14:45:29 Ngày 25/04/2024 GMT+7
Cơ duyên của sự hợp tác chiến lược
Năm 2010 đánh dấu 10 năm quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN (VNU) và Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST). Để có những thông tin khái quát về quan hệ hợp tác này, phóng viên Bản tin đHQGHN đã có cuộc trao đổi cùng Giáo sư Hồ Tú Bảo, phụ trách Văn phòng hợp tác JAIST - VNU, hiện đang công tác tại JAIST.
Năm 2010, đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ hợp tác VNU và JAIST, Giáo sư có thể cho biết cơ duyên nào dẫn đến sự hợp tác giữa 2 cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học này?
Việc hợp tác giữa JAIST với VNU và một số đại học hay viện nghiên cứu ở Việt Nam có một quá trình chuẩn bị và cả những cơ duyên.
Năm 1993, khi đang làm việc ở Viện Công nghệ Thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), tôi được mời qua JAIST tham gia một đề tài nghiên cứu 5 năm. Sau đó dần có thêm 3 anh chị em nghiên cứu sinh Việt Nam nữa đến JAIST. Tháng 4/1998 khi tôi được nhận làm giáo sư của Trường Khoa học Tri thức tại JAIST, có thêm thầy Nguyễn Ngọc Bình (nay là Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, VNU) từ ĐH Osaka đến làm giảng viên tại JAIST và anh Đàm Hiếu Chí đến JAIST học thạc sĩ sau khi tốt nghiệp tại Đại học Tokyo.
Từ những đề xuất xây dựng hợp tác với Việt Nam của chúng tôi, tháng 10/1998, Chủ tịch JAIST cử Giáo sư Katayama Takuya (nay là Chủ tịch JAIST) và tôi đi thăm Viện Công nghệ Thông tin của VAST. Tháng 3/1999, GS. Mitani Tadao, Hiệu trưởng Trường Khoa học Vật liệu, JAIST và tôi đi thăm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên của VNU. Nhiều liên hệ giữa hai bên được tiếp tục trong năm đó, như chuyến thăm JAIST của các GS. Đàm Trung Đồn và Nguyễn Thục Hiền từ Khoa Vật lý (Trường ĐHKHTN) hay GS. Bạch Hưng Khang (VAST).
Với những chuẩn bị này, tháng 3/2000, một phái đoàn của JAIST do Chủ tịch Shimemura Etsujiro đã đến Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác giữa JAIST với Trường ĐHKHTN và VAST.
Tháng 12/2004, GS.VS Đào Trọng Thi, Giám đốc VNU đến thăm JAIST và ký kết hợp tác giữa VNU và JAIST.
Các hoạt động hợp tác giữa VNU và JAIST đã được tiến hành liên tục trong suốt 10 năm qua với một số kết quả đáng khích lệ. Có được như vậy là do nhiều nguyên nhân, trong đó có chủ trương đúng đắn của lãnh đạo hai cơ quan, sự nỗ lực của nhiều giảng viên và sinh viên.
Lãnh đạo VNU qua các thời kỳ luôn chỉ đạo sát sao và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản, từ GS.VS Nguyễn Văn Đạo, GS.VS Đào Trọng Thi đến GS. Mai Trọng Nhuận. Bên JAIST, các Chủ tịch Shimemura Etsujiro, Ushioda Sukekatsu, Katayama Takuya trong suốt ba nhiệm kỳ cũng đều đặt quan hệ hợp tác với Việt Nam, trước hết với VNU, là hợp tác ưu tiên chiến lược. Cùng với đó là nỗ lực của nhiều nhà khoa học của cả hai bên. Từ phía VNU, các thầy cô Đàm Trung Đồn, Nguyễn Thục Hiền, Nguyễn Văn Mậu, Hà Quang Thụy, Phạm Hùng Việt, Bạch Thành Công, … và nhiều thầy cô đã gây dựng và bền bỉ thực hiện hợp tác.
Phía JAIST cũng vậy, như GS. Mitani Tadao của Trường Khoa học Vật liệu đã đề xuất nhiều ý kiến gây dựng việc hợp tác ngành khoa học vật liệu và lập văn phòng dự án của VNU-JAIST, hay các GS. Horiguchi, Kunifuji, Akagi, Shimazu, … đã gắn bó nhiều năm đào tạo nhiều tiến sĩ cho ĐHQGHN trong ngành công nghệ thông tin và khoa học tri thức. Cũng cần nói thêm là tinh thần ham học và kết quả thuyết phục của các bạn sinh viên Việt Nam tại JAIST cũng góp phần rất đáng kể vào các quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN và JAIST.
 Ngoài ra, JAIST cũng có thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (10/2002), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (5/2006) và Đại học Huế (5/2009).
- Những kết quả cụ thể của quan hệ hợp tác giữa JAIST và VNU đạt được trong thời gian qua là gì, thưa Giáo sư?
Tôi có thể nêu ra vài kết quả cụ thể tiêu biểu. Thứ nhất, đó là những hợp tác khoa học giữa các thầy cô giáo của hai bên, bắt đầu từ những seminar giới thiệu kết quả nghiên cứu tới những đề tài nghiên cứu chung, và nhiều trao đổi về kinh nghiệm và phương pháp đào tạo sau đại học, cũng như cùng hướng dẫn nghiên cứu sinh. Nhiều lãnh đạo của VNU đã đến thăm và làm việc ở JAIST: các giáo sư: Mai Trọng Nhuận, Vũ Minh Giang, Bùi Duy Cam, Nguyễn Ngọc Bình, Phạm Hùng Việt, Hà Quang Thụy, Nguyễn Hoàng Lương, Nguyễn Văn Nội,… Một phần rất lớn giáo viên của JAIST đã có dịp đến làm việc và giảng bài ở VNU, trong đó Chủ tịch và Phó chủ tịch nhiệm kỳ này đều đã đến VNU hàng chục lần.
Trong 4 năm vừa qua, chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành công nghệ nano do Trường ĐHKHTN thực hiện và chương trình FIVE-JAIST liên kết đào tạo tiến sĩ ngành công nghệ thông tin - khoa học tri thức do Trường ĐHCN thực hiện đã đạt kết quả tốt với chất lượng cao.
Là kết quả của những nỗ lực trên, đến 9/2011 đã có 59 tiến sĩ và 58 thạc sĩ người Việt Nam tốt nghiệp ở JAIST, trong số đó một nửa (29 tiến sĩ và 30 thạc sĩ) đến từ VNU. Trong quãng thời gian trên, sinh viên Việt Nam tại JAIST đã là tác giả của 132 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín, 328 bài trên các hội nghị quốc tế, 14 chương trong các sách chuyên khảo và 20 công bố khác (bằng phát minh…). Chưa tính được cụ thể, nhưng có thể xem khoảng một nửa số kết quả này do anh chị em sinh viên của VNU làm ra. Điều đáng chú ý là hầu hết số anh chị em học ở JAIST sau khi tốt nghiệp đều tiếp tục quay lại các cơ sở tại Việt Nam làm công tác nghiên cứu và đào tạo. Nhiều người trong số họ đang làm chủ nhiệm các đề tài Nafosted, nhiều nhóm nghiên cứu có kết quả tốt như nhóm về xử lý ngôn ngữ tự nhiên (các thầy Lê Anh Cường, Nguyễn Phương Thái…), công nghệ phần mềm (các thầy Phạm Ngọc Hùng, Võ Đình Hiếu…) của Trường ĐHCN, hay nhóm Khoa học Vật liệu tính toán (thầy Nguyễn Anh Tuấn…) của Trường ĐHKHTN.
Trao đổi hợp tác ĐHQGHN - JAIST
Là người thấu hiểu đội ngũ cán bộ khoa học của cả 2 quốc gia, Giáo sư có thể cho biết những ưu điểm, hạn chế của nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang công tác và học tập tại JAIST?
Cũng là những điều chúng ta thường thấy ở sinh viên Việt Nam khi ở nước ngoài, sinh viên Việt Nam ở JAIST có quyết tâm cao, nhiều người có khả năng nghiên cứu khoa học tốt, dành nhiều thời gian trên phòng thí nghiệm, có khả năng thích nghi cao, thường được các giáo sư Nhật Bản quý mến.
Anh chị em Việt Nam ban đầu thường thiếu phương pháp và kỹ năng nghiên cứu, tiếng Anh hạn chế, ít chú ý việc hoạch định kế hoạch, sinh hoạt hay co cụm trong nhóm người Việt, …
Hiện nay, “nhóm nghiên cứu mạnh” và “trung tâm xuất sắc - COE” thường được nhắc đến như là một giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ý kiến của Giáo sư về nội dung này?
Một “nhóm nghiên cứu mạnh” được hiểu là một tập thể gồm dăm người làm nghiên cứu cùng nhau về cùng một hướng, có kết quả tốt, có nhiều sản phẩm nghiên cứu đạt trình độ quốc tế hoặc gần với quốc tế.
Khái niệm Trung tâm Xuất sắc (COE - Center of Excellence) ở đại học Nhật Bản, và ở nhiều nước khác theo như tôi biết, được hiểu như một loại đề tài nhằm tăng cường nội lực nghiên cứu khoa học và đào tạo cho một cơ sở.
Điểm xuất phát của ý tưởng này như sau. Theo truyền thống, các đề tài khoa học lớn thường tập trung vài chục nhà nghiên cứu trong cùng một lĩnh vực hẹp ở nhiều đại học khác nhau để theo đuổi một mục tiêu dưới sự chủ trì của một nhà khoa học uy tín. Kiểu đề tài theo chiều ngang này (horizontal) cho phép các nhà khoa học ở các cơ sở khác nhau cùng hợp tác nhưng lại không hỗ trợ và khuyến khích các nhà khoa học ở cùng một nơi hợp tác với nhau, và do vậy có phần hạn chế sức mạnh của từng cơ sở, nhất là khi các nghiên cứu liên ngành ngày càng có vai trò quan trọng trong khoa học.
COE là loại đề tài theo chiều dọc (vertical), nhằm cấp kinh phí cho một cơ sở ở một đại học (như khoa, trường, trung tâm, …) để cán bộ (người được chọn tham gia COE) ở đó cùng theo đuổi một mục tiêu và nội dung khoa học chung đề xuất trong đề tài. Vì là một loại đề tài, các cơ sở muốn có kinh phí COE đều phải đăng ký đề cương, phải qua tuyển chọn của chính phủ. Điều kiện cần là mỗi đề cương phải vạch ra được một nội dung nghiên cứu hướng đến một đích chung, liên kết được sự tham gia của nhiều thành viên trong đơn vị. Thí dụ như hai COE tại JAIST: “Technology Creation Based on Knowledge Science” (Sáng tạo công nghệ dựa trên khoa học tri thức) của Trường Khoa học Tri thức và “Verifiable and Evolvable e-Society” (Xã hội điện tử có thể tin cậy và tiến hóa được) của Trường Khoa học Thông tin.
COE do vậy, dù trong tên có chữ “trung tâm”, không nhằm vào việc lập ra các trung tâm mới mang tính hành chính, mà là giúp các trung tâm đã có trở nên xuất sắc trên phương diện nghiên cứu khoa học, qua đó tăng khả năng cạnh tranh của chúng trên trường quốc tế. Xây dựng các COE ở Nhật Bản là việc đầu tư kinh phí cho các cơ sở được lựa chọn để giúp các cơ sở này trở nên “xuất sắc”, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Kinh phí COE cũng không hỗ trợ mỗi cơ sở kể trên trên mọi phương diện, như hầu như không dành cho việc mua trang thiết bị, mà chỉ nhằm tăng kinh phí cho mọi người trong COE để mở rộng hợp tác quốc tế, có thêm postdoc, có thêm nghiên cứu sinh,…
Các “nhóm nghiên cứu mạnh” và COE là những khái niệm hay và đáng quan tâm, còn việc chúng có là giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học hay không tùy thuộc việc ta hiểu, vận dụng, thực hiện chúng thế nào. Vì kinh phí hoạt động khoa học của ta chưa đủ để đầu tư tốt cho tất cả mọi người muốn được tài trợ, nên một cách hợp lý là trước hết tập trung đầu tư cho những nhóm làm nghiên cứu đáng đầu tư, tức các “nhóm nghiên cứu mạnh”. Để làm các COE, cần hiểu rõ và quyết tâm cao thật sự, nếu không dễ thành “phong trào COE”. Chẳng hạn người đứng đầu một cơ sở có COE phải đặt ra được mục tiêu khoa học rõ và hay, có trách nhiệm tổ chức thực hiện mục tiêu chung này của cơ sở, chứ không chỉ quản lý hành chính các đề tài khoa học riêng lẻ của đơn vị mình như trước.
Xuất phát từ nhu cầu phát triển của VNU, tháng 5/2010, đã có lễ ký kết thành lập VNU-JAIST COE, tập hợp nhiều nhóm nghiên cứu mạnh của VNU trong một khuôn khổ chung, với mục tiêu nâng cấp môi trường nghiên cứu và đào tạo, và tăng số lượng sản phẩm khoa học và đào tạo chất lượng cao của VNU với sự phối hợp, hợp tác của JAIST. Việc thực hiện COE này cũng là một cách để nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học của VNU.
Trong thời gian tới, kế hoạch hợp tác giữa JAIST và VNU sẽ tiếp tục ra sao, thưa Giáo sư?
Ý tưởng chung là hướng đến nâng chất lượng hợp tác giữa VNU và JAIST lên một bước mới, hai bên trở thành các đối tác chiến lược của nhau trong thập kỷ 2010-2020. Điểm mới và cốt lõi hai bên cùng hướng đến là nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu.
Rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới để đạt các mục tiêu trên, như tổ chức và thực hiện VNU-JAIST COE với quyết tâm cao hơn và biện pháp tốt hơn; đăng ký và thực hiện chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ theo đề án 911 của Chính phủ; tổ chức hoạt động của một số phòng thí nghiệm liên kết giữa VNU và JAIST, đẩy mạnh sự đóng góp của các cựu học sinh của JAIST đang làm việc tại VNU…
Xin cảm ơn Giáo sư!

 

 Diệp ANH (thực hiện) - Bản tin số 250 - 251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 388 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC