Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình xây dựng và trưởng thành
Năm 1974, cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang tiến nhanh tới ngày toàn thắng, theo sự chỉ đạo của Ban Khoa giáo Trung ương và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) được thành lập với tư cách là một chuyên ngành của khoa học lịch sử, làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đảng.

1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Những năm 1974-1979, Bộ môn chỉ có thầy Hoàng Bá Sách - Chủ nhiệm Bộ môn, và thầy Lê Mậu Hãn - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, trực tiếp đứng lớp, cùng thầy Kiều Xuân Bá, vốn là cán bộ của Khoa chuyển công tác lên Vụ công tác Chính trị của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Từ khoá 19 đến khoá 23, những sinh viên được nhận vào chuyên ngành Lịch sử Đảng đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, mà phần lớn là những người từ chiến trường trở về, đào tạo theo chương trình riêng ngay từ năm thứ nhất. Từ khoá 24 (1979-1983), việc đào tạo được thực hiện theo khung chương trình chung của khoa Lịch sử trong ba năm đầu, đến năm thứ tư mới tách lớp để học các chuyên đề chuyên ngành Lịch sử Đảng.

Trong đợt phong học hàm năm 1984, Bộ môn Lịch sử Đảng chỉ có PGS. Lê Mậu Hãn. Lớp cán bộ kế tiếp những người thầy đầu tiên của Bộ môn, vốn là sinh viên tốt nghiệp các khoá 18, 19, 20 và 21 (Trần Kim Đỉnh, Nguyễn Đình Lê, Đặng Hồng Hạnh, Ngô Đăng Tri, Vũ Quang Hiển, Đinh Trung Kiên, Nguyễn Hồng Phúc, Hoàng Hồng) phải vừa làm vừa học trong tình hình kinh tế xã hội khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Lực lượng vừa lớn lên đã không được duy trì nguyên vẹn. Một số cán bộ đang công tác tại Bộ môn lần lượt nhận nhiệm vụ mới: Trần Kim Đỉnh, Hoàng Hồng sang Bộ môn Phương pháp luận Sử học (nay là Bộ môn Lý luận Sử học), Đinh Trung Kiên sang Bộ môn Lịch sử phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế...

Những năm mới thành lập, số công trình nghiên cứu được công bố còn hết sức khiêm tốn, nhưng dưới sự dẫn dắt của PGS. Chủ nhiệm khoa Lê Mậu Hãn và Chủ nhiệm Bộ môn Hoàng Bá Sách, Bộ môn đã dày công xây dựng bài giảng Lịch sử Đảng cho sinh viên ngành lịch sử - theo phương thức mỗi cán bộ phụ trách một bài, và hệ thống chuyên đề phục vụ đào tạo sinh viên chuyên ngành: (1) Đường lối quân sự của Đảng, (2) Quá trình hình thành và phát triển đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, (3) Xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng, (4) Đảng lãnh đạo đấu tranh ngoại giao và vận động quốc tế trong tiến trình cách mạng Việt Nam, (5) Phương pháp khai thác tư liệu lịch sử Đảng qua các nhân chứng lịch sử, (6) Phương pháp cách mạng Việt Nam ở miền Nam, (7) Giới thiệu một số tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Sinh viên theo học chuyên ngành Lịch sử Đảng trong những năm 1974-1989 thường xuyên chiếm từ 20% đến 40% tổng số sinh viên Khoa Lịch sử. Đó cũng là những năm thầy và trò trong Bộ môn đã kiên trì chịu đựng gian khổ, vượt qua thử thách khắc nghiệt của đời sống vật chất, nỗ lực phấn đầu và sớm khẳng định vai trò của Bộ môn trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, trở thành một địa chỉ tin cậy, được Bộ giao nhiệm vụ đào tạo lớp chuyên tu, nâng cao trình độ cho 35 cán bộ giảng dạy Lịch sử Đảng của các trường đại học trong cả nước.

Năm 1989 được đánh dấu bằng một sự kiện quan trọng: theo sắp xếp mới về tổ chức, Bộ môn được tăng cường thêm các thầy Đinh Trần Dương, Vũ Đình Kông, Nguyễn Huy Cát, Ngô Văn Hoán, Nguyễn Thị Chính từ tổ Lịch sử Đảng thuộc Bộ môn Mác-Lênin của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ đây Bộ môn nhận thêm nhiệm vụ: giảng dạy Lịch sử Đảng cho sinh viên các khoa không chuyên sử với tư cách là một trong những môn thuộc khoa học Mác-Lênin.

Từ năm 1990, nhiệm vụ của Bộ môn được mở rộng thêm: đào tạo nghiên cứu sinh và học viên cao học. Nhưng đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Bộ môn đứng trước những thử thách mới do sự khủng hoảng và sụp đổ của chế độ Xã hội chủ nghĩa được xây dựng ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Mặc dù sự nghiệp Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đang thu được những thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn và chưa ra khỏi khủng hoảng. Các thế lực thù địch điên cuồng phản kích, nhất là trên bình diện tư tưởng. Tình hình đó tác động mạnh về mặt tâm lý xã hội. Số lượng sinh viên chuyên ngành Lịch sử Đảng giảm mạnh, thường xuyên ở mức một con số: khoá 35 (1990-1994) có 2 sinh viên (Dương Thị Huệ, Lê Mậu Nhiệm), khoá 36 (1991-1995) cũng có 2 sinh viên (Ngô Vương Anh, Hoàng Kim Ninh), thậm chí khoá 37 (1992-1996) chỉ có duy nhất một sinh viên (Võ Văn Bé). Những sinh viên đó được coi là “dũng cảm” và “kiên trì cách mạng”.

Như những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, thông qua nội dung các bài giảng và bài báo khoa học, cán bộ của Bộ môn góp phần làm sáng tỏ những quy luật của cách mạng Việt Nam, làm rõ tính tất yếu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ năm 1997 trở đi, khi đất nước đã ra khỏi tình trạng khủng hoảng, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Bộ môn Lịch sử Đảng cũng ngày càng khởi sắc và có bước phát triển nhảy vọt về chất: các thầy cô đều học xong chương trình sau đại học. Một số thầy được nhận chức danh PGS.: TS Ngô Đăng Tri, TS Đinh Trần Dương, TS Vũ Quang Hiển. Những cán bộ trẻ theo học chương trình nghiên cứu sinh: ThS Nguyễn Quang Liệu, ThS Lê Quỳnh Nga, hoặc chương trình cao học: CN Đỗ Thanh Loan. Đặc biệt PGS. Lê Mậu Hãn được Nhà nước phong tăng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, số lượng các công trình được công bố ngày càng nhiều.

Nhưng cũng từ đây, Bộ môn đứng trước những thử thách mới. Năm 2006, trong biên chế chính thức của Bộ môn chỉ còn 7 cán bộ, trong đó có 4 người đã bước qua tuổi 50. Lớp cán bộ trẻ đang lớn lên giữa bộn bề công việc. Yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề: số lượng sinh viên chuyên ngành ngày càng đông, thường xuyên chiếm từ 30% đến 45% tổng số sinh viên năm cuối của Khoa Lịch sử. Số lượng nghiên cứu sinh và học viên cao học bình quân mỗi khoá có tới 20 người (2001-2006). Phần lớn cán bộ trong Bộ môn phải đảm nhận thêm việc giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cho nhiều lớp trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Bình quân mỗi năm một cán bộ phải đứng lớp từ 500 đến 600 tiết (chưa tính số giờ quy đổi), gấp hai lần so với giờ chuẩn.

2. NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN

Hơn 20 năm qua, trong đội hình của Khoa Lịch sử, Anh hùng lao động của thời kỳ Đổi mới, Bộ môn đã đào tạo được 450 cử nhân, 4 tiến sĩ và 35 thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng. Đến năm 2006, có hơn 40 học viên cao học và nghiên cứu sinh do Bộ môn phụ trách, chiếm gần 50% số học viên cao học và nghiên cứu sinh của Khoa Lịch sử. Bộ môn Lịch sử Đảng là một địa chỉ đào tạo chất lượng cao. Nhiều cơ quan khi có yêu cầu tuyển dụng cán bộ giảng dạy và nghiên cứu Lịch sử Đảng đã tìm đến với Bộ môn.

Nếu như những năm đầu sau ngày thành lập, công tác nghiên cứu còn hết sức khiêm tốn (chỉ có hơn 10 công trình trong những năm 1974-1989), thì từ năm 1990, số lượng các công trình được công bố ngày càng nhiều và sự chú trọng về học thuật ngày càng cao. Mở đầu là bài viết của PGS. Lê Mậu Hãn: Hồ Chí Minh với ngọn cờ độc lập dân tộc trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 5-1990. Lần đầu tiên, Chính cương vắn tắtSách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được khẳng định là Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng, một cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh. Bài viết như tiếp thêm sức chiến đấu cho đội ngũ cán bộ trong Bộ môn. Từ đây không khí nghiên cứu khoa học ngày càng sôi động và đạt được những thành tựu đáng tự hào.

- Cán bộ của Bộ môn chủ trì và tham gia 15 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 6 đề tài cấp Nhà nước: Lịch sử Quốc hội Việt Nam, Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-1955, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 1920-1954, Lịch sử Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Pháp của quân và dân Liên khu IV, Bài học kinh nghiệm hoạt động đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội; 5 đề tài cấp Bộ, Thành phố và Đại học Quốc gia: Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo sản xuất tiểu thủ công nghiệp Thủ đô 1954-1994; Chính sách đối ngoại của Đảng trong thời kỳ 1945-1954; Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ 1986-2001; Đảng lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng 1945-1954, Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu Lịch sử Đảng. Một số cán bộ tham gia công trình khoa học lớn: Từ điển Bách khoa Việt Nam.

- Chủ trì và tham gia biên soạn 3 giáo trình: Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại cương lịch sử Việt Nam.

- Chủ biên hoặc tham gia biên soạn hàng trăm cuốn sách, như: Đảng Cộng sản Việt Nam - các Đại hội và Hội nghị Trung ương; Các cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Lịch sử Quốc hội Việt Nam; Sức mạnh dân tộc của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh; Nghệ Tĩnh với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong 30 năm đầu thế kỷ XX; Lịch sử kháng chiến chống Pháp của quân và dân Liên khu IV; Lịch sử Đảng bộ Hà Nội; Lịch sử  Đường sắt Việt Nam; Lịch sử Hà Tĩnh;1000 câu hỏi - đáp về Thăng Long - Hà Nội; Căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ 1945-1954; Đạo đức, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh; Vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954); Điện Biên Phủ: các văn kiện của Đảng và Nhà nước; Điện Biên Phủ: hợp tuyển các công trình khoa học; Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của các nhà khoa học Việt - Pháp; Việt Nam trong tiến trình thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập; Cách mạng tháng Tám - một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX...

- 160 bài nghiên cứu của cán bộ trong bộ môn được công bố trên các tạp chí: Cộng sản, Lịch sử Đảng, Khoa học, Nghiên cứu Lịch sử, Lịch sử Quân sự, Nghiên cứu châu Âu, Nghiên cứu Đông Nam Á, Khoa giáo, Giáo dục lý luận... và các kỷ yếu hội thảo khoa học trong và ngoài nước.

Gần một phần tư thế kỷ kể từ ngày thành lập, Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua một quá trình phấn đấu kiên trì bền bỉ, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đảng; đồng thời từng bước đẩy mạnh hoạt động khoa học, góp phần quan trọng làm cho Lịch sử Đảng thực sự trở thành một khoa học, phục vụ đắc lực sự nghiệp đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, và cùng với các bộ môn anh em trong Khoa tạo nên nét đặc trưng của ngành lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

 Bài viết của PGS.TS Vũ Quang Hiển
VNUnews (Theo: Khoa Lịch sử - nửa thế kỷ xây dựng và phát triển (1956-2006))
Ảnh: Tư liệu và Nguyễn Anh Đức
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   |