Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Tản mạn nhân ngày nhà báo Việt Nam (21/6): Trở thành nhà báo - mơ ước và hiện thực
Công việc làm báo xếp thứ 5 trong 10 nghề được các bạn trẻ lựa chọn nhiều nhất hiện nay mặc dù đó là một công việc nhọc nhằn, gian nan và nguy hiểm...

“Một công việc như thế mới hấp dẫn, thử thách được tinh thần trẻ. Làm nhà báo được ăn, được nói, được đi nhiều, biết lắm lại có thể viết bài cộng tác với các báo và kiếm tiền ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường…” - rất đông các bạn sinh viên chuyên ngành báo chí đã tự tin phát biểu như vậy. Nhưng thực tế ra sao…?

Bên kia bờ ảo vọng?

Bạn tôi học Khoa Báo chí, mới ra trường năm vừa rồi với tấm bằng loại khá nhưng không thể “chen chân” vào được một tòa soạn báo “cho ra hồn”. Xoay sở mãi, cuối cùng cô cũng ký được hợp đồng làm “báo” nội san cho một công ty nhà nước nọ. Một tháng nội san mới “xuất bản” 1 số, lượng bài dùng để đăng bên cạnh 2/3 số bài “cúng cụ” đã được “lim” sẵn, còn lại cô và một đồng nghiệp phải “lăn lưng” đi viết, thế nhưng thường là tháng sau mới ra được số báo tháng trước. Lương hợp đồng hàng tháng chỉ đủ “sống ở thủ đô” với mức tối thiểu, nhuận bút từ các bài viết thu được không đáng kể, thời gian để viết cho các tờ báo khác không nhiều bởi “giờ hành chính” đã chiếm gần hết “quỹ giờ” của cô. Mỗi khi có dịp gặp bạn bè, cô nàng chỉ biết lắc đầu: “Làm báo cho công ty bị bó buộc nhiều thứ, nội dung, chủ đề bị hạn chế, không biết những hoài bão ngày trước của mình đã bay đâu hết. Với lại, làm việc với tư cách phóng viên nội bộ như vậy biết bao giờ mới có thẻ nhà báo, mới viết được một tác phẩm báo chí gây tiếng vang”. Không chỉ có như vậy, cô bạn tôi còn kể bằng giọng ấm ức: Ngày 21/6 mà phòng làm việc của mình lặng lẽ chẳng khác bình thường, trong khi đó thì bạn bè ở các báo khác nhận được không biết bao nhiêu là lời chúc, cả hoa, cả quà. Nhìn người, ngẫm ta mà thấy tủi…

Phóng viên nghị trường là niềm mơ ước của nhiều bạn phóng viên trẻ

Xã hội càng phát triển, báo chí càng có vai trò và vị trí quan trọng, số lượng người lựa chọn nghề này càng đông, sự cạnh tranh càng khốc liệt. Vấn đề đầu ra cho sinh viên báo chí là bài toán đau đầu không chỉ dành riêng cho các nhà quản lý mà ngay cả thế hệ 8X cũng phải giải. Theo thống kê, chỉ có 1/3 số sinh viên báo chí tốt nghiệp vào được các báo, đài, 2/3 còn lại đi làm đủ thứ nghề để kiếm sống, đó là thực tiễn khắc nghiệt của quy luật cung - cầu. Con số thống kê từ một lớp báo chí (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) đã ra trường thì trong 100 sinh viên có khoảng 30 người theo nghề báo, 19 sinh viên làm PR (quan hệ công chúng cho các công ty), 11 sinh viên làm trái nghề, 12 người vẫn thất nghiệp và khoảng 8 người “bỏ cuộc chơi” để theo chồng…

Tốt nghiệp, sinh viên báo chí ở lại các thành phố lớn và đầu quân được vào các tờ báo có tiếng tăm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Số còn lại chủ yếu làm báo dạng thử việc, hợp đồng ngắn hạn, tạm tuyển nên “thâm niên” mấy tháng làm cho một tờ báo là chuyện thường tình. Con số này khá đông, chỉ tính lượng sinh viên có thành tích học tập khá, giỏi được làm khóa luận tốt nghiệp cũng thấy rằng vấn đề việc làm với họ không hề đơn giản. D.T từng là thủ khoa, sau một thời gian ở nhà rỗi việc đành phải đi làm PR cho một công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, hay B.N cũng tốt nghiệp với tấm bằng giỏi nhưng cũng đành đi làm cộng tác viên cho những tờ báo “hơi ít tiếng tăm”… Nghịch lý hơn, có những sinh viên báo chí mà cả thành tích học tập và viết bài đều khá nhưng vẫn thất nghiệp như thường. Nhiều bạn trẻ quay gót về quê, song số lượng biên chế ở các vùng đô thị càng nhỏ thì càng ít. “Một nghề dễ thấy vinh quang thì cũng phải chấp nhận rất nhiều rủi ro, thách thức. Nếu bạn là người không thực sự có khả năng và tố chất thì đừng chọn báo chí, đừng ảo vọng vào những điều mà thượng đế dành cho người khác chứ không phải cho mình…” - Hữu Khoa, PGĐ Công ty Máy tính Thiên Sơn vốn là cựu sinh viên Khoa Báo chí đưa ra lời khuyên…

Một vị trí chính thức của phóng viên trẻ ở một tờ báo là không nhiều
vì phải luôn cạnh tranh với những người đi trước đầy
kinh nghiệm "trận mạc"

Tòa soạn và sinh viên đều đi tìm một nửacủa mình

Sinh viên đi tìm báo, báo đi tìm sinh viên, tất cả đều phải tự đi tìm một nửa của mình mới mong hợp duyên, mà điều đó thì không phải lúc nào cũng thực hiện được…” - một nhà báo có tiếng tăm ở phía Nam từng nhận xét. Xét cho cùng thì những sinh viên có năng lực, thực sự tâm huyết với nghề, và có điều kiện kinh tế một chút… đều có thể tìm được một vị trí tại một tòa soạn nào đó. Nói theo quan niệm của một doanh nhân tức là: “Hãy cứ kiên trì gõ thì sẽ có một cánh cửa mở ra với bạn”. Chẳng biết điều này có đúng…?

Nếu chỉ có thẻ Nhà báo mà không có thẻ "sự kiện" thì xin mời các bác cứ tự do ở "vòng ngoài"

Chúng tôi đã thử thống kê và nhận thấy rằng đại đa số sinh viên báo chí yêu nghề đều bám trụ lại Hà Nội. Có một số sinh viên (nhờ một lý do nào đó) được vào làm tại các đài phát thanh, truyền hình hay báo điện tử đã nhanh chóng ổn định, có người còn đứng được chương trình sau một thời gian ngắn. Cô bạn Thu Trang vốn là sinh viên K46 Báo chí, ĐHKHXH&NV hiện đang làm MC của chương trình Vườn cổ tích trên VTV3 là một ví dụ điển hình. Ngoài ra nhiều sinh viên được tuyển vào các tờ báo viết uy tín đã có tác phẩm được giải báo chí. Muốn có được những thành công bước đầu ấy, chính họ phải tự bươn chải rất nhiều. “Khôn khéo và nhanh nhạy”, nhiều người bạn của tôi đã sớm tìm đến những tờ báo nhỏ nhưng cần người, những tờ báo địa phương gần Hà Nội, chấp nhận đi xa nhưng không bỏ nghề và nhanh chóng trở thành những cây bút “cứng cựa” của tờ báo…

Nhà báo - anh là ai?

Nói chuyện làm báo với sinh viên báo chí thật lắm điều thú vị. Gian truân nhất vẫn là những ngày đầu thử việc, một số sinh viên nữ trẻ đẹp bị tung vào việc đi “mời” quảng cáo. Có những người thường xuyên bị “sếp” than phiền vì tốt nghiệp đại học mà “viết chẳng giống ai”, lại có trường hợp khi bài đăng lên bị kiện cáo, chỉ biết mếu máo, cầu cứu bạn bè vì ở trường đâu có dạy những “bài” đối phó…

Tôi cũng có những người bạn được mệnh danh là “nhà báo tay ngang”, vì họ chỉ coi nghề báo như một nghề tay trái bên cạnh công việc chính. Khi rảnh rỗi, hoặc phát hiện ra điều gì thú vị trong lúc làm việc, họ lại lôi bút ra để thả hồn theo cảm hứng và hài lòng với danh hiệu mà bạn bè gán cho. Có những bài được tòa soạn đăng lên mà vẫn để nguyên cả địa chỉ email của tác giả, để sau đó là cả một “trận mưa mail” từ bạn đọc gần xa tràn cả hộp thư điện tử. Tình bạn, sự sẻ chia là những gì mà họ có được sau bài viết bên cạnh khoản nhuận bút. Có lẽ chính những niềm vui bất ngờ từ nghề báo nên cho dù có cả những chông gai, nhọc nhằn, đôi khi cả hiểm nguy nhưng không ít bạn trẻ vẫn bị “hấp lực” ấy cuốn vào. Và bạn tin không, nghề báo vẫn là mảnh đất đầy hứa hẹn cho những người trẻ tự tin, ưa chinh phục và đầy bản lĩnh…

 Văn Trương - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   |