Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Ba nữ anh hùng, đứng riêng một khoảnh. Nhà giáo Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh một ấn tượng khó phôi pha

I. NHÀ GIÁO ƯU TÚ LÊ HỒNG SÂM - MỘT CÔ GIÁO TÀI HOA, MẪU MỰC

Thời tôi còn là sinh viên Khoa Ngữ Văn, hai lớp Văn - Ngữ vẫn còn học chung mặc dù đã phân chia ngành ngay từ năm thứ nhất. Mãi tới năm cuối cấp, tức là từ năm thứ ba rưỡi về sau, hai lớp Văn Ngữ mới thực sự tách ra để học chuyên đề. Khoá chúng tôi cũng là một khoá đặc biệt- khoá duy nhất được đào tạo theo hệ 4 năm rưỡi của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. So với các khoá khác, khoá 16 được học thêm nửa năm kiến thức cơ bản. Thành ra, tuy là sinh viên ngành ngữ, chúng tôi vẫn được học cô Sâm, cô Hạnh, cũng như một số thầy dạy văn học nước ngoài khác nhiều hơn so với các khoá thông thường. Những ấn tượng của tôi về các cô, sau bao nhiêu năm vẫn không hề phai nhạt. Không phải vì tôi nhớ dai mà nguyên nhân chính là các cô đã định hình phong cách rất sớm. Cùng dạy về văn học Pháp, hai cô lúc nào cũng như một đôi bạn tri kỷ, nhưng lại có hai phong cách khác nhau, và đều là những người thầy rất đáng kính của nhiều thế hệ học trò.

Khi mới bước vào năm thứ nhất, tôi đã được nghe sinh viên các khoá trên truyền tụng về phong cách giảng dạy của cô Lê Hồng Sâm. Bởi vậy, ngay từ buổi học đầu tiên về văn học hiện thực Pháp, chúng tôi đã náo nức chờ đón cô. Dạo ấy, cô còn trẻ lắm. Mới ngoài ba mươi mà tiếng tăm của cô đã có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều khoá sinh viên khiến chúng tôi thấy mình trở nên rất nhỏ bé. Cô vào lớp, dịu dàng như một người mẹ. Từ giọng nói đến nụ cười, tất thảy đều hiền dịu một cách lạ lùng. Nghe cô giảng, bất giác tôi nhớ đến những bộ phim có các nhân vật là các thanh nữ của đất Hà thành. Mái tóc dài, chải lệch ngôi về một bên, cô Sâm đi từ bục giảng xuống cuối lớp, ân cần nói lên những điều tâm huyết nhất của mình về nền văn học của nước Pháp vĩ đại. Cô đã làm choáng ngợp chúng tôi về một ông H. d. Balzăc khổng lồ. Ông là con người viết khoẻ nhất thế giới với hàng trăm bộ sách về hiện thực sinh động của nước Pháp trong thế giới của chủ nghĩa tư bản. Rồi chúng tôi lại há hốc mồm ngồi nghe cô giảng về Stendhal với tác phẩm kinh điển “Đỏ và Đen”... Từ môi trường phổ thông, quen nghe một lối giảng cứng nhắc, khuôn vào những điều giáo lý của sách giáo khoa, nay chúng tôi được nghe một kiểu giảng mới của cô giáo ở bậc đại học. Sức hấp dẫn và lôi cuốn của bài giảng mà cô Sâm đem đến cho mỗi chúng tôi quả là một sức mạnh diệu kỳ. Nó đã chắp cánh cho tâm hồn chúng tôi bay bổng hẳn lên. Thật kỳ lạ, sau bài giảng của cô, tôi mơ thấy mình trở thành một nhà tiểu thuyết. Tôi vẫn nhớ như in, sau lần nghe cô giảng về Balzăc, đêm đêm hay nghĩ đến những biến cố lịch sử của gia đình mình trong những năm tháng thăng trầm của các cơn bão tố thời đại. Ông nội tôi, người đã cung cấp tiền bạc và vũ khí cho cuộc khởi nghĩa của ông Tán Thuật đã để lại trong tôi hình ảnh về một cuộc khởi nghĩa oai hùng. Tuy thất bại, nhưng tiếng vang của nó vẫn là một dư ba mạnh mẽ khiến tôi mê đắm vào con đường sáng tác với hy vọng phản ánh lại được phần nào những chiến tích của các bậc tiền nhân.

Sau này, cuộc đời tôi phải gánh nặng hai vai: một nghiên cứu về ngôn ngữ, hai là sáng tác văn học, chính là do những ảnh hưởng sâu sắc của các vị giáo sư và các nhà giáo của ngành ngôn ngữ học và văn học trong Khoa Ngữ Văn. Trong đó có những thầy cô như thầy Nguyễn Tài Cẩn, cô Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh và nhiều thầy cô khác trong khoa. Đây cũng chính là những thầy cô đã tạo nên bước ngặt trong cuộc đời tôi qua các bài giảng hấp dẫn. Tôi không thể bỏ ngành ngôn ngữ học vì ngay từ đầu vào trường đại học tôi đã tình nguyện theo nó. Tôi cũng không thể từ bỏ con đường sáng tác văn chương vì ngay từ đầu tâm hồn tôi đã nhuộm thắm lòng yêu cái nghiệp khốn khổ này.

Tôi không bao giờ quên được những bài giảng của cô Lê Hồng Sâm bởi lẽ ấy. Không phải cô chỉ chinh phục tôi bằng tâm huyết nghề nghiệp của mình mà bằng cả phong cách nhà giáo của cô. Thật khó tả hết những cảm giác mến phục của mình khi viết về cô giáo có một phong cách rất riêng này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh với bạn đọc: những cô giáo có phong cách như cô Lê Hồng Sâm quả thực không nhiều. Từ thuở còn thơ cắp sách tới trường, tôi cũng đã học nhiều cô giáo, nhưng ấn tượng về cô vẫn là một ấn tượng sâu đậm nhất. Điều kỳ lạ là, nghe cô giảng về chủ nghĩa hiện thực, nhưng chất lãng mạn vẫn chờn vờn trong mỗi câu nói và giọng điệu của cô. Hiện thực mà vẫn bay bổng, đắng cay mà vẫn loé sáng niềm tin, chát chúa mà vẫn ngọt ngào, tàn nhẫn mà vẫn nhân văn... Đó là những cặp phạm trù tương phản mà luôn tác động qua lại biện chứng trong mỗi tiết giảng của cô khi cô phân tích về các nhân vật hay các nhà văn. Có được khả năng đó là vì cô rất giỏi tiếng Pháp. Nghe nói, cô là một người dịch tiếng Pháp rất sành điệu. Cô có thể dịch xuôi, dịch ngược hết sưc uyển chuyển, nhanh nhạy. Sự hiểu biết ngoại ngữ của cô không thuần tuý chỉ là nắm lấy nghĩa hay khả năng sử dụng của một số đơn vị từ ngữ mà còn nắm lấy cả linh hồn của thứ tiếng mình đang sử dụng. Đó là cả chiều sâu văn hoá của dân tộc Pháp được phản ánh trong mỗi tác phẩm, trong hệ thống từ ngữ của các nhà văn. Sự giao tiếp và hiểu sâu một nền văn học có tầm cỡ "khổng lồ" của thế giới văn minh đã tạo cho cô một thói quen ứng xử tinh tế trong cuộc sống và tạo cho cô một cốt cách riêng, rất riêng, so với những người khác. Cho nên, mỗi bài giảng của cô là một cánh cửa mở vào thế giới vô tận của những khám phá. Nó giúp cho sinh viên rất nhiều điều: cả cách tiếp nhận hình tượng văn học lẫn phương pháp tư duy. Vốn là một học sinh giỏi về tự nhiên mà chỉ khá về văn, tôi nhận thấy bài giảng của cô như có một linh hồn. Nó rủ bóng xuống nhiều số phận và cuộc đời và làm cho tôi có một cách nhìn hoàn toàn mới sau cái bước ngoặt bị bắt ép thi vào Tổng hợp Văn mà từ bỏ con đường mình yêu thích là vào Khoa Chế tạo máy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với tôi, một sinh viên ngành ngữ mà còn bị chinh phục như thế thì các bạn tôi, chẳng hạn như anh Trần Hinh, đệ tử ruột của cô, còn bị chinh phục tới mức nào. Tôi còn nhớ như bây giờ cái sự thay đổi rất kỳ lạ ở con người Trần Hinh. Dạo ấy, vào năm thứ nhất khi chúng tôi mới từ các nơi lục tục về Mễ Trì. Mỗi buổi chiều khi ăn cơm về, ai cũng sửng sốt khi đứng dưới sân nhà D2 (Trường Đại học Ngoại ngữ bây giờ) đã nghe một giọng nói oang oang từ gác 4 vọng xuống. Giọng nói đó ầm ào như sóng biển, át hẳn giọng nói của những người khác. Đó chính là giọng nói Trần Hinh. Cứ theo tính cách ấy, con người ấy, ai chẳng nghĩ rằng "chàng trai của biển khơi" sẽ không bao giờ thay đổi được giọng nói, ngữ điệu của mình. Vậy mà, chỉ ít năm sau, khi trở thành "đệ tử ruột" của cô Lê Hồng Sâm và Đặng Thị Hạnh, Trần Hinh đã thành một con người khác hẳn. Mỗi khi nói chuyện, anh không oang oang cất cái giọng của sóng biển Đông để nã vào tai mọi người mà thủ thỉ như một người con gái. Tôi chẳng bao giờ còn thấy anh nói to, ngay cả những lúc anh bực bõ nhất. Thế mới đủ biết, sức cảm hoá trong tính cách của hai cô giáo đối với anh mạnh mẽ đến mức nào.

Do không theo chuyên ngành văn học Pháp, những năm tháng sau này tôi ít tiếp xúc với cô Lê Hồng Sâm, nhưng trong tôi, ấn tượng của thuở ban đầu học cô và những ngày tháng còn sinh hoạt chung trong mái nhà Ngữ Văn mãi mãi là những ấn tượng đậm nét. Sự dịu dàng trong tính cách của cô, lối giảng bài luôn khơi gợi cho người học những suy nghĩ về cuộc đời, về nhân thế…mà cô đem đến từ những bài học thuở Mễ Trì thực sự đã chinh phục nhiều thế hệ sinh viên. Đối với tôi, cô vừa gần lại vừa xa. Xa vì sau khi trưởng thành, tôi ít khi được cùng đàm đạo với cô về chuyên môn. Tôi chỉ gặp và trò chuyện cùng cô trong những buổi sơ kết học kỳ hay tổng kết năm học. Nhưng gần vì thỉnh thoảng tôi vẫn được đọc các bài viết của cô trên báo, hay sách. Tuy chẳng mấy khi gặp cô, thế nhưng sau mấy chục năm cô chẳng những không hề quên tôi mà vẫn theo dõi từng bước đi của tôi nữa. Cảm động nhất là lần tôi gặp cô và cô Hạnh ở khách sạn Daewoo nhân một tiệc cưới con một đồng nghiệp. Vừa gặp và chào cô xong thì tôi nhận được từ hai cô lời hỏi thăm rất ân tình. Hai cô vẫn gọi tên tôi và xưng hô "cô và em" thân mật như thuở nào. Các cô còn hỏi thăm sức khoẻ cháu nhỏ của tôi nữa… Lúc đó tôi rất bất ngờ và cảm động. Vậy là hai cô tuy về hưu đã lâu mà chẳng hề quên các trò cũ. Trái lại, các cô còn nắm rất vững từng bước đi và sự thay đổi trong cuộc đời của tôi.

Suốt cả bữa tiệc, tôi cứ nghĩ vẩn vơ về những năm tháng ấm cúng thuở Mễ Trì. Đó là cái thời đói nghèo, gian khổ, nhưng hình ảnh người thầy đẹp và trong sáng như pha lê. Thấp thoáng sau cánh bằng lăng, tôi nhìn thấy cô Sâm, cô Hạnh vẫn trẻ đẹp trong nụ cười hồn hậu, rộng lượng và đầy chất nhân văn. Nụ cười ấy như bông hoa của hạnh phúc đem đến cho mỗi học trò, trong đó tôi chỉ là một trong những người được đi qua những năm tháng ấy. Bây giờ, các cô thực sự đã có tuổi rồi! Khuôn mặt các cô đã có nhiều nếp nhăn hơn, dáng đi cũng chậm chạp hơn… Giá như có phép màu làm cho thời gian ngược dòng trở lại, chắc chẳng riêng gì tôi mà rất nhiều người cũng muốn được trở về cái thời hoàng kim ấy. Các cô giống như người lái đò trên sông mênh mông, đưa bao thế hệ qua dòng nước chảy, tới bờ vinh quang, hạnh phúc. Các cô chính là những người thắp lên những ước vọng của tôi và đồng nghiệp. Mỗi lần nhớ tới các cô, nhớ tới Mễ Trì, tôi vẫn thấy bên mình thắp sáng bởi ánh sáng màu đỏ của hoa bằng lăng. Một lần lên rừng, tôi chợt cảm hứng mà viết về những kỷ niệm này:

Mỗi lần nở hoa bằng lăng

Biết một mùa thi đã đến

Mỗi lần cánh hoa rụng xuống

Biết một mùa thi đã qua

Bao nhiêu người thầy đã già

Bao nhiêu những người đang tới?

Thân cây tháng ngày già cỗi

Chở theo ước vọng tháng năm

Đi xa nhớ hoa nhớ trường

Ký túc những ngày nắng đổ

Biết bao nhiêu là nỗi nhớ

Bồn chồn mỗi bước em qua

Lên rừng nhặt lên cánh hoa

Ngỡ là như mình mới lớn

Ngoảnh sang em cười chúm chím

Hoa bằng lăng nở, hay là

Thế hệ chúng tôi nay đã qua ngũ thập cả rồi. Chúng tôi đã đi qua những mùa thu trong suốt, náo nức tiếng ve trên những cây cao quanh ký túc Mễ Trì. Các môn đệ ruột của cô Sâm, cô Hạnh lại còn nhiều cảm xúc dạt dào hơn nữa. Nhân đây, xin được trích một trong các trường đoạn cảm xúc của anh Trần Hinh về các cô. Vì trân trọng tác giả, tôi xin được chép nguyên xi không dám thêm bớt bất cứ từ ngữ, hay dấu chấm, dấu phảy nào. Bài viết mà anh gửi cho tôi nguyên vẹn như sau:

"Trong trí nhớ, quả thật không mấy tốt, của mình, tôi tuy không có những hồi ức tươi rói về hai nhà giáo, hai người thầy rất đáng kính của tôi, cô Đặng Thị Hạnh và Lê Hồng Sâm, nhưng nếu được phép lựa chọn một vài trong số gương mặt những người đi trước, có quyết định quan trọng trong đường đời của mình, hẳn tôi sẽ không bao giờ quên được hai cô giáo đáng kính đó. Tôi nhớ vào năm 1971, khi chỉ mới bước chân vào Tổng hợp Văn, tôi có cảm giác hai cô hãy còn rất trẻ. Hình như chỉ hơn 35, 36 gì đó. Lúc đó đang là sinh viên nên tôi rất ít có cơ hội được tường tận cả hai, nghĩa là, chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy mặt thôi, chứ nói chuyện thì tuyệt nhiên không bao giờ có. Trong ký ức không liền mạch của mình, tôi nhớ cô Hạnh dạy Molière và Hugo chính xác, rõ ràng, khúc chiết nhưng không thực sự lôi cuốn và bay bổng. Ngược lại, cô Lê Hồng Sâm dạy Balzac, Stendhal lại hấp dẫn đến mê hồn. Trong cuộc đời học trò của mình, tôi rất ít gặp được một nhà giáo nào lại có lối truyền đạt lôi cuốn và hấp dẫn đến như thế! Những lời lẽ, ngôn từ trong bài giảng của cô Sâm dường như không thừa và không thiếu chữ nào. Cứ như là những văn bản đã được gọt rũa, tu từ từ trước. Lối giảng lôi cuốn ấy cũng thể hiện ngay cả trong cách nói năng hàng ngày của cô, trong những chuyện trò với bất cứ một ai đó, từ người thân đến kẻ sơ, cô bao giờ cũng duyên dáng, dịu dàng như thế. Tôi nhớ có một đồng nghiệp trong Khoa Văn, hình như có vẻ không mấy ưa cô, nhưng cũng không thể tạo được bất kỳ lý do nào để ghét cô, có lần thấy tôi ca ngợi cô quá mức, đã thốt lên một lời trêu chọc thế này: Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi. Còn không ít học trò, vì quá mến mộ cô, chỉ nghe tiếng thôi chứ chưa hề được gặp mặt (vì cô đã nghỉ hưu từ tận năm 1990) đã đôi lần đề nghị tôi đưa đến nhà cô giới thiệu, chỉ gặp một lần thôi nhưng ai cũng đều bị thuyết phục bởi sự lịch lãm, dịu dàng, uyên bác hiếm có của người phụ nữ sans marque ấy (cô Lê Hồng Sâm cho đến tận lúc nghỉ hưu vẫn chỉ là một nhà giáo cử nhân mà không được phong bất cứ hàm vị nào).

Cô Đặng Thị Hạnh thì lại khác. Cô đã kịp được phong phó giáo sư trước lúc nghỉ hưu. Trong lối nói, cách trò chuyện, giảng bài, người con gái yêu của cụ Đặng Thai Mai không hề có một chút kiểu cách. Trước mọi vấn đề và mọi đối tượng, cô nói bình dị, rõ ràng, không lấy lòng và có vẻ như cũng không nhằm tới sự thuyết phục: Ai muốn tin thì tin, giận hay yêu cũng không mấy quan trọng. Mục đích chính của cô chỉ là nhằm thoả mãn nhu cầu được nói thật suy nghĩ của mình. Trong nghiên cứu khoa học, cô viết ít và chỉ viết những gì mình thực sự hiểu biết tường tận. Đấy là một mẫu nhà nghiên cứu hiếm hoi trong thời đại hiện nay tự nghiêm khắc và trung thực với mình. Tôi nhớ, cách đây dăm năm, cô có phàn nàn với tôi về một việc mà hẳn với một người khác, họ sẽ chẳng coi đó là điều quan trọng mấy. Đó là tình cờ một lần cô nhận được lời mời phản biện kín cho một luận án Tiến sĩ về văn học Phương Tây. Đề tài luận án hình như là về Hêminguây gì đó. Cứ nghĩ đơn giản cô là một chuyên gia uyên bác về văn học Phương Tây hẳn sẽ chẳng gặp khó khăn gì, một vị có trách nhiệm ở Bộ Đại học không hỏi ý kiến cô từ trước mà cứ gửi thẳng giấy mời và luận án cho cô qua đường bưu điện. Khi nhận được ấn phẩm không hề mong đợi này, cô Hạnh lập tức gửi trả lại địa chỉ cũ với lời từ chối rất giản dị: do không có điều kiện đọc nhiều Hêminguây nên thật sự cảm thấy không thể thực hiện được trách nhiệm được giao phó. Khi nghe cô Hạnh kể lại câu chuyện này, tôi thật sự ngạc nhiên và kính phục trước một nhân cách khoa học nghiêm túc như thế. Ngạc nhiên vì có lần, ngay trong bộ môn của mình, tôi đã được nghe lời đọc nhận xét của một giáo sư văn học Trung Quốc về luận án Tiến sĩ E. Zola (văn học Pháp). Còn trong Khoa, trong Trường hay nhan nhản ở bất cứ đâu đó ngoài xã hội, có thiếu gì đâu những nhận xét khoa học của một chuyên gia lĩnh vực này nhưng lại về một lĩnh vực khác. Họ khen, họ chê cứ như họ am hiểu lắm những gì người ta đã viết về những điều họ chưa bao giờ đọc. Trong khi đó tôi tin rằng, cô Hạnh đọc và hiểu Hêminguây dễ dàng như bất cứ một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam thông thái nào đọc hiểu Nam Cao

Cảm nhận không bao giờ có thể phai mờ trong tôi về hai cô giáo đáng kính của mình là như vậy. Tất nhiên tôi biết, đã là cảm nhận, thì ít hay nhiều đều cảm tính. Thế nhưng, tôi vẫn cứ luôn tin chắc rằng, những cảm tính của mình có độ chính xác không hề thấp. Bởi vì, trong hơn 30 năm hiện diện ở Khoa Ngữ văn, bây giờ là văn học, tôi có tới hơn 15 năm được làm việc bên cạnh cả hai cô Đặng Thị Hạnh và Lê Hồng Sâm, ở cùng một bộ môn, cùng họp hành, viết sách, dự hội thảo, tiếp khách nước ngoài, đến chơi nhà Thậm chí, tôi có thể hiểu rõ thói quen, tính cách của từng người. Cô Hạnh chân thành, giản dị tới mức xuề xoà trong cuộc sống nhưng trong công việc thì vô cùng nghiêm khắc. Tôi nhớ hồi mới ra trường được phân công giảng dạy văn học Lào, do không thích nên tôi vô cùng chán nản. Trong một lần họp bộ môn, chính cô đã đề xuất cho tôi được chuyển sang làm văn học Pháp với cô. Chẳng cần phải phân tích, thảo luận gì nhiều, rằng tôi có một chút tư chất nào về văn học Pháp hay không? Thế là tôi đã có bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời chỉ nhờ qua một đề xuất hết đỗi giản dị như thế. Sự giản dị, chân thành còn chi phối đến từng thói quen nhỏ trong cuộc sống của người con gái yêu của học giả Đặng Thai Mai. Chúng tôi, những học trò được coi là rất đỗi thân thiết, nhưng vì một lý do nào đó, trong ngày lễ tết, không đến thăm cô, không bao giờ cô Hạnh coi đó là điều quan trọng. Thậm chí, có những năm vào dịp trước tết, tôi đến, cô còn nói: Thôi mà, các cậu có nhiều việc riêng tư, khi nào rỗi, đến chơi với cô lúc nào cũng được, đừng nên bận tâm đến việc này. Năm đầu tiên, hồi mới ra trường, còn thời kỳ bao cấp, một lần trước tết đến chơi nhà cô, tôi còn được cô Hạnh tặng cả một chai rượu chanh (một thứ rất qúy hiếm) trong suất quà tết của đại tá Hồng Cư (bây giờ là trung tướng) về biếu ông bà. Trong câu chuyện sau này tôi mới hiểu, cô rất qúi mảnh đất Thanh Hoá, nơi mà cả gia đình cô từng sống một thời gian (Cụ Đặng Thai Mai từng có thời gian là Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa. Còn chú Hồng Cư, chồng cô, là người quê Đông Sơn, đồng hương với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu). Tôi cũng là người Thanh Hóa

Cô Lê Hồng Sâm lại có một nét riêng. Gặp cô lần đầu, qua cách nói chuyện và qua ngoại hình, không ai không có nhận xét rằng, cô có nét qúy phái con nhà dòng dõi. Nói chuyện với cô thật khó ai có thể dứt nổi ra. Cô luôn biết cách thu hút và thuyết phục người đối thoại bằng những nhận xét thông thái và quyến rũ. Về điểm này, tôi cũng muốn có một so sánh hai người Thầy của tôi, cô Hạnh và cô Sâm. Tôi có cảm nhận, sự thông thái của cô Sâm bao giờ cũng có thể dễ dàng được bộc lộ ngay cả qua một cuộc trò chuyện nhỏ. Cô Sâm có thể dịch trau chuốt, chính xác từng từ ngữ tiếng Pháp một cách trực tiếp mà chẳng cần mất nhiều thời gian. Có lẽ vì thế những dịp có chuyên gia Pháp sang Việt Nam nói chuyện, cô Sâm bao giờ cũng lãnh phần phiên dịch. Cô Hạnh thì bộc lộ chân thành rằng, bản thân cô thật khó bì kịp với cô Sâm về khả năng này. Mặc dù, ai cũng biết, về sự thông thái sâu sắc về chuyên môn và tiếng Pháp, cô Hạnh thậm chí còn có nhiều công trình, bài viết sắc sảo hơn. Nhưng, nói chuyện và tiếp xúc với cô Hạnh, phải có thời gian thật lâu, ta mới hiểu, đó là một người thông thái. Trong cuộc sống và công việc, cô Sâm là một típ phụ nữ dynamique (năng động). Cô có khả năng hoạt động không mệt mỏi. Cô đã từng được Chính phủ Pháp tặng huân chương Cành cọ hàn lâm về thành tích có nhiều đóng góp cho việc quảng bá văn hoá Pháp. Cô chính là nhạc trưởng của nhiều công trình và hợp tác giữa Pháp và bộ môn văn học Phương Tây. Cô sẵn sàng giúp đỡ đến tận cùng những ai có niềm say mê văn chương Pháp, lĩnh vực chuyên môn mà hơn nửa thế kỷ qua cô từng theo đuổi Tôi nhớ thời kỳ mới tập tễnh đến với văn học Pháp, vốn tiếng Pháp của tôi còn rất ngô nghê, nói chi đến khát vọng được đặt chân tới đất nước của Hugo, Balzac. Thế nhưng, chính cô Sâm là người đã truyền lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi. Nhân một lần có chuyên gia Pháp từ trường Paris 7 sang làm việc, cô Sâm đã đạo diễn cho tôi vào tận Khách sạn Thắng Lợi, nơi vị chuyên gia ở, đọc một bài discours ra mắt rất ngộ nghĩnh. Tôi nói ngộ nghĩnh, vì lúc ấy, vốn tiếng Pháp của tôi chỉ vừa đủ trình độ phát âm. Cô Sâm không nản chí. Trước cuộc gặp kia, cô cho gọi tôi đến nhà mấy lần, viết sẵn bản discours ngắn gọn để tôi apprendre par cổur (học thuộc lòng) trước. Mặc dù rất cố gắng, buổi ra mắt, hình như tôi đã đọc bài discours đó một cách vụng về. Và ông thầy kia hình như cũng biết được điều đó. Nhưng đó lại là buổi ra mắt đáng yêu của tôi với văn chương Pháp. Về sau này, có dịp sang Pháp, gặp lại vị chuyên gia kia, một người Pháp đôn hậu mà tôi từng được gặp không nhiều lắm trong đời, thầy Jean Dupeb, tôi mới biết, nhờ buổi ra mắt đáng yêu đó mà ông nhất quyết bênh vực và bảo vệ đến cùng để tôi đến được với quê hương của Balzac, Hugo Nghĩa là, cô Sâm cũng đã góp một phần quan trọng vào bước ngoặt cuộc đời tôi. Nếu không có chuyến đi Pháp năm đó, hẳn cuộc đời tôi sẽ khác. Cũng như trước đó, nếu không có sự đề xuất của cô Hạnh cho tôi chuyển sang làm văn học Pháp, có khi tôi đã đang lang thang ở một xó xỉnh nào...(?). Khác với cô Sâm. Cô Hạnh say mê, lặng lẽ với phần chuyên môn yêu thích của mình, nhưng lại ngại tiếp xúc, ngoại giao, xuất hiện, ngại làm nhạc trưởng. Về điểm này, tôi rất ngạc nhiên, vì từng có thời cô đã từng làm tới chức Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Hai Bà Trưng. Đó là thời kỳ đã lâu lắm. Còn bình thường, kể từ khi biết cô, tôi chưa thấy cô vui vẻ, tự nguyện làm lãnh đạo bao giờ. Ngay cả thời nhiều người còn thích bầu bán thi đua, tôi thấy, thường trong các cuộc bầu, cô Hạnh bao giờ cũng nhanh nhẩu nhận đứng ngoài danh sách lao động tiên tiến để đỡ phức tạp cho việc bầu bán của bộ môn (vì người ta quy định chỉ được bao nhiêu phần trăm thành viên đạt tiên tiến). Rất giống với Giáo sư Đỗ Đức Hiểu cùng trong bộ môn văn học Phương Tây, cô Hạnh cũng ngại xuất hiện trước ống kính truyền hình. Tôi nhớ một vài lần tổ chức ghi hình trên vô tuyến, phải khó khăn lắm mới kéo được cô rời khỏi khu nhà Liễu Giai đến với trường quay đài Truyền hình Việt Nam, mà tôi biết chỉ cách nhà cô vài trăm thước.

Hai phần ba thế kỷ qua đi, hai cô giáo của tôi đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp cũng gần tròn 50 tuổi, tôi vẫn thấy hai cô miệt mài làm việc. Cả hai đều không vì bất cứ một thứ lợi ích thực dụng nào để quảng bá cho một lĩnh vực chuyên môn mà hình như xã hội càng phát triển, nó lại càng bị người đời thờ ơ, lãnh đạm. Bất chấp tất cả, hai cô vẫn chung thủy và nhất quán với một tình yêu đã được đặt ra từ hơn nửa thế kỷ qua: tình yêu với văn chương đặc biệt là văn học Pháp. Có phải vì thế chăng mà tôi đặt bút ghi lại những dòng hồi ức này. Vừa viết và vừa luôn vẩn vơ nghĩ: Có lẽ đó là những típ người qúy hiếm mà càng ngày chúng ta sẽ càng khó có hy vọng tìm kiếm được trong xã hội này, khi mà tất cả đang miệt mài chạy đua trên con đường hiện đại hoá nhưng chưa bao giờ tới lúc nào mình sẽ tới đích (?).

Mùa xuân 2006 ".

Tuy là một nhà giáo mẫu mực trong tính cách, viết hay, giảng dạy rất hấp dẫn, nhưng đến khi xét phong học hàm cô Lê Hồng Sâm lại không may. Không biết cô thiếu một tiêu chuẩn nào đó (nghe nói là thiếu cái bằng hệ 4 năm vì khoá cô học chỉ đào tạo 3 năm?), hay do vấn đề nội bộ thời bấy giờ mà việc xét phong cô lại gặp khó khăn. Cho đến lúc cô về hưu, cô vẫn không nhận được cái chức danh mà ai cũng nghĩ rằng cô tất nhiên phải được là "phó giáo sư". Mới hay, sự đời thật lắm sự phũ phàng. Bình về sự nghiệp của cô mới có thơ rằng:

Dạy hay rõ thật là hay

Nghiệpnào có chịu kém ai bao giờ

Mà đời sao lắm chữ ngờ

Lại vò cho rối cuộc cờ một phen

Bình sinh vốn chẳng ham danh

Chức không màng, chuyện đỏ đen coi thường

Ngu si phận lại đãi đằng

Thông minh phận lại nhùng nhằng thế ru?

Một đời vì những học trò

Một đời phận gái lái đò qua sông

Bao phen sóng gió bão bùng

Tâm hồn vẫn trắng trong lòng nước non

Trăng có khuyết nguyệt vẫn tròn

Giữa đời gương sáng mãi còn soi chung

II. PHÓ GIÁO SƯ ĐẶNG THỊ HẠNH - NỮ NHÀ GIÁO TÀI BA

Nay lại nói về cô Đặng Thị Hạnh. Thật là cái sự khó biết bao nhiêu nếu tách hai nhà giáo nữ này mà viết riêng. Bởi họ là hai con người, hai tính cách, mà lại gắn bó với nhau đến mức, nói đến người này thì dường như trong đó lại có cả người kia rồi. Đó là nói đến cái gọi là phong độ nhà giáo, đến chuyên môn. Còn nói về phong cách, lại là một chuyện khác.

Không phải chỉ riêng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mà đối với cả nước, nói đến văn học Pháp và Phương Tây, trong dãy tên tuổi các nhà nghiên cứu nữ, cô Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh kể như không được gọi là chuyên gia số một thì cũng là một trong những chuyên gia số một của nước nhà.

Có lẽ số phận đã đưa đẩy mà hai cô giáo kính yêu của chúng ta lại được phân công nghiên cứu và giảng dạy về hai mảng văn học phản ánh về hai mặt của xã hội, của cuộc đời và của mỗi con người. Đó là cái mặt hiện thực và mặt lãng mạn. Về nguyên lý, chúng là hai mặt đối lập nhau, nhưng lại nằm trong mối quan hệ biện chứng, chuyển hoá cho nhau. Cái sự bất ngờ nhất với chúng tôi khi mới vào trường là, thoạt gặp các cô, chúng tôi lại nghĩ cô Lê Hồng Sâm giảng về văn học lãng mạn Pháp, còn cô Đặng Thị Hạnh giảng về văn học hiện thực. Nhưng ngược lại. Âu cũng là tạo hoá đã vẽ nên cái sự hài hoà.

Nói về bề ngoài, cô Đặng Thị Hạnh có dáng dấp của người dân dã, mặc dù cô sinh trưởng trong một gia đình thuộc loại "đại trí thức" yêu nước nổi tiếng, đến mức, trong vòng vài chục năm mà đã có hai thế hệ liên tiếp trở thành các danh nhân của đất nước. Ông nội Giáo sư Đặng Thị Hạnh là cụ Đặng Nguyên Cẩn, đỗ phó bảng dưới triều Nguyễn. Cụ là một văn thân yêu nước, từng là đồng chí của các bậc sĩ phu như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế… và là thành viên của Duy tân hội do Phan Bội Châu sáng lập. Cha của cô Hạnh là Đặng Thai Mai, giáo sư tiền bối của Đại học Văn Khoa (tiền thân của Đại học Tổng hợp Hà Nội). Cụ chẳng những là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học tài năng mà còn là nhà lãnh đạo xuất sắc của giới văn nghệ và sư phạm với nhiều chức vụ khác nhau. Hơn thế nữa cụ còn là nhạc phụ của nhiều bậc tướng quốc lừng danh. Trong đó, có hai vị trung tướng (trung tướng Phạm Hồng Cư và trung tướng Phạm Hồng Sơn) và vị đại tướng mà cả thế giới biết đến: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Trong lịch sử hiện đại Việt Nam, chưa ở đâu lại có hiện tượng đặc biệt như gia phái họ Đặng làng Lương Điền huyện Thanh Chương, Nghệ An. Hai cha con cụ Đặng Nguyên Cẩn và Đặng Thai Mai đều được chọn để đặt tên đường phố của hai thành phố lớn nhất nước: Cụ Đặng Nguyên Cẩn thì ở thành phố Hồ Chí Minh, còn con trai là cụ Đặng Thai Mai thì ở Hà Nội. Như vậy, họ Đặng là một danh gia nổi tiếng mà tên tuổi đi theo dọc dài đất nước. Đến thế hệ sau, tức anh chị em ruột cô Đặng Thị Hạnh, tất cả đều thành danh, trong đó phần lớn là các giáo sư, phó giáo sư làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở các trường Đại học lớn của nước nhà. Đó là những người như: Phó Giáo sư sử học Đặng Bích Hà; Phó Giáo sư văn học Đặng Thị Hạnh; Giáo sư, Tiến sĩ văn học Đặng Thanh Lê; Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn học Đặng Anh Đào; Phó giáo sư, Kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ sinh vật học Đặng Xuyến Như.

Xuất thân từ một gia đình mà sự nghiệp "kỳ vĩ" đến như thế, nhưng mới gặp cô Hạnh thì ai cũng nghĩ cô sinh trưởng từ một gia đình nông dân. Bởi cô là người đồng cảm và hiểu người nông dân một cách sâu sắc. Có được cốt cách đó, chắc chắn cô đã được giáo dục trong một bối cảnh rất đặc biệt. Khi cô ra đời, cô đã cùng cha sống nhiều năm ở các vùng thôn quê. Trong thời kỳ chiến tranh, cô lại cùng cán bộ giảng dạy và sinh viên khoa Ngữ Văn nhiều năm sống nơi sơ tán. Mặc dù dạy văn học lãng mạn, nhưng tâm hồn cô vẫn đậm đà chất hiện thực của đời sống nhân dân. Từ cách sống, lối ăn mặc đến giao tiếp hàng ngày, cô luôn hiện lên là một người giản dị khiêm nhường. Thời tôi đi học, cô vẫn còn trẻ, nhưng suốt cả 4 năm rưỡi ở trường, tôi chưa bao giờ thấy cô mặc một sắc phục nào diêm dúa. Ấy vậy, mà con người cô vẫn toát lên một vẻ đẹp lạ thường. Đó là vẻ đẹp của trí thông minh, sắc sảo trong tư duy, trong cách phân tích hình tượng các nhân vật văn học. Không giới hạn trong phần mình được phân công giảng dạy, những nghiên cứu và các bài viết của cô còn vượt ra ngoài đường biên quen thuộc ấy. Bởi thế, nói cho chính xác thì cả cô Lê Hồng Sâm và Đặng Thị Hạnh, tuy mỗi người một mảng chuyên môn, nhưng cả hai đều rất am hiểu cả hai lĩnh vực văn học hiện thực và văn học lãng mạn Pháp. Sau thế hệ các cô, cũng phải có thời gian chờ đợi mới có thể tìm thấy các môn đồ thực sự tài năng, đặng tiến kịp với tầm uyên bác của các bậc thầy này. Những người đó là ai, cho đến nay vẫn đang là một câu hỏi!

Lại nói đến sự giản dị của cô Đặng Thị Hạnh. Ngày chúng tôi mới học cô, hầu như không ai biết cô có người anh rể là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi lúc đó, và ngay cả sau này, không ai thấy cô có bất cứ thái độ gì tỏ ra mình là con nhà quyền thế. Đến khi chúng tôi nghe các thầy nói, cô là em vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì sự tò mò như càng được kích thích hơn. Hoá ra em của đại tướng mà lại giản dị như thế!

Khác với cô Sâm có giọng trầm và ấm, giọng cô Hạnh cao hơn, nói chính xác là đanh hơn. Bởi thế, khi nghe cô Sâm giảng, tâm hồn người học thường bay lên phiêu lãng dù nhân vật trong văn chương còn đằm mình trong chủ nghĩa hiện thực khắc nghiệt. Ngược lại, nghe cô Hạnh giảng, đôi khi tư duy học trò đang từ cõi mông lung lại được cô kéo trở về với thực tại sinh động. Với những âm thanh có độ nhấn sâu, lời của cô như sợi dây vô hình níu kéo lại cái sự chơi vơi, vi vút của những dòng ý nghĩ tản mạn chợt đến đang bay theo cánh diều no gió. Trong giờ giảng của cô, dù ai có lơ đãng đến đâu cũng bị cuốn hút vào lối giao tiếp khơi gợi, mở dẫn mà cô luôn coi là thủ pháp riêng trong cách giảng của mình. Ngay từ dạo đó, cô đã có một cách giảng theo giáo học pháp hiện đại chứ chẳng phải đợi đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX nhiều người mới cổ suý như thể là vừa phát hiện ra châu Mỹ. Chính vì thế, các nhân vật văn học của V.Huygô trong giờ giảng của cô dù được nhà văn miêu tả bằng bút pháp của chủ nghĩa lãng mạn vẫn lung linh chất hiện thực mà dù xa xôi, nửa vòng trái đất, ta lại cảm thấy nó như đâu đây, rất thân thuộc với cuộc sống của mình. Sức cảm hoá trong cách giảng của cô chính là, mọi sự việc hiện tượng, mọi tình thế hay xung đột được dàn dựng từ trong tác phẩm văn chương hoàn toàn không phải chỉ sự hư cấu tưởng tượng. Tất thảy đều bắt nguồn sâu xa từ cuộc sống. Đôi khi nó là mảnh vỡ trong cuộc đời của chính mỗi người.

Tôi đã từng được nghe một số thầy thế hệ đi trước kể về cô Đặng Thị Hạnh với một tình cảm quí trọng sâu sắc. Qua mỗi câu chuyện, tôi lại như được trở về với mảnh đất Đại Từ yêu thương, nơi khoa Ngữ Văn đã nhiều năm gắn bó trong cuộc chiến tranh leo thang ác liệt của giặc Mỹ. Dạo đó, phương tiện thông tin thiếu thốn chứ không như bây giờ. Không nói tới việc chưa có vô tuyến truyền hình, mà ngay cả phương tiện thông tin bằng radio cũng rất hiếm. Báo chí lại càng hiếm hơn. Việc đi lại đã khó khăn, lại thêm những trận oanh kích dữ dội của không quân Mỹ, có khi nhận được báo thì tin tức, tình hình đã lạc hậu tới hàng tuần. Bởi thế, theo thông lệ, cứ đến cuối tuần là cán bộ trong khoa và người địa phương lại ngong ngóng nhìn về phía sườn đồi để chờ đợi những chiếc xe con từ Hà Nội đi lên. Đó là xe của đại tá Hồng Cư (nay là trung tướng đã về hưu) công tác ở Tổng Cục Chính trị Quân đội, hoặc xe của chồng cô Huyền - giáo viên tiếng Anh - công tác ở một Bộ quan trọng lên thăm phu nhân. Mỗi lần như thế là khu sơ tán lại sống động hẳn lên. Các thủ trưởng từ Hà Nội không chỉ đem đến cho mọi người món quà vật chất quen thuộc là thuốc lá hay bánh kẹo, mà mang lên cho mọi người một món ăn tinh thần trong lúc ai cũng đang háo khát nhất: Tin tức. Tin tức về các cuộc đánh bom vào lòng thủ đô Hà Nội thân yêu. Tin tức thắng trận của quân dân ta trên khắp hai miền và bạn bè năm châu đang ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ… Mỗi lần đại tá Hồng Cư có mặt ở nơi sơ tán, cuộc sống của cán bộ của khoa Ngữ Văn và bà con xóm núi bỗng trở nên sống động và ấm cúng. Người ta ngồi vây quanh vị đại tá để nghe ông nói về tình hình, thế cuộc và triển vọng của cuộc kháng chiến trong tương lai… Điều thú vị hơn, đại tá Hồng Cư còn chính là anh trai của nhân vật "nàng" trong bài thơ nổi tiếng "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan nên gặp ông, ai cũng tò mò, thích thú.

Thời đó là thời bao cấp, ô tô con có lẽ hiếm hơn máy bay bây giờ. Người phụ nữ nào mà có chồng đưa đón xe riêng thì đa số mặt phải vênh lên tới 60 độ vì tự hào, hay ít nhất cặp mắt cũng cao ngạo khác đời. Vậy mà cô Hạnh thì lại bình dị quá. Từ lúc còn trẻ đến lúc về hưu, cô chẳng khi nào ỷ thế vào chồng, vào anh, chẳng khi nào có thái độ kiêu căng bởi sự nghiệp của ông cha, của chồng con hay anh em mình. Cô lúc nào cũng hòa nhã, chân tình, để cái riêng của mình tan vào cuộc sống chung, hoà vào dòng đời đi theo cùng năm tháng. Cô cặm cụi, tự xây đắp lên niềm vinh quang của chính bản thân bằng sự lao động miệt mài. Cô đã để lại cho đời những trang sách nghiên cứu sâu sắc về V. Huygô, để lại cho thế hệ sau những trang giáo trình viết chung với cô Lê Hồng Sâm về văn học Pháp rất có giá trị. Sự sắc sảo trong tư duy và những đột phá trong tư tưởng của cô kết hợp với sự thông thái, mẫn tiệp trong cách nghĩ và cách thể hiện của cô và cô Lê Hồng Sâm làm cho những trang giáo trình viết chung của hai cô là một thể thống nhất tinh tế. Có thể nói, sự góp mặt của hai cô ở khoa Ngữ Văn đã làm cho Tổ bộ môn Văn học nước ngoài mạnh hẳn lên (lúc đó chưa tách thành nhiều bộ môn riêng như bây giờ), đặc biệt làm cho mũi nhọn nghiên cứu về văn học Pháp nổi bật trong văn đàn những năm nửa sau của thế kỷ XX.

Bình về cuộc đời của nữ nhà giáo Đặng Thị Hạnh, nay có thơ rằng:

Một đời gia thế hiển vinh

Thanh cao vẫn giữ cho mình thanh cao

Đứng riêng một góc anh hào

Nữ nhi đã mấy người nào thế ru?

Trọn tình với bác Huygô

Nghĩa đem cho đám học trò phía sau

Bây giờ tóc đã bạc đầu

Văn chương thôi đã dãi dầu một phen

Đã đành vui thú điền viên

Hai vai vẫn nặng gánh văn đến già.

III. GIÁO SƯ HOÀNG THỊ CHÂU: NHÀ KHOA HỌC LAO ĐỘNG KHÔNG BIẾT MỆT MỎI

Năm 1976, trong chuyến đi hướng dẫn sinh viên thực tập ở Huế, tôi lần mò đi dọc sông Hương vào một buổi tối tìm đến xã Hương Long, cách chùa Thiên Mụ gần nửa cây số để đưa một bức thư và gói quà nhỏ cho một cụ già chừng 80 tuổi. Cụ chính là mẹ của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Châu. Tôi không nghĩ, ngôi nhà giản dị nằm bên bờ sồng Hương, ngoại ô thành phố Huế lại là nơi mà nhà giáo Hoàng Thị Châu lại gắn bó một thời gian rất dài trong quãng đời tuổi trẻ của mình.

Hoàng Thị Châu là một nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Đến nay, bà vẫn là nữ giáo sư duy nhất của ngành này, một ngành khoa học có tiếng là khô khan và “khó”. Để đạt tới điều vinh quang ấy, người phụ nữ Huế một thời nổi tiếng là “hoa khôi” khoa Ngữ văn đã phải lao động kiên trì trong một hoàn cảnh riêng không mấy thuận lợi. Nhiều thế hệ học trò và cả các đồng nghiệp luôn kính nể bà vì bà chẳng những là một cựu du kích từng chinh chiến bao phen lại là nhà khoa học thuộc “phái đẹp” đã có nhiều tâm huyết, đóng góp với ngành, với nghề. Có thể nói, bà là một nhà giáo, là một người mẹ mẫu mực khiến cho bất cứ ai trưởng thành có thể soi vào đó làm gương.

Hoàng Thị Châu là con gái út của một gia đình công chức thời Pháp. Hai cụ thân sinh ra bà đều là y tá nên cứ vài năm lại thuyên chuyển công tác một lần. Bởi thế, cùng là con trong một gia đình, chị gái cả của bà sinh ra ở Đà Lạt, còn bà lại sinh ra ở Tuy Hoà, Phú Yên. Thuở nhỏ, bà học tiểu học tại Phú Yên. Đến khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời 1945, bà theo cha và anh trai ra Huế. Tại đây bà đang học tiếp lên các lớp trên thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Với tinh thần yêu nước của tuổi trẻ, bà vừa đi học vừa tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu trong đội du kích thiếu niên tại nội thành. Không ngờ bà trở thành nguyên mẫu cho một nhân vật nữ du kích bé nhỏ tên Châu trong cuốn “Đội du kích thiếu niên thành Huế” của Văn Tùng.

Gia đình bà là gia đình truyền thống cách mạng. Cha mẹ bà từng nuôi giấu cán bộ trong nhà suốt thời kỳ đánh Mỹ, trong đó có người sau khi miền Nam giải phóng đã làm tới Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế. Còn cả 3 chị em bà đều đã từng hoạt động trong lòng địch từ cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Chị cả của bà đã từng bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Người anh trai thứ hai của bà cũng từng nếm trải những đòn tra tấn ở chốn lao tù. Riêng bà, hai lần bị địch bắt vào khám. Một lần ở tuổi mười lăm. Một lần ở tuổi mười bảy. Tuy vậy, khi thoát khỏi nhà giam bà vẫn tiếp tục lao vào hoạt động. Lần cuối cùng bà phải rời xứ Huế thân thương là lần bà đã tốt nghiệp tú tài đi dạy tại trường Trung học Bồ Đề. Lần đó, cơ sở bị lộ, bà đang đứng lớp thì bị cảnh sát ập đến vây bắt. Nhưng vì có người tới báo kịp, bà đã nhanh chóng thoát khỏi vòng vây, ra chiến khu. Bà được kết nạp Đảng, rồi vượt tuyến ra Bắc. Năm đó là năm 1955 đầy kỷ niệm. Anh trai bà sau khi ra tù cũng theo đường Bắc tiến. Hai anh em gặp lại người anh rể (chồng chị cả) đã tập kết ra Bắc. Nửa nhà vui trong đoàn tụ.

Sau đó một năm, năm 1956, với chính sách ưu tiên con em miền Nam trong chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học lâu dài, Hoàng Thị Châu được Nhà nước cử đi học Đại học tại Liên xô. Tại trường Đại học Lô mô nô xốp năm đó, Ban đồng hương Việt Nam được tiếp nhận thêm một nữ sinh duyên dáng nhưng rất can trường của xứ Huế thơ mộng. Thuở ấy, nữ sinh học ở bậc đại học thật là hiếm hoi.

Tốt nghiệp đại học năm 1962, Hoàng Thị Châu về nước và công tác trong tổ bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ Văn. Ngay sau khi về nước một thời gian bà đã bắt đầu có những bài nghiên cứu được giới chuyên môn chú ý. Đó là những bài viết như “Vấn đề xác minh các tộc người ở Việt Nam” viết chung với Nguyễn Linh (Dân tộc, số 38.1963); “Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua những tên sông” (Thông báo khoa học trường ĐHTH HN, Ngữ văn tập 2, Nxb GD.1966); “Cương vực nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ” (trong “Hùng Vương dựng nước. Tập 1. Nxb KHXH 1968)... Sau khi trình làng những bài viết này, Hoàng Thị Châu đã xác định được hướng đi lâu dài trong chuyên môn. Bà chuyên tâm đi sâu vào nghiên cứu các lĩnh vực thuộc địa danh học, phương ngữ học, phương pháp dạy tiếng Việt, ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số. Nói đến ngành phương ngữ học ở Việt Nam, không ai có thể quên Hoàng Thị Châu. Bà là một chuyên gia cỡ đầu ngành của lĩnh vực này.

Sau khi công tác 13 năm tại tổ bộ môn Ngôn ngữ học, bà được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức làm chuyên gia dạy tiếng Việt. Trong 5 năm công tác ở một trường đại học tầm cỡ quốc tế - Đại học Hum bôn, bà vừa giảng dạy vừa nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 1980. Với sự hiểu biết và những tri thức sâu sắc về tiếng Việt, bà đã cho xuất bản cuốn sách dạy tiếng Việt bằng tiếng Đức. Đây là một cuốn sách dạy tiếng được đánh giá là có chất lượng cao, đặc biệt ở phần ngữ âm. Vì vậy, sau khi nước Đức hợp nhất, nó vẫn được sử dụng làm giáo trình dạy tiếng Việt cho sinh viên ở trường đại học nổi tiếng này.

Là một phụ nữ duy nhất của tổ bộ môn thời đó (về sau có thêm Đinh Lệ Thư, khi đi nghiên cứu sinh trở về bà Đinh Lệ Thư đã về thành phố Hồ Chí Minh công tác) nhưng Giáo sư Hoàng Thị Châu không bao giờ chịu nhận sự “ưu tiên” của các đấng “mày râu” trong tổ. Thời sơ tán, bà cũng đã từng cùng sinh viên trèo đèo lội suối lên vùng rừng núi Việt Bắc xa xôi, gắn cuộc đời mình với cuộc sống giảng dạy, học tập của cán bộ sinh viên trong khoa, trong trường. Khi bộ môn triển khai công trình nghiên cứu ngôn ngữ Tày- Nùng, một công trình nghiên cứu trọng điểm của bộ môn những năm đánh Mỹ, bà cũng khoác ba lô hướng dẫn sinh viên đi thực tế, đi xuống tận những hang cùng ngõ hẻm để điều tra tình hình ngôn ngữ của các dân tộc ít người. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu, gần như năm nào bà cũng đưa sinh viên, nghiên cứu sinh cùng các đồng nghiệp đi tới những vùng sâu, vùng xa như: Đồng Văn - điểm cực bắc của tổ quốc, Điện Biên, Võ Nhai... để ghi chép các ngôn ngữ chưa có chữ viết như Dao, Hà Nhì hoặc những ngôn ngữ có nguy cơ diệt vong như La Chí, Klao... Ở lĩnh vực này, bà có nhiều đóng góp trong nghiên cứu chữ viết và ngữ âm và cũng là một chuyên gia có không ít cống hiến trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở đại học.

Từ năm 1983 đến 1993, suốt 10 năm liền bà đảm nhiệm thêm chức chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học trong khoa Ngữ văn. Với cương vị là một nhà quản lý chuyên môn, bà luôn mở rộng sự hợp tác với các đơn vị bạn trong nghiên cứu và đào tạo, đồng thời phối hợp hoạt động nghiên cứu với các đồng nghiệp. Trong khoảng thời gian đó, do yêu cầu về hợp tác Quốc tế bà đã phối hợp cùng một số cán bộ như Hữu Đạt, Mai Ngọc Chừ rồi Diệp Quang Ban hoàn thành một bộ sách dạy tiếng Việt 3 tập dùng làm tài liệu giảng dạy cho học sinh Cămpuchia. Bà được phong phó giáo sư năm 1984 và được phong giáo sư năm 1991. Cho đến nay, bà vẫn là nữ giáo sư duy nhất trong toàn ngành Ngôn ngữ học Việt Nam.

Điều đáng nói về cuộc đời Giáo sư Hoàng Thị Châu là bà phải sống trong một hoàn cảnh không thuận lợi, nhưng lúc nào bà cũng biết gạt chuyện riêng để nghĩ tới việc chung. Bà có thiệt thòi là gặp cảnh đời tư trắc trở, nhưng chưa bao giờ có ai nghe thấy một lời than thở nào ở bà. Cặm cụi làm khoa học, đồng lương ít ỏi, chắt chiu nuôi hai con trai trưởng thành, bà không mấy khi có thời gian để chăm lo cho cuộc sống riêng của mình. Vậy mà, trong cuộc đời, lúc nào bà cũng đàng hoàng. Đàng hoàng trong lối sống. Đàng hoàng trong ứng xử với học trò và đồng nghiệp. Đàng hoàng trong nhân cách khoa học. Với người dưới, bà bao giờ cũng tận tình giúp đỡ. Với người trên bà không bao giờ xu nịnh, xuôi chiều. Nhẹ nhàng trong giao tiếp, lịch sự trong cử chỉ, nhưng bản lĩnh trong khoa học, tự bà đã tạo ra một cá tính, một bản sắc riêng trong cuộc đời hoạt động khoa học. Con người bà là sự kết hợp hài hoà cái phẩm chất can trường của cô nữ du kích và sự duyên dáng của cô nữ sinh giàu tâm hồn, mơ ước của thành phố Huế mộng mơ. Chính sự kết hợp này làm cho bà có đủ bản lĩnh vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống riêng tư mà vẫn giữ được trạng thái cân bằng, năng động trong tư duy. Bởi thế, nhìn vào hành trình khoa học của bà, nhiều đấng “anh hùng” của phái mày râu phải sửng sốt. Trong mấy chục năm bà đã cho xuất bản 7 cuốn sách (thuộc các lĩnh vực khác nhau như: giáo trình, chuyên luận, từ điển) và công bố 56 bài báo (không tính hai năm trở lại đây). Với một nhà khoa học nữ, con số trên quả là một kỷ lục không mấy ai đạt tới. Nó làm cho nhiều người phải kính nể, nhất là trong ngành ngôn ngữ học. Bởi vì có không ít giáo sư, cả đời mà viết được đôi ba cuốn sách cũng trầy trật lắm rồi. Chưa kể vài chục bài báo được đăng trên nhiều tạp chí trong nước và nước ngoài với các ngôn ngữ từ tiếng Việt đến tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, bà cũng đủ là tấm gương sáng cho tinh thần lao động cần cù, sự học hỏi không mệt mỏi. Với những công lao to lớn ấy bà đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005.

Những năm gần đây, Giáo sư Hoàng Thị Châu đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn luôn luôn quan tâm đến nhiều vấn đề của địa danh học, vấn đề chuẩn hoá địa danh. Tuổi cao mà sức không yếu, bà vừa gánh trên vai trách nhiệm người mẹ, người bà, lại vẫn không từ bỏ lòng say mê của một người làm công tác nghiên cứu khoa học. Bà vẫn ấp ủ nhiều ý tưởng và cứ sau một thời gian bà lại có một bài nghiên cứu gửi đăng tạp chí hay đọc trong Hội nghị khoa học. Ngoài ra, mỗi khi bộ môn cần sự hỗ trợ nhân sự bà vẫn tham gia hướng dẫn hoặc phản biện các luận án tiến sĩ, luận văn cao học hoặc khoá luận tốt nghiệp của sinh viên. Mỗi khi có Hội nghị khoa học ở trường, ở khoa, bà vẫn có mặt tham gia dù có hay không có bài viết. Với bà, mỗi lần vào khoa là một lần bà được sống lại thời kỳ sôi nổi, trẻ trung của cuộc đời dạy học. Nơi đây không chỉ là một tổ ấm mà bà gắn bó gần như suốt cả cuộc đời với các bạn đồng nghiệp mà còn là nơi bà có nhiều kỷ niệm với các thế hệ học trò. Có biết bao lớp người đã lần lượt trưởng thành từ đây, có một phần đóng góp của bà. Trong đó có nhiều người ngày nay trở thành các nhà văn, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy đại học, nhà quản lý... Bất cứ ai, mỗi khi nhắc đến cái tên Hoàng Thị Châu, đều có một cảm giác gần gũi, kính trọng. Có thể nói, bà vừa là một nhà giáo mẫu mực vừa là một nhà khoa học luôn làm việc không biết mệt mỏi. Sự nghiệp của bà xứng đáng là một sự nghiệp có tầm vóc trong ngành Ngữ học Việt Nam.

Bởi thế, luận về bà đời sau mới có thơ rằng:

Ai về xứ Huế mộng mơ

Thăm chùa Thiên Mụ ghé bờ Hương Giang

Có người trong biệt động thành

Từng là nhân vật, nổi danh một thời

Trải bao vật đổi sao dời

Nửa đời truân trải nửa đời hiển vinh

Này riêng, riêng những... một mình

Gươm đàn nửa gánh chữ tình nặng vai

Giáo theo suốt cả đời người

Sư thành danh toại ấy Trời đất cho

Anh hùng nhi nữ giang hồ

Tự tay gây dựng cơ đồ... mấy ai?

 Trích: Văn khoa chân dung ký - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   | 406   | 407   | 408   | 409   | 410   | 411   | 412   | 413   | 414   | 415   | 416   | 417   | 418   | 419   | 420   | 421   | 422   | 423   | 424   | 425   | 426   | 427   | 428   | 429   | 430   | 431   | 432   | 433   | 434   | 435   | 436   | 437   | 438   | 439   | 440   | 441   | 442   | 443   | 444   | 445   | 446   | 447   | 448   | 449   | 450   | 451   | 452   | 453   | 454   | 455   | 456   | 457   | 458   | 459   | 460   | 461   | 462   | 463   | 464   | 465   | 466   | 467   | 468   | 469   | 470   | 471   | 472   | 473   | 474   | 475   | 476   | 477   | 478   | 479   | 480   | 481   | 482   | 483   | 484   | 485   | 486   | 487   | 488   | 489   | 490   | 491   | 492   | 493   | 494   | 495   | 496   | 497   | 498   | 499   | 500   | 501   | 502   | 503   | 504   | 505   | 506   | 507   | 508   | 509   | 510   | 511   | 512   | 513   | 514   | 515   | 516   | 517   | 518   | 519   | 520   | 521   | 522   | 523   | 524   | 525   | 526   | 527   | 528   | 529   | 530   | 531   | 532   | 533   | 534   | 535   | 536   | 537   | 538   | 539   | 540   | 541   | 542   | 543   | 544   | 545   | 546   | 547   | 548   | 549   | 550   | 551   | 552   | 553   | 554   | 555   | 556   | 557   | 558   | 559   | 560   | 561   | 562   | 563   | 564   | 565   | 566   | 567   | 568   | 569   | 570   | 571   | 572   | 573   | 574   | 575   | 576   | 577   | 578   | 579   | 580   | 581   | 582   | 583   | 584   | 585   | 586   | 587   | 588   | 589   | 590   | 591   | 592   | 593   | 594   | 595   | 596   | 597   | 598   | 599   | 600   | 601   | 602   | 603   | 604   | 605   | 606   | 607   | 608   | 609   | 610   | 611   | 612   | 613   | 614   | 615   | 616   | 617   | 618   | 619   | 620   | 621   | 622   | 623   | 624   | 625   | 626   | 627   | 628   | 629   | 630   | 631   | 632   | 633   | 634   | 635   | 636   | 637   | 638   | 639   | 640   | 641   | 642   | 643   | 644   | 645   | 646   | 647   | 648   | 649   | 650   | 651   | 652   | 653   | 654   | 655   | 656   | 657   | 658   | 659   | 660   | 661   | 662   | 663   | 664   | 665   | 666   | 667   | 668   | 669   | 670   | 671   | 672   | 673   | 674   | 675   | 676   | 677   | 678   | 679   | 680   | 681   | 682   | 683   | 684   | 685   | 686   | 687   | 688   | 689   | 690   | 691   | 692   | 693   | 694   | 695   | 696   | 697   | 698   | 699   | 700   | 701   |