Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ Vạn Thọ suối Đôi, suối nguồn kỷ niệm...
Thầy Hà Minh Đức năm nay đã vào tuổi thất thập xưa nay hiếm. Kỷ niệm sinh nhật tuổi bảy mươi của thầy, tôi được bạn bè Khoa Văn, ĐHKHXH&NV mời viết bài cho tập sách về thầy nhân ngày đáng nhớ này. Thế là bao nhiêu kỷ niệm cũ bỗng ùa về xôn xao trong một sáng Hà Nội xuân phân, giữa tháng hai ta mà tiết trời còn lạnh giá bởi những trận gió mùa Đông Bắc cuối cùng của mùa đông 2005...

Tôi nhớ mãi cuối mùa hè năm 1968, chúng tôi từ khắp mọi tỉnh thành phố trên toàn miền Bắc tấp nập đi tàu đi xe, và cả đi bộ nữa, đổ về nhập học năm thứ nhất Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, lúc đó đang sơ tán tại huyện Đại Từ miền đồi trung du tỉnh Bắc Thái (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), một thời đã là xa ngái, nhưng trước mắt tôi, và trong tâm trí tôi, bây giờ vẫn hằn in mồn một hình ảnh những cô tú, cậu tú vừa mới tốt nghiệp trường phổ thông mười năm, đầu xanh tuổi trẻ, mắt trong veo, tâm hồn tràn đầy những hình ảnh lãng mạn của văn chương cách mạng, kháng chiến, nô nức khoác ba lô tựu trường.

Lớp học của chúng tôi nằm khuất dưới chân đồi, tuềnh toàng tranh tre nứa lá, bàn ghế ghép bằng gỗ cây rừng. Nhà ở, lớp học, củi đun, đều do tự tay sinh viên leo núi “chém tre, đẵn gỗ” trong các cuộc “đi rừng” mà làm nên cả. Chúng tôi học văn chương Việt Nam, văn chương thế giới, học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, hàng ngày trên những lớp học bốn bề gió lộng. Muốn ra huyện lỵ Đại Từ, phải lội qua con suối Đôi thất thường tính nết, khi trong trẻo hiền hoà, lúc vào mùa lũ lại đục ngầu hung dữ, có khi phải cưỡi trâu mới qua được suối để ra phố huyện chơi, dù chỉ để mua một cái bánh rán mật ăn cho đỡ đói lòng...

GS. Hà Minh Đức tại văn phòng Viện Văn học
Ảnh: Bùi Tuấn

Đói khổ, thiếu thốn, sống trong những mái nhà lợp tạm dưới chân núi, xung quanh chỉ trập trùng màu xanh của núi của cây rừng, nhưng là sinh viên Khoa Ngữ văn, lại học chuyên về văn chương, chúng tôi vẫn nhìn đời bằng con mắt sinh viên đầy mơ mộng, xanh non và trẻ trung lãng mạn. Trong mắt chúng tôi, các thầy và các cô giáo đang là giảng viên Khoa Ngữ Văn hồi bấy giờ như được bao phủ một vầng hào quang của đỉnh núi Olympia trong thần thoại Hy Lạp. Trong những giờ học yên tĩnh giữa vòng vây trùng điệp của núi đồi Đại Từ, chúng tôi, những sinh viên trẻ măng, chưa tròn hai mươi tuổi, ngồi yên lặng, lắng nghe như nuốt từng lời những bài giảng của các thầy Nguyễn Văn Khoả, Đinh Xuân Dũng, Hoàng Như Mai, Nguyễn Thiện Giáp, và sau này, khi học năm thứ hai, thứ ba, thứ tư, chúng tôi vẫn lắng nghe say mê như thế, yêu văn chương đắm đuối như thế, trước các thầy cô Nguyễn Kim Đính, Phan Cảnh, Nguyễn Tài Cẩn, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Hoàng Xuân Nhị, Bùi Duy Tân, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Lộc, Bùi Ngọc Trác... và cũng nghe, chẳng kém say mê các cuộc trò chuyện, nói chuyện thơ văn của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã đến với Khoa Ngữ văn ngay từ những ngày rừng núi sơ tán thật là xa ngái ấy: Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận... Đấy là những tháng ngày không thể nào quên của đời sinh viên chúng tôi và đã mãi mãi trở thành kỷ niệm, dù lớp học ngày ấy của tôi đã xa cách hôm nay ba mươi năm có lẻ...

GS. Hà Minh Đức tại chủ tịch đoàn của Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, tháng 4/2005. Ảnh: Bùi Tuấn

Trong các thầy cô đã từng dạy chúng tôi ấy, nổi bật lên hình ảnh GS. Hà Minh Đức, người thầy chủ nhiệm của lớp tôi, lớp Văn khoá 13, niên khoá 1968 - 1972. Chúng tôi nhớ phong cách từ tốn khoan thai của thầy khi giảng bài, giọng nói ấm áp âm vang, truyền cảm của thầy khi giảng môn Lý luận văn học và môn Văn học Việt Nam hiện đại, và tình thương mến, sự chu đáo của thầy dành cho cả lớp Văn và dành riêng cho hai đứa con gái người Hà Nội đều là sinh viên học giỏi và chơi rất thân với nhau là tôi và Đoàn Hương. Sau này, thầy vẫn luôn tự trào khi “thu phục’’ chúng tôi, từ những nơi làm việc rất khác nhau, rất xa nhau về chuyên môn: Đoàn Hương nghiên cứu ở Viện Văn học, Hà Nội, tôi làm báo và dạy học tại TP. HCM, thế mà, lại có thể, người trước, kẻ sau, cùng về một nơi đoàn tụ, đó là mái trường xưa yêu dấu: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN và cùng làm việc tại một tổ bộ môn: Văn hoá Văn học của Khoa Báo chí, do thầy Hà Minh Đức làm Chủ nhiệm khoa. Việc “trở về’’ mang đầy vẻ lãng mạn và huy hoàng này của chúng tôi quả thật là có công lao “đạo diễn”, tấm lòng nồng hậu và con mắt xanh phát hiện của GS. Hà Minh Đức đối với những sinh viên giỏi, vốn là một khả năng sư phạm rất đáng quý của ông. Ba thầy trò cũ, nay là đồng nghiệp, cùng làm việc trong một khoa, và chúng tôi, hai sinh viên ngày nào của thầy, vẫn như ngày xưa, bên tả bên hữu, ngồi cạnh ông trong các hội đồng chấm luận án, luận văn, khoá luận của nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên, hoặc trong những bữa ăn thân mật, vẫn chuyện đời chuyện nghề sôi nổi luận bàn, hài hước, bông đùa, song, chúng tôi, vẫn trước sau như một,   thầy, mãi mãi giữ lối xưng hô “Thưa thầy” như thuở sinh viên đầu xanh tuổi trẻ ngày nào trên suối Đôi - Đại Từ - Bắc Thái... Chính cái cách ứng xử thầy trò thân mật và đầy trọng thị ấy giữa ba thầy trò cũ chúng tôi đã làm cho không khí vốn không mấy êm đềm thân mật của Khoa Báo, bởi đặc trưng người tứ xứ đổ về, phải cùng nhau chèo chống một con thuyền trong giông bão của thời kỳ mà sự nghiệp giáo dục đại học đang gặp quá nhiều thách thức của sự phát triển... Thế mà chúng tôi, các thế hệ thầy trò Khoa Báo vẫn cùng nhau cố gắng vượt qua cơn thử thách để tồn tại và phát triển.

 Riêng GS. Hà Minh Đức, trong tất cả các chặng đường thăng trầm của Khoa Báo, lúc nào cũng thấy thầy bông đùa vui vẻ, thân mật chu đáo, đôn hậu với đồng nghiệp và với học trò. Hầu như tôi chưa bao giờ thấy ông cáu kỉnh, mất thăng bằng. Sau tôi hiểu rằng, ông đã phải tự mình vượt qua những quãng khó khăn nhất trong cuộc đời ông, một nhà nghiên cứu, một nhà giáo, trong nửa thế kỷ gắn bó với nghề dạy học đại học, với gắng gỏi mang đậm giác ngộ của một thứ Thiền học, theo cách riêng của ông, bằng việc sáng tác văn chương, nhất là việc ông rẽ vào Thơ trữ tình, như ông từng tâm sự: Đó là lối ra của ông trong dòng chính luận (phê bình, nghiên cứu văn chương). Khi ông tìm được sự cân bằng sinh thái cho tâm hồn ông bằng các tập thơ trữ tình, các tập du ký liên tiếp xuất hiện trong quãng chục năm trở lại đây, thì người đọc văn chương đã lại có thêm một thi sĩ, một nhà văn, với những tác phẩm không thể nghi ngờ gì về sự ấm áp, hồn hậu, tươi lành của con mắt và tấm lòng người viết văn thứ thiệt. Tôi còn nhớ sự kinh ngạc của tôi khi tôi lần đầu đọc truyện ngắn “Chuyến xe đêm” của ông đăng ở đâu đó, viết về chuyến xe đêm của ông, dường như một cái xe trâu hay xe bò quen thuộc của những năm sơ tán ở Đại Từ. Từ ga Quán Triều, ông đã đi trên chuyến xe lọc cọc ấy, với con trâu hay con bò kéo, cùng với mấy sinh viên trả phép, trong đó có cô bé sinh viên rất mến mộ ông. Cuộc trò chuyện trên chiếc xe ấy êm đềm như mây bay gió thoảng và trái tim đa cảm của ông đã run rẩy như một chiếc lá xanh non. Trái tim người đọc cũng ngay lập tức lan truyền cảm giác ấy, với một dư vị ngọt ngào còn vương vấn mãi. Tuy nhiên, tôi và một vài bạn bè cùng lớp ngày nào do ông chủ nhiệm vẫn chia sẻ với nhau rằng, ông là một thi sĩ chín muộn và trẻ muộn. Thơ tình của ông, vì thế, mà cũng như ông, chín muộn và trẻ muộn./.

 Nguyễn Thị Minh Thái
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :