Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Hướng dẫn thi trắc nghiệm: gây rối cho các trường
Nếu như thi trắc nghiệm khách quan được xem là phương pháp thi nhanh, chính xác, khách quan... thì những văn bản hướng dẫn về thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT lại được các trường xem là ngược lại: không khách quan, khó hiểu, gây phiền phức, khó khăn cho các trường...

Văn bản không nhất quán

Ngay sau khi văn bản số 4821 về "hướng dẫn thi trắc nghiệm" ngày 9-6-2006 của bộ vừa về đến các trường có thi tuyển môn trắc nghiệm đã nhận ngay phản ứng từ các trường này. Phản ứng lần này được xem là mạnh mẽ hơn, vì đã có trường làm công văn gửi ngay về bộ đề nghị không làm theo quy trình hướng dẫn của bộ. Để tiện cho việc theo dõi "sự hướng dẫn" của bộ đối với môn thi trắc nghiệm, chúng tôi xin được liệt kê các văn bản gần đây nhất của bộ.

Tại công văn số 1874 ngày 10-3-2006, Bộ GD-ĐT đã giao cho các sở GD-ĐT, học viện, các trường ĐH, CĐ thực hiện và chịu trách nhiệm về khâu xử lý bài thi trắc nghiệm. Tiếp theo là công văn số 4279 ngày 26-5-2006, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cũng đã có công văn gửi các trường có thi trắc nghiệm hướng dẫn phải chọn một trong hai phương án: các đơn vị phải tự xử lý bài thi trắc nghiệm hoặc phối hợp với cục để xử lý bài thi trắc nghiệm.

Lại gây khó cho các trường

Tại công văn 4821, ở điểm 4, Bộ GD-ĐT quy định: số báo danh của thí sinh phải ghi sáu chữ số, nếu số báo danh của thí sinh chưa đủ sáu chữ số, thí sinh phải ghi thêm “chữ số 0 vào bên trái”. Theo các trường, quy định này càng làm công tác thi trắc nghiệm thêm phiền phức! Thông thường, số báo danh của thí sinh chỉ có năm chữ số (vì không có trường nào có lượng thí sinh đăng ký dự thi vượt quá 100.000), do đó thí sinh phải điền thêm một số 0 vào càng tạo thêm rắc rối không cần thiết.

Đối với các trường, hai môn tự luận là toán và văn, số báo danh của thí sinh chỉ có năm chữ số. Nếu số báo danh thi môn trắc nghiệm là sáu chữ số, khi có kết quả chấm thi xong, các trường không thể chạy điểm tổng ba môn được vì số báo danh không trùng khớp với nhau. Nếu bộ không có một phần mềm tuyển sinh bổ sung, chắc các trường sẽ sử dụng phương pháp cũ: nhập điểm bằng tay!

Và gần đây nhất là văn bản 4821 của bộ hướng dẫn: "Trường nào chưa có máy chấm thì liên hệ với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục để được hướng dẫn hoặc ký hợp đồng chấm thi với trường (hoặc sở GD-ĐT) có máy chấm gần nhất". Đồng thời "các cụm thi tổ chức chấm thi bằng máy cho tất cả thí sinh dự thi vào trường mình và thí sinh các trường khác dự thi tại cụm". Theo ba văn bản này, các trường đã phải "chạy" theo như thế nào?

Hướng dẫn và... mâu thuẫn!

Theo công văn 1874, nhiều trường chưa có máy chấm thi đã phải liên hệ với các trường có máy chấm thi trắc nghiệm nhờ chấm giúp và do đó nhiều hợp đồng đã được ký kết. Thậm chí một số trường có máy chấm thi cũng đã chủ động liên lạc, gửi thư “chào” đến các trường để hợp tác chấm thi. Mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng thuận lợi thì văn bản 4279 ra đời.

Theo văn bản này, trường nào chưa có máy phải “phối hợp” với bộ để chấm. Nghĩa là những trường ở tận phía nam cũng phải mang ra Hà Nội cho bộ chấm, mà theo lời nhiều trường như thế cũng hình thành thêm một cái chung nữa của kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay: “chấm chung”.

Nhưng các trường chưa kịp “hoàn hồn” thì lại có một văn bản kế tiếp "bắn ra" mà thoạt nhìn có vẻ thoáng hơn: “Trường nào chưa có máy chấm thì liên hệ với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục để được hướng dẫn hoặc ký hợp đồng chấm thi với trường (hoặc sở GD-ĐT) có máy chấm gần nhất".

Thế nhưng câu trên quy định “thoáng” như thế thì câu dưới Bộ GD-ĐT lại tự mâu thuẫn ngay với chính mình khi đề nghị: “Các cụm thi tổ chức chấm thi bằng máy cho tất cả thí sinh dự thi vào trường mình và thí sinh các trường khác dự thi tại cụm”. Nghĩa là sẽ có thêm ba đơn vị nữa chấm thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ thay cho các trường là ĐH Vinh, ĐH Quy Nhơn và ĐH Cần Thơ. Trong hoàn cảnh đó, các trường ĐH có thí sinh dự thi tại các cụm này đều phải ngậm ngùi để cho các trường trên chấm, mặc dù trường mình đủ năng lực chấm thi trắc nghiệm.

Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh - một trong những điểm sao in đề thi của bộ - đã gửi công văn đề nghị bộ để cho trường này tự chấm. Lý do trường này đã ký kết chấm thêm cho nhiều trường khác, thậm chí mẫu phiếu trả lời trắc nghiệm cũng đã in và phát cho các đơn vị để tập huấn cán bộ coi thi, bây giờ nếu thay đổi theo hướng dẫn của bộ... quả là không biết phải xử lý như thế nào!

Thí sinh dự thi vào trường mình, trường đủ năng lực chấm nhưng lại không được chấm, như thế thì quyền tự chủ của các trường ở đâu? Các trường ĐH - đơn vị tổ chức các cụm thi, vốn đã có quá nhiều công việc, nay phải gánh thêm trách nhiệm nặng nề này nữa, liệu sự “phân công” như thế có hợp lý và hiệu quả? Chưa kể trong tình huống đó có thể sẽ xảy ra nhiều chuyện ngoài dự kiến, khi mà các trường phải đi lấy bài thi, lấy kết quả của các cụm mang về trường mình, rồi nhập kết quả lại với nhau... thêm những công đoạn thật không cần thiết và dễ phát sinh sai sót.

 Theo Tuổi trẻ - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   |