Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Khoa Lịch sử trong lòng tôi
Nhìn lại 50 năm đã qua để có được những cái nhìn khách quan về chặng đường mình đã đi, để hướng tới một tương lai sáng lạn hơn là điều hết sức cần thiết đối với mỗi đơn vị đào tạo. PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV từ 2004 đến nay tâm sự:

Tháng 10/1970, tôi vào Khoa Lịch sử (khoá 15). Tháng 2/1975, sau khi tốt nghiệp (hồi đó học 4 năm rưỡi), tôi ở lại bộ môn Lịch sử Cổ - Trung đại Việt Nam do GS. Phan Huy Lê làm Chủ nhiệm. Đây là một trong những bộ môn lâu đời cùng tuổi với Khoa, có nhiều thành tựu nghiên cứu và giảng dạy. Vừa là giáo viên, vừa tham gia công tác Đoàn thanh niên ở Khoa, ở Trường với trọng trách là Bí thư Đoàn trường 2 nhiệm kỳ (1980-1985). Năm 1987, tôi được cử đi nghiên cứu sinh làm phó tiến sĩ và tiến sĩ ở Matxcơva. Sau khi trở về tổ bộ môn được chưa lâu, tôi được cử sang làm Phó chủ nhiệm bộ môn giúp việc cho GS. Trần Quốc Vượng từ khi Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam được thành lập (1998). Năm 2004, tôi chính thức trở thành Chủ nhiệm Khoa Lịch sử. Thấm thoắt vậy mà đã trải qua hơn 1/3 thế kỷ học tập và công tác ở Khoa Lịch sử.

Với tôi, niềm say mê môn Lịch sử, kỷ niệm với thầy, với bạn ngày một tăng thêm qua từng năm. Chúng tôi được học những thầy cô quan tâm đến sinh viên, truyền cho niềm say mê, ham thích tri thức lịch sử như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn, Vương Hoàng Tuyên, Vũ Dương Ninh, Nguyễn Gia Phu, Lê Mậu Hãn... Đó còn là kỷ niệm về những đợt “đua” nhau chong đèn thâu đêm để học ở ký túc xá. Đèn phòng này còn sáng, thì đèn phòng kia cũng không tắt, dù miếng bánh mỳ dành cho bữa sáng hôm sau đã nhai hết từ lúc 21 giờ. Đó còn là những cuộc tranh luận “học thuật” như không bao giờ chấm dứt trên báo tường “Luyện bút” dán trên tường hành lang của lớp K14, K15. Đó là những ngày mùa thu năm 1971, cùng cả khoa, cả trường, cả Hà Nội “quên đi” dịch đau mắt đỏ, lên đê Cống Thôn (Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) dầm mình trong mưa lụt, hàn khẩu đê, cứu gạo, rồi đắp đê Quế Võ… Và cả ngày toàn trường đưa các bạn đồng học lên đường nhập ngũ. Với chúng tôi, đó là những tháng năm gian khó mà vui phơi phới…

Đó là một khoa có truyền thống đoàn kết, lấy giảng dạy kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu khoa học, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân là nguyên lý và thực tiễn vận động, phát triển của mình. Danh hiệu Anh hùng Lao động của Khoa Lịch sử trong tôi cụ thể là 189 lượt cán bộ, viên chức (mà tôi quen gọi là thầy, là cô, là chị, là anh, là em...), là hàng ngàn sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ đã ra trường. Là những công trình nghiên cứu, giáo trình... có tên gọi cụ thể như “Chống xâm lăng”, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, “Kháng chiến chống Nguyên - Mông”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “ Lịch sử văn minh thế giới”, “Cơ sở văn hoá Việt Nam”, “Cơ sở dân tộc học”, “Địa chí Nam Định”...

Như tất cả mọi người đồng cam cộng khổ - chia ngọt sẻ bùi trong mọi khía cạnh của đời sống, không phải chỉ là riêng văn hoá Việt Nam cổ truyền, thầy - trò - đồng nghiệp ở môi trường đại học cũng như vậy.

Chỉ thêm một chút là “ngọt bùi”, hay “cay đắng “của thầy cô giáo - nhà khoa học, đồng nghiệp còn gắn liền với “nghiệp” đào tạo - nghiên cứu khoa học (từ ý tưởng, giả thiết công tác, tư liệu, tổ chức lao động khoa học). Các nhà khoa học chân chính thường hay cô đơn trong ý nghĩ khoa học của mình. Vươn lên để đồng cảm, chia sẻ, gắn kết với nhau qua các thế hệ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với thầy, cô, đồng nghiệp là hạnh phúc, đạo lý, là chỉ - định - quan - trọng - hàng đầu về sự phát triển của quan hệ thầy - trò - đồng nghiệp trong môi trường đại học.

Lịch sử, về hình thức, là ở phía sau trên con đường và hướng đi của nhân loại, nhưng thực chất lại là ở phía trước. Đi tới, luôn tìm tòi khám phá vì cuộc sống của cộng đồng, trong đó có mỗi bản thân là một thuộc tính của con người. Và, trong các tìm tòi, khám phá có tính mục đích ấy, tìm tòi, khám phá về lịch sử là không bao giờ cạn, không bao giờ đủ. Vì thế, lịch sử luôn đồng hành với hiện tại, luôn luôn ở phía trước.

Khoa Lịch sử tròn 50 tuổi - mít tinh kỷ niệm trọng thể là quan trọng, cần thiết, nhưng chưa phải là tất cả. Truyền thống và bài học kinh nghiệm của nửa thế kỷ của đơn vị anh hùng là tài sản vô giá với các thế hệ thầy - trò, là nguồn năng lượng tiềm ẩn trong mỗi người, mỗi khoá, mỗi thế hệ cán bộ công nhân viên Khoa Lịch sử. Gia tài, tiềm năng cần và nhất định phải được phát động, tập hợp, nhân lên thành nguồn năng lượng nội sinh, thành năng lực sống, sáng tạo trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của mỗi người, của tập thể để các thế hệ hôm nay khai thác được thuận lợi, vượt qua những khó khăn, thử thách mới, tiếp tục đưa Khoa Lịch sử phát triển trên chặng đường tới. Với Khoa Lịch sử chúng tôi, tiếp tục kế thừa đồng nghĩa với phát triển và sáng tạo…

 Mai Anh (thực hiện và ghi) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   |