Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Edward W.Said và nghiên cứu đông phương học
Họ không thể tự đại diện cho mình; Họ cần phải được người khác đại diện cho (Karl Marx)

Khi cuốn Orientalism (Đông phương luận) được xuất bản năm 1978, nó đã tạo ra một làn sóng tri thức xô đến các châu lục trên thế giới, cho đến nay vẫn được tái bản và đã dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Trọng tâm chính của cuốn sách này là sự phê bình đầy sức thuyết phục đối với góc nhìn văn hoá lấy châu Âu làm tâm điểm để áp đặt lên các châu lục khác, coi châu Âu là số một và góc nhìn “đúng đắn duy nhất”. Trong khuôn khổ của bài nghiên cứu này, tôi tập chung vào tác phẩm kinh điển của Edward W.Said, Đông phương luận (1978) để làm rõ hai mục đích nghiên cứu chính của ông: Thứ nhất Said phê bình các nhà Đông phương học dùng hệ quy chiếu của mình để miêu tả, hình dung về các nền văn hóa, xã hội, lịch sử khác; thứ hai là mục đích chính trị của các học giả (nhưng cũng thường là quan chức trong bộ máy cai trị thực dân) trong quá trình nghiên cứu về phương Đông: nhằm phục vụ việc cai trị thực dân. Ẩn dưới những quan điểm này là mối quan hệ quyền lực trong quá trình ‘kiến tạo’ ra tri thức về các quốc gia thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh của thực dân châu Âu. Đan xen giữa các luận điểm trên tôi sử dụng các nghiên cứu về William Jones như một ví dụ điển hình để làm rõ quan điểm của Said. Những phê bình hay sự mở rộng từ luận điểm của Said trong gần 30 năm qua cũng sẽ được tổng kết dưới dạng khái lược để thấy rằng quả không quá lời khi nói rằng Edward Said đã mở ra một kỷ nguyên mới trong nghiên cứu khoa học xã hội.

Khi cuốn Orientalism (Đông phương luận)1 được xuất bản năm 1978, nó đã tạo ra một làn sóng tri thức xô đến các châu lục trên thế giới, cho đến nay vẫn được tái bản và đã dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Trọng tâm chính của cuốn sách này là sự phê bình đầy sức thuyết phục đối với góc nhìn văn hoá lấy châu Âu làm tâm điểm để áp đặt lên các châu lục khác, coi châu Âu là số một và góc nhìn “đúng đắn duy nhất”. Ngay từ trang đầu, Edward Said đã nhận định rằng "Đông phương hầu như là sự phát minh của châu Âu, từ thời xa xưa nó đã là một địa điểm lãng mạn, với những con người kỳ lạ, những ký ức thôi thúc trong đầu và những phong cảnh, trải nghiệm tuyệt vời". Có lẽ trong đầu rất nhiều người trong chúng ta thì suy nghĩ đầu tiên khi nghe thấy từ Đông phương là cảm thấy một cái gì đó huyền bí, bí ẩn, một mảnh đất đầy thần thoại. Ngay chính bản thân tôi trước khi đến Ấn Độ thì những hình ảnh huyền bí và tâm linh luôn hiện ra mỗi khi tiếng chuông Ấn Độ được rung lên. Câu hỏi là tại sao nó lại như thế? Tại sao những hình ảnh đó trở thành một thứ phản xạ vô điều kiện của chúng ta, sẵn sàng nhào ra mỗi khi gặp những kích thích nhỏ nhất? Đông phương luận của Edward Said giúp chúng ta tháo dỡ từng viên gạch của một pháo đài "huyền bí" đó, chỉ rõ nó được xây dựng nhằm mục đích gì? Qua những nghiên cứu về văn học châu Âu, hay đúng hơn các quan điểm ẩn chứa trong chúng, Said đã cho thấy một quá trình thương thảo2 mà qua đó, tính ưu việt của người châu Âu được kiến tạo và cưỡi trên lưng quyền lực chúng trở thành giá trị toàn cầu.

Trong khuôn khổ của bài nghiên cứu này, tôi tập trung vào tác phẩm kinh điển của Edward W.Said, Đông phương luận (1978) để làm rõ hai mục đích nghiên cứu chính của ông: Thứ nhất Said phê bình các nhà Đông phương học dùng hệ quy chiếu của mình để miêu tả, hình dung về các nền văn hóa, xã hội, lịch sử khác3; thứ hai là mục đích chính trị của các học giả (nhưng cũng thường là quan chức trong bộ máy cai trị thực dân) trong quá trình nghiên cứu về phương Đông: nhằm phục vụ việc cai trị thực dân. Ẩn dưới những quan điểm này là mối quan hệ quyền lực trong quá trình ‘kiến tạo’ ra tri thức về các quốc gia thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh của thực dân châu Âu. Đan xen giữa các luận điểm trên tôi sử dụng các nghiên cứu về William Jones như một ví dụ điển hình để làm rõ quan điểm của Said. Những phê bình hay sự mở rộng từ luận điểm của Said trong gần 30 năm qua cũng sẽ được tổng kết dưới dạng khái lược để thấy rằng quả không quá lời khi nói rằng Edward Said đã mở ra một kỷ nguyên mới trong nghiên cứu khoa học xã hội.

Đông phương luận : Orientalism 1978

Đông phương luận của Said đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong gần ba thập kỷ và vẫn tiếp tục là đề tài được nhắc tới nhiều nhất trong các ngành nghiên cứu khoa học xã hội thời kỳ hậu thực dân.4 Said nghiên cứu các công trình nghiên cứu về Đông phương của các học giả phương Tây bắt đầu từ thế kỷ XVIII, khi mà các công trình này đã được định chế hoá, hay nói một cách khác: chúng được sử dụng cho mục đích cai trị thuộc địa của thực dân phương Tây. Mục tiêu nghiên cứu của Edward Said là tìm hiểu nền tảng của các quan điểm của người phương Tây về phương Đông được thể hiện qua các ngành và các viện nghiên cứu khác nhau qua nhiều thế kỷ, đặc biệt là thế kỷ XIX, khi mà chủ nghĩa thực dân đạt tới đỉnh điểm tại châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.

Edwarrd Said

Tuyên bố của William Jones về nguồn gốc chung của tiếng Hy Lạp, Latin và tiếng Phạn đã mở đường cho hàng loạt các công trình nghiên cứu về phương Đông, qua mối quan hệ này, nhiều học giả đã hướng các công trình nghiên cứu của mình đến việc lý giải quá trình hình thành nền văn minh của châu Âu. Theo Said, đây chính là sợi dây xuyên suốt các công trình nghiên cứu về phương Đông của người phương Tây: Nghiên cứu về phương Đông nhưng thực chất để tìm lại, chứng tỏ và thể hiện bản sắc của người châu Âu. Dưới sự bảo trợ của chủ nghĩa thực dân, sự thống trị và tính siêu đẳng của châu Âu được coi như là một điều hiển nhiên. Ernest Renan (1823-1892), một trong những học giả nổi tiếng đã nhận định chắc chắn “Tất cả mọi người cho dù biết rất ít về xã hội hiện tại cũng có thể nhìn thấy rõ ràng sự hạ đẳng của các quốc gia Hồi giáo (Mohammedam)”.5 Sự thống trị về kinh tế và quân sự trong nửa sau thế kỷ XIX đã biến châu Âu thành trung tâm của thế giới, do đó, Cromer có thể tự tin so sánh “trí tuệ của người châu Âu hoạt động như một cỗ máy” trong khi đó người phương Đông “giống như hình ảnh đường phố của họ, luôn luôn trong ma trận” (Said 1978: 38). Một trong những nền tảng luôn theo đuổi các học giả phương Tây trong khi nghiên cứu về phương Đông, cho dù ở bất kỳ quan điểm nào, là việc tự khẳng định nền văn minh của chính họ. Chính vì thế mà hàng loạt các đường biên giới, nét khác biệt được kẻ chỉ rõ ràng để xác định các đặc tính của phương Đông, phương Tây.

Sự phát hiện những nét giống nhau về mặt ngôn ngữ giữa tiếng Phạn và tiếng châu Âu nhanh chóng đặt nền móng cho các lý thuyết sự phát triển các chủng tộc. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là sự đánh đồng giữa ngôn ngữ và chủng tộc. Những nghiên cứu, giả định tiếp theo đó đã xây dựng nên một trong những huyền thoại lớn nhất đó là chủng tộc người Aryan.6 Thuật ngữ Aryan trở nên phổ biến trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XIX qua những nghiên cứu của nhà triết học người Đức Friedrich Schlegel (1772-1829). Những nghiên cứu này bảo vệ giả thuyết rằng những dân tộc sử dụng ngôn ngữ khác nhau có nguồn gốc, hay chủng tộc khác nhau, và ngược lại những ai nói cùng một ngôn ngữ sẽ thuộc cùng một chủng tộc.7 Chính vì thế dưới cái ô của thuật ngữ “ngôn ngữ Ấn- Âu” các học giả đã dồn vô số các nhóm người, dân tộc khác nhau - người Ấn Độ, người Ba Tư, người Anglo-Saxons v.v. vào làm một. Họ không những bỏ qua sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ mà còn sắp xếp chúng vào bậc thang của sự phát triển, trong đó châu Âu ở trên đỉnh. William Jones đã tuyên bố thường xuyên trên các công trình nghiên cứu của mình rằng người Hindu không có và chưa cũng bao giờ có “một nền văn minh đỉnh cao”, họ chỉ là những người “man rợ”, chỉ mới “bước được vài bước khởi đầu trong hành trình tiến tới văn minh”. 8

Thông qua nhà nước thực dân những nhà Đông phương học đã kiến tạo nên những chủ thể nghiên cứu trong một cái hệ quy chiếu - đặt châu Âu làm đỉnh cao của nhân loại- đã có thể duy trì được quyền lực thống trị ngay trong quá trình “tìm hiểu” chúng.9 Cũng như nhiều nhà Đông phương học trước đó, William Jones 10 nhìn và nhận xét văn hóa Ấn Độ qua lăng kính của Phương Tây. Chỉ một năm sau khi đặt chân tới Ấn Độ (1784), Jones đã công bố bài nghiên cứu của mình về Thần của Hy Lạp, Ý và Ấn Độ11, trong đó ông đã so sánh đối chiếu giữa những phong tục, tập quán và huyền thoại của Hindu giáo và nền văn minh La Mã-Hy Lạp. Một trong những luận điểm của Jones trong nghiên cứu của mình đó là cái mà người phương Tây đang nhìn thấy ở Ấn Độ không có gì là xa lạ mà chính là châu Âu trong thuở sơ khai. Chính vì thế, người châu Âu có thể tìm lại được quá khứ của mình thông qua việc nghiên cứu phong tục tập quán của người Hindu. Theo Jones, đặc trưng chung giữa hai nền văn minh này là việc thờ cúng đa thần. Tuy nhiên, điểm khác quan trọng mà Jones nhận định đó là trong khi người phương Tây đã phát triển từ việc sùng bái vật giáo không đa thần tới việc thờ một thần theo Kinh thánh thì người theo Hindu vẫn còn luẩn quẩn trong thời kỳ sơ khai.12

Cũng chính từ quan điểm lấy Thiên Chúa giáo làm tâm điểm, trưởng thành các phong tục tập quán khác thay nhau đứng vào bậc thang phát triển của con người. Trong khi coi các sự kiện trong Kinh thánh là sự thực lịch sử, Jones phải “xoay sở” để ghép các sự kiện khác vào dòng lịch sử của Kinh thánh. Các tập sách kinh điển như kinh Vedas, Bhagavata Puraas Dharmasastra của Manu được đưa vào trong khung thời gian của Kinh thánh và song song với việc nghiên cứu những văn bản tiếng Phạn này, chúng còn có nhiệm vụ chứng minh sự chính xác tuyệt đối của Kinh thánh. Jones hoàn toàn không đếm xỉa tới các quan điểm triết học của người bản địa về thời gian và khẳng định chúng chỉ có ý nghĩa khi đặt trong nền tảng của Kinh thánh. Chính vì thế, khái niệm Yugas của người Hindu13 không những bị ép vào khung thời gian của Thiên chúa giáo mà theo Jones những gì tồn tại trước Sáng Thế Kỷ của kinh thánh đều vô nghĩa. Những cái gì mà Jones đọc được mà có những nét tương đồng với “sự thật lịch sử” đều có nghĩa, ví dụ Jones đặt câu chuyện về cơn lũ trong Puraa trong sự kiện cơn đại hồng thủy trong Kinh thánh, nếu như Manu được cảnh báo về cơn lũ lớn đã cùng 7 nhà thông thái lên một chiếc thuyền được cá kéo lên trên đỉnh núi thoát nạn thì Jones cho rằng đây chính là Noah đã được hư cấu trong phiên bản Asiatick. Manu không ai khác chính là Noah trong kinh thánh.

“Đối với tôi, ví dụ điển hình này trong lịch sử xa xưa nhất của Ấn Độ, bây giờ cũng không còn nữa, rất kỳ lạ và quan trọng; đối với câu chuyện (lũ) thì mặc dù được khoác lên một tấm áo ẩn dụ và quái dị nó chính là truyền thống thời nguyên thủy của đất nước này – là phiên bản của trận đại hồng thủy mà Moses miểu tả (trong Kinh thánh), và sau đó bảng niên đại đúng của người Hindu mới thực sự bắt đầu”.14

Theo Jones câu chuyện đại hồng thủy trong kinh thánh là sự thật lịch sử còn câu chuyện lũ trong Puraas của người Hindu là phiên bản xuyên tạc sự thật, không những thế các thể loại thần thoại của người Hindu mang nặng tính nguyên thủy mà trong đó “Tính lịch sử, sự thật đã bị xuyên tạc thành chuyện bịa đặt do sự ngu dốt, trí tưởng tượng, bốc phét và đần độn”.15 Tất cả các tri thức khác ở Ấn Độ đều phải được nhìn qua lăng kính của Thiên Chúa giáo, nếu không, chúng đơn thuần là sản phẩm của sự ngu dốt, mông muội của trẻ thơ.

Mục tiêu của Said trong Đông phương luận là phát triển, hình thành một cách nhìn mới về phương Đông. Nhưng trước khi có thể xây dựng một góc nhìn mới, Said đặt trọng tâm nghiên cứu vào việc phân tích và chỉ ra các thể loại nghiên cứu từ nhiều ngành khác nhau trong quá trình nghiên cứu, đồng thời kiến tạo ra Đông phương. “Nếu không nhìn Đông phương luận như một quá trình thương thỏa (tri thức được kiến tạo ra dựa trên một quá trình giằng co về quyền lực chúng ta sẽ không thể hiểu được một cỗ máy có hệ thống chặt chẽ mà qua đó văn hóa châu Âu được dùng để quản lý- và thậm chí sản xuất ra một phương Đông trên các mặt chính trị, xã hội, quân sự, tư tưởng, khoa học và tưởng tượng trong thời kỳ hậu phục hưng”.16 Ẩn dưới các công trình nghiên cứu về phương Đông của các nhà Đông phương học là một Đông phương mà qua đó, xã hội Châu Âu xây dựng bản sắc của mình qua việc so sánh, đối chiếu, hay đặt phương Đông vào cực đối diện với nền văn minh ‘đỉnh cao’ của Châu Âu.

Không những đặt ra khung nghiên cứu lây châu Âu các nhà Đông phương học còn sử dụng quyền lực để áp đặt cái hệ quy chiếu đó không chỉ ở thuộc địa mà còn ở ngay tại chính quốc, biến chúng trở thành một giá trị mang tính toàn cầu. Kiến thức luôn đi đôi với quyền lực –cái gì được biết đến luôn bị quyết định bởi cách nó được biết tới; những hệ quy chiếu hay nguyên tắc của một ngành học quyết định kiến thức có thể đạt được, và điểm cần nhấn mạnh ở đây là ai có quyền lực đặt ra và áp đặt hệ quy chiếu này. Said lấy ví dụ điển hình qua việc Arthur James Balfour bảo vệ việc chiếm đóng Ai Cập trước Hạ nghị viện năm 1910 “Chúng ta hiểu biết nền văn minh Ai Cập sâu hơn bất kỳ một quốc gia nào mà chúng ta biết tới… có trong tay một kiến thức như vậy là để thống trị và áp đặt quyền cai trị lên nó… tại vì chúng ta biết nó và nó tồn tại trong cái khía cạnh mà chúng ta biết về nó”. 17

“Người Anh biết Ai Cập; Ai Cập là cái mà người Anh biết; Người Anh biết rằng Ai Cập không thể có được một chính phủ tự chủ; Người Anh khẳng định điều này thông qua việc chiếm đóng và bây giờ cai trị nó; chính vì thế việc chiếm đóng ngoại bang đã trở thành ‘nền tảng’ của nền văn minh Ai Cập đương thời”.

Nhiều học giả cho rằng Đông phương luận là cách mà chính quyền thực dân xây dựng để bào chữa cho việc chiếm đóng của mình, tuy nhiên Đông phương luận không chỉ đơn thuần là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân. Nó không những tồn tại trước và còn mở đường cho việc xâm lược thực dân. Việc chia thế giới thành phương Đông và phương Tây đã tồn tại trước đó nhiều thế kỷ như điều quan trọng đó là một bên có quyền lực quyết định thế nào là phương Đông, thế nào là phương Tây như Balfour đã nhận định về Ai Cập rằng “Ai Cập là cái mà người Anh biết đến”. Chính vì thế, dưới sức mạnh văn hóa này, kiến thức về phương Đông ở khía cạnh nào đó “tạo ra phương Đông, con người phương Đông và thế giới của anh ta”. Và theo Said trong quá trình xây dựng nên một hình tượng Đông phương mà ông gọi là “khu vực địa lý tưởng tượng” vì chắc không có một ngành nghiên cứu khoa học nào gọi là “Tây phương học”. Việc ngành Đông phương học ra đời và tồn tại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định nghĩa và hình thành một bản sắc Châu Âu chung đối chọi lại phương Đông. Những tri thức được các nhà Đông phương học tập hợp, lập luận và lý giải trong những cuốn sách của mình cho chúng ta thấy hình ảnh một phương Tây rõ nét và có bản sắc thay vì đạt được mục tiêu nghiên cứu của mình về phương Đông.

Từ một “khu vực địa lý tưởng tượng” này đã hợp thức hóa hàng loạt các cặp phạm trù đối xứng nhau như: người phương Tây lý trí, người phương Đông huyền bí; người phương Tây văn minh, người phương Đông lạc hậu; phương Tây năng động, phương Đông bất biến; phương Tây trưởng thành, phương Đông con nít; người phương Tây thích mạo hiểm, khám phá, người phương Đông nhút nhát, e dè v.v.. Sự ra đời của hàng loạt các từ vựng này phải kể đến “công lao” lớn của những viện văn hóa đang nhào nặn một cái hình hài tương phản với Châu Âu, và một đường biên giới có thể vẽ ra chia 2 thế giới một cách rõ ràng, Said cho rằng cài đường chỉ chia đôi 2 thế giới này phần lớn là do con người tự tạo ra.18 Điểm đáng lưu ý này là sự khác biệt này thường được chấp nhận như một lẽ tự nhiên và phải nghiên cứu riêng lẻ, gắn với chúng những đặc tính riêng, thường đối chọi nhau. Đây chính là quá trình Đông phương hóa khu vực nằm dưới sự cai trị của chính quyền thực dân.

Mục đích viết quyển Đông phương luận của Said không chỉ dừng lại ở mức độ phê bình sự mường tượng của các học giả Đông phương học mà còn đề cao tầm quan trọng tìm ra một hướng nghiên cứu mới. Trong khi ông nhận định rằng đang có rất nhiều những nỗ lực nghiên cứu theo một hướng mới nhưng Said vẫn cảnh giác với lối nghiên cứu truyền thống dựa vào một hệ quy chiếu, hay khung do những nhà Đông phương học đi trước đặt ra. 19 Điều quan trọng đối với Said đó là việc liên tục đấu tranh chống lại sự thống trị của Đông phương luận, đối với ông, học giả phải “nhạy cảm với những cái gì được đưa ra trong quá trình nghiên cứu Cái khác tôi (The Other), trong lối suy nghĩ về chủng tộc, trong sự chấp nhận một cách tùy tiện, không phê bình những tư tưởng có quyền lực áp đặt, trong vai trò xã hội-chính trị của người trí thức, trong giá trị quan trọng của một tiềm thức phê bình và hoài nghi”. 20

Mặc dù chịu ảnh hưởng rất nhiều về mặt lý thuyết từ Foucault nhưng Said cho rằng Foucault quá tập trung vào việc nghiên cứu về quyền lực, các hoạt động và sự phân bố của nó thay vì quyết tâm thay đổi quyền lực trong xã hội. Còn đối với Said, quyền lực của những nhà Đông phương học là ở chỗ họ ‘biết về phương Đông’ để kiểm soát và cai trị thuộc địa. Chính vì thế, để nhìn nhận vấn đế một cách nhạy cảm hơn, các học giả cần phải tiếp cận đối tượng nghiên cứu của mình ngoài hệ quy chiếu của Đông phương luận. Hơn nữa, những kiến thức này phải được công bố tới độc giả một cách rộng rãi hơn thay vì như các nhà Đông phương học trước đây viết sách hay nghiên cứu hoàn toàn phục vụ cho độc giả ở những trung tâm thành thị châu Âu. 21Do đó đối với Said các công trình nghiên cứu mới không nhằm mục đích đưa ra hình ảnh một Đông phương đích thực mà chứng minh sự giả tạo về một Đông phương đích thực trong con mắt của người châu Âu. Vai trò của người trí thức giờ đây không chỉ là nghiên cứu những tư liệu mà còn phải nhìn ra được những gì đằng sau chúng phanh phui sự giằng co quyền lực ngay trong quá trình hình thành các chủ thể nghiên cứu.

Những phê bình về Đông phương luận:

i. Tuy Said đã nhấn mạnh về mặt không gian nghiên cứu của mình nhưng dường như việc lấy sự xâm lược Ai Cập của Napoleon làm điểm khởi đầu của Đông phương luận, thay vì một trào lưu nghiên cứu ngôn ngữ Ấn-Âu trong suốt thế kỷ XVIII để chứng minh quan điểm của mình về quyền lực của Châu Âu trong việc thiết lập sự tương phản giữa phương Đông và phương Tây có thể gây ra sự mất cân bằng trong nghiên cứu.

ii. Said cũng không nói đến những học giả phương Tây kính trọng các nền văn hóa phương Đông và cho rằng họ còn phát triển hơn phương Tây, hay thậm chí, nỗi e ngại rằng sự phát triển của Đông phương luận sẽ làm tan biến đường biên giới giữa Đông và Tây.

iii. Chính Said cũng phải thừa nhận rằng việc sử dụng khái niệm thương thỏa quá nhấn mạnh vào việc thống trị và quyền lực mà làm giảm nhẹ vai trò của việc giao lưu văn hóa.

iv. Một trong những phê bình lớn đối với cuốn Đông phương luận của Edward W.Said là của Robert Young trong công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn tới các nghiên cứu hậu thực dân The White Mythologies22 (Huyền thoại người da trắng). Theo Young thì một trong những lý luận quan trọng nhất của Said về điều kiện kiến tạo ra tri thức của Đông phương luận đó là nó “không những tạo ra kiến thức mà còn cả cái thực tế mà họ có vẻ đang miêu tả. Theo thời gian những kiến thức và thực tế đó sẽ trở thành một truyền thống”.23 Tuy nhiên, mặt khác Said lại cho rằng Đông phương luận có mối liên quan chặt chẽ tới quá trình thực dân hóa, thậm chí còn biện chứng và hợp pháp hóa việc cai trị của người phương Tây. Hay nói một cách khác, một mặt Said cho rằng Đông phương luận hoàn toàn chỉ bao gồm những biểu tượng tượng trưng và không có gì dính dáng tới một Đông phương ‘thật’, nhưng mặt khác Said lại cho rằng những kiến thức xây dựng được từ Đông phương luận được sử dụng trong các cuộc chinh phạt thuộc địa, chiếm đóng và cai trị. Đây là một trong những điểm mâu thuẫn của Said.24

Một tác phẩm của Edward W.Said

v. Bên cạnh đó, nếu Said không công nhận rằng có một Đông phương ‘thật’ thì đâu là cơ sở để cho rằng những nghiên cứu Đông phương luận là không chính xác? Hơn nữa như James Clifford đã chỉ ra, mặc dù công kích Đông phương luận trong quá trình xuyên tạc, hay hạ đẳng phương Đông, Said cũng không đưa ra được một giải pháp khác và các công cụ của truyền thống lý thuyết phương Tây để công kích lại chính truyền thống đó, vậy thật ra Said có thể thoát ra khỏi hệ thống lý luận phê bình của phương Tây hay không?

vi. Tuy Said phê bình các nhà Đông phương học phương Tây đã đặt ra một sự đối nghịch gắn với chúng các đặc tính tương phản nhau giữa Đông và Tây, Said đã tự đóng khung hai khu vực thành hai khối mà không chỉ ra sự khác biệt, đa dạng hóa trong từng khu vực. Lata Mani và Ruth Frankenberg 25 đã chỉ ra rằng Said chỉ tập trung vào Tây Á nhưng lại đưa ra những nhận xét chung về toàn bộ khu vực Đông phương, điều này đã làm cho cơ sở lý luận của Said trở nên kém thuyết phục.

vii. Một trong những phê bình có ảnh hưởng lớn và đã mở đường cho rất nhiều công trình nghiên cứu thời kỳ thực dân là từ góc độ giới. Hàng loạt những nghiên cứu mới cũng đã chỉ ra rằng không có một Tây phương thuần nhất được nhìn qua biểu tượng của một người đàn ông da trắng, dũng cảm khám phá mảnh đất phương Đông huyền bí. Reina Lewis đã chỉ ra trong công trình nghiên cứu của mình về vai trò của người phụ nữ châu Âu trong quá trình hình thành kiến thức về phương Đông, và sau đó nhà nước thực dân sử dụng để cai trị thuộc địa.26

Nói tóm lại, sau gần 30 năm, cuốn Đông phương luận của Edward W. Said vẫn là chủ đề được quan tâm chú ý hàng đầu trong các ngành nghiên cứu khoa học xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này tôi đã đề cập tới hai vấn đề chính trong việc phân tích tư tưởng của Said trong Đông phương luận, đó là việc các nhà Đông phương học đặt ra một cái hệ quy chiếu lấy châu Âu làm trung tâm trong quá trình nghiên cứu các khu vực khác. Nhưng điều quan trọng hơn Said đã chỉ ra một cách thuyết phục quá trình mà trong đó các kết quả nghiên cứu trên trở thành những đặc tính cố hữu, hay truyền thống của một khu vực nào đó mà nhiều khi chúng được tưởng tượng ra để đối chiếu với những ‘đặc tính’ của phương Tây. Mặc dù quan điểm Đông phương luận đã được mở rộng ra rất nhiều qua nhiều công trình nghiên cứu về lý thuyết cũng như chuyên ngành riêng, luận điểm của Said vẫn là bước ngoặt quan trọng giúp chúng ra nhìn sâu hơn cái vỏ bọc của ‘giao lưu văn hóa’, hay phổ biến hơn ‘hội nhập văn hóa’ để thấy vai trò thiết yếu của quyền lực trong quá trình kiến tạo ra kiến thức không những về cái khác ta mà ngay cả chính bản thân ta.

Tài liệu tham khảo chính:

1. Said, Eward W., Orientalism,Vintage, 1978.

2. Said, Eward W., Đông phương học, nxb Chính trị Quốc gia, 1998.

3. Said, Eward W., The world, the text and the critic, Harvard University Press, 1983.

4. Said, Eward W., Culture and Imperialism, Vintage 1994.

5. Said, Eward W., Reflections on Exile, Penguin 2001.

6. Jones, William The works of Sir William Jones in Six Volumes, Vol.1 Anna, Maria Jones biên tập, Nxb London: G.G and J.Robinson, 1799.



1 Cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Việt với tiêu đề Đông phương học, Nxb Chính trị Quốc gia, 1998. Tuy nhiên trong khuôn khổ của bài viết này tôi sử dụng Đông phương luận khi nói đến quyển sách này để làm rõ mục tiêu của cuốn sách: nghiên cứu về quan điểm của người phương Tây về phương Đông.

2 Trong khi không có một cách hiểu duy nhất về Discourse (về mặt ngôn ngữ mà nói Discourse được hiểu và sử dụng trong tiếng Việt là Diễn ngôn), tuy nhiên nội hàm của nó đã được mở rộng ra rất nhiều trong các lý thuyết văn hóa của Michel Foucault và Jean-Francois Lyotard mà tôi dùng thuật ngữ Thương thỏa. (cảm ơn anh Nguyễn Tuấn Cường đã gợi ý). Nói một cách đơn giản và trực diện nhất về quan điểm của Foucault, Thương thảo đặt ra những câu hỏi về sự cố định của các thể chế, phong tục tập quán, hay chủ thể mà thay vì đó chúng luôn được hình thành –vừa sản xuất và tổ chức- trong một bối cảnh xã hội cụ thể.

3 Không chỉ những nền văn hóa khác mà ngay cả nền văn hóa châu Âu được tưởng tượng trong đầu các nhà nghiên cứu Đông phương học.

4 Hậu thực dân (Postcolonialism) trong bài viết này được hiểu là thời kỳ sau khi các đế quốc thực dân trao trả lại quyền lực về mặt chính trị mà họ đã kiểm soát trong gần 200 năm cho các dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La Tinh, cùng với nó là sự ra đời của hàng loạt các quốc gia độc lập. Edward W. Said đã không đồng ý đánh đồng rằng mọi công trình nghiên cứu đều đã thoát khỏi cái nhìn bóp méo của thực dân châu Âu các công trình nghiên cứu với một xu hướng nghiên cứu thoát khỏi cái nhìn bóp méo của thực dân Châu Âu- (nên diễn đạt lại câu này cho rõ nghĩa) thường được biết đến là các nghiên cứu thời ký hậu thực dân (Postcolonial studies) vì theo ông, thời kỳ thực dân chưa chấm dứt. Tham khảo thêm Goldberg, David Theo and Quayson, Ato Relocating Postcolonialism, Nxb Blackwell 2002, tr. 2.

5 Trích dẫn lại từ, Ashcroft, Bill và Ahwalia, Pal Edward W. Said, Nxb Routledge, 2001, tr. 51.

6 Tuy không đề cập sâu trong khuôn khổ của bài viết này, tôi đã trình bày bài thuyết trình trên về huyền thoại người Aryan và chủ nghĩa thực dân Anh ở Ấn Độ tại Viện văn hóa-VKHXH và đang trong quá trình hoàn thành bản thảo để xuất bản.

7 Đây là một quan điểm dẫn tới chủ nghĩa phát xít và sự diệt chủng người do thái, nhiều học giả cho rằng chủ nghĩa thực dân đã quay trở về hoành hành trên chính mảnh đất nơi mà nó được “tưởng tượng” ra.

8 Metcalf, Thomas R. Ideologies of the Raj, nxb Cambridge, 1998, tr.30.

9 Trong nghiên cứu Nam Á việc nghiên cứu về đẳng cấp hay tranh cãi về chủng tộc người Aryan là hai ví dụ điển hình.

10 William Jones (1764-1794), người đặt nền móng cho Đông phương học của phương Tây nói chung và Đông phương luận của người Anh nói riêng, được biết đến nhiều nhất nhờ việc phát minh ra những nét giống nhau giữa tiếng Phạn và các ngôn ngữ cổ điển của châu Âu - sau này gộp chung vào thành ngôn ngữ Ấn-Âu. Những công trình quan trọng của Jones bao gồm bản dịch từ tiếng Ba Tư sang tiếng Pháp và tiếng Anh History of Nader Shah (năm 1771 và 1773), và công trình Grammar of the Persian Language (Ngữ pháp tiếng Ba Tư) năm 1771. Trong số những bản dịch của ông, hai tác phẩm để lại nhiều dấu ấn nhất đó là: Vở kịch tiếng Phạn Sakuntala của Kalidasa (1789) và Institutes of Hindu law: or, the Ordinances of Menu (Bộ luật của người Hindu)- sau khi ông chết được tập hợp thành A Digest of Hindu Law on Contracts and Succession (Thống kê các đạo luật Hindu về giao kèo và thừa kế), một trong những cuốn ‘kinh’ của những luật sư Anh làm việc cho Công ty Đông Ấn của Anh tại Ấn Độ. Vào thời điểm lúc bấy giờ, William Jones được coi là một nhân tài xuất chúng. Tuy được đào tạo để trở thành một nhà ngôn ngữ học nhưng ông lại có nhiều mối quan tâm khác nhau bao gồm: âm nhạc, thơ ca, ngữ văn, tôn giáo, thực vật học, thiên văn học, lịch sử, chính trị và luật pháp.

11 On the Gods of Greece, Italy and India.

12 Jones, William The works of Sir William Jones in Six Volumes, Vol.1 do Anna và Maria Jones biên tập Nxb London: G.G and J.Robinson, 1799, tr. 229-30.

13 Yugas (phiên âm theo chữ Devanagari) trong triết học của Hindu giáo có thể hiểu đơn giản là một vòng phát triển của cuộc sống, nó được chia ra thành 4 thời kỳ Yugs: Satya Yuga (1.728.000 năm), Treta Yuga (1.296.000 năm), Dvapara Yuga (864.000 năm) và Kali Yuga (432.000). Mỗi một thời kỳ có một đặc trưng riếng và theo triết học của Hindu giáo thì thế giới đi từ thời kỳ Satya tới Kali đồng nghĩa với việc sự chính nghĩa (Dharma) ngày càng mất đi.

14 Jones, William The works of Sir William Jones in Six Volumes, Vol.1 do Anna và Maria Jones biên tập Nxb London: G.G and J.Robinson, 1799, tr. 250-7.

15 Jones, William The works of Sir William Jones in Six Volumes, Vol.1 do Anna và Maria Jones biên tập Nxb London: G.G and J.Robinson, 1799, tr. 230.

16 Said, Edward, Orientalism, Penguin 2001, tr. 3

17 Said, Edward, Orientalism, Penguin 2001, tr. 34

18 Said, Eward, Reflections in Exile, Penguin, 2001, tr. 199.

19 Tôi xin trích một đoạn văn bản tiêu biểu bị ảnh hưởng nhiều bới hệ quy chiếu Đông Phương luận lấy châu Âu làm khuôn mẫu ‘Các học giả châu Âu đã có công phát hiện một phương Đông huyền bí, lãng mạn có sức hấp dẫn tuyệt vời đối với đầu óc mạo hiểm và đam mê hưởng thụ của người châu Âu. Những công trình khoa học đã làm sống lại những miền đất lạ bị lãng quyên, thậm chí còn cứu những nền văn hóa đang bị tiêu vong bởi sự khắc nghiệt của thời gian và không gian đầy mưa gió.” Phạm Đức Dương - Phương Đông và Đông phương học, kỷ yếu Đông phương lần thứ 1, Nxb Đại học Quốc gia, 2001, tr.48. Điều đáng quan tâm hơn đó là quá trình Đông phương hóa phương Đông vẫn còn đang diễn ra với sự “giúp đỡ” của nhiều trí thực bản địa. Khi được hỏi phỏng vấn về những khả năng biến tướng của Nhã nhạc trong khi lưu diễn ở nước ngoài, nhà Huế học Phan Thuận An trả lời “Tôi thấy, Tây họ “tinh” lắm, họ biết đâu xịn là họ mời”. (Theo báo Tuổi trẻ online ngày 21/11/2003).

20 Said, Eward Orientalism, Penguin 1995, tr. 327.

21 Theo cách nói của Gyan Prakash “Đông Phương học là của Châu Âu ngay từ ban đầu. Học giả là người Châu Âu; người đọc cũng là người Châu Âu; còn người Ấn Độ chỉ là vật thể bất động trong kiến thức này. Những nhà Đông phương học nói cho người Ấn Độ, và đưa họ lên sách vở.”, Prakash, Gyan, Writing post-colonial histories of the Third World: Perspectives from Indian Historiography, Comparative Studies in Society and History, Vol. 32, No.2, 1990 tr. 384.

22 Young, Robert White Mythologies , Nxb Routledge, 1990. Xin tham khảo thêm cuốn Post-colonialism (chủ nghĩa hậu thực dân) của ông xuất bản năm 2003, Nxb Oxford.

23 Said, Edward, Orientalism, tr. 94.

24 Tuy Said cũng nỗ lực giải thích sự mâu thuẫn này bằng cách đưa ra 2 dòng Đông phương luận: Đông phương luận cổ điển, và Đông phương luận qua qua ngòi but miêu tả của lữ khách hay người hành hương. Nhưng trong thời kỳ thực dân 2 dòng Đông phương luận này nhập vào thành 1 và trở thành một công cụ cai trị của thực dân sau này.

25 Mani, L. và Frankenberg, R. The challenge of Orientalism, Economy and Society 14: 174-92.

26 Lewis, R. Gendering Orientalism: Race, Feminity and Representation, Nxb Routledge, 1995.

 Th.S. Nguyễn Quốc Anh - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   |