Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Vấn đề giáo dục quốc dân trong đường lối duy tân cứu nướccủa Đông Kinh Nghĩa Thục.
Cách đây 100 năm, các nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) khi quyết định đường lối duy tân cứu nước của tổ chức này đã lựa chọn giáo dục quốc dân (GDQD) là một nội dung quan trọng trong các biện pháp đấu tranh công khai hợp pháp nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng là giải phóng nước nhà khỏi ách thống trị của thực dân Pháp

I. Điểm xuất phát của tư tưởng giáo dục quốc dân.

Khi đề xuất tư tưởng GDQD, các nhà sáng lập ĐKNT đã căn cứ vào những nhận thức sau đây: 1- Nước ta sở dĩ mất vào tay thực dân Pháp là do đông đảo dân ta chưa nhất tề chống xâm lược mà coi đó là việc của triều đình vua quan; 2 - Chỉ khi nào toàn dân đều yêu nước và một lòng đứng lên chống ngoại xâm thì nước ta mới có cơ thoát khỏi ách cai trị của giặc Pháp; 3 - Muốn như vậy, trước hết phải thức tỉnh quốc dân, dạy cho họ biết mình có quyền lợi và nghĩa vụ gì đối với đất nước, nghĩa là tiến hành giáo dục quốc dân.

Quốc dân độc bản (sách giáo khoa chính của ĐKNT) viết: “Dân nước ta không có quyền chính trị. Dân ta không biết nước là gì, nghe ai bàn việc nước thì bịt tai bỏ chạy. Than ôi, không gì lo hơn mất nước. Dân nước văn minh xem việc nước như việc nhà. Nước mạnh thì dân mừng, yếu thì dân lo. Hãy làm cho nước ta ngày càng văn minh, kế ấy là của nước, cũng là của bản thân ta”. Hải ngoại Huyết thư của Phan Bội Châu phân tích hai lý do làm ta mất nước:

Một là vua, sự dân chẳng biết,

Hai là quan chẳng thiết gì dân.

Ba là dân chỉ biết dân,

Mặc quân với quốc, mặc thần với ai.

Đúng vậy, khi người dân không được hưởng bất cứ quyền lợi gì thì họ cũng chẳng quan tâm đến sự an nguy của tổ quốc; như thế thì sao không mất nước vào tay quân xâm lược hùng mạnh ? Suy cho tới cùng, nguyên nhân sâu xa khiến ta thua Pháp là do dân trí thấp: trong hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, người dân chưa bao giờ được học những tri thức tối thiểu như chữ viết, các thường thức về đời sống, nói gì đến kiến thức chính trị, quyền lợi và nghĩa vụ của dân đối với nước nhà. Nói cách khác, sự lạc hậu về văn hóa giáo dục dẫn đến lạc hậu về tư tưởng, làm cho dân ngu nước yếu.

Tấm gương Nhật Bản cho thấy tuy lúc đầu họ cũng lạc hậu như ta, nhưng do coi trọng giáo dục quốc dân và tiếp thu văn minh phương Tây nên dân trí nâng cao rất nhanh; nhờ thế cuộc Duy Tân Minh Trị tiến hành thuận lợi, Nhật nhanh chóng hùng mạnh, chẳng những không bị nước ngoài xâm chiếm mà còn đánh thắng các nước lớn khác, trở thành cường quốc mạnh nhất châu Á. Tỷ lệ biết chữ của dân Nhật vào giữa thế kỷ XIX là 30%, trong nam giới là 50%, còn ở ta có lẽ chưa đạt 1%. Quốc dân độc bản so sánh: “Nước Nhật chỉ có 43 huyện mà có 26.824 trường tiểu học. Nước ta hơn 30 tỉnh, hơn 500 huyện mà chưa nghe ai nói tới mở trường. Than ôi ! Chẳng phải là đáng giận lắm sao ?” Giáo dục Nhật phát triển cao như thế là nhờ có đường lối đúng. Một thí dụ: khi được Trung Quốc bồi thường 200 triệu lạng bạc (do Nhật thắng cuộc chiến tranh 1894), vua Nhật ra lệnh dùng toàn bộ số tiền này vào việc xây dựng trường học, sao cho không vùng hẻo lánh nào không có trường học, phần lớn dân được phổ cập giáo dục tiểu học. Nhờ dân trí cao nên người Nhật dễ dàng đồng tâm nhất trí bỏ nền giáo dục khoa cử Nho giáo, chuyển sang học văn minh phương Tây, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các sĩ phu ĐKNT hiểu được việc cần làm trước tiên là nâng cao dân trí. Văn minh tân học sách (sách có tính chất cương lĩnh của ĐKNT) viết: muốn nước mình cũng văn minh và giàu mạnh như Nhật Bản, thì ta “phải nhờ có một chủ nghĩa lớn … là chủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân”.

II. Nội dung tư tưởng giáo dục quốc dân của ĐKNT.

Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, ĐKNT bắt tay xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới nhằm thực hiện mục tiêu chính trị giải phóng dân tộc ta ra khỏi ách xâm lược. Đây thực sự là một cuộc cách mạng giáo dục trên tất cả các lĩnh vực: đối tượng và mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục.

Các nhà sáng lập ĐKNT chủ trương : để nâng cao dân trí thì phải dạy dân học; song không thể áp dụng cách dạy và học trong nền giáo dục Nho giáo tồn tại hàng nghìn năm qua ở ta. Trong nền cựu học, người đi học không phải để trau dồi các kiến thức có ích cho sự phát triển cá nhân và xã hội, mà chỉ học thuộc lòng một mớ kiến thức văn, sử, triết học Trung Quốc có từ mấy nghìn năm trước, không đổi mới theo tiến trình lịch sử, vô ích cho việc nâng cao dân trí, mở mang nước nhà. Học chỉ cốt để đi thi, vì nếu thi đỗ thì có danh vọng (khoa danh); kiểu giáo dục ấy chỉ đào tạo một nhúm nhỏ người làm quan mà thôi. Quốc dân độc bản viết: “Nền giáo dục của nước ta (trước đây) đặt đạo đức lên đầu, định phân trên dưới, xem trí năng là thứ yếu, cho nên không nói đến giáo dục quốc dân ... chỉ ai có chí làm công khanh đại phu mới học”. Nghĩa là nền cựu học trước hết dạy mọi người thứ “đạo đức” tuân thủ trật tự Nho giáo nhằm duy trì chính quyền phong kiến, tộc quyền, thần quyền và phu quyền (quyền của đàn ông), chứ không dạy họ các tri thức có ích cho bản thân họ và cho xã hội, ngược lại còn kìm hãm sự phát triển của cá nhân và xã hội. Dân chiếm số đông nhất lại không được học nên suốt đời ngu dốt, chỉ biết làm nô lệ.

Một giáo sư ĐKNT viết: “Nước Nam ta bây giờ dốt tệ lắm… Bao nhiêu khổ sở nhục nhằn ở nước Nam ta cũng vì cái dốt mà ra cả”. Bài hát nói về sự ăn uống viết:

Ngu sao ngu thế là ngu,

Ngán sao ngán vậy, ngán cho dân mình.

Xin ai cũng quyết tình bỏ dứt,

Gương văn minh chém đứt cho xong.

Các sĩ phu ĐKNT tuy cả đời theo đuổi cử nghiệp Nho giáo nhưng nhờ đọc tân thư Trung Quốc, Nhật Bản, nhờ chịu ảnh hưởng tư tưởng duy tân của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nên họ sớm nhận thấy mặt tiêu cực của nền giáo dục Nho giáo đã kìm hãm sự phát triển của cá nhân và xã hội Việt Nam:

Khoa danh buổi đã qua rồi,

Giật mình tỉnh dậy rằng thôi xin chừa.

ĐKNT chủ trương xây dựng nền giáo dục quốc dân, tức là nền giáo dục dạy cho toàn dân những kiến thức cần nhất, “chỉ cốt học để làm người dân, chứ không học lối từ chương khoa cử, là cái di độc ngày xưa còn lại, lúc bấy giờ chúng tôi ghét lắm.” (lời Giám học Nguyễn Quyền). Quốc dân độc bản viết: “Đường lối giáo dục quốc dân là làm rõ cái lý tương quan giữa nước với dân, cho dân biết họ có vị trí, chức phận ra sao và làm thế nào để gây ý thức ái quốc ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị tự lập. Một nước không có giáo dục quốc dân thì trăm họ u mê, không biết quốc gia, chính trị là gì.” Khái niệm quốc dân ngày ấy chính là khái niệm công dân hiện nay; giáo dục quốc dân nhằm mục đích chính là đào tạo người dân biết làm các nghĩa vụ với quốc gia và biết đòi được hưởng các quyền lợi chính đáng.

Nói cách khác, ĐKNT chủ trương đổi mới đối tượng và mục tiêu giáo dục : ngày xưa chỉ một số cực ít người có điều kiện kinh tế tương đối khá mới được đi học, và mục tiêu học chỉ để làm quan; ngày nay toàn dân đều phải được học và học để làm người dân kiểu mới, làm chủ đất nước. Quốc dân độc bản hô hào: “Thiếu niên chúng ta phải ra sức học cái hữu dụng, chớ để cái học khoa cử phá hỏng chí hưởng của mình”. Nếu cứ học theo lối cũ “thì nước ta sẽ không đời nào hưng thịnh được” và “Học là để có ích cho bản thân mình và cho quốc gia, xã hội … Một là học vệ sinh, tức là học phương pháp làm cho thân thể cường tráng, không bệnh tật; hai là học trị sinh, tức là học phương pháp làm cho ta có thức ăn, đồ mặc và quản lý sản nghiệp; ba là học làm người, làm quốc dân, tức là học cách tự kiềm chế và cách đối xử với quốc gia, xã hội. Đạt được ba điều ấy là cái học hữu dụng, không đạt được là cái học vô dụng”. “Giáo dục quốc dân là bồi dưỡng cho quốc dân lòng trung nghĩa, lòng quả cảm” (trích Quốc dân Độc bản)

Nghĩa là ĐKNT đã đổi mới nội dung giáo dục, từ học các kiến thức vô dụng chuyển sang học các kiến thức hữu ích cho việc phát triển cá nhân và xã hội, làm cho nước giàu dân mạnh, tiến lên văn minh hiện đại.

ĐKNT chú trọng dạy các thường thức về chính trị, kinh tế, xã hội nhằm để người dân hiểu biết về quyền lợi nghĩa vụ của mình, về xã hội, quốc gia, thế giới. Đây là các nội dung xưa nay chưa từng được dạy ở nước ta. Điểm qua tên một số bài trong số 79 bài của Quốc dân độc bản đủ thấy điều đó: - Quan hệ giữa nước với dân; - Nỗi bi thảm của quốc gia không được độc lập; - Lòng yêu nước; - Độc lập; - Cạnh tranh; - Chính thể; - Bàn về cái hại của khoa cử; - Thuế khóa; - Pháp luật; - Nước ta nên chấn hưng thực nghiệp; - Máy móc; - Ích lợi của đại công nghiệp; - Tiền công; - Tư bản; - Nhà đại tư bản cũng có ích cho người nghèo; - Thương mại; - Tiền tệ; - Trái phiếu, hối phiếu; - Séc; - Công ty; các bài viết về nước Nhật (chính thể, giáo dục…). Sách Luân lý giáo khoa có các chương nói về nghĩa vụ của dân với tổ quốc, gia đình, bản thân, xã hội, với muôn loài.

Nội dung các tài liệu giảng dạy và tuyên truyền của ĐKNT đều nhằm nâng cao lòng yêu nước, đả phá nền cựu học khoa hoạn phong kiến cùng lối sống cũ, đề xướng tân học cùng lối sống mới, học văn minh phương Tây, học chữ quốc ngữ và khoa học kỹ thuật, chấn hưng kinh tế. Văn thơ của các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền…được dùng để giảng dạy và bình luận trong các buổi bình văn thơ. Một số tài liệu nhà trường phát cho học viên có nội dung vạch tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi đồng bào đứng lên cứu nước.

Ngày xưa, người đi học đã ít lại học toàn thứ vô dụng. Học trò các lớp của thày đồ vỡ lòng bằng sách Tam Tự Kinh rồi đến Sơ học vấn tân, Dương Tiết … đều viết từ đời Nam Tống tức thế kỷ XII, học trò phải học thuộc lòng và học đọc viết chữ Nho. Sau đó học Tứ Thư rồi Ngũ Kinh, cũng viết từ 3000 năm trước, toàn là các kiến thức văn-sử-triết của Trung Quốc cổ, nội dung không hề thay đổi theo thời đại. Môn làm văn cũng hoàn toàn bắt chước các bài văn mẫu có sẵn. Môn sử chủ yếu học Bắc sử, tức sử Trung Quốc trong sách Thông giám cương mục viết từ thời nhà Tống, cho nên chỉ biết sử từ thời này về trước, chẳng biết gì về Trung Quốc sau thế kỷ XII ! Chỉ có thế mà phải mất 10 năm đèn sách sôi kinh nấu sử mới nhồi nhét xong mấy thứ kiến thức vô dụng ấy. Sau đó ai học giỏi và có tiền thì mới được vác lều chõng đi thi Hương (3 năm một kỳ thi, cả nước có 6 nơi thi) để lấy học vị tú tài, cử nhân, giải nguyên. Ai đỗ cử nhân mới được dự tiếp các kỳ thi Hội để lấy học vị phó bảng, tiến sĩ, hội nguyên. Tiếp sau, ai đỗ tiến sĩ mới được dự thi Đình để lấy 3 bậc học vị; bài thi do nhà vua thân chinh đưa ra. Nội dung đề thi Hương kỳ thứ nhất là giảng nghĩa một câu trong Tứ thư, Ngũ kinh, nhưng phải giảng theo lời có sẵn trong sách Tống Nho; hình thức văn chương nhất thiết phải dùng văn tám vế (bát cổ). Kỳ thứ hai là thi làm thơ và phú. Kỳ thứ ba thi làm các bài tập làm quan. Tóm lại, học toàn kiến thức vô bổ, lại học thuộc lòng, không suy luận sáng tạo; chỉ cần chăm học và có trí nhớ tốt là có thể thi đỗ. Vì thế nước ta ngày xưa có nhiều người đỗ đạt nhưng kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị … không phát triển được, đất nước mãi mãi lạc hậu.

Để thực hiện mục tiêu đông đảo dân chúng được học và học được, ĐKNT đã có một quyết định rất mạnh dạn: chỉ dùng chữ quốc ngữ và bỏ chữ Hán – vì đó là thứ chữ khó học tới mức “khi dùng được chữ thì trán đã nhăn, lưng đã còng” (lời Vũ Bội Liêu). Chữ Hán là loại chữ biểu ý, không biểu âm, vốn là chữ của người TQ, do đó không biểu hiện được ý nghĩ và lời nói của dân ta. Chữ Nôm tuy biểu âm song lại phức tạp, khó học hơn, vì phải biết chữ Hán mới học được chữ Nôm ! Văn minh tân học sách khuyên: “Người trong nước nên học lấy chữ quốc ngữ để trong vài tháng, đàn bà trẻ con đều biết chữ và có thể dùng. Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy”. Bài ca khuyên học chữ quốc ngữ viết: “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước. Phải đem ra tính trước dân ta. Sách các nước, sách Chi-na (tức TQ) Chữ nào chữ ấy dịch ra tỏ tường”.

Thực ra từ thế kỷ XVII, các giáo sĩ người Âu đã dạy chữ quốc ngữ ở nhiều nơi trên nước ta nhằm mục đích truyền giáo thuận lợi. Từ 1867 người Pháp cho dạy chữ quốc ngữ ở Nam kỳ nhằm dễ dàng phổ biến các công báo, luật lệ của nhà cầm quyền, tức để củng cố nền cai trị của Pháp. Song do bị các nhà Nho yêu nước (đứng đầu là Nguyễn Đình Chiểu) kịch liệt chống lại nên việc học chữ quốc ngữ không thể tiến hành rộng rãi, nhất là ở Bắc và Trung bộ. Chỉ đến khi ĐKNT tích cực cổ súy và giải thích, đông đảo nhà Nho mới hiểu được mục đích chính trị cao cả của việc này, như Phan Chu Trinh nói: “Không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam !”, từ đó họ tán thành học chữ quốc ngữ. Nhờ vậy dân ta đã chấp nhận dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán – thứ văn tự chính thức hơn nghìn năm của nhà nước Việt Nam. Đây thật sự là một thành công lớn, một cuộc cách mạng văn hóa chưa từng có trong lịch sử nước ta. Hệ quả tiếp sau là năm 1919 triều đình Huế bãi bỏ các kỳ thi chữ Hán và tháng 9/1924, Toàn quyền Merlin ký quyết định dạy chữ quốc ngữ ở cấp tiểu học. Từ đó trở đi chữ quốc ngữ được cải tiến dần, ngày nay trở nên hoàn chỉnh, tiện dụng, là niềm tự hào của dân tộc ta so với nhiều dân tộc châu Á khác. Không có thứ chữ La-tinh hóa này thì tiếng Việt và văn hóa, khoa học kỹ thuật Việt Nam khó mà phát triển được như ngày nay. ĐKNT đã có công rất lớn trong việc đưa chữ quốc ngữ thành chữ viết chính thức của nước ta.

Phương thức giáo dục cũng được đổi mới. Để toàn dân có thể đi học, trường ĐKNT không thu học phí, các tài liệu giảng dạy và tuyên truyền đều phát không cho học viên. Ai muốn học đều được, bất kể già trẻ gái trai, kể cả nhà Nho muốn học tiếng Pháp. Lần đầu tiên phụ nữ được quyền đi học. Ngoài lên lớp, nhà trường còn tổ chức các sinh hoạt ngoại khóa như bình văn thơ, diễn thuyết cổ động. Các hình thức tuyên truyền giáo dục này được đông đảo nhân dân hoan nghênh, do đó có câu “Buổi diễn thuyết người đông như hội. Kỳ bình văn khách tới như mưa”

Khác hẳn nền cựu học chỉ dạy học sinh thuộc lòng thứ văn chương cao sang khó hiểu viết từ mấy nghìn năm trước, các tài liệu giảng dạy của ĐKNT thường viết dưới dạng thơ ca dễ hiểu dễ học dễ nhớ. Sách Quốc văn tập đọc có 19 bài ca như: khuyên học chữ quốc ngữ, khuyên yêu nước, khuyên họp đàn, mẹ khuyên con, răn người uống rượu, răn người đánh bạc…Bài ca Khuyên người đi tu viết: “Phen này cắt tóc đi tu/ Tụng kinh Độc lập, ở chùa Duy tân/ Đêm ngày khấn vái chuyên cần/ Cầu cho ích quốc lợi dân mới là...” Bài Vợ khuyên chồng viết: “Anh làm sao cho ích nước lợi nhà/ Mọi nghề tân học ắt là phải thông/ Anh làm sao cho nổi tiếng Lạc Hồng/ Có khôn mới đứng được trong cõi đời.” Hình thức thơ ca thể lục bát này đã có tác dụng rất lớn trong việc phổ cập các thường thức mọi mặt cho đông đảo quần chúng có trình độ văn hóa thấp. Nhiều bài thơ ca đó được bà con ta truyền miệng nhớ tới thế hệ hiện nay.

III. Suy nghĩ về giáo dục quốc dân trong thời đại hiện nay.

Đề xuất tư tưởng giáo dục quốc dân là một bước tiến lớn trên con đường phát triển nền giáo dục nước ta, thực chất là một cuộc cách mạng giáo dục. Điểm tiến bộ nổi bật nhất trong tư tưởng GDQD là đổi mới đối tượng giáo dục: từ chỗ chỉ giáo dục một số cực ít người chuyển sang giáo dục phổ cập cho đại chúng nhân dân. Quốc dân độc bản viết: “Muốn làm cho cả nước văn minh thì phải có giáo dục phổ cập, tức là cả nước không một người nào không được đi học. Không thể không cho con em chúng ta được nhận một nền giáo dục hợp pháp. Học là để có ích cho bản thân mình và cho quốc gia, xã hội”.

Quan niệm trên của ĐKNT hoàn toàn phù hợp với định nghĩa giáo dục thời nay: giáo dục là quá trình học tập vì sự phát triển của cá nhân và xã hội thông qua việc truyền đạt tri thức, thực hành tri thức …

Hệ thống giáo dục phổ cập bắt buộc và giáo dục cộng đồng hiện được cả thế giới coi trọng phát triển chính là hệ thống giáo dục quốc dân của ĐKNT. Hệ thống đó đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện mục tiêu hiện đại hóa một quốc gia. Hiện nay Việt Nam ta mới thực hiện giáo dục phổ cập mức lớp 7. Chúng ta nhất thiết phải tiến tới phổ cập giáo dục mức phổ thông trung học. Tỷ lệ dân biết chữ và tỷ lệ trẻ em được hưởng giáo dục phổ cập là tiêu chuẩn đánh giá trình độ văn minh, hiện đại của một quốc gia. Một nước có nhiều nhà khoa học giỏi mà đa số dân vẫn mù chữ hoặc không được hưởng giáo dục phổ cập thì nước đó khó mà tiến lên văn minh hiện đại được. Ấn Độ là một thí dụ điển hình.

Phương thức dạy học miễn phí của ĐKNT gợi ý chúng ta nên cố gắng giảm tới mức tối thiểu mọi chi phí của người dân khi học ở các cấp giáo dục phổ cập bắt buộc, trước hết là nông dân. Từ năm nay, Trung Quốc đã thi hành chính sách miễn tất cả các “tạp phí” cho con em nông dân học tiểu học, toàn bộ sách giáo khoa đều phát không cho họ.

Học giả Chương Thâu nhận xét: lần đầu tiên trong lịch sử, ĐKNT đã thành công tách rời thi cử ra khỏi giáo dục – một vấn đề hiện nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Rõ ràng, chỉ có nền giáo dục quốc dân mới thực hiện được việc đó. Học viên trường ĐKNT đi học không cần thi cử nhưng người ta vẫn say sưa học, vì học là có lợi cho mình, cho nước. Từ đó suy ra phải chăng chúng ta có thể đặt vấn đề bỏ thi cử ở các bậc giáo dục phổ cập?

So sánh tư tưởng giáo dục quốc dân do các yếu nhân ĐKNT đề xuất cách đây 100 năm với tư tưởng giáo dục hiện đại, chúng ta càng thấy tổ tiên ta thật là sáng suốt, nhìn xa trông rộng. Tự hào vì các bậc tiền bối của mình, chúng ta càng quyết tâm tiến trên con đường đảy mạnh sự nghiệp phổ cập giáo dục toàn dân của Nhà nước ta.

 Nguyễn Đại Đồng - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   |