Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Kết quả bước đầu đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường Đại học Thuỷ sản
Cần phải khẳng định ngay: đào tạo tín chỉ là hình thức tổ chức đào tạo được áp dụng cho nền đại học đại chúng. Nhờ nó mà cơ hội được học tập của mọi người là như nhau, bất luận sự khác nhau của hoàn cảnh và điều kiện cá nhân.

Tinh thần cốt lõi của học chế tín chỉ là: Thầy phải thay đổi cách dạy, SV phải thay đổi cách học và Trường phải thay đổi cách quản lý. Chỉ khi nào đạt được sự đồng bộ đó chúng ta mới hy vọng có được một sự hoàn thiện trong tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ .

Là một Trường tổ chức đào tạo tín chỉ từ 1995, chúng tôi xin được chia sẻ một vài suy nghĩ về việc tổ chức đào tạo theo học chế này.

Trước hết, theo chúng tôi để triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ cần phải có những điều kiện sau đây:

TS. Vũ Văn Xứng

- Phải có một Quy chế đào tạo hoàn chỉnh làm cơ sở pháp lý vững chắc cho qúa trình đào tạo, được phổ biến thấu đáo và công khai đến CBGD và SV.

- Phải có chương trình đào tạo ổn định và được công khai hoá toàn diện từ nội dung cho đến lịch trình giảng dạy, từ các điều kiện tiên quyết của từng học phần, cho đến lịch học, lịch thi... Chương trình đào tạo phải đảm bảo tính liên thông rộng, tức là phải có khối kiến thức chung đủ khái quát để tăng cường “tính lắp lẫn”, phần kiến thức tự chọn đủ lớn để tạo cơ hội cho SV dễ dàng chuyển đổi ngành nghề và tích luỹ kiến thức để sớm nhận được văn bằng ở các chuyên ngành thứ hai, thứ ba .

- Nhất thiết các học phần phải có giáo trình hoặc tài liệu tham khảo.

- Phương pháp giảng dạy cần phải được thay đổi theo hướng giảm cường độ làm việc của thầy (nhưng khối lượng kiến thức không giảm) và tăng cường độ làm việc của người học. Phương pháp thi cử, kiểm tra đánh giá phải được thay đổi theo hướng đánh giá quá trình và phải đảm bảo hết sức khách quan.

- Các khái niệm truyền thống như lớp SV, năm học, học kỳ… không còn tồn tại theo đúng nghĩa, khái niệm lên lớp hay lưu ban…cũng không còn. Do đó phải thay đổi cách thức tổ chức đào tạo, cách thức quản lý SV: quản lý theo từng chương trình đào tạo đến mỗi người học.

- Phải có niên lịch rất cụ thể và chi tiết của các hoạt động đào tạo (bao gồm số lớp môn học sẽ tổ chức trong học kỳ, giảng đường, buổi học và thầy dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập và lịch thi kết thúc học phần…) và công khai để toàn thể SV được biết.

- Phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về tâm lý cho CBGD và CB quản lý để cùng nhau tháo gỡ những trở ngại dứt khoát sẽ phát sinh khi mà thói quen cũ còn đó, cái mới thì hãy còn đang định hình và không dễ gì được chấp nhận ngay.

- Phải có lực lượng CBGD đủ lớn cần thiết để đảm bảo các học phần được tổ chức giảng dạy liên tục trong tất cả các học kỳ. Có như thế mới tạo cơ hội cho SV được lựa chọn tiến độ học tập.

- Phải có lực lượng CBGD vừa có nhiệt tình, vừa phải có tấm lòng trong vai trò Cố vấn học tập để chẳng những hướng dẫn SV lựa chọn kế hoạch và tiến độ học tập, mà còn giúp SV định hướng cũng như chuyển đổi nghề nghiệp trên cơ sở thấu hiểu năng lực sở trường và điều kiện cũng như hoàn cảnh của họ.

Thông qua gần 10 năm tổ chức đào tạo tín chỉ, có thể kể ra đây những mặt được rất cơ bản của hình thức đào tạo này:

- SV ý thức được việc học của mình nhiều hơn, chăm chỉ học hành hơn. Tính năng động và sáng tạo của SV ngày càng cao hơn do quá trình cá thể hoá việc học tập diễn ra mạnh mẽ. SV trở nên nhạy cảm hơn, có ý thức làm chủ bản thân mình do chỗ họ được quyền tự quyết việc học tập của mình (học cái gì, lúc nào học và lúc nào thi là do họ tự quyết định).

- Việc sàng lọc trong học chế tín chỉ diễn ra khá gay gắt đã có tác động mạnh đến tâm lý SV. Cùng với việc không cho thi lại đối với những học phần từ điểm F trở xuống được coi là những cú hích tâm lý có hiệu quả đối với SV. Mỗi năm Trường chúng tôi tuyển mới khoảng trên dưới 2000 chỉ tiêu ĐH và Cao đẳng chính quy, thế nhưng mỗi học kỳ đã cho thôi học không dưôi 100 trường hợp, có không ít những SV năm cuối cũng phải thôi học vì kết quả học tập yếu kém (tính bình quân mỗi năm có 200 SV bị buộc thôi học chiếm tỉ lệ 2% tổng số SV toàn trường). Số được công nhận tốt nghiệp đúng kỳ hạn chỉ khoảng 45 - 50%.

- Tác động mạnh đến tâm lý tư tưởng của người dạy, buộc các thầy phải tìm cách nâng cao chất lượng giờ giảng, bài giảng và cũng buộc các thầy phải không ngừng tìm tòi đổi mới cách thức truyền đạt kiến thức và bổ sung kiến thức mới để làm cho bài giảng ngày càng trở nên phong phú hơn.

- Thầy và trò, trong cỗ máy đào tạo, hoạt động như những bộ phận độc lập nhưng mức độ gần gũi, thân thiện không ngừng nâng cao trong khi ranh giới vẫn không bị xoá nhoà.

- Hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm… được khai thác triệt để hơn, tải trọng được phân bố đều dặn hơn.

Tuy vậy đã phát sinh không ít vấn đề, đó là:

- Trong học chế tín chỉ vai trò của CVHT rất quan trọng, do tác động của cơ chế thị trường và cũng do sự chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức chưa thật chu đáo cho nên lực lượng này chưa phát huy được tác dụng. Thực tế đó đã làm giảm đi đáng kể tính chất mềm dẻo của học chế tín chỉ.

- Sự quy đổi không ngang bằng từ các điểm số thang 10 sang thang điểm chữ (A,B,C,D,F) đã làm cho số SV được xếp loại khá và giỏi rất cao nhưng không thực chất. Việc chuyển đổi và công nhận những học phần từ điểm 4 trở lên đã được coi là đạt yêu cầu - tức là kết quả chỉ cỡ 40% - là điều cần phải cân nhắc kĩ lưỡng (hoặc là phải thay đổi quan niệm, thay đổi cách thức cho điểm của thầy hoặc là phải sửa đổi quy chế đào tạo), trong khi đối với hệ 10 điểm thì điểm 5 mới được coi là đạt yêu cầu. Đây là điều cần phải được xem xét khi quy đổi từ điểm số (hệ 10) sang điểm chữ trong Quy chế.

- Việc đánh giá kết quả học tập là theo quá trình, điểm kiểm tra học trình có tỉ trọng nhất định trong kết quả cuối cùng, thế nhưng do những sơ hở trong tổ chức thực hiện, do việc xem nhẹ của một số thầy và do số lượng SV trong một lớp môn học được bố trí khá đông đã dẫn đến sự đánh giá thiếu chính xác. Trong thực tế khá nhiều SV nhờ điểm kiểm tra cao (vì sự lỏng lẻo trong công tác tổ chức và quản lý) đã vượt qua điểm F (dưới 4,00) mặc dù điểm thi kết thúc học phần thấp, đây là một thực tế không thể chấp nhận.

- Các khái niệm truyền thống như lớp SV, năm học thứ nhất, thứ hai, khoá học này, khoá học kia… đã trở nên mờ nhạt. Sự cá thể hoá cao độ quá trình học tập đã dẫn đến những khó khăn trong tổ chức các hoạt động tập thể và các phong trào chung. Ý thức tập thể, ý thức cộng đồng giảm sút đáng kể.

- Việc quản lý phải cụ thể đến từng sinh viên đã làm cho khối lượng công việc quản lý gia tăng mạnh mẽ, từ chuyện lên kế hoạch tổ chức giảng dạy và học tập, tổ chức đăng ký học tập và xếp lớp, cho đến nhập kết quả học tập và thông báo kết quả học tâp của từng SV.

- Cái khó của chúng ta khi chuyển sang đào tạo tín chỉ là đội ngũ CBGD chưa đủ về số lượng để có thể tạo nên sự lựa chọn cho SV. Thế nhưng ý thức học vì điểm của một bộ phận khá đông SV còn nặng nề, vì vậy ngay cả khi một số môn học có đủ số lượng thầy và có khá nhiều thầy dạy hay, dạy giỏi chưa chắc đã dẫn đến lựa chọn khách quan của SV, đa số họ chỉ tìm đến những thầy có nhiều sự dễ dãi, nhất là dễ dãi trong thi cử, để đăng ký học tập.

- Quan niệm về việc coi SV là trung tâm của quá trình đào tạo còn chưa được khẳng định. Những xung đột về quan niệm đã dẫn đến không ít vấn đề mặc dù là nhỏ nhưng có lúc đã bị xé ra to, làm cho tình hình thêm phức tạp.

Nhằm khắc phục những trở ngại ấy, chúng tôi đã:

- Cùng với việc sàng lọc thường xuyên mỗi năm 2 lần để cho thôi học với các trường hợp vi phạm về điều kiện lực học, chúng tôi đã thường xuyên thông báo về gia đình những SV thuộc diện “báo động” và nâng số lần xét và công nhận tốt nghiệp mỗi năm lên 4 lần và 2 lần triển khai công tác tốt nghiệp.

- Tiến hành điều chỉnh cách thức tổ chức thi cử: thi chung đề và rọc phách để tạo nên những chuẩn mực trong thi cử, mặc dù việc làm này đã dẫn đến sự sự gia tăng khối lượng công việc và sự phản ứng của khá nhiều CBGD với quan niệm: cắt ráp phách bài thi và hoán đổi người chấm bài là tứơc đoạt quyền đánh giá SV một cách đầy đủ trực tiếp của người thầy.

- Vì phải tiến hành kiểm tra thường kỳ và như vậy lúc này khối lượng chấm bài của thầy sẽ tăng lên, phải có chính sách bù lại sự gia tăng khối lượng công việc cho các thầy bên cạnh việc khuyến khích các thầy đổi mới phương pháp giảng dạy.

- Để duy trì các hoạt động đoàn thể và các hoạt động phong trào, hình thành các lớp SV lỏng lẻo theo từng Cố vấn học tập.

- Nhằm khắc phục những sai lệch có thể khó tránh trong quá trình xác định kết quả học tập của SV, chúng tôi tổ chức lại công việc như sau: Việc cắt ráp phách và lưu giữ bảo quản bài thi là do các Khoa thực hiện, việc nhập điểm vào máy tính là do Phòng Đào tạo thực hiện còn việc kiểm tra kết quả sẽ do các Khoa chủ trì .

- Nhằm khắc phục tình trạng SV đăng ký học tập hộ nhau theo kiểu gây nhiễu (và chơi xỏ nhau), chúng tôi yêu cầu SV khi đăng ký phải mang theo Giấy chứng minh hoặc Thẻ Sinh viên.

- Vì toàn bộ kết quả học tập của SV được lưu giữ trên mạng máy tính, trong khi khả năng xâm nhập hệ thống của một bộ phận CB và HSSV là không loại trừ cho nên cứ sau mỗi kỳ thi toàn bộ dữ liệu kết quả học tập của SV toàn trường được ghi vào đĩa CD để lưu trữ (vừa là để quản lý lâu dài nhưng cũng là để đề phòng mọi sự can thiệp từ bên ngoài).

Nói tóm lại: đào tạo theo học chế tín chỉ là hình thức tổ chức đào tạo mang tính công nghiệp, sản phẩm được hoàn chỉnh bởi sự lắp ghép hữu cơ các môđun kiến thức, cho phép giải quyết được một số vấn đề phức tạp của việc mở rộng đại học trong khi yêu về cầu củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo luôn luôn là đòi hỏi song hành.

Có thể nói, học chế tín chỉ là hình thức đào tạo rất mềm dẻo với những đòi hỏi rất nghiêm khắc đối với nhà trường đối với người học, và do đó cần phải có sự chuẩn bị rất chu đáo. Phải có sự trợ giúp đắc lực của các phương tiện Công nghệ thông tin với những phần mềm tiện ích từ việc quản lý hồ sơ SV, quản lý CBGD, quản lý giảng đường, quản lý học phí, quản lý việc xếp thời khoá biểu, quản lý kết quả học tập...

Trong tình hình hiện nay và xu thế phát triển của giáo dục đại học, chúng ta không thể cứ ngồi chờ, bởi lẽ làm như vậy khoảng cách giữa chúng ta với các nền đại học tiên tiến ngày càng doãng rộng và nguy cơ tụt hậu là nhãn tiền.

Do đó phải có quyết tâm cao vượt lên chính mình và phương châm hành động của chúng ta lúc này phải là vừa chạy vừa xếp hàng: vừa phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện nhưng cũng phải mạnh dạn tổ chức triển khai thí điểm trong giới hạn một vài trường, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để nhân rộng cho cả hệ thống một khi điều kiện chín muồi./.

 TS. Vũ Văn Xứng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ sản - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   |