Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Không nên nộp quá nhiều hồ sơ thi đại học, cao đẳng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2006.

Tuyển sinh năm nay có một thay đổi quan trọng trong mẫu hồ sơ đăng ký dự thi. Vậy thí sinh cần phải đặc biệt lưu ý những gì đối với hồ sơ đăng ký dự thi, thưa ông?

So với năm 2005, mẫu hồ sơ đăng ký dự thi có một thay đổi quan trọng, đó là không còn mục 16, mà thay vào đó là mục 3. Khi khai vào phiếu đăng ký dự thi, thí sinh cần phải đặc biệt lưu ý: mục 2 dành cho tất cả thí sinh, còn mục 3 chỉ dành riêng cho thí sinh có nguyện vọng 1 học ở những trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi hoặc hệ cao đẳng trong các trường đại học, học viện. Chú ý mục 3 không phải là mục để khai nguyện vọng 2.

Như vậy chỉ những thí sinh có nguyện vọng 1 học ở một trường khác với trường thí sinh đến dự thi mới cần khai mục này, những thí sinh có nguyện vọng 1 ngay ở trường dự thi chỉ cần khai mục 2. Riêng đối với những thí sinh có nguyện vọng 1 học ở những trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi hoặc hệ cao đẳng của các trường đại học, học viện, ở mục 2 cần khai tên trường, ký hiệu trường và khối thi mà không cần khai mã ngành để khi nhập liệu, phần mềm máy tính sẽ tự hiểu và chuyển ngay sang mục 3. Còn ở mục 3, những thí sinh này cần phải khai đầy đủ các nội dung được yêu cầu....

Bên cạnh đó, khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh cần đặc biệt lưu ý: Thứ nhất, không nộp hồ sơ trước thời điểm 10/3 vì trước thời điểm này, mọi hồ sơ gửi về trường dự thi đều là không hợp lệ; dự thi tại trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi cho trường đó qua hệ thống thu nhận hồ sơ của các sở Giáo dục và Đào tạo trong thời gian từ 10/3 đến 10/4/2006.

Thứ hai, không đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường; khi hết hạn nộp hồ sơ theo hệ thống của sở Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ 11/4 đến 17/4, thí sinh nộp hồ sơ cho các trường theo đúng thời hạn quy định và chỉ những hồ sơ nộp qua đường bưu điện mới được coi là hợp lệ; trong mọi trường hợp, các trường đều không trực tiếp thu nhận hồ sơ của thí sinh.

Quy chế tuyển sinh năm nay sẽ thay và sửa đổi những gì, thưa ông?

Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2006, khi chấm thi không quy tròn điểm từng bài thi. Việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0. Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm.

Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng môn chấm thi trình trưởng ban chấm thi quyết định nhưng không vượt quá 1 điểm. Bỏ chế độ cộng điểm thưởng vào kết quả thi tuyển sinh đối với học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi. Bên cạnh đó, đối tượng ưu tiên đã có thay đổi. Đặc biệt, theo quy định mới nhất, thí sinh khi vào phòng thi sẽ được mang máy tính fx 570 ES, fx570 MS và không được mang Atlat và bảng tuần hoàn hoá học vào phòng thi, vì có phần liên quan đến đề thi.

Dù phương án”3 chung” với quy định thí sinh chỉ được thi một trường đã được thực hiện 4 năm nay nhưng thí sinh vẫn luôn thấy “sợ” khi chỉ được chọn một trường để thi. Ông có thể cho thí sinh một lời khuyên trấn an?

Năm 2005, số lượng hồ sơ đang ký dự thi đại học tăng 0,9% so với năm 2004 nhưng tỷ lệ thí sinh dự thi so với hồ sơ đăng ký dự thi là 74,86%, giảm 3,11% so với năm 2004 vì thí sinh đăng ký dự thi vào nhiều trường và nhiều ngành trong một trường. Đó chính là hiện tượng “ảo” hồ sơ. Thực tế thì số hồ sơ “ảo” cũng không nhiều vì theo tính toán, mỗi thí sinh nộp không quá 1,3 bộ hồ sơ.

Năm 2002 là năm đầu tiên áp dụng 3 chung và quy định thí sinh chỉ được phép dự thi một trường. Khi đó, rất nhiều thí sinh đã nộp rất nhiều hồ sơ, không những không giải toả được tâm lý lo sợ mà còn gây ra lãng phí không cần thiết. Khi nộp nhiều hồ sơ nhưng chỉ được chọn một trường để thi, thí sinh sẽ rất dễ nhầm lẫn dẫn đến chọn “bừa”. Nếu đỗ, điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự học tập cũng như tương lai sau khi tốt nghiệp đại học của thí sinh. Mặt khác, với sự chọn “bừa”, nhiều thí sinh cũng đã trượt oan.

Với đề thi chung, hiện tượng chấm chặt, chấm lỏng tại các trường chắc chắn diễn ra và sẽ ảnh hưởng tới sự công bằng về điểm cho thí sinh. Vậy thực tế có đáng lo ngại như thế không, thưa ông?

Đúng là phụ huynh và thí sinh có thể có sự lo ngại đó nhưng tôi khẳng định rằng thực tế không đáng lo ngại và không có lý do gì để đáng lo ngại. Ban đề thi đã chuẩn bị barem điểm rất chi tiết, thống nhất và sẽ được công bố công khai, rộng rãi. Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Các sai sót sẽ bị xử lý theo Quy chế. Chủ tịch hội đồng tuyển sinh và trưởng ban chấm thi, trưởng môn chấm thi trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Về kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006 sắp tới, ông có lưu ý đặc biệt gì cho thí sinh?

Thí sinh cần tập trung ôn thật tốt chương trình THPT, đặc biệt là chương trình lớp 12, cũng không cần thiết phải quan tâm đến các phần đã cắt bỏ, giảm tải, các phần đọc thêm. Hãy cẩn thận, bình tĩnh, tự tin cố gắng làm bài thi ở mức độ cao nhất và góp phần giữ trật tự, kỷ cương, thực hiện tốt quy chế thi.

Đừng nên nghĩ đến chuyện mang tài liệu, “phao” vào phòng thi vì đề thi từ nhiều năm nay đã hoàn toàn vô hiệu hoá “phao”. Hơn nữa, khi mang tài liệu là vi phạm quy chế thi và sẽ bị xử lý. Vả lại, khi mang tài liệu trong người thì làm sao thí sinh có thể tập trung tâm trí để làm bài.

 Theo Lý Hà
Báo Điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   |