, tư vấn và hợp tác với các giáo sư sở tại. Thực trạng này có vẻ như lại là kết quả hợp tác tốt nhất đối với các giáo sư Hoa kiều.
Một hệ quả khác không lường trước đối với chương trình này là vấn đề lương bổng. Những người trở về có lương cao hơn thường tạo sự đố kị cho các đồng nghiệp trong nước. Thành công của chương trình này có thể bị đe dọa bởi thực tế sự bất cân xứng về lương bổng và điều kiện làm việc giữa những người trở về với những giáo sư bản địa. Khi những giáo sư bản địa cảm thấy những người mới trở về không đóng góp nhiều hơn họ, họ sẽ bất hợp tác, điều đó gián tiếp làm hủy hoại môi trường làm việc. Trong khi nhiều học giả trở về vẫn có thể nói tiếng Trung nhưng vấn đề là họ vẫn chưa hòa nhập được văn hóa học thuật mới ở Trung Quốc. Thiếu hợp tác với các đồng nghiệp bản địa và vấn đề của tái hòa nhập cũng chính là những vấn đề nổi cộm của chương trình này.
Đối với các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình, sử dụng chất xám trở về từ các nước phương Tây là một mục tiêu đúng đắn. Tuy vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, thu hút những nhà khoa học xuất sắc nhất trở về không phải là nhiệm vụ đơn giản, thực tế cho thấy là phần lớn các nỗ lực đều thất bại. Và chừng nào vẫn còn khoảng cách về điều kiện làm việc, lương bổng, môi trường, tự do học thuật thì những người giỏi nhất và xuất sắc nhất sẽ còn không muốn trở về. Những người đang ở độ chín của sự nghiệp, đang có năng suất khoa học cao sẽ chỉ muốn ở lại nước ngoài.
Giải pháp lúc này chỉ có thể là làm sao để vẫn giữ mối liên hệ với các nhà khoa học hàng đầu ở nước ngoài nhằm tạo nên những kết quả tốt nhất mà không làm hại gì đến môi trường học thuật vốn có.
 PDF
 
 
 Phạm Hiệp (dịch) - Bản tin ĐHQGHN số 245, tháng 7/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC