Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Hãy nỗ lực để góp sức dựng xây ĐHQGHN trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao
Tại Lễ tuyên dương những gương mặt trẻ tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2005 tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày 10/12/2005, thay mặt cán bộ trẻ ĐHQGHN, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Phương Thùy, giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV đã phát biểu bày tỏ những tâm nguyện, hoài bão của cá nhân mình và tuổi trẻ hôm nay. Sau đây là nội dung bài phát biểu:

Kính thưa quý vị đại biểu,

Kính thưa các thầy cô giáo,

Thưa các bạn đồng nghiệp và các bạn sinh viên thân mến!

Hôm nay, tôi rất vinh dự khi được đại diện cho 255 gương mặt trẻ tiêu biểu của ĐHQGHN có đôi lời phát biểu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước nhà. Tôi không chỉ thấy mình được đón nhận một niềm vinh dự mà còn ý thức rất rõ ràng là thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay đang và sẽ gánh vác một trách nhiệm nặng nề: không ngừng học hỏi, noi gương và tiếp bước thế hệ cha anh đi trước.

Hàng năm, ngày 10/12 - ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập ĐHQGHN cũng là ngày lễ tuyên dương những gương mặt trẻ tiêu biểu của ĐHQGHN. Dù đạt được một số thành tích nho nhỏ nhưng tôi ý thức rằng chúng tôi vẫn còn là những gương mặt trẻ - trẻ về tuổi đời, tuổi nghề, trẻ trong hoạt động chuyên môn và trẻ cả về vốn sống. Bây giờ, chúng tôi mới bắt đầu những bước đi “chập chững” vào ngành, vào nghề và vào đời.

Năm học 2004-2005, với tư cách là một nghiên cứu sinh, tôi đã đạt được điểm chuyên đề là 9.0. Đồng thời, tôi cũng đã cố gắng viết được 4 bài nghiên cứu: 2 bài ở Ngữ học trẻ - tháng 3/2005, 1 bài ở tạp chí Ngôn ngữ tháng 11/2004, và một bài viết chung với GS. Đinh Văn Đức - giáo sư hướng dẫn luận án cho tôi ở ngành Ngôn ngữ học: khoảng gần 30 trang sách in chương IV, Phần 8 trong cuốn “Văn học Việt Nam thế kỷ XX” do GS. Phan Cự Đệ chủ biên xuất bản tháng 11/2004. Đây cũng là cuốn sách được ĐHQGHN tặng Giải thưởng nghiên cứu khoa học xuất sắc năm 2004.

Với tư cách là một cán bộ trẻ, tôi tham gia công tác giảng dạy và làm giáo viên chủ nhiệm, đã hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải nhất cấp Trường và được gửi dự thi cấp ĐHQG. Năm 2004-2005, tôi được Chi bộ Khoa Ngôn ngữ học tín nhiệm bầu vào Chi ủy khoa với nhiệm vụ phụ trách công tác Đảng vụ, phát triển Đảng.

Có được những kết quả trên, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của bản thân ở những bước đi đầu tiên, tôi thấy may mắn và tự hào vì được rèn luyện, phấn đấu và được các cấp lãnh đạo, các thầy cô, bạn bè đồng nghiệp tạo điều kiện cho tôi phấn đấu trong môi trường văn hóa nhân văn. Đó là Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Được đứng ở đây phát biểu hôm nay, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới các thầy cô- những người đã tận tình rèn giũa chúng tôi những năm tháng qua, từ bậc đại học đến bậc sau đại học, từ khi chúng tôi còn là sinh viên cho đến khi chúng tôi trở thành những người cán bộ trẻ góp sức dựng xây Nhà trường. Xin chân thành cảm ơn các thầy cô đã tin tưởng truyền cho chúng tôi ngọn lửa đam mê khoa học, đã không chỉ giảng dạy kiến thức chuyên môn mà còn dạy cho chúng tôi những bài học làm người, bài học về nhân cách, về đạo đức của người thầy để chúng tôi lại tiếp tục truyền thụ cho sinh viên. Xin trân trọng cảm ơn Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN nói chung, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường ĐHKHXH&NV nói riêng vì đã tạo điều kiện cho chúng tôi được phấn đấu, tu dưỡng và cống hiến. Hơn bất cứ nơi nào, ở Trường ĐHKHXH&NV, việc xây dựng môi trường giáo dục văn hóa - nhân văn lành mạnh được đề ra trong các Nghị quyết, chương trình hành động của Nhà trường, là nền tảng vững chắc để cho mọi giảng viên, cán bộ, sinh viên thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm, tâm huyết của mình: dạy tốt- học tốt- công tác tốt. Có người nói rằng: “Đào tạo một người đàn ông, chúng ta được một người chồng tốt. Đào tạo một người phụ nữ, chúng ta được một gia đình tốt. Đào tạo một người thầy, chúng ta được một thế hệ tốt”. Có thể nói, vai trò của người thầy trong giáo dục, đào tạo là có tính lâu bền, nền tảng.

Bài học đi suốt bên tôi từ những năm học đại học ở trường là: Ở môi trường Trường ĐHKHXH&NV, chúng tôi được giáo dục về “nhân bản”- cái gốc của con người, được giáo dục và trau dồi ý thức và kiến thức về tính người, tình người. Tôi cũng xin cảm ơn các đồng nghiệp, gia đình, bạn bè- những người đã kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi với chúng tôi trong thời gian qua.

Có lẽ, 255 gương mặt trẻ tiêu biểu hôm nay chỉ là đại diện cho không ít những gương mặt trẻ của ĐHQGHN đang không ngừng tu dưỡng, phấn đấu, cống hiến. Là một nghiên cứu sinh, đồng thời là một cán bộ trẻ, một đảng viên trẻ, tôi thấy mình phải tiếp tục học hỏi, rèn luyện hơn nữa. Tôi tin tưởng rằng thế hệ trẻ của Trường ĐHKHXH&NV sẽ cùng nhau gánh vác trọng trách, sứ mệnh xây dựng, phát triển nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn của nước nhà, trong đó có cả sứ mệnh đào tạo nhân văn, nhân bản và dự báo về vấn đề con người ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh khoa học - công nghệ đã và đang phát triển với tư cách là các ngành mũi nhọn. Từ đó, cán bộ trẻ Trường ĐHKHXH&NV cùng thế hệ trẻ trong các đơn vị của ĐHQGHN nỗ lực để góp sức dựng xây ĐHQGHN thực sự thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế hóa toàn cầu.

Nếu có một lời nho nhỏ để nói lên tâm nguyện của tôi và thế hệ trẻ hôm nay, xin được nhắc lại đôi câu chữ Hán tôi may mắn được học thuở đại học:

Bạch nhật mạc nhàn quá
Thanh xuân bất tái lai”

Nghĩa là:  Sống đừng để ngày tháng trôi qua vô vị, tuổi trẻ không đến lần thứ hai”

Xin kính chúc quý vị đại biểu, các thầy cô, các bạn đồng nghiệp, các bạn sinh viên mạnh khoẻ, thành đạt, mọi điều tốt lành.

Xin trân trọng cảm ơn!

 VnuNEWS - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :