Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Mở đầu kỷ nguyên đại học dân tộc Việt Nam
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử tiến hoá của dân tộc Việt Nam.

 

 

 

Lễ khai giảng ngày 15/11/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ tọa

Song ngay khi mới ra đời, nước Việt Nam mới phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Cuộc kháng chiến và kiến quốc đã bắt đầu để bảo vệ quyền độc lập và tự do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ muốn giữ vững độc lập tự do phải phát huy mạnh mẽ toàn diện sức mạnh dân tộc trên nền tảng của chế độ mới, văn hoá mới, con người mới… Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Muốn kiến quốc phải phát huy trí tuệ nhân tài của đất nước và tích cực, khẩn trương đào tạo nhân tài mới. Vì vậy, cùng với việc tập hợp và sử dụng triệt để tài năng của trí thức đang có vào mọi hoạt động để xây dựng và bảo vệ chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với chính phủ trên cơ sở kế thừa những giá trị của nền đại học cũ đồng thời phải phát triển nền đại học mới của Việt Nam.

Ngay trong phiên họp của Chính phủ ngày 22/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị và được Hội đồng Chính phủ nhất trí quyết định đến ngày 15/11/1945 sẽ mở cửa lại các trường đại học hiện có. Và tiếp đến ngày 4/10/1945, Hội đồng Chính phủ đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hoè báo cáo trường đại học khai giảng ngày 15/11/1945 có các Ban Y học, Dược học, Mỹ thuật, Công chính, Khoa học. Luật sư Vũ Trọng Khánh cũng đề nghị cần lập thêm một trường đại học văn chương. Hội đồng Chính phủ thấy cần mở tất cả các ngành khoa học ở Hà Nội và tán thành mở một trường chính trị và xã hội thay cho Đại học Luật của chế độ cũ; cho phép sinh viên đầu quân được hưởng chế độ đặc biệt trong các kỳ thi; khi cần Chính phủ sẽ cho mời các giáo sư ngoại quốc vào giảng dạy và tiếng Việt sẽ được dùng để dạy trong trường đại học, nhưng khi cần phải dùng tiếng Pháp. Các phiên họp ngày 8/10, 31/10, 8/11/1945 của Hội đồng Chính phủ còn tiếp tục bàn việc khai giảng các trường cao đẳng, đại học cũ và lập các trường đại học mới. Trên cơ sở quyết định của Hội đồng Chính phủ, ngày 8/10/1945, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ký nghị định ấn định bắt đầu từ ngày 15/11/1945 sẽ khai giảng tại Hà Nội những trường đại học và cao đẳng sau: Y khoa, Dược khoa, Nha khoa Đại học; Cao đẳng Mỹ thuật, Cao đẳng Công chính, Cao đẳng Canh nông, Cao đẳng Thú y. Ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 45/SL thành lập Trường Đại học Văn khoa Hà Nội do GS. Đặng Thai Mai làm Giám đốc; Sắc lệnh số 43/SL thành lập một quỹ tự trị cho Trường Đại học Việt Nam; Sắc lệnh số 44/SL thành lập Hội đồng Cố vấn Học chính. Chính phủ cũng đã quyết định mở một lớp Cao đẳng Chính trị Xã hội đặt ở Trường Đại học Văn khoa.

Chương trình đào tạo ở các trường đại học cũng được Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ký nghị định ban hành trước ngày khai giảng các trường đại học. Bằng tốt nghiệp đại học của sinh viên cũng được quy định ghi bằng tiếng Việt. Đặc biệt Hội đồng Chính phủ đã bàn bạc và quyết định cử các giáo sư, các giảng viên giảng dạy ở các trường đại học, quy định trách nhiệm, chế độ lương…

Để quản lý hệ đại học và cao đẳng Việt Nam, Chính phủ đã thành lập Đại học vụ trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục do GS. Nguyễn Văn Huyên làm Giám đốc và GS. Ngụy Như Kon Tum làm Phó giám đốc…

Trên cơ sở chấp hành nghiêm túc, khẩn trương và chính xác chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện chính trị xã hội đặc biệt sau khi nước Việt Nam mới ra đời, ngày 15-11-1945 tại cơ sở của Trường Đại học Đông Dương cũ số 19 Lê Thánh Tông - Hà Nội, lễ khai giảng khoá học đầu tiên của Đại học Việt Nam dưới chế độ Dân chủ cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã được tổ chức long trọng với tư thế của một nước Việt Nam độc lập và tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến chủ tọa buổi lễ. Một số quan khách quốc tế ở Hà Nội cũng được Bộ Quốc gia Giáo dục mời tham dự.

GS. Nguyễn Văn Huyên - Giám đốc Đại học Vụ long trọng đọc diễn văn khai mạc.

Luật gia Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trình bày nhiệm vụ của Đại học Việt Nam.

Diễn văn của GS. Nguyễn Văn Huyên nêu rõ ý nghĩa buổi lễ khai giảng long trọng Trường Đại học Việt Nam là một dịp để các giáo sư và sinh viên tỏ rõ cho thế giới biết rằng, trước giờ phút nghiêm trọng của tổ quốc lúc bấy giờ “dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành luỹ để trường kỳ kháng chiến, phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này”(1).

Nền đại học dân tộc dân chủ Việt Nam ra đời trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt được sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà văn hoá kiệt xuất, được sự giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể cứu quốc, của các nhân vật trong giới ngoại giao, chính trị, văn hoá giúp sức, và với sự nỗ lực lớn của sinh viên, của các bậc giáo sư, là những vị có nhiệm vụ tối cao dẫn đạo đến cho các bạn thanh niên trí thức tân tiến nước nhà trong thời gian lịch sử quan trọng này, là những nhân tài có quyết tâm và trách nhiệm cao tham gia vào công việc kiến thiết đất nước: tân học có, cựu học có, lão thành có, tuổi trẻ có. “Ai nấy đều một lòng hăng hái, đem tài năng, kinh nghiệm xây đắp nền văn hoá mới cho quốc gia, cố tâm tìm những phương sách thích hợp với công việc đào tạo nhân tài, không câu nệ quá ở cổ tục, không nhắm mắt đi liều trên con đường mới xẻ”(2).

Chính vì vậy ngay năm đầu tiên của nền đại học Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng tự hào của một nước độc lập tự do có hơn ngàn năm văn hoá. Đánh giá về nền giáo dục mới trong đó có giáo dục đại học, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta đã làm được nhiều về giáo dục, làm hơn hẳn người Pháp”(3).

Sự ra đời của nền giáo dục đại học Việt Nam thực sự đã đem lại cho giáo sư và sinh viên các trường đại học lúc bấy giờ niềm tự hào dân tộc sâu sắc, một động lực lớn để xây dựng nền đại học dân tộc của một nước độc lập và sẵn sàng vượt qua mọi thử thách và hy sinh để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Với ý nghĩa văn hoá và chính trị đó, lễ khai giảng ngày 15/11/1945 đánh dấu mốc son lịch sử mở đầu kỷ nguyên của nền đại học dân tộc Việt Nam.

--------------------------

 (1), (2) - Nguyễn Văn Huyên Toàn tập - Văn hoá và giáo dục Việt Nam, Tập 3, NXB Giáo dục - 2005, tr.2, 13.

(3) - Biên bản Hội đồng Chính phủ năm 1945 - TTLT Quốc gia, Hà Nội, tr.145. 

 Lê Mậu Hãn
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :