Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Lễ khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945
Báo Nhân dân số ra ngày 31/12/2001 công bố bài diễn văn của GS. Nguyễn Văn Huyên trong lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15-11-1945. Văn bản do GS. Trần Quốc Vượng trao cho GS. Đào Trọng Thi và GS. Thi đã chuyển cho báo Nhân dân.

Đây là bản thảo viết tay bằng bút chì, lưu giữ trong hồ sơ lưu trữ của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) ở Paris, cặp 14 mang tên “Hồ sơ Nguyễn Văn Huyên” và do cô Nguyễn Phương Ngọc là nghiên cứu sinh tại Aix-en-Provence phát hiện, sưu tầm gửi về nước biếu gia đình cố GS. Nguyễn Văn Huyên. Đây là một tư liệu quý, có nhiều giá trị không những về sự thành lập trường Đại học Quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam DCCH, mà còn biểu thị nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của giáo dục đại học và những quan điểm xây dựng một trường Đại học quốc gia đa ngành rất tiên tiến. Những bản tin của báo chí đương thời và hai tấm ảnh trong “Album ảnh cách mạng Việt Nam 1945-1946” của GS. Philippes Devillers về lễ khai giảng trường Đại học Việt Nam sẽ cung cấp những thông tin đáng tin cậy về sự kiện mang ý nghĩa lịch sử này.(*)

Cuối năm 2003, nhân dịp sang Paris dự Hội thảo khoa học về 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi may mắn gặp lại GS. Philippes Devillers, một nhà sử học nổi tiếng, một chuyên gia về lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Ngay trong buổi gặp đầu tiên, Giáo sư đã vui mừng thông báo cho tôi biết là gần đây, Giáo sư đã tìm thấy trong hồ sơ tư liệu một cuốn Album ảnh về cách mạng Việt Nam năm 1945-1946 và ngỏ ý trao tặng tôi cuốn Album đó. Nhưng vì một số đồng nghiệp khi biết tin này, đề nghị Giáo sư cho họ được sao chụp làm tư liệu trước khi chuyển cho phía Việt Nam. Vì vậy Giáo sư đã trao cho tôi nguyên bản danh mục các ảnh của Album bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, đồng thời cho tôi dùng máy ảnh kỹ thuật số chụp toàn bộ ảnh và hứa sẽ chuyển cho tôi cuốn Album trong thời gian gần đây. Giáo sư cho phép tôi được toàn quyền sử dụng những ảnh tư liệu này. Trong buổi trao đổi thân mật tại nhà GS. P. Devillers, tôi được biết Album ảnh này do Ban thông tin Việt Minh tặng ông trước khi rời Hà Nội vào giữa năm 1946. Lúc đó, Giáo sư là phóng viên báo Le Monde (Thế giới) tại Hà Nội.

Album có 30 tờ, mỗi tờ dán từ 3-4 đến 8-9 ảnh, cỡ ảnh không đều và có một số ảnh ghép từ 2, 3 ảnh, không ghi tác giả của từng ảnh hay cả tập Album. Tất cả đều ảnh đen trắng và qua hơn nửa thế kỷ, chất lượng có phần giảm sút, nhưng nói chung đều rõ, nhiều ảnh tốt, chỉ một số ít ảnh bị mờ, ngả màu hay có vết mốc trắng. ảnh sớm nhất là cuộc mít tinh của Tổng hội công chức ngày 17-8-1945 và cuối cùng là ảnh lễ kỷ niệm hai liệt sĩ Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thái Học ngày 18-6-1946. Trong tổng số 203 ảnh, đặc biệt có 2 ảnh về lễ khai giảng trường Đại học Việt Nam. Qua vi tính, tôi đã phóng đại hai ảnh này và có thể xác định lễ khai giảng tổ chức tại Đại giảng đường Đại học Đông Dương, nay là Giảng đường Nguỵ Như Kontum của Đại học Quốc gia Việt Nam ở 19 phố Lê Thánh Tông.

Sau đây là hai bức ảnh về lễ khai giảng trường Đại học Việt Nam:

 

 

Một số báo lúc đó đã đưa tin về lễ khai giảng này. Báo Tiên phong là cơ quan vận động văn hoá mới của Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam, chỉ đưa tin tóm tắt về “Trường đại học khai giảng”. Đặc biệt báo Cứu quốc là cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh số ra ngày 15-11-1945 loan tin trong mục “Các giới hoạt động”: “Lễ khai giảng trường Việt Nam Đại học Hà Nội sẽ cử hành vào ngày 15 tháng 11 năm 1945 hồi 9 giờ sáng do cụ Hồ Chí Minh chủ toạ”. Số báo ra ngày hôm sau, ngày 16-11, có một bài tường thuật khá kỹ về lễ khai giảng này dưới đầu đề:

“Lễ khai giảng trường Đại học

Một ngạch Giáo sư mới

Một lớp Cao đẳng chính trị xã hội thay cho trường Đại học Luật khoa

Hai nguyên tắc mới của nền học Việt Nam

Chú thích tiếng Việt và tiếng Pháp trên hai bức ảnh của GS. P. Devillers ghi ngày khai giảng là ngày 13//11/1945. Rõ ràng đối chiếu với báo Tiên phong và Cứu quốc thì lễ khai giảng bắt đầu lúc 9 giờ ngày 15/11/1945. Đó là một nhầm lẫn của người ghi chú ảnh, cần đính chính.

Bài tường thuật cho biết rõ lễ khai giảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa, tham dự có “nhiều bậc nhân sĩ Trung Nam Bắc” và khách “ngoại quốc”.

Trước hết, ông Giám đốc Đại học học vụ phát biểu. Đó là GS. Nguyễn Văn Huyên giữ chức Giám đốc Đại học vụ của Bộ Giáo dục và sau đó, được bổ nhiệm làm Giám đốc trường Đại học Việt Nam kiêm Giám đốc Đông phương bác cổ học viện. Bài phát biểu của GS. Nguyễn Văn Huyên chính là bài diễn văn mà bản thảo đã được sưu tầm, công bố trên báo Nhân dân năm 2001.

GS. Vũ Đình Hòe

Tiếp theo, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vũ Đình Hoè lên phát biểu ý kiến. Theo bài tường thuật, nội dung bài phát biểu của ông Bộ trưởng là “vạch rõ tính cách thực tiễn của nền đại học mới” và “nhiệm vụ tối khẩn của nhà trường đại học là cung cấp một đội quân xung phong kiến quốc cho nước nhà”.

Sau đó, “một vị thân sĩ Trung Quốc” lên phát biểu, nói về quan hệ giữa hai nền văn hoá Hoa - Việt.

Sau cùng, Bác sĩ Hồ Đắc Di (bài báo viết BS Hồ Đắc Sinh?) lên đọc danh sách những bác sĩ tốt nghiệp Đại học y khoa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị quan khách được mời “phát bằng trao tận tay cho các vị tân khoa nam nữ giữa những tràng pháo tay”.

Bài tường thuật của báo Cứu quốc khá đầy đủ và phản ánh trung thực nội dung bản thảo bài diễn văn của GS. Nguyễn Văn Huyên. Điều đó cho phép xác nhận bản thảo viết tay đang lưu giữ tại Viện Viễn đông bác cổ Pháp là bài diễn văn mà GS. Nguyễn Văn Huyên đã phát biểu tại lễ khai giảng ngày 15-11-1945. Theo bài diễn văn, về đội ngũ giáo sư, nền đại học Việt Nam sẽ “lập một ngạch mới vì nền tảng của Pháp thuộc để lại quá mỏng yếu”. Tiêu chí lựa chọn giáo sư “căn cứ không những là chỉ về bằng cấp mà cả về kinh nghiệm” và gồm “có những bậc đã từng chiến đấu cho đất nước, có những vị nhiều kinh nghiệm trên đường đời, có những nhân sĩ đã từng du học lâu năm ở ngoại bang”, “có đủ nhân tài tham gia vào công cuộc kiến thiết: tân học có, cựu học có, lão thành có, tuổi trẻ có”. Về mặt tổ chức và kinh phí, trường Đại học có “một Hội đồng quản trị gồm các giáo sư có kinh nghiệm và những bậc có quan tâm tới đại học” làm nhiệm vụ “tìm một phương sách thích hợp để mở mang nền đại học và để quản trị một ngân sách tự trị giống như các quỹ tự trị ở các trường đại học các nước tân tiến Âu - Mỹ” do chính phủ trợ cấp hàng năm và sự đóng góp của các bậc hảo tâm.

 Trước mắt, trường đại học mở 5 ban là: y khoa, khoa học, văn khoa, chính trị xã hội và mỹ thuật. Ban y khoa, khoa học và mỹ thuật “hiện thời vẫn theo qui tắc cũ” và sẽ lập “một hội đồng để tìm phương sách cải tổ lại cho hợp với những tiến bộ của nhân loại”. Hai ban mới là chính trị xã hội và văn khoa. Ban chính trị xã hội “thay cho ban luật học cũ vì khuôn khổ ấy không thích hợp với sự nhu cầu của mọi ngành xã hội canh tân này” và có hai lớp: một lớp dành cho những sinh viên đã qua hai năm luật khoa và một lớp đặc biệt mở cho những thanh niên đã tốt nghiệp trung học, theo ngành kinh tế và hành chính hay công pháp và ngoại giao hay tư pháp. Ban văn khoa hoàn toàn mới nhằm đào tạo giáo sư trung học và đáp ứng sự phát triển của ngành triết lý, xã hội, văn chương, sử ký, địa dư, trong hai năm đầu mở các khoa: triết lý, xã hội và nhân chủng, văn chương, sử ký và địa dư. Ngoài ra, còn những “lớp sinh ngữ” dạy những tiếng “quan trọng cho văn hoá, như tiếng Trung Hoa, tiếng Anh - Mỹ, tiếng Nga”.

Bài diễn văn nhấn mạnh bối cảnh hết sức khó khăn của đất nước đang đứng trước cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và “cuộc xâm lăng ấy còn đương tiếp tục một cách mãnh liệt mà chúng tôi được thượng lệnh xây đắp ngay nền tảng đại học quốc gia”. Chính trong bối cảnh đó, sự thành lập trường đại học là “để tỏ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc tranh đấu bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại”.

Xin lưu ý, tên trường đại học theo bài tường thuật của báo Cứu quốc là “Trường Đại học Việt Nam” hay “Việt Nam Đại học Hà Nội”, nhưng theo bài diễn văn của cố GS. Nguyễn Văn Huyên là “Trường Đại học Quốc gia Việt Nam”.

Như vậy là 88 ngày sau Cách mạng tháng 8/1945 và 74 ngày sau khi nước Cộng hoà dân chủ Việt Nam ra đời với Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, một trường đại học đầu tiên đã được thành lập và khai giảng ngày 15/11/1945 tại Thủ đô Hà Nội. Đặt trong bối cảnh chính quyền cách mạng đang đứng trước muôn vàn khó khăn của nạn đói, nạn mù chữ, của thù trong giặc ngoài, thì cần ghi nhận đây là một cố gắng, một quyết tâm rất lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời với nhận thức sâu sắc về vai trò trọng đại của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Trường đại học quốc gia đầu tiên này được tổ chức theo mô hình đại học đa ngành, ngay trong năm học đầu đã gồm các chuyên ngành của y học, dược học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn với các lớp dài hạn và ngắn hạn, đồng thời nêu cao quyền tự trị của trường đại học với sự thành lập Hội đồng quản trị và ngân sách tự trị. Đó là mô hình đại học tiên tiến của thời đại.

Sau Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, trước tình hình chiến sự diễn biến theo hướng càng ngày càng phức tạp và căng thẳng, trường đại học phải tạm thời ngừng hoạt động, rồi ngày 19/12/1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trường Đại học Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng sự ra đời, lễ khai giảng với sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một sự kiện quan trọng mang nhiều ý nghĩa của lịch sử giáo dục Việt Nam, nhất là lịch sử nền đại học Việt Nam và lịch sử ĐHQGHN.

 

----------------

(1) Xin cảm ơn PGS. Nguyễn Văn Huy đã cung cấp cho tôi bản sao chụp bài diễn văn khai giảng Đại học ngày 15-11-1945 của cố GS. Nguyễn Văn Huyên.

 Phan Huy Lê
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :