Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Từ Lịch sử Văn hóa Việt Nam đến Văn hóa học, chặng đường đầu phát triển của bộ môn trẻ nhất Khoa Lịch sử
Năm 2006, khi Khoa Lịch sử - Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - kỷ niệm 50 năm ngày thành lập thì Bộ môn Văn hoá học vừa mới tròn 8 tuổi. Là đơn vị trẻ nhất trong Khoa Lịch sử nhưng Bộ môn Văn hoá học đã có những bước trưởng thành, những nỗ lực và những thay đổi đáng kể từ ngày thành lập.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Nhớ lại tháng 11 năm 1998, khi mới thành lập Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam (tên gọi ban đầu) lúc ấy chỉ vẻn vẹn có 3 cán bộ kiêm nhiệm là GS. Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Bộ môn và 2 Phó Chủ nhiệm là TSKH Nguyễn Hải Kế, ngành Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại và TS Lâm Mỹ Dung ngành Khảo cổ học. Bốn năm sau, Bộ môn mới được bổ sung một cán bộ, có biên chế chính thức đầu tiên là Thạc sĩ Đỗ Hương Thảo ngành Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại. Năm 2002, lần đầu tiên Bộ môn được bổ sung cán bộ đào tạo “đúng chuyên ngành” Lịch sử Văn hoá Việt Nam là cử nhân Nguyễn Hoài Phương (đã bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ năm 2005).

Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, trước yêu cầu thực tiễn của xã hội trong quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hoá, hội nhập quốc tế, năm 2004, Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam đổi thành Bộ môn Văn hoá học nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới về giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Năm 2005, sau khi GS. Trần Quốc Vượng qua đời, Bộ môn chỉ còn ba cán bộ là PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, kiêm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; ThS Đỗ Hương Thảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn và ThS Nguyễn Hoài Phương. TS Lâm Mỹ Dung mặc dù vẫn cùng Bộ môn chung vai gánh vác nhiều công việc nhưng cũng rất bận với những cương vị mới: Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Giám đốc Bảo tàng Nhân học. Trước tình hình đó, Bộ môn được bổ sung thêm một cán bộ trẻ là Nguyễn Bảo Trang, tốt nghiệp chuyên ngành Văn hoá học khoá 46.

Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, ngoài các cán bộ cơ hữu, đến nay Bộ môn có thêm hai cán bộ kiêm nhiệm là GS.TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá và PGS.TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hoá Thông tin. Bên cạnh đó, Bộ môn đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực thuộc các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội như: GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, PGS.TS Lê Hồng Lý - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, TS Bùi Quang Thắng, TS Lương Hồng Quang, Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền - Viện Văn hoá Thông tin, PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển... Đội ngũ các cộng tác viên góp phần quan trọng giúp Bộ môn đảm bảo hoàn thành nội dung chương trình giảng dạy cũng như tạo ra cơ hội phối hợp, hợp tác nghiên cứu khoa học.

CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

PGS. Nguyễn Hải - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Kế (trái) đang trao đổi công việc với GS. Vũ Dương Ninh

Hàng năm, Bộ môn Văn hoá học đảm nhiệm giảng dạy môn Cơ sở Văn hoá Việt Nam cho hơn 1500 sinh viên của các khoa trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên và một số trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội. Bộ môn cũng đảm nhiệm việc giảng dạy môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam cho sinh viên năm thứ 3 các hệ chính quy, chất lượng cao và sư phạm của Khoa Lịch sử. Các bài giảng chuyên đề cho sinh viên năm thứ 4 đã được hoàn thiện về cơ bản và luôn được bổ sung, cập nhật. Sinh viên chuyên ngành của Bộ môn được học các chuyên đề: Một số vấn đề về phương pháp luận lịch sử văn hoá Việt Nam, Tiếp xúc và giao lưu văn hoá, Về bản sắc văn hoá Việt Nam, Làng và văn hoá làng, Văn hoá đô thị, Nhân học văn hoá, Xã hội học văn hoá, Tín ngưỡng lễ hội Việt Nam, Kiến trúc Việt Nam truyền thống, Âm nhạc Việt Nam truyền thống, Văn hoá và phát triển…

Sức hấp dẫn của Bộ môn Văn hoá học được thể hiện khá rõ qua hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên từ những năm thứ 2, thứ 3. Số lượng sinh viên chọn văn hoá học làm đề tài nghiên cứu khoa học là khá đông, trong số đó nhiều công trình nghiên cứu giành được giải thưởng của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn như: sinh viên Nguyễn Hồng Nhung (K45) được giải thưởng cấp Đại học Quốc gia về Chợ đêm Hà Nội (do PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế hướng dẫn), sinh viên Phan Phương Hảo (K46) nhận giải thưởng cấp Đại học Quốc gia về Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (do ThS Đỗ Hương Thảo hướng dẫn), sinh viên Nguyễn Hồng Nhung (K48) đạt giải nhì cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về Tìm hiểu vài nét về đời sống của người Việt qua đồng dao (do ThS Đỗ Hương Thảo hướng dẫn)...

Bộ môn đã xây dựng được Tủ sách văn hoá học, tập hợp sách, những công trình nghiên cứu về văn hoá phục vụ cho cán bộ và sinh viên.

Tính đến năm 2006, đã có khoảng 150 cử nhân Văn hoá học ra trường, đáp ứng tốt yêu cầu công tác của các cơ quan tuyển dụng cũng như yêu cầu của xã hội nói chung. Một số đã trở thành cán bộ nghiên cứu của nhiều viện nghiên cứu như: Viện Văn hoá Thông tin, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ... và các báo, tạp chí hay trở thành giảng viên, giáo viên các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông... trên toàn quốc. Nhiều người mong muốn được trở về Bộ môn tiếp tục học ở bậc cao hơn.

Bộ môn Văn hoá học cũng đã bước đầu hoàn thành việc biên soạn khung chương trình đào tạo Thạc sĩ Lý luận và Lịch sử Văn hoá Việt Nam, hiện đang chờ phê duyệt ở cấp Đại học Quốc gia. Mặc dù chưa trực tiếp tham gia đào tạo Văn hoá học ở bậc sau đại học tại khoa Lịch sử nhưng các cán bộ của Bộ môn như GS. Trần Quốc Vượng, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế đã tham gia vào việc hướng dẫn, phản biện nhiều luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ ngành Văn hoá học tại các đơn vị đào tạo, nghiên cứu như: Viện Văn hoá (Đại học Văn hoá), Viện Văn hoá Thông tin, Viện Nghiên cứu Văn hoá…

Qua các công trình, bài nghiên cứu, sách đã xuất bản có thể thấy rõ định hướng nghiên cứu của Bộ môn: tiếp cận những vấn đề của văn hoá dưới góc nhìn lịch sử, liên ngành, đa ngành, mà đi tiên phong và tiêu biểu là cố GS. Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Bộ môn.

Sinh viên Khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV

Với phương pháp tiếp cận văn hoá dưới cái nhìn địa sinh thái, địa nhân văn, địa lịch sử, GS. Trần Quốc Vượng đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị mang tính định hướng cho các thế hệ làm công tác nghiên cứu văn hoá như: Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Việt Nam cái nhìn địa - văn hoá, Trên mảnh đất ngàn năm văn vật… Cho đến những ngày ở trên giường bệnh GS. Trần Quốc Vượng vẫn tiếp tục hoàn thiện bản thảo một số cuốn sách như: Văn hoá và Môi trường, Hà Nội như tôi hiểu, Thăng Long - Hà Nội tìm tòi và suy ngẫm… Bài viết cuối cùng của GS. Trần Quốc Vượng là Nam quê hương tôi như một sự hướng về nguồn cội. Cuốn Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm của GS. Trần Quốc Vượng đã được tặng giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2000 - 2005. Theo thống kê chưa đầy đủ, số công trình nghiên cứu đã xuất bản của GS. Trần Quốc Vượng đã vượt quá con số 500. Những bài viết, những cuốn sách của Thầy là những tài liệu tham khảo rất có giá trị đối với cán bộ và sinh viên của Bộ môn, đối với các nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc trong cả nước.

Tiếp tục và mở rộng những định hướng nghiên cứu, nhiều vấn đề của lịch sử văn hoá Việt Nam như: ẩm thực, giáo dục, đô thị, dòng họ... đã được các cán bộ trong Bộ môn triển khai qua các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp:

Bộ môn Văn hoá học cũng đã tham gia vào việc khảo sát, biên soạn phần văn hoá của một số công trình khoa học như: Địa chí Nam Định (xuất bản năm 2003 và được giải thưởng của Đại học Quốc gia Hà Nội), Địa chí Cổ Loa, Từ điển Bách khoa tri thức phổ thông… Kiên trì các định hướng chuyên môn, Bộ môn Văn hoá học đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu về bản sắc văn hoá Việt Nam cổ truyền trên các địa bàn như: Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định, Quảng Nam

Cán bộ của Bộ môn cũng đã cộng tác với Đài truyền hình Việt Nam với tư cách cố vấn để xây dựng các chương trình truyền hình rất có ý nghĩa được đông đảo khán giả đánh giá cao như: Theo dòng lịch sử, Văn minh sông nước…

*

Dẫu chưa nhiều nhưng những đóng góp của Bộ môn Văn hoá học trong 8 năm qua là rất đáng ghi nhận. Hệ thống chuyên đề năm thứ tư tiếp tục được mở rộng, cập nhật, sẵn sàng đào tạo ở bậc sau đại học; các hướng nghiên cứu mới tiếp tục được tìm tòi, phát triển. Dù số lượng cán bộ còn rất mỏng nhưng Bộ môn Văn hoá học vẫn tự tin triển khai các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học là bởi có sự góp sức của đội ngũ các nhà khoa học của Khoa Lịch sử, những nhà khoa học có uy tín trong và ngoài Trường. Sức mạnh ấy cũng được truyền lại từ lòng yêu nghề, từ tư duy phương pháp luận liên ngành mà GS. Trần Quốc Vượng đã nhóm lên và truyền lại cho các thế hệ cán bộ của Bộ môn.

 Bộ môn Văn hoá học
VNUnews (Theo: Khoa Lịch sử - nửa thế kỷ xây dựng và phát triển (1956-2006))
Ảnh: Tư liệu và Nguyễn Nghệ An - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   |