Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Những tâm sự về ngôi trường Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Để động viên và ghi nhận những thành quả to lớn trong lao động sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ giảng dạy, viên chức và sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQGHN trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới,

Nhà nước đã có quyết định trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Nhà trường. Sau đây là những tâm sự của các nhà giáo giữ cương vị lãnh đạo Nhà trường từ năm 1995 đến nay và một số nhà giáo lão thành của Trường.

* GS.TS. Phùng Hữu Phú - Phó Bí thư thường trực Thành Uỷ Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN (9/1995 - 10/1999):

Tôi là sinh viên khóa 11 Khoa Lịch sử Trường ĐHTHHN. Quãng thời gian gắn bó với Trường ĐHTHHN ngày ấy và ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) sau này là quãng thời gian tôi có nhiều kỷ niệm đẹp, đáng nhớ nhất với tư cách là người học trò, người cán bộ, người làm công tác quản lý điều hành. Nơi đây có một môi trường giáo dục nhân văn lý tưởng, có những nhà khoa học, những người thầy uyên bác, cả một đời tâm huyết với nghề.

GS.TS Phùng Hữu Phú

Tên tuổi của các thầy Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Lê Mậu Hãn,... luôn là tấm gương để những thế hệ hậu sinh như chúng tôi noi theo.

Trường ĐHKHXH&NV, nơi cung cấp cho xã hội hàng ngàn trí thức tài hoa, những cử nhân khoa học có hoài bão, khát vọng, có nghị lực vượt lên mọi khó khăn thách thức để thực hiện ước mơ. Họ đã kế thừa và phát huy được những kiến thức, phẩm chất mà thầy cô đã dạy dỗ, truyền thụ. Lúc là một giảng viên hay khi đã trở thành một nhà quản lý tôi vẫn luôn tự hào bởi mình được làm việc cùng một đội ngũ cán bộ rất tâm huyết, có trí tuệ và hết sức nhân văn. Chính họ đã giúp tôi khám phá được những khả năng của bản thân mình từ đó tích luỹ thêm những tri thức khoa học cũng như những kinh nghiệm trong quản lý để phục vụ cho quãng đời làm chính trị sau này của tôi.

Biết tin Trường ĐHKHXH&NV chuẩn bị đón danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tôi rất vui mừng. Vậy là những nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Là một cựu sinh viên, một cựu giảng viên, một người đã từng nắm cương vị lãnh đạo ở đây tôi xin chia vui với Nhà trường. Mặc dù rất bận rộn với công tác mà Đảng đã giao phó nhưng tôi vẫn giành một phần tình cảm rất lớn cho Khoa Lịch sử nói riêng, cho Trường ĐHKHXH&NV nói chung. Hiện giờ tôi vẫn đang làm Chủ nhiệm Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Chính trị học trực thuộc Nhà trường. Ước nguyện muốn đóng góp những kinh nghiệm và khả năng của mình để xây dựng Trường vẫn luôn thường trực và thôi thúc tôi. Điều khiến tôi trăn trở nhất là làm sao xây dựng được một đội ngũ nhà giáo giàu trí tuệ, tâm huyết với nghề. Đó sẽ là điều kiện tốt nhất để đào tạo nên những lớp sinh viên giỏi về chuyên môn, vững về chính trị và giàu về văn hoá. Tôi vẫn tâm niệm rằng, sau này khi đã hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao, nếu có thể tôi sẽ tiếp tục trở về cống hiến cho mái trường ĐHKHXH&NV. “Một người đã từng là thầy giáo thì dù ở cương vị xã hội nào cũng phải tiếp tục phấn đấu không ngừng để làm gương cho các thế hệ học trò” - tôi luôn tự nhắc mình như vậy...

* PGS. TS Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VHTT Thành phố Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN (10/1999 - cuối năm 2001):

PGS.TS Phạm Quang Long

Giờ đây dù đã chuyển sang làm công tác quản lý một cơ quan văn hoá lớn của Thủ đô, không còn thời gian để đứng trên bục giảng của Trường ĐHKHXH&NV nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn coi mình đang thực hiện công việc và trách nhiệm của một người thầy. Hơn 30 năm (kể từ năm 1970) sống, học tập, rèn luyện, trưởng thành và công tác dưới ngôi trường này tôi đã lưu giữ cho mình nhiều kỷ niệm đẹp với thầy cô, bạn bè và các thế hệ học trò. Trường ĐHTHHN ngày trước nay  một phần là Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) đã trở thành một phần trong trái tim tôi, trong cuộc đời tôi.

 Tôi bước vào giảng đường Khoa Ngữ văn (ĐHTHHN) như một tiền duyên định trước. Người thân, bạn bè và ngay cả chính tôi ai cũng coi đó là một niềm may mắn lớn. Tôi được tiếp xúc và học tập dưới sự dìu dắt của một đội ngũ những nhà văn hóa lớn, những nhà khoa học uyên bác trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn. Các thầy cô không chỉ dạy chúng tôi những tri thức chuyên ngành văn chương mà còn dạy cả những bài học làm người. “Để trở thành một thầy giáo giỏi, một nhà khoa học danh tiếng thì trước hết ta phải là một con người chân chính...”- tôi luôn ghi nhớ câu nói ấy. Khoa học không phải là một cái gì quá cao siêu, nó bắt nguồn từ thực tiễn cuộc đời, bình dị như những lẽ sống. Tôi yêu văn chương bắt đầu từ chính sự cảm phục tầm nhân cách của những giáo sư, những người thầy đáng kính. Thế hệ các thầy dạy chúng tôi ngày ấy, bây giờ đã nghỉ hưu cả, người còn, người mất nhưng danh tiếng thì vang mãi.

Phải công nhận ngày ấy chúng tôi đam mê văn chương và say sưa học tập đến kỳ lạ; ai cũng cố gắng tận dụng mọi thời gian có thể (cả trên lớp, ở nhà và trên thư viện) để học, để đọc. Những cuốn sách hay, những tác phẩm nổi tiếng được truyền tay nhau đọc ngấu nghiến rồi hăng hái thảo luận, đưa ra những nhận xét, đánh giá của cá nhân. Sách vở lúc đó rất khan hiếm, không nhiều như bây giờ, nhưng ai cũng đọc rất nhiều, hiểu rất rộng. Niềm hăng say học tập được truyền từ các thầy cô, từ bạn bè và thấm nhuần trong tôi. Mọi người đều tâm niệm rằng: Học để chiếm lĩnh tri thức khoa học chứ không phải học cho qua môn. Chính nhờ vậy mà khi ra trường chúng tôi trưởng thành, đứng vững rất nhanh, giờ đây nhiều người đã nắm những vị trí quan trọng trong các cơ quan, các viện nghiên cứu, các nhà trường cả ở TW và địa phương.

Từ chỗ là học trò tôi được ở lại công tác tại trường, trở thành đồng nghiệp của các thầy cô, là thầy giáo của nhiều thế hệ sinh viên. Tôi vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên và giúp đỡ cả trực tiếp và gián tiếp của bạn bè, đồng nghiệp cả lớn tuổi, đồng niên hay nhỏ tuổi hơn. Ai cũng sẵn sàng vì nhau lúc cần thiết, đùm bọc lẫn nhau bằng tình cảm nhiệt tâm và chân thành. Với tôi, không gì quý hơn điều đó, không gì thay thế được điều đó.

Năm 1995, Trường ĐHKHXH&NV chính thức ra đời, tôi giữ cương vị Phó hiệu trưởng, Bí thư Đảng uỷ, 4 năm sau làm Hiệu trưởng rồi chuyển lên công tác tại ĐHQGHN. Thật khó mà quên được những cộng sự mẫn cán đã làm việc cùng tôi mà hầu hết là những người giỏi hơn tôi, họ đã chia sẻ và gánh vác công việc cùng tôi từ những ngày đầu. Ai cũng vậy thôi, sống trong một môi trường thấm đẫm chất nhân văn như vậy sẽ có đủ điều kiện để thể hiện và khẳng định mình. Thú thực, để làm một người lãnh đạo tốt thì không có trường lớp chính quy nào dạy cả, quan trọng nhất là người đi trước chỉ bảo, hướng dẫn cho người đi sau, khi đã tin tưởng thì giao việc cho làm để cất nhắc và nâng đỡ lẫn nhau. Một tập thể sống đoàn kết, biết yêu thương và dâng hiến thì không khó khăn nào là không thể vượt qua. Biết tin Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) chuẩn bị đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tôi rất vui sướng và tự hào. Chúc cho Nhà trường anh hùng ngày càng đạt được nhiều thành tựu hơn nữa để xứng đáng là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao về các ngành khoa học xã hội - nhân văn của cả nước nhằm cung cấp đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác ở các trường đại học, các viện, các cơ quan, các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước...

*PGS.TS Phạm Xuân Hằng - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN (cuối năm 2001 đến nay):

PGS.TS Phạm Xuân Hằng

Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà Nhà nước trao tặng cho Trường ĐHKHXH&NV chính là sự ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của cán bộ, sinh viên trong nhiều thế hệ, trong đó có biết bao nhà giáo tiền bối, nhà giáo lão thành đã và đang cống hiến cho nhà trường, là sự tuyên dương những thành quả to lớn trong lao động, sáng tạo của tập thể cán bộ giảng dạy, viên chức trong trường - một trung tâm đào tạo các ngành khoa học xã hội - nhân văn lớn nhất đất nước trong gần nửa thế kỷ qua, đặc biệt là trong gần 20 năm đổi mới. Nhìn lại quá trình phát triển liên tục từ năm 1945 đến nay, đội ngũ cán bộ của Trường đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin vui đến với thầy và trò Trường ĐHKHXH&NV đúng thời điểm một năm học mới bắt đầu, một năm học đánh dấu 930 năm Quốc Tử Giám - cái nôi đại học văn khoa đầu tiên của Việt Nam, năm học kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm 100 năm Đại học Đông Dương - cái nôi đại học hiện đại đầu tiên ở nước ta. Đặc biệt, sắp tới Nhà trường tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đại học Văn khoa Hà Nội - tiền thân của Trường ĐHKHXH&NV hiện nay và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Theo dòng lịch sử 60 năm qua, từ Đại học Văn khoa do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, đến Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi Trường ĐHKHXH&NV ngày nay, càng thấy rõ tầm cao tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của đào tạo, nghiên cứu các môn khoa học xã hội, nhân văn trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc đã rọi soi suốt 60 năm lao động khoa học của nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo của Trường. Về phía cá nhân, tôi rất hạnh phúc và tự hào khi được rèn luyện, trưởng thành và công tác trong một môi trường giàu trí tuệ, thấm đậm chất nhân văn của Nhà trường. Trong suốt những năm tháng công tác gắn bó với mái trường này, lúc là giảng viên hay khi đã trở thành một nhà quản lý tôi luôn nhận được sự chỉ đạo, bảo ban rất chân thành, sâu sắc của những người đi trước, những nhà giáo lão thành, sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tâm, chân thành của bạn bè, đồng nghiệp kể cả những người ít tuổi hơn tôi. Với các thầy giáo, cô giáo, tôi không được trực tiếp nghe giảng trên giảng đường (tôi học ở Liên Xô), nhưng lại may mắn được gặp gỡ, học hỏi các thầy trong giảng - đường - lớn - cuộc đời. Tiếp xúc với những nhân cách, những con người ấy, tôi không chỉ được mở mang thêm những tri thức về khoa học xã hội - nhân văn mà còn tích luỹ được cho mình thêm rất nhiều điều, trong đó có cả cách đối nhân xử thế, cả tác phong cũng như “đạo” làm thầy. Điều này thật bổ ích với tôi khi tham ra công tác lãnh đạo.

Tôi đã nghe, đã chứng kiến và rất tự hào về các thế hệ sinh viên của Nhà trường. Chỉ tính gần 50 năm qua, Trường đã đào tạo cho đất nước 20.935 cử nhân hệ chính quy, trong đó có 245 cử nhân người nước ngoài và 15.178 cử nhân hệ vừa học, vừa làm, 496 cử nhân hệ tự học có hướng dẫn. Họ đã và đang làm việc trên nhiều lĩnh vực, ở mọi miền Tổ quốc, nhiều người được giao giữ trọng trách cao trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở TW và địa phương, ở các trường đại học, các viện nghiên cứu. Những gì mà các thế hệ đi trước đã đạt được, vừa làm phong phú truyền thống của Nhà trường, vừa là niềm tự hào, là nguồn tiếp sức mạnh cho thế hệ sinh viên hiện tại. Sinh viên Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) ngày nay được sống, học tập và phấn đấu trong những điều kiện rất thuận lợi, trong một môi trường giáo dục đang từng bước được cải thiện: Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường ngày một được nâng cao về chất lượng; tài liệu và các phương tiện phục vụ học tập đang được bổ sung ngày một đầy đủ và hiện đại hơn; các giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đang từng bước được cập nhật những thông tin khoa học mới; cơ sở vật chất, giảng đường, thư viện từng bước được hiện đại hoá, ký túc xá ngày một khang trang, sạch đẹp, tiện nghi hơn; kỷ cương, nề nếp học tập được chấn chỉnh và duy trì…

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội,
cựu sinh viên trường ĐHTHHN với GS. Lê Hồng Sâm - nguyên giảng viên khoa Ngữ Văn

Truyền thống 60 năm đầy tự hào, Danh hiệu Anh hùng thật vinh dự, nhiệm vụ hiện tại rất vẻ vang nhưng rất nặng nề. Mỗi cán bộ, viên chức Nhà trường phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn để truyền tải, bồi đắp cho sinh viên ý chí vươn lên trong học tập và rèn luyện bản lĩnh chính trị. Chỉ khi tất cả cán bộ, viên chức và sinh viên toàn trường đồng lòng, nhất trí đầu tư trí tuệ, tâm huyết, công sức mới có thể xây dựng được Trường ĐHKHXH&NV thành một trung tâm đào tạo đa ngành, chất lượng cao của ĐHQGHN, để mái trường này mãi mãi là nơi hội tụ của các nhà giáo, viên chức, sinh viên biết giữ gìn và nhân lên các giá trị nhân văn của dân tộc, để xứng đáng với danh hiệu một mái trường Anh hùng.

* PGS.TS. Lê Mậu Hãn - Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN:

GS. Lê Mẫu Hãn

Tôi là sinh viên khoá 1 của Trường ĐHTHHN nay là một phần thuộc ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN). Tốt nghiệp năm 1959, tôi ở lại làm công tác giảng dạy, nghiên cứu tại Khoa Lịch sử và gắn bó với Nhà trường từ bấy đến nay. Nhớ lại những ngày đầu thành lập Trường ĐHTHHN, lĩnh vực khoa học xã hội chỉ có hai khoa chính là Khoa Ngữ văn và Khoa Lịch sử; đội ngũ cán bộ, giảng viên ít mà đa phần là kiêm nhiệm; cơ sở vật chất nghèo nàn, sinh viên cũng không đông đảo như bây giờ. Mấy chục năm đóng góp, cống hiến cho đất nước hàng ngàn trí thức tài năng, Khoa Lịch sử đã trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và năm nay Trường ĐHKHXH&NV lại được đón nhận vinh dự ấy. Những sinh viên K1 của chúng tôi giờ ai còn đều đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”; nhiều người trở thành những Giáo sư đầu ngành tại các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn. Nhớ lại những năm tháng ấy quả thực chúng tôi đã học tập và trưởng thành bằng chính động lực là ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nghiên cứu khoa học là niềm say mê của không chỉ thầy cô mà cả học trò. Không có tiền để thực hiện đề tài nhưng mọi người vẫn lao vào nghiên cứu khoa học, hằng năm vẫn có hàng chục công trình nghiên cứu có giá trị được công bố, rồi in thành sách làm giáo trình để giảng dạy và học tập. Sinh viên chúng tôi hồi ấy không phải đọc nhiều sách hay nói đúng hơn là không có nhiều sách để đọc, không phải đối diện với một khối lượng kiến thức phong phú, đa dạng và đa chiều như bây giờ. Các thầy cô bằng cái tâm và tầm nhìn sâu rộng đã dạy cho học trò phương pháp, thái độ ứng xử đúng đắn trước khoa học, luôn cổ vũ học trò nghiên cứu, tìm tòi. Học và làm khoa học, chúng tôi được thôi thúc bằng một động lực kỳ lạ, không phải là sức hút của vật chất, tiền tài.

Ảnh từ trái sang: GS. Phan Cự Đệ, GS. Lê Mậu Hãn, GS. Đinh Xuân Lâm

Khi học xong ai cũng sẵn sàng chấp nhận sự phân công của tổ chức, của Đảng và Nhà nước. Môi trường học tập như thế đã tạo ra những sinh viên có nghị lực đặc biệt, luôn biết vượt lên hoàn cảnh để cống hiến cho xã hội những công trình có giá trị lâu bền. Các thế hệ học trò kế tiếp của ĐHTHHN ngày ấy và ĐHKHXH&NV bây giờ cũng rất giỏi. Chính họ, lớp nọ tiếp lớp kia, đã góp phần tạo nên diện mạo và thế đứng của Nhà trường hôm nay. Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà Trường sắp đón nhận tới đây chính là sản phẩm, là kết quả của một quá trình phấn đấu hàng mấy chục năm, là công sức, trí tuệ đóng góp của nhiều thế hệ. Niềm vui, niềm tự hào của Nhà trường hôm nay xin chia đều khắp cho các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoảng thời gian 50 năm ĐHTHHN và 60 năm Đại học Văn khoa. Tôi nhìn nhận đây chính là sản phẩm của một quá trình lịch sử tích luỹ và nâng cao nhờ đó mà “phát sáng”. Sáng lấp lánh. Phải giữ được ánh sáng diệu kỳ ấy đó là nhiệm vụ của những người đang sống, công tác và học tập dưới mái Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) trong hiện tại.

*GS. Nguyễn Kim Đính - Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN:

GS. Nguyễn Kim Đính

Cũng giống như một số thầy giáo lão thành của Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) tôi thuộc thế hệ những sinh viên khoá 1 của ĐHTHHN. Tốt nghiệp đại học, tôi được cử đi học ở Liên Xô rồi trở về làm công tác giảng dạy ở Khoa Ngữ văn, bây giờ là Khoa Văn học. Trong niềm vui chung của lãnh đạo, cán bộ và sinh viên Nhà trường khi chuẩn bị đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, những người thầy “tóc bạc” như chúng tôi lại có một niềm vui sướng, tự hào rất riêng. Tin vui đến đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thiết lập một Ban đại học Văn khoa tại Hà Nội mà “hậu duệ” của nó chính là ĐHKHXH&NV bây giờ. Hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua, ngôi trường đã trải qua biết bao thăng trầm, đã mấy lần đổi tên nhưng nhiệm vụ và uy tín thì không lúc nào thay đổi. Trong những năm chiến tranh sơ tán, thầy và trò chúng tôi phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ nhưng không ai bỏ dở con đường nghiên cứu khoa học mà mình đã chọn. Các thầy giáo Khoa Văn cùng thế hệ tôi chắc không ai quên được chặng đường gian khổ, sơ tán qua 12 địa điểm khác nhau trong những năm tháng không thể nào quên ấy. Trường ĐHTHHN trong kháng chiến chống Mỹ đã có hàng trăm sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai đăng ký tòng quân ra chiến trường. Nhiều người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, trong số ấy có những nhà thơ, nhà văn mà tên tuổi của họ còn được nhắc mãi. Tôi cứ trăn trở một điều: Làm sao có thể sưu tầm đầy đủ danh sách những cán bộ và sinh viên đã nhập ngũ, danh sách các liệt sĩ đã từng học tập và công tác dưới mái trường này, công bố những kỷ vật của họ còn để lại. Làm được tôi tin sẽ có một tác dụng giáo dục rất lớn đến thế hệ sinh viên bây giờ. Giá mà Hội CCB Trường ĐHKHXH&NV thực hiện được điều này để cùng với cuốn sách “Còn lại với thời gian” tạo ra hai món quà rất ý nghĩa trong ngày Trường đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Hãy để cho thế hệ sinh viên hôm nay của Nhà trường thấy rằng: Họ không chỉ có một anh Thạc, anh Giao, chị Trâm mà họ còn có hàng chục, hàng trăm tấm gương như thế. Đó là sản phẩm của một thời đại lịch sử mà họ phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống của một nhà trường anh hùng. Thế hệ chúng tôi ngày trước không có nhiều sự lựa chọn và cũng không phải đắn đo nhiều nên khi bước chân vào giảng đường đại học ai cũng rất lạc quan, tin tưởng: “Cổng trường mở rộng lớp lớp đi vào. Tên mỗi người lấp lánh một vì sao...”. Ngày nay thì khác, các bạn trẻ muốn tồn tại được phải có bản lĩnh. Đến đây tôi chợt nhớ đến lời của cố GS. Tạ Quang Bửu: Điều quan trọng nhất trong giáo dục đại học là các nhà trường phải làm cho giảng viên và sinh viên nắm vững được 3 yếu tố: Nội dung, phương pháp và phong độ đại học (phong độ dạy và học). Tôi tin tưởng ở thế hệ giảng viên và sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV hôm nay, họ công tác, học tập dưới một mái trường anh hùng chắc chắn họ sẽ lao động và cống hiến như những anh hùng...

 Nguyễn Minh Trường (ghi)
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :