01:34:26 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Nỗi bàng hoàng nước Mỹ
Trong ký ức của nhiều người Mỹ, Tết Mậu Thân là một sự ám ảnh, là sự mở đầu cho việc đẩy nhanh tới thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm lung lay tận gốc ý đồ xâm lược Việt Nam của Mỹ. Sự kiện này đã góp phần thực hiện được phương hướng chiến lược “vì độc lập, vì tự do đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” sớm hơn so với dự định ban đầu của quân và dân ta.          
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, quán phở Bình đến nay vẫn giữ tên gọi cũ như cách đây 45 năm. Ông chủ quán đã mất cách đây vài năm, nhưng người con gái và con rể thì biết rất rõ những gì đã diễn ra tại đây vào dịp Tết Mậu Thân.
Sau 9 giờ ngày 29 áp Tết Mậu Thân, phở Bình đóng cửa để chỉ huy các đơn vị đánh chiếm dinh Độc Lập, toà đại sứ Mỹ, Đài phát thanh, Bộ tư lệnh Hải quân họp bí mật nghe phổ biến mệnh lệnh chiến đấu của Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ông Nguyễn Kim Bạch, con rể chủ quán phở Bình kể: “Trước đó chừng ba ngày, gia đình tôi nhận được lệnh chuẩn bị đồ ăn cho khoảng 100 người trong 2 tuần. Bí mật nên chỉ biết vậy, không biết nhà mình là Sở chỉ huy, đúng lúc giao thừa thì mới biết”.
Quán phở Bình từng là Sở chỉ huy tiền phương của phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân, nơi đây đã được gắn biển Di tích lịch sử cấp quốc gia. Chính nhờ những cơ sở như thế mà hàng trăm chiến sĩ biệt động thành, lực lượng đặc công cùng nhiều đạn dược, vũ khí đã được vận chuyển an toàn vào nội thành trước giờ khai hỏa chiến dịch. Cũng có thể khẳng định rằng, những trận địa lòng dân ngay giữa lòng địch là minh chứng cụ thể của tư tưởng lấy dân làm gốc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Tham gia đánh vào dinh Độc Lập, một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, đơn vị của bà Chính Nghĩa khi đó chỉ có 15 người. Tuy không thực hiện được như kế hoạch, cả đội chỉ còn lại 7 người và sau đó đều bị giặc bắt, nhưng đơn vị của bà Nghĩa và rộng hơn nữa là lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định ở Huế và trên tòan miền Nam đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, là một “phép thử” buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược về cuộc chiến ở Việt Nam.
Bà Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa), Biệt động Sài Gòn - Gia Định tham gia chiến dịch Mậu Thân nhớ lại: “Theo kế hoạch chúng tôi dùng một xe chở khối chất nổ, khi tới cổng chúng tôi sẽ xuống hết, xe tự nổ máy và cài số tông vào cánh cửa sau Dinh Độc Lập. Nhưng khối chất nổ đó để lâu ngày bị ẩm nên không nổ, chúng tôi đành phải nhảy xuống, chiến đấu với phòng vệ ở cổng Dinh. Dù có thiệt hại, dù mấy anh đã hy sinh nhưng đó là một tiếng vang cho Mỹ thấy rằng, ở thành phố này luôn có lực lượng của mình đánh những trận táo bạo như vậy”. 
Ông Nguyễn Văn Tàu, khi đó là cụm trưởng cụm tình báo H.63 cho biết, sau Mậu Thân đã có một báo cáo bi quan về chiến dịch này vì ta tổn thất quá lớn, nhưng khi tiếp xúc với sĩ quan phía bên kia thì chính họ đã thừa nhận, trận đánh cảm tử của Việt cộng làm xáo trộn nước Mỹ và người Mỹ không còn tin vào Tổng thống của họ.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng cụm tình báo H.63, Phó Chính uỷ phòng Tình báo, Bộ Tham mưu Miền nói: “Báo cáo ban đầu của tôi bi quan nhưng được biết, đòn này sẽ thấm dần dần khi Mỹ ngã quỵ. Jonhson có diễn văn không ra ứng cử và hạn chế ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và cử người qua bên Lào để bắt liên lạc với đại diện của Việt Nam Dân chủ cộng hoà”.
Tuy không diễn ra đúng như kế hoạch nhưng sau Tết Mậu Thân, cuộc chiến vẫn rất quyết liệt khiến nhiều chiến sĩ ngã xuống, nhiều cơ sở bí mật bị bóc gỡ. Và phải mất tới 5 năm sau đó Mỹ mới rút hết quân ra khỏi miền Nam, rồi 7 năm sau chính quyền Sài Gòn mới sụp đổ. Về mặt chiến lược, Mỹ đã thua từ mùa xuân 1968. Và Tết Mậu Thân là một bước ngoặt lịch sử rất quan trọng trong chặng đường 21 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, xoay chuyển cục diện trên chiến trường mà ta chưa bao giờ tạo được.
Sau Tết Mậu Thân, Mỹ đã phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường và ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam.
 Ngọc Hà – Nguyễn Hoàng - Bản tin số 264 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC