Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nhà khoa học xuất sắc nhà sư phạm tài ba
Năm 2000 này có thể là thời điểm rực rỡ nhất, đáng ghi nhớ nhất trên chặng đường hơn 4 thập niên lao động sư phạm, lao động khoa học sáng tạo tràn đầy niềm vui, hạnh phúc mà cũng thật vất vả, gian khó, thấm đẫm mồ hôi của GS. Nguyễn Văn Đạo - nhà khoa học xuất sắc, nhà sư phạm tài ba: Nhà nước ta quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên về công trình “Dao động phi tuyến của các hệ động lực” cho Giáo sư, ghi nhận những đóng góp của ông cho nền khoa học nước nhà, cho nhiệm vụ bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Năm 1957, ở tuổi 20, sau khi tốt nghiệp ngành Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Văn Đạo về giảng dạy môn Cơ học lý thuyết ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong quãng thời gian 20 năm, anh đã trưởng thành từ Giảng viên lên Phó tiến sĩ, Chủ nhiệm bộ môn rồi Phó chủ nhiệm Khoa Toán - Lý. Anh cùng đồng nghiệp, tập thể bộ môn, khoa đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên Bách khoa tài năng, đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhiều sinh viên trưởng thành từ Khoa Toán - Lý Trường ĐHBKHN đang đảm nhiệm nhiều trọng trách do Đảng và Nhà nước giao cho. Tập thể các giảng viên của Bộ môn Cơ lý thuyết ngày ấy hôm nay đã có 6 giáo sư 7 phó giáo sư.

Ở GS. Nguyễn Văn Đạo thật khó phân biệt đâu là nhà khoa học, đâu là nhà sư phạm, Ông biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác đào tạo và công tác nghiên cứu khoa học, công tác nọ bổ sung cho công tác kia. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, trường sơ tán lên Lạng Sơn trên biên giới Việt - Trung, buổi sáng phải lên lớp cho sinh viên, lớp nọ cách lớp kia 5-10 cây số. Trên đường đi cũng chính là lúc ông suy nghĩ về những bước đi trong hoạt động nghiên cứu khoa học, viết giáo trình, mở những lớp đào tạo cao học đầu tiên … Tất cả đều đòi hỏi tinh thần tự lực, chủ động, từ việc xác định phương hướng nghiên cứu đến từng bước phát triển nội dung nghiên cứu. Cũng nhờ quyết tâm cao, tự nâng cao trình độ, kịp thời nắm bắt thời cơ ấy đã giúp ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ chỉ trong vòng hai năm rưỡi, sau đó chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học trong vòng 3 tháng.

Những hướng những nghiên cứu chính của Nguyễn Văn Đạo là: Tương tác giữa các hệ dao động phi tuyến, hiệu ứng tắt chấn động lực cho các hệ phi tuyến, phát triển phương pháp tiệm cận của lý thuyết dao động phi tuyến cho các hệ phi tuyến cao cấp và một số hệ phi tuyến đặc biệt. Các kết quả nghiên cứu của ông đã được công bố trên các tạp chí khoa học nổi tiếng ở trong và ngoài nước, báo cáo tại các hội khoa học quốc tế và Việt Nam với trên 100 bài báo, báo cáo khoa học. Tập hợp các công trình nghiên cứu theo hướng “Dao động phi tuyến của các hệ động lực” - kết quả lao động khoa học kiên trì, sáng tạo và hiệu quả của Giáo sư trong suốt 3 thập niên qua, hôm nay đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

 Trong thời gian làm công tác quản lý tại Viện Khoa học Việt Nam, Giáo sư cũng đã hoàn thành khối lượng lớn công tác nghiên cứu khoa học, mà thành quả đã được tổng kết trong cuốn sách chuyên khảo “Phương tiệm cận ứng dụng trong lý thuyết dao động phi tuyến” dày 400 trang viết chung với Viện sĩ Mitrôpônxki. Công trình trên là căn cứ để Nhà nước Ucraina trao tặng ông Giải thưởng khoa học năm 1996 về công trình “Các phương pháp tiệm cận mới trong giải tích phi tuyến”.

Các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá rất cao những đóng góp của GS. Nguyễn Văn Đạo trong lĩnh vực hoạt động khoa học. Các viện sĩ khoa học nổi tiếng của Liên bang Nga, Cộng hoà Ucraina, Ba Lan… đều có chung ý kiến: “Những thành tựu khoa học của GS. Nguyễn Văn Đạo, ngoài việc minh chứng cho tiến bộ khoa học, đã ảnh hưởng to lớn đến việc tạo dựng tại Hà Nội một trường phái khoa học về dao động phi tuyến. Ông không chỉ tiêu biểu cho nền khoa học Việt Nam mà còn là người đại diện chân chính cho đất nước mình trong nền khoa học thế giới”.

Để có niềm vui lớn hôm nay, GS. Nguyễn Văn Đạo đã trải qua bao năm tháng lao động tích lũy, miệt mài, vất vả. Vào đầu những năm 60, khi gia đình anh còn ở trong căn nhà cấp 4, dãy 39, khu tập thể Trường ĐHBK, ngay cạnh sông Tô Lịch ẩm thấp, muỗi như trấu, ban đêm anh phải chui vào màn mới đọc sách được. Ở khu sơ tán trong những năm chiến tranh chống Mỹ, vừa phải hoàn thành khối lượng giảng dạy lớn, anh vẫn không sao nhãng việc đọc sách, tự nâng cao trình độ, tìm hướng nghiên cứu. Tôi thấy mắt anh sáng lên khi nhận được phần dầu hoả do bộ phận hậu cần phân phối. Anh ghi chép, tổng kết những gì mà mình đã thu nhận được đến tận đêm khuya. Anh mong cho trời chóng sáng để được đọc sách không phải dưới ánh đèn dầu tù mù kia. Chính những năm tháng gian khổ đó đã tôi luyện thêm bản lĩnh của nhà khoa học chân chính. Luận án Tiến sĩ khoa học dày 500 trang “Kích động thông số dao động phi tuyến của các hệ động lực” đã ra đời vào những thời kỳ đáng ghi nhớ đó. Lòng say mê khoa học, tìm thấy miền vui trong lao động sáng tạo, nhẫn nại vượt qua mọi gian khó, luôn hướng về phía trước nhằm đạt được mục tiêu đặt ra đã làm nên thành công của anh hôm nay.

GS. Nguyễn Văn Đạo là nhà khoa học xuất sắc được giới khoa học trong và ngoài nước kính trọng, nhà sư phạm tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, song ấn tượng mạnh mẽ nhất mà ông để lại cho đồng nghiệp và các thế hệ tiếp theo là tình người, tấm lòng nhân hậu, bao dung, tìm mọi cách bồi dưỡng, mở đường cho người đi sau, không sợ những người đó sau này giỏi hơn mình. Giáo sư đã giúp nhiều cán bộ ngành Cơ học hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học, góp phần xây dựng đội ngũ những người làm công tác Cơ học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Cơ học Việt Nam cũng như trên phạm vi cả nước. Bằng cương vị và uy tín khoa học của mình, Giáo sư đã nhiều lần tháo gỡ về thủ tục để đưa cán bộ đi bồi dưỡng chuyên môn. Hễ biết cán bộ đó có tài, có đức, thì Giáo sư không quản khó khăn, tìm mọi cách tháo gỡ. Nhiều người trong số đó này đã là những nhà khoa học lớn, các nhà quản lý giỏi của ngành Cơ học Việt Nam.

Ngoài việc bản thân làm khoa học, Giáo sư còn tập hợp, tổ chức, bồi dưỡng đào tạo được cả một đội ngũ đông đảo cán bộ cùng nghiên cứu về dao động phi tuyến, làm nên “trường phái Hà Nội” được thế giới thừa nhận. Là người đi trước, Giáo sư luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, mong mỏi họ cống hiến trí tuệ và sức lực cho nền khoa học nước nhà. Ông nói: “Một khi các bạn say mê khoa học thực sự, các bạn sẽ thấy ở đó niềm vui sướng, hạnh phúc lớn lao không gì có thể sánh nổi. Hạnh phúc đâu chỉ là nhà lầu, xe hơi…”.

Ngay sau khi biết tin mình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông đã gửi bức thư sau đây đến Hội Cơ học Việt Nam: “Để hỗ trợ tài năng trẻ trong lĩnh vực Cơ học, tôi đề nghị Hội cơ học mở đợt quyên góp trong hội viên Cơ học, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, xây dựng “Quỹ hỗ trợ tài năng cơ học trẻ Việt Nam”. Về phần mình, tôi xin tặng lại Hội cơ học toàn bộ số tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 để góp phần gây quỹ nói trên”.

Tôi có may mắn được quen biết anh Đạo từ năm 1965, khi anh mới là giảng viên môn Cơ học lý thuyết ở Ttrường Đại học Bách khoa Hà Nội. Qua 3,5 thập niên, nay anh đã là nhà khoa học lớn, người được Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc, Viện Hàn Lâm Khoa học thế giới thứ 3, Viện Hàn Lâm Khoa học Quốc gia Ucraina bầu là Viện sĩ. Là nhà hoạt động xã hội được nhiều người biết đến, mà đối với tôi, cũng như đối với mọi người khác, anh vẫn như xưa, từ thuở hàn vi, khiêm tốn, chân thành, cởi mở, một người có trước có sau. Được như hôm nay, anh không bao giờ quên quá khứ. Trong đại hội thi đua cơ sở, xúc động từ trái tim mình, anh nói: “Sinh ra ở một vùng quê, xa những trung tâm văn hoá và khoa học lớn, giữa lúc đất nước còn đang chìm đắm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, nếu như không có cách mạng, Đảng và Bác Hồ cùng sự hy sinh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ, nước Việt Nam ta đâu có được như ngày hôm nay, dân tộc ta, trong đó có tôi, đâu có được bình đẳng sánh vai cùng các nước như ngày nay. Tôi nguyện sẽ đem hết sức mình công hiến cho sự nghiệp giáo dục và khoa học nước nhà, cho thắng lợi của công cuộc đổi mới của tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta”.

 Trịnh Văn Quý - ĐHBKHN
(Bài đăng trên Bản tin ĐHQGHN, 11/2000) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   |