Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nguyễn Văn Huyên ở ngọn nguồn sự nghiệp "trồng người" mới
GS.TS Nguyễn Văn Huyên, tuổi đời hơn hẳn tôi bốn xuân. Ông đỗ cử nhân Văn chương kiêm cử nhân Luật - Đại học Sorbonne Paris, đúng vào năm tôi mới mon men ngưỡng cửa Đại học Đông Dương (1931).

Rồi ông đã hiển đạt, mang học vị Tiến sĩ Văn học mà tôi chưa học xong khóa đầu cử nhân Luật. Ông lại sống cách xa hằng nửa vòng trái đất, nên tôi khó có dịp để làm quen. Nhưng số phận run rủi khiến hai người vô tình cùng sớm rơi vào “nghiệp thầy”. Ông giảng dạy tại Trường Ngôn ngữ Đông phương trên đất “mẫu quốc” trong thời gian làm bằng Tiến sĩ. Còn tôi trong khi học Luật may mắn xin được chân trợ giáo tại trường tư thục Thăng Long, giữa cố đô ngàn năm văn hiến nay đã trở thành “nhượng địa” của nước “đại Pháp”.

Về nước năm 1935 với luận án nổi tiếng “Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam”, ông Nghè Huyên được giữ chức Giáo sư trường Bảo hộ - Ban Tú tài bản xứ. Thế mà chỉ 3 năm sau, chắc chắn không “khoái” lắm với nhiệm vụ dạy Sử - Địa Pháp cho lớp trẻ Việt Nam, sau thời Phan Bội Châu - Đông Kinh Nghĩa thục, nên GS.TS Nguyễn Văn Huyên xin chuyển sang Trường Viễn Đông Bác cổ để được dốc tài năng tâm huyết nghiên cứu di sản dày và truyền thống đẹp của nền Văn minh Lạc Hồng.

Phần tôi thì vẫn cam phận “gõ đầu trẻ” trường tư, vì đã kiếm được đủ sống cho gia đình lớn, nhỏ mà còn dư thì giờ để tập viết báo và hoạt động xã hội, cho đến sát ngày Cách mạng tháng Tám.

I. Chặng đường khởi hành của hai bạn đường không hẹn nhau

Hai người tình cờ gặp nhau trên ngã ba khởi hành của đường đời. Nơi gặp là hội quán Hội khuyến học “Trí tri” lâm thời làm trụ sở của “Hội truyền bá học quốc ngữ” (TBQN).

 Tối hôm ấy, GS. Nguyễn Văn Huyên trong Ban trị sự hội đến nói chuyện với anh chị em sinh viên và hướng đạo sinh vừa đăng ký “nhập ngũ chí nguyện” trong đạo quân diệt dốt cho dân nghèo. Tôi theo chân một bạn “xì-cút” - Nguyễn Trọng Phấn (1) tới nghe. Nhà sư phạm Ngôn ngữ học lỗi lạc trình bày phương pháp mới dạy vần quốc ngữ, với cách chắp vần tài tình i tờ - tờ i ti, đơn giản mà rất khoa học, vừa dễ nhớ, nhớ lâu, nhanh biết đọc biết viết hơn lối dạy trước đây nhiều, mà lại vui nữa chứ! Rất thích hợp với bộ óc học trò là những người lớn tuổi suốt ngày lao động cực nhọc nên tối cần giải trí hơn là “đánh vật” với lối đánh vần oái ăm cổ xưa: u-y-n-h-uynh, h-u-y-n-h = huynh, huyền (\) = huỳnh; u-y-c-h = uych, h-u-y-c-h - huých, nặng (.) = huỵch (vật nhau huỳnh huỵch). Sẽ càng vui nhộn, theo GS. Huyên gợi ý, nếu giáo viên TBQN khéo xen vào bài học vần quốc ngữ những mẩu văn tập đọc phỏng từ các câu ca dao, tục ngữ quen thuộc mà có ý nghĩa:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,....”

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,.......”

“Lạy trời cho cả gió lên,

Cho manh chiếu rách trùm lên tàn vàng”...

Hoặc hóm hỉnh kiểu dân dã, gây cười, hồn nhiên:

Chính chuyên” lấy được “chín chồng”

Vê viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi,

Không ngờ quang đứt lọ rơi

Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng”...! (2)

Phương pháp i tờ là sáng kiến của GS. Hoàng Xuân Hãn, có sự chung sức của hai nhà sử học, ngôn ngữ học Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên ở trường Viễn Đông Bác cổ.

Tôi nghe GS. Nguyễn Văn Huyên trình bày, sướng cái lỗ tai đã đành, nhưng còn thú vị vì lĩnh hội được phần nào thâm ý của vị diễn giả yêu nước. Cho nên sau buổi đó, tôi nhờ Nguyễn Trọng Phấn mượn hộ trong thư viện bản luận án tiến sĩ của Giáo sư mà tôi chỉ mới được đọc lời giới thiệu ở đâu đó... Vợ tôi quê ở Nội Duệ (Tiên Du - Bắc Ninh) vùng hát quan họ đấy. Hồi còn là sinh viên, đã có mấy lần tôi về quê vợ chưa cưới xem hội Lim, nhưng thú thật để “ngắm” và “phá” là chủ yếu, chứ có thưởng thức được gì đâu!. Đến nay, đọc tác phẩm “Hát đối nam nữ...” mới “tỉnh ra”, bắt đầu thấm thía được tí chút cái hay của các làn điệu dân gian cổ truyền quê hương thì muộn mất rồi, cái nghệ thuật cao quý ấy đã bị bọn thanh niên thành thị chúng tôi “quấy rối” quá xá. Ngày nay mấy nữ nghệ nhân có thể còn nhớ được lời, giữ được giọng thì lại chẳng còn “quan viên họ” nào thành tâm ngưỡng mộ, vả lại không khí chung cũng nhàn nhạt nhiều rồi cho nên các cụ cũng chẳng buồn nghĩ đến cất tiếng tâm tình với ai “liền anh” nữa.

Thật đáng mến phục biết bao “cái ông Nghè Tây học” mà mang nặng lòng nước non như thế. Tôi ngỏ ý đó với Nguyễn Trọng Phấn, thì anh vội rút từ cặp ra một xấp giấy đánh máy và nói: - Anh quan tâm đến cảnh sống của dân quê thì xem ngay bài này đi, tác phẩm mới nhất của TS. Nguyễn Văn Huyên đấy, viết về tình hình nông thôn nước ta. Anh sẽ thấy ông ấy không chỉ nói “xưa” mà nói cả “nay”, không chỉ “hay” mà có cả ‘dở” nữa cơ, “dở là chủ yếu”, rồi nêu giải pháp cấp bách và lâu dài.

Tác phẩm mang đầu đề “Vấn đề nông dân An Nam ở Bắc Kỳ” (3) (1939). Tác giả vẽ bức tranh nông thôn đồng bằng sông Hồng, phô bày cảnh sống thê thảm của 7 triệu đồng bào vật lộn cùng cực với đói rét, bệnh tật triền miên. Căn cứ vào những sự việc cụ thể với những con số chính xác không ai có thể chối cãi được. Nguyên nhân sâu xa gây nên tình cảnh bi đát đó là gì? Và hướng giải quyết như thế nào? Tác giả nói: “Xem xét vấn đề trong tất cả quy mô của nó, chúng tôi nghĩ rằng sẽ chẳng làm được gì hết chừng nào chúng ta chưa làm thay đổi được tâm lý nông dân (4), chừng nào ta chưa chú tâm chuẩn bị những thế hệ có ý thức hơn về quyền lợi thật sự của họ (...). Vì thế, sự nghiệp chủ yếu, việc làm cơ bản mà nếu không có thì sẽ chẳng xây dựng được gì vững chắc chính là việc giáo dục nông dân (Tôi nhấn mạnh - V.Đ.H). Cần phải tiếp nhận những đứa trẻ “quặt quẹo và nghèo khổ này” và thử làm cho chúng trở thành những con người có một hiểu biết khách quan hơn về lợi ích của mình, một ý thức hiện đại hơn về đời sống làng xã. Khi đó sẽ tiến được một bước dài theo hướng thực hiện một đời sống nông thôn tốt đẹp hơn...”

Nguyễn Văn Huyên không nói điều gì xa lạ. Trước đó không lâu, các cụ Đông Kinh Nghĩa thục đã nói: - Nói và Làm (tuy bị Tây chặn ngang lại và bỏ tù, đe đưa đi Côn Đảo, hoặc quản thúc). Và sau đó không lâu, Bác Hồ kêu gọi toàn dân diệt ba thằng giặc, xếp theo thứ tự: Giặc đói - Giặc dốt - Giặc ngoại xâm...

Thuở bé, tôi đã có sống ở nông thôn như Nguyễn Văn Huyên, có lẽ linh cảm được như thế, nên chưa vội nghĩ chuyện gì cao xa, tôi tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ (1939), nhận chân tuyên truyền viên, cổ động cho sự nghiệp của Hội. Nhờ có tài liệu do GS. Nguyễn Văn Huyên chuyển cho mượn qua tay Nguyễn Trọng Phấn, tôi đã diễn thuyết ở nhiều nơi, nói về vận chuyển giáo dục xã hội ở các nước ngoài và công việc chống mù chữ và nạn thất học ở nước ta; trình bày phương pháp chắp vần “tuyệt vời” mà tôi được giáo sư “bồi dưỡng” cho mình dạo nọ. Thế là dầu mới được làm quen với Giáo sư tôi đã nhanh chóng trở thành bạn vong niên của anh - Một con người hiền hậu, rất dễ đồng tình, đồng cảm với mình. Đúng vào lúc mà tôi cùng với mấy bạn mới ra trường hoặc mới đi du học về, những người chưa xong luận án tốt nghiệp (vì đại chiến thế giới bùng nổ), anh em bàn với nhau ra báo Thanh Nghị, chia nhau đi tìm gặp các bậc đàn anh mời cộng tác. Biết tôi đang chuẩn bị bài vở thuộc đề tài giáo dục, anh Huyên rất hoan nghênh ý định ấy (chắc là tôi đã gãi trúng chỗ ngứa của anh), chính anh đã đóng góp cho tôi nhiều ý kiến quý báu, cung cấp cho tôi nhiều tài liệu và kinh nghiệm giáo dục ở các nước khác nhau trên thế giới, và hứa sẽ có bài đóng góp cho Thanh Nghị, mặc dầu anh rất bận công tác nghiên cứu của trường Bác cổ trong các lĩnh vực sử học, dân tộc học, xã hội học, văn hóa dân gian. Tôi mạnh dạn đề xuất với anh nên kết hợp khi sáng tác về các lĩnh vực ấy thì nhớ nghĩ thêm những khía cạnh liên quan đến vấn đề giáo dục cần thiết cho độc giả Thanh Nghị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và GS Nguyễn Văn Huyên (giữa)
tại trường Đại học Quốc gia Việt Nam - 19 Lê Thánh Tông

Vậy là chỉ ít lâu sau Anh gửi luôn cho tôi 2 bài: “Lược khảo về khoa thi Hội Quý Sửu, Duy Tân thứ 7” và “Dấu cũ Loa Thành”. Đặc biệt bài thứ nhất chứa một nội dung sâu sắc. Nguyễn Văn Huyên sẽ phân tích những bài thi trúng cách ở kỳ thi Hội đó. Anh dự định dùng phương pháp sử học mà chiếu một tia sáng vào hồi năm 1913, sau khi “cuộc thái bình bảo hộ” (Pháp) thành lập một cách chắc chắn, sau cuộc Nhật - Nga chiến tranh 7 năm và trước cuộc Âu chiến kinh thiên động địa 1 năm (...), đây ngụ ý không phải là dám phê bình gì chỉ mong giúp được một trong muôn việc lượm lặt tài liệu cho pho Sử tinh thần Việt Nam (...), ngõ hầu một ngày kia ta có xây đắp nên được cái nền tảng của lý tưởng nước nhà chăng? (trích lời Nguyễn Văn Huyên) - Bài dài, đăng vào hai số Thanh Nghị 14, 15 năm 1942, rồi bỏ dở, lý do là: “Tôi đã nông nổi quên hẳn mất vấn đề cá nhân rất quan hệ về pháp luật và luân lý. Khoa Quý Sửu tôi đương khảo cứu cách đây chưa được 30 năm... Đợi thời gian lấp lối lịch sử nước nhà thêm ít năm nữa vậy (5). Xin các bạn lượng thứ cho”. Tác giả xin lỗi chúng ta như vậy, tôi cứ ngẩn ngơ tiếc mãi, mà mạo muội nghĩ thầm: Cái ông Nghè tân học này e ngại xâm phạm quyền tác giả của các cụ Nghè cựu học tiền bối. Tôi thông cảm vì hiểu rõ đức tính thận trọng, phong độ tế nhị của anh Huyên và càng mến phục anh.

II. Đấy đây “Thanh khí tương tầm”

Bằng nhịp cầu Thanh Nghị, Huyên và Hòe gắn bó với nhau khá thân thiết (từ 1940). Quỹ thời gian của anh rất eo hẹp, nên anh không thường xuyên viết bài cho Thanh Nghị được, nhưng tôi tin rằng trong không gian tư tưởng rộng rãi của anh, luôn luôn có một góc dài cho hình ảnh tờ báo Thanh Nghị, coi nó như đứa con tinh thần chung còn trứng nước của cả nhóm. Cho nên cứ mỗi lần đến Thư viện Viễn Đông Bác cổ tìm sách báo tư liệu để tra cứu, tôi không ngần ngại vào phòng làm việc của anh - Ông bạn hơn tuổi mà xuề xòa, hồn nhiên, đôi mắt dịu dàng, nụ cười tươi mát. Tôi hỏi anh về công cuộc cải cách giáo dục ở Pháp mà anh am tường. Tôi dò ý anh về cách tổ chức “nâng cao dân trí, bồi dưỡng dân khí” cho quần chúng đông đảo nước ta. Đó là một vấn đề lớn. Anh cho biết tin là Ban trị sự Hội TBQN đang bàn về việc mở lớp cao đẳng cho các học viên người lớn đã qua lớp i - tờ. Thấy tôi quan tâm vấn đề ấy, anh động viên tôi nên nhận tham gia Ban giáo khoa của Hội để nghiên cứu chương trình và bài học cho lớp “cao đẳng bình dân”. Chính nhờ ý kiến anh “gà” cho và dựa vào những buổi tiếp xúc với học viên mà tôi mạnh dạn soạn thảo thử mấy bài “giảng” sử, văn, vệ sinh thực hành kèm theo mấy nét về chương trình và phương pháp “giảng” (6). Anh tán thành việc làm thử của tôi rồi bàn với Cụ Hội trưởng Nguyễn Văn Tố nên giới thiệu tôi vào bổ sung cho Ban Trị sự Hội để chính thức làm việc trong tiểu Ban Sư phạm mà anh phụ trách.

Tạp chí Thanh Nghị - Phần Nghị luận khảo cứu ra số đầu, tháng 6/1941 có bài của tôi nhan đề “Mấy điều cải cách khẩn cấp trong gia đình giáo dục”. Bài viết được là nhờ có sự góp ý của GS. Nguyễn Văn Huyên. Đầu đuôi thế này: Thời gian đó, anh Huyên đang đọc lại, sửa chữa bản thảo tác phẩm đồ sộ “Văn minh Việt Nam” (7). Thừa dịp, tôi lân la đòi được xem những trang anh viết về “văn hóa, giáo dục” xưa và nay, đặc biệt về các trường hương sư, về vai trò của các ông đồ - nho trong các gia đình Việt Nam truyền thống nền nếp. Cố nhiên có nhiều nếp cổ hủ phải loại bỏ: Nhưng tinh thần “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (8) là một di sản quý báu của tổ tiên Hồng Lạc, không nên đánh mất. Vậy là tôi vững tâm mở đầu bài viết bằng hai câu thơ của Tản Đà:

“Ôi! Văn minh Đông Á giờ thu sạch

Này lúc luân thường đảo ngược ru!?”

Tôi cũng trân trọng nhắc vai trò của phụ nữ trong gia đình cổ Việt Nam, nhấn mạnh trách nhiệm giáo dưỡng con cháu của người mẹ, và đề xuất ý kiến nên gấp lập “Hội các bà mẹ Việt Nam”, trong lúc này (1941).

- “Có đi có lại nhé?”. Anh Huyên bảo tôi thế và đòi tôi cho anh đọc ghé bản thảo những bài của Ban biên tập đã viết hoặc chuẩn bị viết về các đề tài kinh tế, xã hội ở nông thôn (trồng trọt, chăn nuôi, thủ công nghiệp, đê điều, ao giếng, bệnh tật, v.v...). Tôi đoán anh muốn đối chiếu nay và xưa để xem có nên bổ sung gì cho bản thảo “Văn minh Việt Nam” của anh.

*

Đầu năm 1942. Báo Thanh Nghị nhiệt liệt ủng hộ sáng kiến do một số giáo sư và học giả người Việt đề ra với Toàn quyền Đông Dương: Yêu cầu lập một hệ môn học “Cổ điển Á Đông 8 năm” (từ lớp 6 trung học đến đại học) tại một số trường học “bản xứ” phỏng theo hướng cải cách giáo dục ở “mẫu quốc” coi như việc làm then chốt của cuộc “cách mạng quốc gia” của Thống chế Pétain với khẩu hiệu đang được cổ động om sòm: “Traivail (Lao động) - Famille (Gia đình) - Patrie (Tổ quốc)”. Động viên tinh thần quốc gia cố hữu, khôi phục các nếp sống cổ truyền (kể cả tôn giáo) để rèn luyện một lý tưởng cao đẹp, một tâm hồn trong sáng, một nghị lực dám hy sinh bản thân cho Tổ quốc. Lấy gậy ông đập lưng ông, giới trí thức Việt Nam đòi đặt môn Văn hóa cổ điển Á Đông trong chương trình Trung học Pháp Việt đối xứng với môn Nhân bản học cổ điển La Mã, Hy Lạp cho học sinh Pháp là điều hợp lý quá rồi. Cho nên Toàn quyền Đông Dương vội ký ngay Nghị định (5 Mai) 5-5-1942 chấp thuận sáng kiến đó, thực ra với động cơ không hoàn toàn trong sáng đâu (lấy lòng giới trí thức An - Nam mà Nhật cũng đang cố lôi kéo). Vả lại các nhà chức trách thực dân không tin rằng chủ trương là khả thi được nhanh chóng: chương trình thế nào, sách giáo khoa thế nào, giáo sư có không, nhất là về chữ Hán hết thời rồi. Ai ngờ liền sau kiến nghị, một chương trình đàng hoàng (9) với kế hoạch mở lớp đầy đủ đã được soạn thảo cụ thể, tỉ mỉ từ lớp 6 đến lớp nhất gửi lên Phủ toàn quyền xin duyệt y gấp rút để áp dụng ngay; tác giả là hai nhà sử học, dân tộc học Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp. Chuyện thần kỳ.

Nhóm Thanh Nghị chúng tôi sung sướng được tin ấy, hưởng ứng nhiệt liệt chủ trương tốt đẹp của anh. Riêng tôi, cùng Phan Anh, đến chơi nhà GS. Nguyễn Văn Huyên, ôm lấy ông bạn hơn tuổi mà “hôn hít”. Không chỉ có thế, tôi còn đưa anh xem bài xã luận tôi vừa chuẩn bị xong cho số báo ra ngày 1-10-1942. Có lẽ đó là tiếng nói đầu tiên, hào hứng thực sự của dư luận đối với sáng kiến lập Ban cổ điển Á Đông.

Tôi nói thêm với : “Không những chỉ hoan nghênh đâu! Có phân tích và góp ý kiến đấy, tất nhiên là rất xây dựng”. Anh Huyên mỉm cười khiêm tốn, thỏ thẻ: “Khéo không tẽn đấy nhé”!

*

Bẵng đi 2 năm 1943-1944, anh Huyên không viết thêm bài gì cho báo Thanh Nghị. Biết anh đang dồn hết lực, tâm vào hoàn chỉnh công trình lớn “Văn minh Việt Nam”, vừa tiến hành khẩn trương công việc nghiên cứu các đề tài khoa học thuộc đời sống vật chất và tinh thần xưa và nay của dân tộc Việt Nam, như “Chống hạn trong tập quán Việt Nam”, “Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam”, “Điều tra về tình hình ăn uống, y phục, nhà ở của người Việt” v.v... Tôi không dám giục, vẫn mừng vì nghĩ rằng tất cả những vấn đề đó đều liên quan, mật thiết đến mục đích nội dung, tìm hiểu của báo mình và sớm hay muộn độc giả Thanh Nghị cũng sẽ được hưởng kết quả việc sưu tầm và suy nghĩ của anh. Có thể là anh lại phải lo góp sức cụ thể hóa hơn nữa chương trình dạy và cung cấp giáo tài, tư liệu tham khảo cho các lớp của hệ cổ điển học Á Đông. Tôi bắt đầu thoáng thấy mối liên quan giữa sự nghiệp nghiên cứu sử học, dân tộc học, xã hội học của anh với lý tưởng “trồng người” mà anh ôm ấp, một cách kín đáo, tuy không giấu nổi sự tha thiết của mình, nhưng đã có lần thổ lộ trong tác phẩm “Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ”, hoặc khi phổ biến phương pháp mới dạy vần quốc ngữ, chẳng hạn...

Năm 1945, chiến tranh thế giới bước vào giai đoạn quyết liệt, ở Đông Dương, quân đội Nhật làm đảo chính Pháp. Các “tháp ngà rung chuyển”. Trong tâm trạng bồn chồn của đám “thất phu hữu trách”, chúng tôi trong nhóm Thanh Nghị tìm nhau trao đổi. Trao đổi không nhiều mà chủ yếu nhìn nhau, đoán ý thôi, phương châm đã thống nhất từ thuở ban đầu mà: Độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng - lúc nào thấy cần thiết và có thể thì cứ tự mình quyết lấy con đường đi, không bận tâm đến sự bó buộc nào. Cho nên khi được tin mấy anh Hãn, Hiền, Phan Anh nhận lời mời của Vua Bảo Đại, cộng tác với Chính phủ Trần Trọng Kim thì những anh em còn lại không băn khoăn gì. Sau đó thấy sự chọn đường đi của ba anh ấy là có lý lẽ, muốn bắc một tấm ván lên chỗ trống, làm cầu và tạm thời giữ vai trò gác cầu, không cho kẻ thù dân tộc hoặc kẻ bất lương nào khác “hớt tay trên”, bất lợi cho tiền đồ đất nước, thì chúng tôi yên tâm, hơn nữa còn đồng tình. Thế là Hội Tân Việt Nam ra đời (5-5-1945). Nhóm Thanh Nghị, tất cả sáng lập viên và biên tập viên chủ chốt, trong số đó, lẽ dĩ nhiên có GS. Nguyễn Văn Huyên, đều công khai tuyên bố gánh trách nhiệm là thành viên của Uỷ ban Trung ương Hội, cùng với mấy nhân sĩ yêu nước khác (tổng số là 34 vị).

Dứt khoát nhóm Thanh Nghị “nhập thế cục”: ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim. ít nhất trong mấy tháng. Vì ủng hộ có điều kiện (tuy không cần nói rõ hẳn như thế, nhưng ai cũng hiểu như thế). Kể cả Nguyễn Văn Huyên là một trong những người xưa nay vốn nổi tiếng “là thận trọng, điềm đạm, kín đáo nhất” (10) cũng “ủng hộ có điều kiện” cho nên khi điều kiện khách quan, chủ quan đã có dấu hiệu thay đổi, thì đương nhiên phải “xem lại” quyết định trước. Khoảng giữa tháng 7-1945 tôi cùng với Lê Huy Vân, Nguyễn Đình Thụ, thay mặt Uỷ ban Trung ương “Tân Việt Nam hội” vào Huế gặp các anh Vũ Văn Hiền, Phan Anh, nhận định tình hình để xem có nên rút chân ra khỏi Chính phủ Trần Trọng Kim hay không. Hai anh cho biết trước đó đã có bàn với anh Hãn (nay đang ở Hà Nội) và các anh đồng sự khác cùng chí hướng, về khả năng ấy. Quay ra Hà Nội tôi tới tìm ngay anh Huyên, rồi nhất trí với nhau hai chúng tôi kín đáo vào Bắc Bộ phủ gặp Khâm sai Phan Kế Toại là anh rể anh Huyên để vận động ông ta từ chức.

Một tuần trước Tổng khởi nghĩa ở Thủ đô, cả tôi lẫn báo Thanh Nghị “biến mất”.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, tôi từ chiến khu Tân Trào trở về tới Hà Nội rực cờ hoa, trong bộ quần áo nâu, cải trang từ ngày ra đi. Cả nhà sửng sốt, bố tôi vội kể rằng dăm ngày trước đó, TS. Nguyễn Văn Huyên đến tìm tôi tại nhà, không biết về việc gì. Sau này, tôi được anh “bật mí” cho mới được rõ: Các anh (5 người: Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Nguyễn Mạnh Trường, Hồ Hữu Tường), đã cùng ký tên vào bức điện gửi cho vua Bảo Đại yêu cầu thoái vị. Tất cả 4 người trên đều ở trong nhóm Thanh Nghị và Hội Tân Việt Nam, đáng lẽ người thứ 5 là Vũ Đình Hòe đấy, không gặp, phải đưa Hồ Hữu Tường, giáo sư toán học, một bạn thân của mình (lời anh Huyên) ghi thêm vào bức điện. Trong khi đó Hiền, Phan Anh và Hãn cũng đã nhận lời đề nghị của các bạn Việt Minh ở Huế và vận động được đa số trong Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức và khuyên vua Bảo Đại thoái vị kịp thời!. Tôi hoan nghênh “sự kiện lịch sử” khá đẹp ấy. Nhưng điều trong thâm tâm làm tôi vui hơn là trong thời gian ngắn ngủi, mấy anh em đi “thoát ly” vắng mặt ở Thủ đô thì anh Huyên đã tích cực hoạt động, giữ vững lèo lái cho con thuyền Thanh Nghị và Hội Tân Việt Nam và đóng góp đáng kể cho phong trào Việt Minh ở Thủ đô. Cũng dễ dàng và tự nhiên thôi, chủ yếu nhờ hoàn cảnh cách mạng thắng lợi nhanh không ngờ. Một trăm dòng suối đều cùng chảy ra bể để rồi cùng vượt phong ba bão táp (23-9-1945): Anh - ấn - Pháp đổ bộ ở Nam Bộ).

III. Kiến trúc sư trưởng của lâu đài giáo dục nước ta

Các nhóm trí thức yêu nước ở Hà Nội - cảm tình Việt Minh, lường trước sắp xảy ra cuộc đổi đời, đại hạnh ngàn năm có một, đã ra sức công nhiên hoặc kín đáo, giữa chặt lấy các ngành, cơ quan, đơn vị chuyên môn, hành chính sự nghiệp, văn hóa xã hội, cùng các vật liệu, kho tàng. Chủ yếu bằng lực lượng Tổng hội công chức, Tổng hội sinh viên, Tổng hội hướng đạo, Đạo quân diệt dốt... Riêng trong những bộ phận đầu não của ngành Giáo dục, không thể quên được công lao của “nhóm 5 người” trên kia (đã ký tên vào “bức điện lịch sử” - lịch sử trí thức Thủ đô).

Ngụy Như Kon Tum là người đầu tiên trong nhóm Thanh Nghị gặp tôi sáng hôm tôi đến trình diện tại Bắc Bộ phủ. Anh rỉ tai tôi một tin “giật gân”: “Cậu có tên trong danh sách của Thành uỷ Việt Minh bí mật trình lên Thượng cấp để bổ sung vào Chính phủ lâm thời. Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Cứu tế xã hội, bên cạnh Nguyễn Văn Tố - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Liệu mà gánh trách nhiệm cứu đói đi!”. Nhưng mấy hôm sau, báo “Dân quốc” (báo “Tin mới” đổi tên) công bố tin chính thức, lại không hẳn như thế, mà có sự hoán vị giữa cụ Tố và tôi. Hơi lạ!

- Có gì mà lạ, càng hay cho cậu (lời Ngụy Như Kon Tum), cậu biết tại sao có sự thay đổi không? (Có trời mà biết, tôi nghĩ bụng). Nguyễn Văn Huyên can thiệp đấy (11). Dễ hiểu quá còn gì nữa, anh Huyên biết rõ hơn ai hết khả năng, “vốn liếng” của cả hai ông bạn. “The right man in the right place” (Đúng người, đúng chỗ).

Tôi đến chơi Nguyễn Văn Huyên tại Học viện Bác cổ để bàn với anh về khung tổ chức Bộ Quốc gia Giáo dục và về mấy việc phải làm ngay. Giúp Bộ quản lý việc học, sẽ đặt ở Trung ương bốn nha, đứng đầu là bốn Tổng giám đốc: Nha Đại học vụ do Nguyễn Văn Huyên phụ trách, hai nha Trung học vụ và Tiểu học vụ sẽ giao hai anh Ngụy Như Kon Tum và Nguyễn Hữu Tảo (12). Còn về Bình dân học vụ sẽ bàn thêm với cụ Tố. Tôi khẩn khoản xin anh Huyên nhận thêm cho vai Cố vấn của Bộ, thì anh cười:

- Tôi đâu dám, cố vấn cho Bộ phải là một hội đồng: Hội đồng Giáo dục quốc gia. Tôi sẽ tìm các vị cố vấn cho anh. Cũng là những người anh biết cả thôi: ngoài mấy vị phụ trách các học vụ sẽ có Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xiển, Trần Văn Giáp, Hồ Hữu Tường, Phạm Đình Ái, chẳng hạn...

- Hoàng Xuân Hãn nữa chứ?

- Hiển nhiên rồi. Nhưng với danh hiệu “Cố vấn lâm thời đứng ngoài”. Như xưa La Sơn phu tử làm cố vấn cho vua Quang Trung ấy mà! Tôi biết tính anh Hãn.

Chúng tôi sang phòng bên gặp cụ Tố bàn việc chuyển hết tổ chức, cán bộ, tài sản của Hội truyền bá quốc ngữ sang cho Bình dân học vụ. Người phụ trách sẽ là Nguyễn Hữu Đang, được không? Cụ Tố lắc đầu:

- Tôi đã dò ý anh ta. Anh không nhận vì có việc khác Đảng giao cho rồi; giúp Dương Đức Hiền ở Bộ Thanh niên. Anh Đang giới thiệu Nguyễn Công Mỹ cũng là kiện tướng truyền bá quốc ngữ, đang cầm đầu chi nhánh Hội tại Hải Phòng, các ông còn lạ gì, được quá đi rồi phải không?

Chúng tôi nhất trí đề ra ba việc lớn đề nghị Chính phủ nên tuyên bố ngay là:

1. Hạn cho trong vòng 1 năm (13) toàn thể đồng bào phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ;

2. Tất cả các cấp học phải dạy bằng chữ quốc ngữ, kể cả đại học;

3. Chính phủ vạch hướng cho Bộ soạn thảo ngay đề án cải cách nền giáo dục hiện hành. “Đề án sẽ do Nguyễn Văn Huyên, Tổng thư ký Hội đồng Giáo dục Quốc gia thảo” tôi nói thêm. Huyên xua tay: “Thì có sẵn rồi đấy, còn phải thảo gì? Cả một quyển sách, Nhà giáo kiêm nhà báo Chủ nhiệm Tạp chí Thanh Nghị vừa xuất bản đấy thôi (14). Chỉ cần tác giả giới thiệu với Hội đồng giáo dục, xin thêm ý kiến, rồi trình Chính phủ xét”.

*

Sắc lệnh ngày 10/10/1945 thiết lập “Hội đồng Cố vấn học chính” để xúc tiến việc nghiên cứu soạn thảo dự án Cải cách giáo dục của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phải nói ngay rằng ông “thợ cả” giúp đỡ cho Hội đồng dựng lên được bản dự án đúng đắn ấy chính là Nguyễn Văn Huyên, với trợ thủ đắc lực là Hồ Hữu Tường, có tham khảo bản “Chương trình Trung học Hoàng Xuân Hãn” đã bắt đầu áp dụng từ niên khóa 1945 - 1946 tại Trung Kỳ (và các năm tiếp theo ở miền Nam). Cuốn sách của tôi chẳng qua chỉ tập hợp những bài tôi đã viết trong báo Thanh Nghị sau khi bàn với vài bạn đồng nghiệp, nhất là với GS. Nguyễn Văn Huyên; cố nhiên cũng là một nguồn tư liệu có ích.

Dự án được Hội đồng Chính phủ xét duyệt, rồi được Thường trực Quốc Hội thỏa hiệp. Căn cứ vào đó, Chính phủ tổ chức nền giáo dục mới của nước nhà, theo Sắc lệnh số 146 ban hành ngày 10-8-1946.

Trong tờ trình bản dự án, nêu rõ đường lối cải cách như sau: “Nền giáo dục mới đặt trên ba nguyên tắc cơ bản dân chủ, dân tộc, khoa học (15) và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia”:

1. Với tinh thần dân chủ, nền giáo dục mới của chúng ta sẽ không phải là một nền giáo dục dành riêng cho một thiểu số nhờ ở cảnh sung túc mà có thể theo đuổi sự học đến nơi đến chốn, còn đại đa số dân chúng vì thiếu điều kiện vật chất mà phải chịu ở trong vòng tối tăm của nạn mù chữ hoặc là ở trong cái cảnh bỡ ngỡ, dở dang của người thất học (...). Nền giáo dục mới của ta sẽ là một nền giáo dục chung cho toàn thể quốc dân không phân biệt hai nền học khác nhau theo kiểu của Pháp: nền tiểu học (gồm cả bậc cao đẳng tiểu học) cho dân chúng và nền trung học đưa lên bậc đại học cho giai cấp tư sản. Nền giáo dục mới sẽ là một nền giáo dục duy nhất và bình đẳng (cho toàn dân).

2. Nền giáo dục mới (trong nội dung) sẽ phát huy tinh thần dân tộc, khác hẳn xưa, thực dân áp dụng chính sách đồng hóa, muốn cho dân ta quên cội rễ không thể phát triển được những khả năng đặc biệt của nòi giống. Nền giáo dục mới sẽ rèn luyện một tinh thần quốc gia mạnh mẽ, sáng sủa để mọi người biết toàn lực phụng sự Tổ quốc trong khi phụng sự lý tưởng dân chủ.

3. Với tinh thần khoa học, nền giáo dục sẽ làm phát triển những năng khiếu, năng lực về tâm lý, về trí não cũng như về sinh lý, phát triển hài hòa, không như trước chỉ chú trọng trí dục và coi thường đức dục, đào tạo những kẻ có học thức nhưng thiếu lương tâm và ý chí, biết nhiều chuyện, nói thì hay, khéo mà không làm được, hoặc không muốn làm điều phải, điều cần thiết cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Sau hết, nền giáo dục mới sẽ có tính cách thực tế, sẽ chú trọng cả phần lý thuyết lẫn phần thực hành, coi trọng học chuyên nghiệp...

Hội đồng Cố vấn học chính phân công cho ba chúng tôi cụ thể hóa thêm 3 nguyên tắc của nền giáo dục mới trong chương trình dạy các môn học, anh Huyên về nguyên tắc dân tộc, tôi về nguyên tắc dân chủ và anh Hồ Hữu Tường về nguyên tắc khoa học.

Tôi chưa làm được gì thêm thì, theo yêu cầu của tình hình chính trị, tôi được Hồ Chủ tịch điều sang Bộ Tư pháp, khi Quốc hội đầu tiên nước ta bầu ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến (2-3-1946).

Trong lần đầu tiên được yết kiến cụ Chủ tịch Chính phủ Nhân dân lâm thời, từ trước Lễ tuyên bố Độc lập 2-9, tôi đã trình rằng anh em sinh viên rất nóng lòng muốn biết ngày Chính phủ mở lại cửa các trường đại học. Dẫu chính quyền cách mạng đang lo đối phó với thù trong giặc ngoài, với nạn đói vừa mới cướp đi sinh mạng của 2 triệu đồng bào, Hồ Chủ tịch tán thành mở lại đại học càng sớm càng tốt, ngày giờ giao cho Bộ quyết định. Tại một phiên họp sau đó Hội đồng Chính phủ đã quyết định đến ngày 15-11-1945 mở lại cửa trường đại học. Tôi nhớ có trình Hội đồng xem xét danh sách các giáo sư được thỉnh giảng, Hội đồng nhất trí cả. Giám đốc đầu tiên của Đại học Việt Nam, đương nhiên do Tổng giám đốc Đại học vụ Nguyễn Văn Huyên kiêm nhiệm, vì cả nước (cả Đông Dương!) lúc ấy chỉ có một trường đại học, hơn nữa chính anh Huyên lại là người chuẩn bị kế hoạch cụ thể về việc mở lại và mở mới các khoa đào tạo.

*

Nguyễn Văn Huyên được cử giữ chức Bộ trưởng Giáo dục vào phiên họp Quốc Hội cuối năm 1946 (tháng 11). Trước đó, từ tháng 3 đến tháng 11, liên tiếp lãnh đạo Bộ là hai ông Đặng Thai Mai rồi Ca Văn Thỉnh. Nhưng vì thời gian giữ chức ngắn quá, hai ông Bộ trưởng này chưa kịp đưa thêm những chủ trương cụ thể gì vào đường lối giáo dục nói trên, nên trên thực tế việc tổ chức chế độ giáo dục dân chủ, dân tộc, khoa học, được tiến hành theo phương hướng của Hội đồng Cố vấn học chính đã phác ra và do Sắc lệnh 146 (10-8-1946) ban bố. Và trách nhiệm đôn đốc, đương nhiên thực tế rơi lên vai Nguyễn Văn Huyên. Còn tôi thân dẫu đã “lìa ngó ý” mà đầu óc vẫn còn “vương tơ”, nên thường qua lại làm việc với anh, lấy tư cách là Uỷ viên Hội đồng Cố vấn học chính. Anh được cử làm một trong số cố vấn cho phái đoàn ta đi họp ở Hội nghị Đà Lạt trù bị thi hành Hiệp định sơ bộ 6-3-1946; khi trở về thì tôi sang sân bay Gia Lâm đón anh. Dọc đường trên xe anh kể lại những buổi anh đấu tranh ráo riết với phái đoàn Pháp để giành cho được phía Việt Nam có toàn quyền quản lý các trường đại học và học viện khoa học, với chuyển ngữ duy nhất ở đại học là tiếng Việt; tiếng Pháp chỉ được duy trì với ý nghĩa là một ngoại ngữ. Tôi nghĩ bụng: Nguyễn Văn Huyên tha thiết với tiếng nói dân tộc như thế đấy!

 

============

Ghi chú:

(1) Anh Phấn là đồng sự của GS. Nguyễn Văn Huyên, phụ trách thư viện; sau này là biên tập viên báo Thanh Nghị, phụ trách mục: Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII.

(2) Tôi mượn của Nguyễn Ngọc Minh, sinh viên Luật học, giáo viên TBQN, biên tập viên báo Thanh Nghị (xem bài: Tính hài hước trong ca dao Việt Nam).

(3) Le Problème de la paysannie annamite au TonKin (1939).

(4) Đã đói lại còn ương gàn, bo bo hủ lậu - Nghiêm Xuân Yêm nhận xét thế trong báo Thanh Nghị, số đặc san đầu năm 1945. Nhưng Nghiêm Xuân Yêm viết tiếp: Lỗi không ở nơi họ mà chính ở nơi ta, những chàng thanh niên được may mắn đi học, học xong thì bỏ làng buôn, đã thấy tội chưa? Vũ Đình Hòe cũng viết theo, kêu gọi: Hỡi các bạn thanh niên, hãy trở về làm việc làng! Vũ Văn Hiền về quê hương, nhiệm chân Tiên chỉ, nhưng chả làm được gì nhiều, vì vấp phải sự chống đối của bạn “sôi hụt” và sự thờ ở của đồng hương đàn em!

(5) Luật của Pháp cũng như nhiều nước quy định quyền tác giả kéo dài 50 năm sau khi tác giả chết.

(6)  Các bài giảng này sau đó có đăng ở Tạp chí TN 1943 - 1944.

(7) Tác phẩm tuyệt vời này, dày 232 khổ rộng do Nha học chính Đông Dương xuất bản, Hà Nội 1944.

(8) Tự sửa mình, coi sóc việc nhà quản lý đất nước, giữ thiên hạ yên bình; Dân là quý nhất, cơ đồ là thứ yếu, ngôi vua coi nhẹ.

(9) Chương trình này đăng trong Công bá Đông Dương số 71 - ngày 5-9-1942, áp dụng ngay trong niên khóa 1942-1943.

(10) Các việc trên đã được chép kỹ trong “Hồi ký Thanh Nghị” của Vũ Đình Hoè, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1997.

(11) Nguyễn Văn Huyên có chân trong “Văn hóa cứu quốc, Việt Minh Hà Nội”.

(12) Nguyễn Hữu Tảo: Giáo sư Cao đẳng tiểu học Hải Phòng, một thủ lĩnh Hương đạo Bắc Kỳ, thầy dạy Vũ Văn Hiền xưa.

(13) Sau tăng lên 3 năm, vì lý do chiến sự ác liệt.

(14) Những phương pháp giáo dục ở nước ngoài và vấn đề cải cách giáo dục, Thanh Nghị tùng thư, Hà Nội, tháng 5-1945.

(15) Phỏng theo 3 nguyên tắc “dân tộc, khoa học, đại chúng” nêu trong “Đề cương văn hóa” của Đảng CS Đông Dương có đảo trật tự và thay từ “đại chúng” bằng từ “dân chủ”, trích trong báo cáo của Bộ Quốc gia Giáo dục trước Quốc hội 1946. Báo cáo này có đăng trong cuốn “Khoa cử và Giáo dục Việt Nam” của N.Q.Thắng, NXB Văn hóa - Thông tin, 1993, trang 330-338.

 Vũ Đình Hòe
Nguyên Bộ trưởng đầu tiên Bộ Quốc gia Giáo dục nước VNDHCH
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :